Thứ sáu, 10/01/2025 19:32 GMT+7
Thứ năm, 08/05/2014 11:13 GMT+7

Giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản và một số gợi mở đối với Việt Nam

Đặt vấn đề:

    Nhật Bản được biết đến là một quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Cùng với đó, hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản cũng được coi là hiệu quả cao và đáng tin cậy. Trong bối cảnh tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đang có những bước củng cố và phát triển sâu rộng, Nhật Bản thông qua nhiều các dự án đang tích cực giúp đỡ Việt Nam nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các kinh nghiệm của Nhật Bản rất đáng để Việt Nam tham khảo nhằm hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của quốc gia. 


1.    Giải quyết tranh chấp quyền SHTT Nhật Bản

1.1.    Khái quát hệ thống chung
      Nhật Bản sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ mang tính chuyên biệt cao, trong đó Hội đồng giải quyết khiếu nại (Board of Appeals) của Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) xử lý các vụ việc khiếu nại liên quan đến hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ; và Ban Sở hữu trí tuệ (IP Division) thuộc Tòa án khu vực (Tô-ky-ô hay Ô-sa-ka) xử lý các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo thẩm quyền. Khi một trong các bên không đồng ý với quyết định hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ của JPO hoặc bản án/quyết định của Tòa án khu vực, bên liên quan có thể kháng cáo lên Tòa án Thượng thẩm Sở hữu trí tuệ (The Intellectual Property High Court of Japan, viết tắt là IPHCJ).
    Luật tố tụng Nhật Bản cũng có quy định về việc kháng cáo quyết định/bản án của Tòa án Thượng thẩm Sở hữu trí tuệ lên cấp xét xử cao nhất là Tòa án Tối cao, tuy nhiên các trường hợp này là rất hạn chế. Tòa án Tối cao rất hiếm khi bác bỏ phán quyết của Tòa án Thượng thẩm vì Tòa án Tối cao chỉ xem xét lại các khía cạnh pháp lý của phán quyết, chứ không xem xét lại nội dung vụ việc.
1.2.    Thủ tục khiếu nại huỷ chấm dứt/bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ tại JPO
     Việc chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ được giải quyết bởi Hội đồng giải quyết khiếu nại của Cơ quan sáng chế Nhật Bản, gồm các thành viên là các xét nghiệm viên có kinh nghiệm của Cơ quan này. Trong những năm qua, Cơ quan sáng chế Nhật Bản khi tiến hành xử lý các vụ việc huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đã ưu tiên áp dụng hình thức tranh luận trực tiếp giữa các bên có liên quan tại Hội đồng giải quyết khiếu nại để đẩy nhanh quá trình xử lý vụ việc. Nhờ áp dụng phương thức này, thời gian xử lý một vụ việc chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đã rút ngắn một cách đáng kể, xuống chỉ còn trung bình là 9,5 tháng1.
    Với sự nhanh gọn của thủ tục khiếu nại huỷ bỏ hiệu lực tại JPO, cùng với sự hiểu biết và kinh nghiệm của các thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại, JPO trở thành diễn đàn và là nơi giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, như các vấn đề sáng chế hóa học và công nghệ sinh học. 
1.3.    Thủ tục khiếu kiện vi phạm tại Tòa án khu vực
    Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tùy theo vùng địa lý có thể được xét xử sơ thẩm ở tòa án khu vực Osaka hay Tokyo. Tại mỗi tòa án này đều có bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ với các kỹ thuật viên có thể trợ giúp thẩm phán những vấn đề kỹ thuật liên quan đến các đối tượng phức tạp như xâm phạm quyền sáng chế.
    Theo Luật sáng chế Nhật Bản, chỉ có Cơ quan sáng chế Nhật Bản có thẩm quyền huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, nhưng tòa án có thể từ chối thực thi quyền sở hữu trí tuệ nếu có căn cứ cho rằng văn bằng bảo hộ có thể bị chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực.
    Trên cơ sở vụ việc được thụ lý, Tòa án có tổ chức một số các phiên điều trần về nội dung tranh chấp trên cơ sở các tài liệu do các bên đệ trình trước đó. Nếu tại phiên điều trần, các bên có thể đạt đến thỏa thuận chung thì Tòa án sẽ ghi nhận và chấm dứt giải quyết vụ việc. Trường hợp các bên không thể đạt được thỏa thuận, tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ việc và đánh giá thiệt hại trên cơ sở các tài liệu được đệ trình. Thời gian xét xử một vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là tại Tòa sơ thẩm trung bình khoảng 12,5 tháng (năm 2006).
1.4.    Kháng cáo tại Tòa thượng thẩm về sở hữu trí tuệ (IPHCJ)
     Nếu một trong hai bên không đồng ý với quyết định của JPO hoặc Tòa án khu vực, có thể kháng cáo lên IPHCJ . Thủ tục tố tụng tại IPHCJ tương tự như tại Tòa án khu vực. IPHCJ nghe các bên trình bày quan điểm về đối tượng tranh chấp với sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật để giải thích các công nghệ có liên quan trong vụ việc. Như ở tòa án cấp khu vực, thẩm phán IPHCJ được các cố vấn kỹ thuật giới thiệu tóm tắt các vấn đề kỹ thuật có liên quan để đảm bảo có được những nhận định cơ bản về vấn đề kỹ thuật được trình bày. Theo con số thống kê, thời gian trung bình xử lý một vụ việc tại IPHCJ là 7.7 tháng. Trong năm 2011, IPHCJ đã xử lý 518 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 216 vụ liên quan đến sáng chế và giải pháp hữu ích2.

     Trong xem xét kháng cáo cả hai hành vi xâm phạm quyền và hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, IPHCJ cho phép các bên được đệ trình bổ sung các chứng cứ mới để chứng minh cho vấn đề đã được xem xét. Tuy nhiên, các bên không được đưa ra các vấn đề mới, ngoài các vấn đề đã được xem xét tại JPO hoặc Tòa án khu vực. Có nghĩa là, các bên được đệ trình các ý kiến chuyên gia, kết quả thí nghiệm, tài liệu tham khảo và các bằng chứng khác, với điều kiện là các tài liệu đó chỉ để hỗ trợ cho các luận cứ đã được đưa ra trước đó, mà không mở rộng ra các luận cứ mới. Ví dụ, nếu JPO hủy hỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế do không đáp ứng yêu cầu về tính sáng tạo, thì các bên chỉ có thể đưa ra các bằng chứng mới để chứng minh sáng chế bị hủy bỏ hiệu lực có hay không đáp ứng yêu cầu về tính sáng tạo. IPHCJ không cho phép các bên đưa ra các bằng chứng liên quan đến tính mới của sáng chế. Nếu một bên nhận thấy có cơ sở hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trên cơ sở tính mới, bên nguyên cần bắt đầu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực trên căn cứ này tại JPO.
1.5.   Kháng cáo tại Tòa án tối cao
    Phán quyết của IPHCJ thể bị tiếp tục kháng cáo lên Tòa án tối cao Nhật Bản nhưng trường hợp như vậy là rất hiếm và pháp luật rất hạn chế những trường hợp này. Như trên đã đề cập, Tòa án tối cao rất hiếm khi bác bỏ phán quyết của Tòa án thượng thẩm vì Tòa án tối cao chỉ xem xét lại các vấn đề pháp lý của phán quyết, chứ không xem xét lại nội dung vụ việc 3.

2.    Một số vấn đề về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
    Trong những năm gần đây, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đã ngày càng gia tăng về số lượng và tính phức tạp. Tuy nhiên, do công tác thống kê còn nhiều bất cập, cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn không công bố được con số chính thức các vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ được các cơ quan chức năng thụ lý/giải quyết hàng năm.
    Tại Việt Nam, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ cũng thường được biểu hiện dưới hai dạng phổ biến: Đó là tranh chấp trong quá trình xác lập quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp (chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ) và tranh chấp trong quá trình sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp trên thị trường bởi các bên thứ ba không có quyền và lợi ích hợp pháp (xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).
2.1.    Tổng quan về hệ thống giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Việt Nam

(i)    Về chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
      Theo chức năng, Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan được giao thực hiện chức năng quản lý và đảm bảo các hoạt động sự nghiệp chuyên ngành về sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước. Cục Sở hữu trí tuệ cũng là cơ được giao giải quyết khiếu nại của các bên liên quan đến chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Nếu không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục SHTT, một bên có thể khiếu nại tiếp lên Bộ trưởng Bộ KH&CN hoặc khởi kiện ra Tòa án. Trường hợp Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ra quyết định giải quyết vụ việc, bên có liên quan đến vụ việc vẫn có thể khởi kiện ra Tòa án nếu không đồng ý với Quyết định đó. Tòa án được giao thụ lý các vụ việc liên quan đến chấm chứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo trình tự sơ thẩm là Tòa hành chính thuộc Tòa án nhân dân cấp Tỉnh, Thành phố. Kháng cáo phúc thẩm vụ việc sở hữu trí tuệ được giải quyết bởi Tòa án nhân dân tối cao.
(ii)     Về xử lý xâm phạm quyền SHTT
    Hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Việt nam, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và tùy theo sự lựa chọn của chủ thể quyền có thể bị xử lý tại Tòa án (biện pháp tư pháp) hoặc thông qua một hệ thống các cơ quan hành chính có chức năng quản lý từng ngành, lĩnh vực tương ứng (biện pháp hành chính).
    Các vụ kiện dân sự liên quan đến hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Tòa án được xét xử theo 2 cấp. Ở cấp sơ thẩm, một số Tòa án cấp huyện đã được tăng thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) có thẩm quyền sơ thẩm các loại việc tranh chấp dân sự về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 4 Điều 25 BLTTDS, trừ những việc có đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp ra ngước ngoài. Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận (khoản 2 Điều 29, khoản 3 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự). Tuy nhiên, trên thực tế, do năng lực hạn chế của Tòa án nhân dân câp huyện và tính phức tạp của các tranh chấp liên quan đến quyền SHTT, các vụ việc tranh chấp thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện thường được Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên giải quyết theo trình tự sơ thẩm. Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm đối với các bản án/quyết định có kháng cáo/kháng nghị của Tòa án cấp tỉnh/thành phố.
2.2.    Nhận định về hệ thống giải quyết tranh chấp tại Việt Nam
    So với Nhật Bản, dường như hệ thống giải quyết tranh chấp tại Việt Nam có khá nhiều khác biệt.

(i)    Liên quan đến việc chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
    Dường như quy định của pháp luật Việt Nam quá “mở”, cho phép một bên tranh chấp được nhiều quyền lựa chọn hơn so với Nhật Bản. Đó là nêu không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục SHTT, một bên có thể khiếu nại tiếp lên Bộ trưởng Bộ KH&CN hoặc bất kỳ lúc nào cũng có thể khởi kiện ra Tòa án, với 2 cấp xét xử về nội dung vụ việc. Quy định này có thể làm cho vụ việc bị giải quyết kéo dài, tốn công sức của cơ quan có thẩm quyền nhất là khi một bên trong tranh chấp có ý định xấu, lạm dụng nhiều trình tự giải quyết để tranh thủ khai thác đối tượng sở hữu công nghiệp đang trong tình trạng tranh chấp.
    Điều cần nói nữa là mặc dù lựa chọn đa dạng, trình tự “dài dòng” với nhiều cấp giải quyết tranh chấp, nhưng Việt Nam lại thiếu một cơ chế hiệu quả để giải quyết các vụ việc phức tạp. Tại Nhật Bản, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản sử dụng cơ chế hội đồng (gồm các xét nghiệm viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan) để xem xét và giải quyết tranh chấp. Việc tranh luận trực tiếp trước hội đồng là phương án được ưu tiên để giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, Việt Nam không áp dụng cơ chế này. Việc giải quyết khiếu nại phụ thuộc nhiều vào nhận định mang tính chủ quan của cán bộ được giao xử lý vụ việc. Với sự ra đời của Luật Khiếu nại 2011, cơ chế Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại lần đầu tiên được đề cập với chức năng tham vấn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 1 (Cục SHTT) và lần 2 (Bộ KH&CN). Đây được xem là một bước tiến bộ để giải quyết các vụ việc phức tạp. Tuy nhiên, đây không phải là cơ chế thường xuyên được áp dụng giải quyết mọi vụ. Việc trưng tập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại là công việc mất thời và chi phí tốn kém, trong khi đó Luật Khiếu nại lại không có quy định các bên có liên quan phải trả chi phí cho hoạt động của Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại. Do vậy, nếu trưng tập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, gánh nặng chi phí để giải quyết tranh chấp quyền SHTT (với bản chất là tranh chấp dân sự), một lần nữa lại đặt lên vai Nhà nước.
(ii)    Liên quan đến xử lý xâm phạm quyền SHTT
    Về cơ bản, Luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu của TRIPS trong việc “cho chủ thể quyền được tham gia các thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến việc thực thi”  4thông qua quy định về chức năng, thẩm quyền của Tòa án trong việc xét xử các vụ việc tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, vai trò của tòa án trong thực thi quyền SHTT còn quá mờ nhạt trong khi trách nhiệm thực thi đang đặt lên hệ thống các cơ quan hành chính quản lý các lĩnh vực có liên quan. Cần phải ghi nhận rằng khi vai trò của Tòa án còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, thì với cơ chế giải quyết nhanh gọn, xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính đã có đóng góp tích cực trong việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT. Tuy nhiên, xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính cũng có nhiều hạn chế như khả năng tái phạm cao (do các chế tài hành chính không đủ sức răn đe), nhà nước phải đầu tư đáng kể nhân lực và vật lực cho công tác thực thi, gây tâm lý ỷ lại cho chính chủ thể quyền SHTT trong việc không tích cực và chủ động bảo vệ quyền lợi của mình bằng biện pháp tư pháp.
    Trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam rất cần có các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHTT tại của Tòa án. Cùng với đó, để hành vi xâm phạm quyền SHTT được xử lý đúng bản chất là các hành vi xâm phạm quyền dân sự, để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và nâng cao sự chủ động của chủ thể quyền, Việt Nam cũng cần cân nhắc lộ trình, từng bước dịch chuyển cơ chế thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính sang cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án như thực tế phổ biến tại hầu hết các nước trên thế giới.

    Kết luận:
    Không phủ nhận rằng cơ chế giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ (liên quan đến cả chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và thực thi quyền SHTT) trong thời gian qua đã có những thành quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều bất cập và vướng mắc đã được ghi nhận.
    Theo Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 26/3/2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI, Luật Sở hữu trí tuệ được lên kế hoạch sửa đổi trong năm 2015 đến 2017. Trong sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này, cần đặc biệt lưu ý đến quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp quyền SHTT – một vấn đề còn gần như bỏ ngỏ trong Luật SHTT năm 2005. Việt Nam rất cần thể chế hóa một cơ chế đặc thù, có hiệu quả để giải quyết tranh chấp quyền SHTT theo hướng kết hợp hài hòa lợi ích công cộng với lợi ích của chủ thể quyền trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
 

 

 

[1] Báo cáo thường niên JPO năm 2009

[2] Tomokatsu Tsukahara, Intellectual Property Hight Court In Japan, 2013. P. 37

[3]John A. Tessensohn and Shusaku Yamamoto, Resolving IP Disputes in Japan. Feb.2010

[4] Điều 42, TRIPS.

Lượt xem: 21996

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:67308
Lượt truy cập: 12832950