Thứ ba, 24/12/2024 00:39 GMT+7
Thứ năm, 13/06/2013 11:32 GMT+7

Bàn về cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế

1.    Mở đầu
Cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ tồn tại một cách đương nhiên và ngày càng gia tăng trong hoạt động thương mại quốc tế. Cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế xuất phát từ mối quan hệ vốn có, chặt chẽ giữa ba yếu tố: cạnh tranh - sở hữu trí tuệ - thương mại quốc tế. Mối quan hệ này được thể hiện trong những văn bản pháp luật quốc tế quan trọng nhất về quyền sở hữu trí tuệ, đó là Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế thể hiện dưới hai dạng: (i) cạnh tranh không lành mạnh; và (ii) hạn chế cạnh tranh.


2.    Mối quan hệ giữa ba yếu tố: cạnh tranh - sở hữu trí tuệ - thương mại quốc tế
Về mối quan hệ giữa cạnh tranh và sở hữu trí tuệ: cạnh tranh và sở hữu trí tuệ, pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ là hai lĩnh vực giao thoa với nhau, xung đột nhưng đồng thời lại bổ sung cho nhau[1].  Tương tự như tài sản hữu hình, quyền ngăn cấm chủ thể khác tự do sử dụng tài sản trí tuệ không tạo ra quyền lực thị trường[2]. Tức là, bản thân sự tồn tại của quyền sở hữu trí tuệ không làm phát sinh các vấn đề độc quyền. Quyền sở hữu trí tuệ có thể tạo ra quyền lực thị trường đáng kể trong những trường hợp cụ thể và thực hiện quyền sở hữu trí tuệ có thể gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Ngược lại, chức năng của pháp luật cạnh tranh là duy trì cạnh tranh hiệu quả và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng bằng cách dỡ bỏ những rào cản đối với cạnh tranh[3]. “Từ góc độ quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật cạnh tranh có thể bị coi như một công cụ can thiệp, vi phạm quyền của chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ và do đó, tác động đến nền tảng của pháp luật sở hữu trí tuệ. Hệ quả là, pháp luật sở hữu trí tuệ có thể gây nguy hiểm cho pháp luật cạnh trạnh và ngược lại”[4]. Sự giao thoa giữa pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh thường phát sinh từ năm nhóm quan hệ chính sau đây: (i) thiết lập quyền sở hữu trí tuệ (trong tiếng Anh là “acquisition of IPRs”) như thông qua hợp nhất các pháp nhân; (ii) thoả thuận chuyển giao công nghệ; (iii) thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp; (iv) từ chối chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ; và (v) hết quyền sở hữu trí tuệ.
    Bên cạnh xung đột, pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh cùng chia sẻ mục đích chung là thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế, đồng thời đem đến nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng[5]. Pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ đều “chia sẻ những mục tiêu cơ bản giống nhau trong thúc đẩy phúc lợi cho người tiêu dùng và phân bổ hiệu quả các nguồn lực; đổi mới thiết lập bộ phận thiết yếu và năng động của nền kinh tế thị trường mở và cạnh tranh[6]. Trước đây, độc quyền được trao bởi pháp luật sở hữu trí tuệ được coi như tạo ra độc quyền mà mâu thuẫn với mục tiêu chống độc quyền của pháp luật chống độc quyền… Ngày nay, cả pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật chống độc quyền “hoạt động song song mang đến những công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới cho người tiêu dùng với giá thấp hơn.[7]
Về mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế[8]: Xuất phát từ đặc tính vô hình và khía cạnh thương mại, tài sản trí tuệ dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia và là một thành tố gắn bó mật thiết với hoạt động thương mại quốc tế[9]. Quyền sở hữu trí tuệ cũng có mối quan hệ chặt chẽ với thương mại quốc tế mặc dù quyền sở hữu trí tuệ có tính lãnh thổ. Quyền sở hữu trí tuệ có thể tham gia vào các giao dịch thương mại quốc tế dưới hai dạng: (i) gắn với hàng hóa xuất nhập khẩu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu theo các kênh phân phối chính thức được sự cho phép của chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu song song theo các kênh nhập khẩu/xuất khẩu song song”; [10](ii) là đối tượng trực tiếp trong các giao dịch thương mại quốc tế liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ như chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ, nhượng quyền thương mại và chuyển giao công nghệ. Mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế rất rõ ràng trong một số lĩnh vực. Chẳng hạn, kiểu dáng công nghiệp có mối quan hệ không thể phủ nhận với lĩnh vực dệt may và chỉ dẫn địa lý có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động thương mại liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, tài sản trí tuệ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong kinh doanh quốc tế tư và giao dịch thương mại quốc tế[11]. Thực tế chỉ ra rằng thực hiện quyền sở hữu trí tuệ có thể thúc đẩy hoặc tạo ra những rào cản cho thương mại quốc tế. Thực tế thương mại quốc tế cho thấy: quyền sở hữu trí tuệ là công cụ được sử dụng để cản trở hoặc thúc đẩy thương mại quốc tế. Bảo hộ, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quan hệ thương mại quốc tế mà còn ảnh hưởng đến các chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động thương mại, phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia cũng như thương mại toàn cầu.
Về mối quan hệ giữa cạnh tranh và thương mại quốc tế: Đặc trưng của hoạt động thương mại là cạnh tranh. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là yếu tố kích thích kinh doanh, là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động và sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế thị trường không thể vận hành nếu không có cạnh tranh. Như vậy, cạnh tranh là quy luật khách quan của nền sản xuất hàng hóa. Khi hàng hóa, dịch vụ được cung cấp càng nhiều, số lượng người cung cấp càng đông thì cạnh tranh càng gay gắt. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh trong thương mại quốc tế càng quyết liệt hơn.
Về mối quan hệ giữa cạnh tranh - sở hữu trí tuệ -  thương mại quốc tế: phần viết trên đây đã chỉ ra mối quan hệ đan xen vốn có và chặt chẽ giữa cạnh tranh, sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế. Do đó, sự tồn tại của cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế mang tính đương nhiên. Sau đây là một số ví dụ về mối quan hệ giữa ba yếu tố này.
- Sự tác động của việc áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia với tự do thương mại và cạnh tranh: cơ chế hết quyền quốc gia với sự ngăn chặn thương mại song song và cho phép nhà sản xuất chia cắt thị trường quốc tế ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại quốc tế. Cơ chế hết quyền quốc gia cho phép nhà sản xuất ngăn chặn nhập khẩu hàng hoá vào một quốc gia mặc dù hàng hoá đó đã được đưa ra thị trường[12].
Bằng việc cho phép chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ sử dụng mô hình phân biệt giá cấp ba và mở rộng kiểm soát theo chiều dọc, về nguyên tắc cơ chế hết quyền quốc gia dẫn đến hệ quả giảm cạnh tranh với cùng một nhãn hiệu (tiếng Anh là “intra-brand competition”)[13].  Cụ thể, cạnh tranh giữa những nhà bán lẻ, hoặc nhà phân phối sản phẩm mang cùng một nhãn hiệu giảm.[14]
- Sự tác động của việc áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế đối với thương mại tự do và cạnh tranh: Trong mối quan hệ với thương mại tự do và cạnh tranh, cơ chế hết quyền quốc tế với sự thừa nhận thương mại song song góp phần dỡ bở những rào cản phi thuế quan đối với thương mại quốc tế. Do đó, áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế cho phép thúc đẩy đáng kể thương mại quốc tế. Nhiều nước đang phát triển nhìn nhận thương mại song song gắn với cơ hội xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh của họ. Hơn nữa, khác với hết quyền quốc gia, hết quyền quốc tế thúc đẩy cạnh tranh với cùng một nhãn hiệu. Ngăn cấm thương mại song song ngăn chặn cạnh tranh với cùng một nhãn hiệu bằng cách trao cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ quyền kiểm soát theo chiều dọc hệ thống phân phối sản phẩm mang đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của họ. Thương mại song song giúp ngăn chặn sự lạm dụng trong phân biệt giá và hành vi thông đồng dựa trên kiểm soát lãnh thổ. Tuy nhiên, những người phản đối thương mại song song lại cho rằng: “cần phải cấm cạnh tranh với cùng một nhãn hiệu khi mà nó làm giảm cạnh tranh giữa các nhãn hiệu”[15].  Cạnh tranh giữa các nhãn hiệu (inter-brand competition) là cạnh tranh liên quan đến sở hữu, sử dụng những nhãn hiệu khác nhau giữa các đối thủ cạnh tranh[16]
Từ góc độ kinh tế, cả cạnh tranh với cùng một nhãn hiệu và cạnh tranh giữa các nhãn hiệu đều đem lại hệ quả tích cực và tiêu cực. Thực ra, giảm cạnh tranh với cùng nhãn hiệu mang lại lợi ích cho cả người bán lẻ và người tiêu dùng. Cụ thể hơn, điều này giảm chi phí đầu tư cho các dịch vụ tiền và hậu mãi của người bán lẻ. Do đó, người bán lẻ có thể giảm giá bán sản phẩm và người tiêu dùng được hưởng lợi. Cạnh tranh giữa các nhãn hiệu lại tạo ra sự phong phú về sản phẩm cho người tiêu dùng. Các nhà kinh tế tin tưởng rằng “khi cạnh tranh giữa các nhãn hiệu thực sự lành mạnh, thông thường những vấn đề về tác động đối với người tiêu dùng do giảm cạnh tranh với cùng một nhãn hiệu sẽ được loại bỏ” [17]. .
Nhận thức được mối quan hệ giữa ba yếu tố: cạnh trí tuệ - sở hữu trí tuệ - thương mại quốc tế hay cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế, các quốc gia đã đưa những quy định điều chỉnh mối quan hệ hay loại hành vi này vào các công ước quốc tế quan trọng. Trong đó, đặc biệt phải kể đến Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và Hiệp định TRIPs.


3.    Các dạng hành vi cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế
Xuất phát từ đặc thù của thương mại quốc tế (liên quan đến nhiều quốc gia, nhiều chủ thể kinh doanh và nhiều đối tượng kinh doanh), cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế rất phong phú, đang dạng. Hành vi cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế được chia thành hai dạng: (i) hành vi cạnh tranh không lành mạnh; và (ii) hành vi hạn chế cạnh tranh.


3.1. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu nói chung chứa đựng các yếu tố sau: (i) chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh tước đoạt thành quả kinh doanh, lợi dụng danh tiếng và uy tín của đối thủ cạnh tranh; (ii) gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, xuất xứ, tính chất, đặc điểm hàng hóa/dịch vụ; và (iii) gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh.
Cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế được ghi nhận từ rất sớm trong các công ước quốc tế. Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (được sửa đổi tại Brussels năm 1910) đã đưa ra định nghĩa cạnh tranh không lành mạnh tại Điều 10bis. Theo đó: “bất kỳ hành vi cạnh tranh nào đi ngược lại các thông lệ trung thực, thiện chí trong công nghiệp hoặc trong thương mại đều là hành vi cạnh tranh không lành mạnh”. Đồng thời, Điều 10 bis Công ước Paris đưa ra một danh sách không đầy đủ bao gồm ba hình thức cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, đó là: (i) Mọi hành vi nhằm gây ra sự nhầm lẫn, bằng bất kỳ phương tiện nào, với cơ sở, hàng hóa hay hoạt động kinh doanh, thương mại của đối thủ cạnh tranh; (ii) những tuyên bố sai trái trong công việc kinh doanh nhằm làm mất uy tín của cơ sở, hàng hóa hay hoạt động kinh doanh, thương mại của đối thủ cạnh tranh; và (iii) những chỉ dẫn hoặc tuyên bố sử dụng trong quá trình kinh doanh nhằm lừa dối công chúng về bản chất, quy trình sản xuất, đặc điểm, sự phù hợp về mục đích, hoặc số lượng của hàng hóa. Trong thực tế, có những hành vi không được liệt kê tại Điều 10 bis Công ước Paris nhưng được pháp luật và/hoặc tòa án các nước coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, lợi dụng thành quả đầu tư của doanh nghiệp khác.


3.2.    Hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế
Nếu như hành vi cạnh tranh không lành mạnh chỉ tác động tới một hoặc một số doanh nghiệp trên thị trường thì hành vi hạn chế cạnh tranh ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp trên cùng một thị trường và môi trường cạnh tranh; mức độ ảnh hướng xấu tới cạnh tranh của hành vi hạn chế cạnh tranh lớn hơn so với hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Hiệp định TRIPs – thỏa thuận quốc tế quan trọng nhất của WTO về quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế. Hiệp định TRIPS được thiết lập với ý nghĩa là một phần của những thoả thuận thương mại đa phương trong vòng đàm phán Uruguay trong khuôn khổ thỏa thuận chung về thuế quan và thương mại (GATT). Đây là lần đầu tiên các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại quốc tế được đàm phán trong khuôn khổ của GATT[18]. Kết quả của các cuộc đàm phán đó được thể hiện trong thỏa thuận thiết lập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hiệp định TRIPS là Phụ lục 1C của thỏa thuận thiết lập tổ chức WTO. Hiệp định có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các Thành viên WTO, được thông qua tại Marrakesh ngày 15 tháng 4 năm 1994 và có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 1995. Hiệp định là một trong những trụ cột quan trọng nhất của WTO và bảo hộ sở hữu trí tuệ trở thành một phần không thể tách rời trong hệ thống thương mại đa phương của WTO. Hiệp định TRIPS bao gồm một số quy định về thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là Điều 8(2), Điều 31(k) và Điều 40[19].
Hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế có thể tồn tại dưới các dạng cơ bản sau: (i) thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; (ii) lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; (iii) tập trung kinh tế. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể tồn tại dưới các hình thức: thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp, thỏa thuận chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bao gồm li-xăng chéo (cross licensing) và thỏa thuận cùng chuyển giao/sử dụng sáng chế (patent pool).
Hiện nay, hầu hết các nước phát triển (như Hoa Kỳ, Nhật Bản) tập trung điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, thực tế ở các nước đang phát triển (như Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia) cho thấy rằng: hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ còn là vấn đề mới, chưa được quan tâm đúng mức và chưa được giải quyết nhiều; ngược lại, các vụ việc về cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài phát sinh ngày càng nhiều và thu hút sự quan tâm xem xét, xử lý của các tổ chức, cá nhân liên quan[20]./.


[1] Về mối quan hệ giữa pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh, xem: L. Peeperkorn, IP Licences and Competition Rules: Striking the Right Balance, 26 World Competition 527, 527-8; S.D. Anderman and J. Kallaugher, Technology Transfer and The New EU Competition Rules: Intellectual Property Licensing after Modernization, Oxford University Press, 2006;Pham, Alice, Competition Law and Intellectual Property Rights: ControllingAbuseorAbusingControl? CUTS International, Jaipur, Inida, 2008, tr. 9-13; Drexl, Josef (ed.), Research Handbook on Intellectual Property and Competition Law, Edward Elgar, 2008; Czapracka, Katarzyna, Intellectual Property and the Limits of Antitrust: A Comparative Study of US and EU Approaches, Edward Elgar, 2009.


[2] Heimler, Alberto, Competition law enforcement and IPRs, Ad-hoc Expert Group on the Role of Competition Law and Policy in Promoting Growth and Development, Geneva, 15 Jul. 2008.

 

 

 

[3] Jones, Alison and Sufrin, Brenda, EC Competition Law, 3rd edn., Oxford University Press, 2008, tr. 3 và 17.

 

[4] Nguyen, Thanh Tu, Competition Law in Technology Transfer under the TRIPS Agreement: Implications for Developing Countries, doctoral dissertation, Lund University, Sweden, 2009, tr. 60.

 

[5] Xem: Antitrust-IP Guidelines, 1995, Mục 10, EU TT Guidelines, OJ 2004 C 101/2, đoạn 7.

 

 [6] Hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu về chuyển giao công nghệ, năm 2004.

 

[7]  Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ/Bộ Tư pháp, Báo cáo về Thực thi chống độc quyền và Quyền SHTT, 2007.

 

[8] Về mối quan hệ này, xem Nguyễn Như Quỳnh, Text book on International Trade Law, Giáo trình Luật Thương mại quốc tế song ngữ Anh-Việt, NXB Công an nhân dân, Chương II,  năm 2012.

 

[9] Bàn về mối quan hệ giữa tài sản trí tuệ và thương mại quốc tế, Daniel C.K Chow và Edward Lee cho rằng: “Tài sản trí tuệ liên quan đến hoạt động ngoại thương, ở thời kỳ Phục hưng, Vencie ban hành đạo luật sáng chế đầu tiên nhằm mục đích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến thành phố. Sự thật là bảo hộ tài sản trí tuệ và mở rộng thị trường nước ngoài là yếu tố thúc đẩy sự ra đời của nhiều hiệp ước quốc tế cơ bản đầu tiên về sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như Công ước Paris và Công ước Berne.” Xem: Daniel C.K. Chow and Edward Lee, International Intellectual Property: Problems, Cases, and Materials, Thomson West (2006), tr. 4.

 

 

 

[10] Để hiểu thêm về nhập khẩu song song và xuất khẩu song song, xem:  Mattias Ganslandt and Keith E. Maskus, IPRs, Parallel Imports and Strategic Behavior, IFN Working Paper No. 704, 2007, Research Institute of Industrial Economics, Sweden; Carsten Fink and Keith E. Maskus (eds.), Intellectual Property and Development: Lessons from recent economic research, A co-publication of the World Bank and Oxford University Press (2005);  Christopher Heath, Parallel Imports and International Trade, <www.wipo.int/edocs/mdocs/sme/en/atrip_gva_99/atrip_gva_99_6.pdf>; Christopher Heath (ed.), Parallel Imports in Asia, Kluwer Law International (2004); Frederik M. Abbott, Parallel Importation: Economic and social welfare dimensions, the International Institute of Sustainable Development (2007), <http://www.iisd.org/pdf/2007/parallel_importation.pdf>; Tomasso Valetti and Stefan Szymanski, ‘Parallel Trade, International Exhaustion and IPRs: A welfare Analysis’, Journal of Industrial Economics (2006), 54: 499-526.

 

 [11] Daniel C.K. Chow and Edward Lee, International Intellectual Property: Problems, Cases, and Materials, Thomson West (2006), tr. 4.

 

 [12] Về lập luận này, xem: Abbott, Frederik M., Parallel Importation: Economic and social welfare dimensions, the International Institute of Sustainable Development, June 2007, <http://www.iisd.org/pdf/2007/parallel_importation.pdf>, tr. 5.

 

 [13] Stewart, George R. & Tawjik, Myra J. & Irish, Maureen (eds.), International Trade & Intellectual Property: The Research for a Balanced System, Westview Press, 1994, tr. 20; Fink, Carsten and Maskus, Keith E. (eds.), Intellectual Property and Development: Lessons from recent economic research, A co-publication of the World Bank and Oxford University Press, 2005.

 

[14] OECD, Glossary of Industrial Organisation Economics and Competition Law, <http://stats.oecd.org>.

 

 [15] Stewart, George R. & Tawjik, Myra J. & Irish, Maureen (eds.), International Trade & Intellectual Property: The Research for a Balanced System, Westview Press, 1994, tr. 21; Kerrin M. Vautier cũng có quan điểm như vậy về khuyến khích kiểm soát theo chiều dọc đối với cạnh tranh giữa các nhãn hiệu. Xem: Heath, Christopher (ed.), Parallel Imports in Asia, Kluwer Law International, 2004, tr. 6.

 

 [16] Ví dụ: cạnh tranh giữa Coca-Cola và Pepsi-Cola, cạnh tranh giữa Levi và GWG jeans

.

 [17] Derek Ridyard, Intra-and Inter-brand competition – the public policy debate,

< http://www.bristishbrandsgroup.org.uk.>

 

[18] WIPO, WIPO Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use, WIPO Publication No. 489 (2004), tr. 345, <http://www.wipo.int/about-ip/en/iprm/>; Nuno Pires de Carvalho, The TRIPs Regime of Trademarks and Designs, Kluwer Law International (2006), tr. 36.

 

 [19] Trong một chừng mực nhất định, Điều 6, Điều 31(c), Điều 37(2) Hiệp định TRIPS cũng có thể được coi là những quy định về cạnh tranh.

 

 [20] Về khẳng định này, xem: Tài liệu Hội thảo: “Sở hữu trí tuệ, Canh tranh và Thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Kinh nghiệm của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia”, Hội thảo do WIPO và Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp tổ chức, Hà Nội, ngày 4-5/6/2013.

Lượt xem: 26476

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:82797
Lượt truy cập: 12805262