Thứ hai, 23/12/2024 20:58 GMT+7
Thứ tư, 02/12/2015 16:28 GMT+7

Thanh tra chuyên đề năm 2015 - Một số kết quả đáng ghi nhận

Sau 3 tháng triển khai thực hiện, Cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc năm 2015 với nội dung “thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL) nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với hàng đóng gói sẵn (HĐGS)” đã kết thúc.

Cuộc thanh tra đã thu được những kết quả tích cực và qua thanh tra đã rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích cho công tác quản lý.

Trong thời gian gần đây, xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật về TCĐLCL và SHCN trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh HĐGS theo định lượng (hàng đóng gói sẵn) như: bánh kẹo, bột canh, bột gia vị, nước mắm, nước sốt, nước uống đóng chai, nước giải khát, nước rửa chén, nước tẩy rửa, cà phê, chè, khí đốt hóa lỏng LPG... gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và xã hội. Trước tình hình đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã quyết định triển khai cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2015 với nội dung “thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN đối với HĐGS” (thanh tra chuyên đề năm 2015). 

Một số kết quả đạt được Cuộc thanh tra chuyên đề năm 2015 có 62/63 tỉnh,thành phố tham gia với tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh được thanh tra là 2.867, bao gồm hầu hết các nhóm hàng hóa, trong đó cụ thể đối với từng loại HĐGS như sau: bánh, mứt, kẹo, đường là 400 cơ sở; phân bón là 351 cơ sở; khí đốt hóa lỏng LPG là 357 cơ sở; thức ăn chăn nuôi là 263 cơ sở; sản phẩm từ nông sản là 218 cơ sở; rượu bia, nước giải khát, nước uống là 196 cơ sở; sơn, bột bả tường là 163 cơ sở; thuốc bảo vệ thực vật là 148 cơ sở;  sữa, sản phẩm từ sữa là 150 cơ sở; xi măng 127 cơ sở; muối, mì chính, bột gia vị 102 cơ sở; nước mắm, nước chấm, nước sốt 85 cơ sở; xà phòng, chất tẩy rửa 74 cơ sở; dầu nhờn 76 cơ sở; Thủy sản, sản phẩm từ thủy sản 63 lượt; dầu ăn 21 lượt; mì ăn liền 15 lượt; thực phẩm các loại 61 lượt. Các địa phương đã thanh tra được nhiều là: Sơn La, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hà Nội, Lâm Đồng, Nghệ An.

Tổng số cơ sở phát hiện hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính là 556 cơ sở (chiếm tỷ lệ 19,5% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp do hành vi kinh doanh HĐGS mà lượng của HĐGS đó có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép với tổng số tiền gần 13 triệu đồng. 

Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như: buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về ghi nhãn trả lại nhà sản xuất; buộc tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng; buộc thu hồi và tái chế đối với hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; buộc định lượng lại hàng hóa trước lúc đưa vào lưu thông; buộc kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng…

Cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng vừa qua đã phát hiện và xử lý tổng số 556 cơ sở vi phạm với 724 lượt hành vi vi phạm, trong đó: vi phạm quy định về đo lường chiếm 51%; vi phạm quy định về nhãn hàng hóa chiếm 21%; vi phạm về sản xuất, kinh doanh HĐGS có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng chiếm 7%; không công bố hợp quy, không gắn dấu hợp quy hoặc không công bố tiêu chuẩn áp dụng chiếm 6,8%; vi phạm về mã số mã vạch (không đóng phí duy trì, không xuất trình được giấy chứng nhận…) chiếm 4%; vi phạm về SHCN chiếm 2%; các hành vi khác (sử dụng phương tiện đo không kiểm định, hết hạn kiểm định) chiếm 9% số lượt hành vi vi phạm. Các địa phương phát hiện nhiều hành vi vi phạm về đo lường là: Vĩnh Long 62 lượt; Hải Phòng 41 lượt; Thừa Thiên - Huế 48 lượt…

Tỷ lệ vi phạm của từng loại HĐGS là: rượu, bia, nước giải khát, nước uống chiếm 25%; nông sản, sản phẩm từ nông sản chiếm 24%; phân bón chiếm 23%; sơn, bột bả tường chiếm 21%; bánh, mứt, kẹo chiếm 20%; xi măng chiếm 20%; khí đốt hóa lỏng LPG chiếm 20%; thuốc bảo vệ thực vật chiếm 19%…

Có thể thấy, phần lớn các sở sản xuất, nhập khẩu kinh doanh HĐGS đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật chuyên ngành, nhưng bên cạnh đó, vẫn nhiều tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật, đặc biệt một số còn cố tình vi phạm. Hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh HĐGS tương đối đa dạng, cụ thể:

Về đo lường: đây là hành vi vi phạm phổ biến được phát hiện nhiều nhất qua cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về HĐGS năm nay. Tổng số lượt hành vi vi phạm quy định về đo lường là 364 lượt (chiếm 51% số lượt hành vi vi phạm). 100% số địa phương triển khai thanh tra đều phát hiện những vi phạm quy định pháp luật về đo lường. Các hành vi vi phạm bao gồm: không ghi lượng HĐGS; không ghi/ghi không đúng đơn vị đo pháp định; sản xuất, buôn bán HĐGS mà lượng của HĐGS có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép; sản xuất, buôn bán HĐGS có lượng không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm hoặc không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu công bố. 

Về chất lượng: do hạn chế về kinh phí thử nghiệm mẫu nên nhiều địa phương không tiến hành lấy mẫu hàng hóa để đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật mà chủ yếu xem xét hồ sơ về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu tại cơ sở được thanh tra. Đối với một số địa phương tiến hành lấy mẫu thử nghiệm, kết quả tổng cộng có 8 lượt sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, 43 lượt sản phẩm có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. 

Về nhãn hàng hóa: hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa là hành vi được phát hiện nhiều sau vi phạm về đo lường. Nhiều cơ sở được thanh tra đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ sở chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về ghi nhãn như hàng nhập khẩu thiếu nhãn phụ tiếng Việt, ghi sai nhãn… 

Về công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy: tổng số có 49 lượt hành vi vi phạm về công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (chiếm 7% tổng số lượt hành vi vi phạm). Các hành vi vi phạm cụ thể như: cơ sở không xuất trình được hồ sơ công bố; không công bố tiêu chuẩn áp dụng (thường là các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ).  

Về mã số mã vạch: có 26 lượt hành vi vi phạm về mã số mã vạch (chiếm 4% tổng số lượt hành vi vi phạm). Trong đó, các vi phạm chủ yếu là sử dụng mã số mã vạch cho sản phẩm của mình nhưng không xuất trình được Giấy chứng nhận sử dụng mã số mã vạch.

Về SHCN: tổng số có 15 lượt hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp (chiếm 2% tổng số lượt hành vi vi phạm). Các hành vi vi phạm chủ yếu như: chỉ dẫn sai tình trạng pháp lý về SHCN, không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. 

Đặc biệt, tại Nghệ An, qua thanh tra đã phát hiện 37 cơ sở có sử dụng Phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng nước giả mạo của Phòng thử nghiệm Vilas 236 thuộc Chi cục TCĐLCL tỉnh Nghệ An để làm thủ tục công bố hợp quy. Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Sở KH&CN đã đề nghị Sở Y tế Nghệ An đình chỉ hoạt động, rút giấy phép của tất cả các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai đang sử dụng các kết quả thử nghiệm giả cho mục đích công bố hợp quy hoặc kiểm soát chất lượng định kỳ hàng năm, đồng thời kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ công bố hợp quy tại Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm; buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai thực hiện việc thử nghiệm chất lượng cũng như công bố hợp quy lại theo đúng quy định của pháp luật; Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An đã phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra và xác định được các đối tượng làm giả Phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng nước nêu trên và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Một số kiến nghị và giải pháp

Sau 3 tháng triển khai, cuộc thanh tra chuyên đề năm 2015 đã thu được những kết quả tích cực, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, SHCN và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao trách nhiệm và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với HĐGS. Qua thanh tra, cơ quan quản lý cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm phát huy những ưu điểm và khắc phục những tồn tại, thiếu sót để công tác quản lý về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN đối với HĐGS ngày càng tốt hơn. Cuộc thanh tra chuyên đề năm 2015 đã khẳng định sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý của ngành. 

Bên cạnh đó, ở một số địa phương, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TCĐLCL và SHCN của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đầy đủ và tích cực, kết quả thanh tra của một số địa phương chưa tốt (số lượng cơ sở được thanh tra quá ít, còn chưa thực sự kiên quyết trong việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm); một số quy định, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành của các bộ/ngành còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho cơ quan thực thi; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường của nhiều tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh HĐGS còn chưa nghiêm túc. Một số trường hợp, tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện đúng quy định. Nguyên nhân của vấn đề này là do lực lượng thanh tra KH&CN còn mỏng, công tác thanh tra về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và Sở hữu công nghiệp và đối với HĐGS chưa được thực hiện thường xuyên, sự phối hợp của cơ quan quản lý tại một số địa phương chưa chặt chẽ và chưa chủ động; việc chỉ đạo triển khai cuộc thanh tra ở một số địa phương chưa quyết liệt, kinh phí cho hoạt động thanh tra hạn chế nên đoàn thanh tra không tiến hành lấy mẫu thử nghiệm, giám định chất lượng hàng hóa, do vậy nhiều hành vi vi phạm về chất lượng chưa được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. 

Để duy trì kết quả của cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2015, các cấp quản lý cần thực hiện nghiêm túc các yêu cầu: 

Đối với các Sở KH&CN: các Sở KH&CN chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, SHCN cho các tổ chức cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh; chỉ đạo Chi cục TCĐLCL hàng năm có kế hoạch kiểm tra về TCĐLCL, nhãn hàng hóa và mã số mã vạch đối với HĐGS nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và công bằng xã hội; đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt sự phối hợp giữa các Sở KH&CN, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương trong công tác thanh tra, kiểm tra về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN đối với HĐGS tại địa phương.

Đối với UBND các tỉnh/thành phố: UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về KH&CN nói chung, về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN nói riêng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên địa bàn; UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương cần có sự phối kết hợp tốt trong quá trình triển khai công tác quản lý nói chung và thanh tra, kiểm tra nói riêng để tránh gây chồng chéo giữa hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là tránh phiền hà cho doanh nghiệp, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Đối với Bộ KH&CN: Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định tại Thông tư 21/2014/TT-BKHCN ngày 15.7.2014 của Bộ KH&CN quy định về đo lường đối với lượng HĐGS; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tăng cường tổ chức tập huấn công tác thanh tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ của Sở KH&CN các địa phương.

Có thể thấy, cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo kỷ cương pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo bước chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN đối với HĐGS.

Lượt xem: 14647

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:67848
Lượt truy cập: 12805050