Thứ hai, 23/12/2024 08:29 GMT+7
Thứ ba, 02/08/2016 15:59 GMT+7

Những kết quả đạt được của Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn II (2012 - 2015)

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Trong nỗ lực chung tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn 2006 - 2010 và thiết thực nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi quyền SHTT trong giai đoạn 2012 - 2015, ngày 06/8/2012, 09 bộ, ngành, gồm Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài Chính; Bộ Công thương; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền Thông; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết Chương trình hành động số 2198/CTHĐ/BKHCN-BVHTTDL-BNNPTNT-BTC-BCT-BCA-BTTTT-TANDTC-VKSNDTC (gọi tắt là Chương trình hành động 168 giai đoạn II).

 

Qua 04 năm hoạt động với nhiều nỗ lực của các bộ, ngành tham gia,  Chương trình hành động 168 giai đoạn II đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo phân công của Chương trình, với vai trò là đầu mối tổng hợp chung về hoạt động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT trong cả nước, Bộ KH&CN tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện của các bộ, ngành và địa phương trong Chương trình 168 giai đoạn II như sau:

 

A. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC 

 

1. Hợp tác pháp lý và trao đổi thông tin

 

Giai đoạn 2012 - 2015, hệ thống pháp luật về SHTT không ngừng được hoàn thiện. Các bộ, ngành là thành viên của Chương trình 168 giai đoạn II đã triển khai xây dựng nhiều văn bản pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Trong quá trình xây dựng, các bộ, ngành thành viên đã trao đổi, đóng góp ý kiến cụ thể nhằm tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xử lý. Các bộ, ngành đã trình ban hành 04 Luật; 16 Nghị định và trực tiếp ban hành 16 Thông tư . 

 

Đặc biệt, các bộ, ngành đã phối hợp tham gia xây dựng các văn bản liên tịch điều chỉnh các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, cụ thể: (i) Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; (ii) Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT ngày 05/4/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN); (iii) Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý tên miền vi phạm pháp luật về SHCN (dự kiến ban hành đầu tháng 6/2016).

 

2. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

 

Từ khi Luật SHTT có hiệu lực  và Chương trình hành động 168 giai đoạn II được ký kết, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực từ trung ương đến địa phương. Trong phạm vi cả nước, việc thanh tra, kiểm tra từ khâu sản xuất, lưu thông hàng hoá đã được các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ. Tại biên giới, công tác kiểm soát cửa khẩu đã được lực lượng Hải quan triển khai cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các lượng chức năng.

 

Theo thống kê của Bộ KH&CN (từ tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương), các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả, đã xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc, trong đó cảnh cáo 68 vụ việc; phạt tiền 23.197 vụ việc với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 97 tỷ đồng; đã khởi tố 381 vụ với 553 bị can; xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự).

 

Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Tịch thu, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 980 tấn thực phẩm chức năng các loại; 80.900 tấn phân bón; 45.678 hộp mỹ phẩm; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 523.000 bao thuốc lá; 160.559 đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu; hàng chục nghìn chai rượu ngoại các loại và hàng triệu sản phẩm điện, điện tử, túi xách, giầy dép, quần áo thời trang, lương thực, thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng SHCN.

 

Một số kết quả cụ thể:

 

2.1. Thanh tra ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra 419 tổ chức và cá nhân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính tại các tỉnh, thành phố. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 386 tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sao chép phần mềm máy tính, tác phẩm mỹ thuật, điện ảnh, đăng tải lên website, phát sóng chương trình, vidieo clip âm nhạc mà không được phép của chủ sở hữu, trong đó phạt cảnh cáo 02 trường hợp, phạt tiền 384 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 9 tỷ đồng. Tịch thu, tiêu hủy 160.559 đĩa phim, ca nhạc, sân khấu các loại .

 

2.2. Thanh tra ngành KH&CN đã tiến hành thanh tra 752 vụ việc, phát hiện và xử lý 473 vụ việc xâm phạm quyền SHCN, đã xử phạt cảnh cáo 66 vụ việc, phạt tiền 264 vụ việc với số tiền xử phạt gần 6 tỷ đồng. Buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm gắn trên hàng trăm nghìn sản phẩm, hàng hoá vi phạm; kết luận thanh tra công nhận sự thỏa thuận giữa các bên 108 vụ việc (chủ yếu là các vụ việc xâm phạm quyền SHCN liên quan đến tên doanh nghiệp; vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền...); từ chối thụ lý 23 vụ việc; chuyển cơ quan có thẩm quyền 07 vụ việc.

 

Nhiều vụ việc giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHCN lớn đã được Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp với Công an thành phố Hà nội phát hiện và xử lý kịp thời như: (i) Vụ sản xuất các sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu “DIOR”, “HERMÈS”, “HERMÈS&Hình”, “Hình”, “H&Hình”, “LOUIS VUITTON”, “LV”, “Hình”, “ LV& Hình”, xét thấy hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm, Thanh tra Bộ đã chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến Công an thành phố Hà nội để điều tra, khởi tố vụ án hình sự; (ii) Vụ sản xuất, lắp ráp xe máy điện xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “Xe máy” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Piaggio & C.S.p.A (Italy); linh kiện xe máy điện được nhập từ Trung Quốc về để lắp ráp. Chánh Thanh tra Bộ đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 192 triệu đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ yếu tố vi phạm gắn trên 114 chiếc xe máy điện; (iii) Vụ buôn bán các sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu “CHARLES & KEITH”, nhãn hiệu “Pedro” đang được bảo hộ tại Việt Nam Charles & Keith International Pte. Ltd (Singgapore). Qua thanh tra đã phát hiện 03 cơ sở đang bày bán, tàng trữ hơn 1.100 sản phẩm thời trang túi xách, ví nữ, giày giả mạo nhãn hiệu. Chánh Thanh tra Bộ đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 03 cơ sở, số tiền 98 triệu đồng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, tịch thu tiêu hủy hơn 1.100 sản phẩm giả mạo nêu trên.

 

Một số Sở KH&CN địa phương đã tích cực thanh tra, xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHCN như: Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng, Cà Mau, Đăk Nông…, điển hình có Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh đã thanh tra và giải quyết các vụ việc vi phạm về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, sáng chế, giải pháp hữu ích đối với 28 vụ việc, số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 725 triệu đồng.

 

2.3. Các lực lượng chức năng của ngành Thông tin và Truyền thông (trực tiếp là Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, thanh tra ngành) đã tập trung thanh tra, kiểm tra việc sử dụng bản quyền phần mềm của các doanh nghiệp, bản quyền đối với các chương trình phát sóng, bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản. Qua thanh tra đã xử phạt 06 cơ sở, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 163 triệu đồng.

 

2.4. Tòa án các cấp đã tiếp nhận 288 vụ việc, đã giải quyết được 177 vụ việc, trong đó: (i) Xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự); (ii) Công nhận sự thỏa thuận của các bên 16 vụ; (iii) Chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý 15 vụ; (iv) Đình chỉ 91 vụ.

 

2.5. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã khởi tố 13 vụ việc với 18 bị can.

 

2.6. Lực lượng Công an (Cảnh sát kinh tế) đã phát hiện hơn 2.047 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT liên quan đến: Thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, tân dược, rượu, các linh kiện điện tử... Đã khởi tố 381 vụ với 553 bị can, chuyển xử lý hành chính 1.564 vụ với tổng mức phạt 28,5 tỷ đồng. 

 

2.7. Cơ quan Hải quan (Bộ Tài chính) đã xử lý theo đơn yêu cầu của các chủ thể quyền SHTT đề nghị kiểm tra, giám sát tại biên giới, bắt giữ và xử lý một khối lượng lớn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT như thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng thời trang, linh kiện máy tính điện tử… điển hình như:  (i) Vụ giả mạo nhãn hiệu LOUIS VUITTON, RAY BAN CALVIN KLENIN...đã xử phạt vi phạm hành chính 238 triệu đồng, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm gắn trên 1.821 sản phẩm vi phạm; (ii) Vụ giả mạo nhãn hiệu SONY gắn trên 4.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em, xử phạt vi phạm hành chính 225 triệu đồng.

 

2.8. Lực lượng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra và xử lý 22.441 vụ việc buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, đã xử phạt vi phạm hành chính gần 53 tỷ đồng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

 

2.9. Các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xử lý một số vụ việc liên quan đến bảo hộ giống cây trồng. Kết quả các bên vi phạm và chủ sở hữu đã thỏa thuận được với nhau, không xảy ra vấn đề tranh chấp trong bảo hộ giống cây trồng.

 

Có thể thấy hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về SHTT do lực lượng thực thi của các bộ, ngành, địa phương thực hiện đã được triển khai rộng khắp trên các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành. Kết quả chung ghi nhận ngoài sự chủ động, trực tiếp xử lý của mỗi bộ, ngành, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành đã góp phần tích cực trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.

 

3. Công tác tuyên truyền, giáo dục về SHTT 

 

Trong giai đoạn 2012 - 2015, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về SHTT đã được quan tâm thực hiện. Hầu hết các bộ, ngành đều tổ chức các hội thảo, viết bài nghiên cứu liên quan và đã thu hút nhiều đối tượng tham gia. Các hoạt động chung về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong Chương trình hợp tác cũng được tiếp tục triển khai, cụ thể:

 

3.1. Bộ KH&CN (trực tiếp là cơ quan Thanh tra Bộ) đã xây dựng website của Chương trình 168 giai đoạn II, dưới tên viết tắt IPNAP theo yêu cầu của Chương trình và được đăng tải trên website của Thanh tra Bộ KH&CN tại địa chỉ: http://thanhtra.most.gov.vn/vi/ipnap.

 

Bộ KH&CN (Thanh tra Bộ, Cục SHTT) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng cũng như các doanh nghiệp thông qua cầu nối là các phương tiện thông tin truyền thông cũng như tổ chức hội nghị, hội thảo: (i) Tổ chức 49 hội thảo tuyên truyền về SHTT cho gần 4 nghìn lượt người tham dự đến từ các cơ quan trung ương đến địa phương; (ii) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHCN nhân kỷ niệm Ngày SHTT thế giới (26/4) với một chuỗi các sự kiện: Hội thảo; viết bài về SHTT trên báo; phóng sự; tọa đàm; (iii) Tổ chức nhiều triển lãm về tài sản trí tuệ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về SHTT như: “IP Challenge - Đỉnh cao thương hiệu”; “Thiết kế Inforgraphic về SHTT”,  các cuộc thi sáng chế…

 

3.2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thanh tra Bộ) đã thành lập các đoàn công tác đi thực tế để khảo sát tình hình quản lý, thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận...; tổ chức 04 lớp tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan và biện pháp chống vi phạm bản quyền trên Internet; gửi khuyến cáo tới hàng nghìn doanh nghiệp yêu cầu sử dụng các chương trình phần mềm hợp pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

3.3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Cục Trồng trọt) đã phối hợp với Tổ chức JICA Nhật Bản và Đại Sứ quán Hà Lan và một số đơn vị liên quan tổ chức 10 Hội thảo về bảo hộ giống cây trồng giành cho các nhà khoa học, các cơ sở khảo nghiệm và các cán bộ quản lý ngành trồng trọt tại một số tỉnh, thành phố. 

 

3.4. Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Xuất bản và một số đơn vị liên quan) đã tổ chức 11 hội nghị, hội thảo giành cho các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp và biên tập viên các nhà xuất bản, nhằm tuyên truyền, giáo dục về SHTT và công tác phòng, chống xâm phạm quyền SHTT; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm trên môi trường mạng Internet, trên sóng phát thanh, truyền hình về hoạt động sáng tạo, phát triển quyền SHTT của Việt Nam.

 

3.5. Bộ Công an (Cục Cảnh sát kinh tế) đã phối hợp với Văn phòng JETRO Hà Nội tổ chức 02 Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực đấu tranh chống xâm phạm quyền SHTT và phân biệt hàng thật, hàng giả cho lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an của các đơn vị, địa phương trong phạm vi cả nước.

 

3.6. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tổ chức 02 khóa tập huấn chuyên sâu về SHTT, chống hàng giả cho cán bộ hải quan chuyên trách về SHTT; phối hợp với Đài truyền hình, Báo Hải quan, Cổng thông tin điện tử Hải quan thực hiện các chương trình tuyên truyền về công tác đấu tranh bảo vệ quyền SHTT, chống hàng giả tại biên giới.

 

4. Công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi

 

 Giai đoạn 2012 - 2015, các cơ quan thực thi (Thanh tra Bộ KH&CN; Cục Quản lý thị trường; Tổng cục Hải quan; Cục Cảnh sát kinh tế) đã phối hợp thực hiện một số đề tài, dự án nhằm đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi như: (i) Phối hợp tham gia Dự án tăng cường năng lực thực thi quyền SHTT của các cơ quan thực thi tại Việt Nam do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kiến thức của Nhật Bản trong công tác thực thi quyền SHTT cho các cơ quan thực thi Việt Nam ; (ii) Phối hợp thực hiện Đề tài “Nghiên cứu và đề xuất biện pháp nâng cao thực thi quyền SHTT đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” do Thanh tra Bộ KH&CN chủ trì; (iii) Tổ chức thành công nhiều hội thảo liên quan đến công tác thực thi quyền SHTT tại Việt Nam.

 

Từng bộ, ngành và các cơ quan thực thi đã chủ độlng tổ chức các hoạt động tập huấn nhằm nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT cho các lực lượng chức năng. Cụ thể như sau:

 

4.1. Thanh tra Bộ KH&CN và Cục SHTT đã tổ chức 12 lớp tập huấn, 137 khóa đào tạo với 11.453 lượt người tham dự; cung cấp 339 ý kiến chuyên môn đối với các cơ quan thực thi (Tòa án 14 vụ việc; Cảnh sát kinh tế 149 vụ việc; Quản lý Thị trường 168 vụ việc, Hải quan 08 vụ việc). 

 

Ở địa phương, các Sở KH&CN đã tổ chức 378 hội thảo, giới thiệu, tập huấn chuyên đề về các vấn đề liên quan đến SHTT cho hơn 2 nghìn lượt đối tượng làm công tác quản lý về SHTT, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan. Một số địa phương thực hiện tốt nội dung này là: An Giang, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Phú Yên, Vĩnh Long… 

 

4.2. Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức 04 khóa đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý, cơ quan thực thi quyền tác giả, quyền liên quan và đại diện hiệp hội, chủ sở hữu quyền…

 

4.3. Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã tổ chức 03 khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về tăng cường năng lực thực thi quyền SHTT giành cho các cán bộ hải quan, đồng thời thực hiện một số Chương trình đào tạo về công tác đấu tranh chống hành vi buôn lậu hàng giả tại biên giới.

 

4.4. Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an đã phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Pháp; Tổ chức JICA Nhật Bản; Văn phòng xúc tiến thương mại Nhật Bản; các Hiệp hội, văn phòng đại diện thương hiệu quốc tế tổ chức các buổi hội nghị, tập huấn cho lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh, thành phố.

 

4.5. Lực lượng Quản lý thị trường, Bộ Công thương đã tổ chức 05 khóa tập huấn về thực thi quyền SHTT cho các cán bộ, công chức của Chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.

 

4.6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 05 Hội thảo tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Cần Thơ, Đà Lạt nhằm chia sẻ kinh nghiệm về thực thi quyền giống cây trồng cho các Viện, Công ty giống và các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.

 

4.7. Tòa án các cấp đã tổ chức 10 Hội thảo và các khóa tu nghiệp trung hạn trong và ngoài nước cho các Thẩm phán, cán bộ Tòa án nhằm đào tạo kỹ năng giải quyết các vụ án liên quan đến quyền SHTT.

 

5. Công tác hợp tác quốc tế về SHTT

 

Các cơ quan thực thi quyền SHTT của các bộ, ngành thành viên đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT, Ban thường trực và Cơ quan thường trực Chương trình 168 giai đoạn II đã hợp tác với các đối tác nước ngoài tổ chức nhiều sự kiện về thực thi quyền SHTT cụ thể:

 

5.1. Thanh tra Bộ KH&CN tổ chức nhiều sự kiện liên quan thực thi quyền SHTT ; tiếp nhiều đoàn khách nước ngoài đến thăm, làm việc và tìm hiểu về tình hình thực thi quyền SHTT của Việt Nam như: Tổ chức SHTT thế giới (WIPO); Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA); Bộ Kinh tế Công nghiệp Nhật Bản (METI); Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); Hội SHTT Nhật Bản (JIPA); Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV). Đặc biệt, Cơ quan thường trực đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA) thời hạn 03 năm với nội dung hợp tác về: Phát triển chương trình và các dự án liên quan đến nhãn hiệu, giải quyết tranh chấp, chuyển giao nhãn hiệu, thực thi quyền SHCN đối với nhãn hiệu và các lĩnh vực liên quan khác; trao đổi nghiên cứu và thông tin mà các bên cùng quan tâm; trao đổi kinh nghiệm; tổ chức hội thảo, hội nghị và chương trình đào tạo.

 

5.2. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Cục bản quyền tác giả Nhật Bản, Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) và một số tổ chức liên quan tổ chức 81 Hội Thảo, phiên đàm phán về tăng cường năng lực quản lý, thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.

 

5.3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Cơ quan SHTT Lào tổ chức 04 hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan đến bảo hộ giống cây trồng.

 

5.4. Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Tổ chức Cảnh sát quốc tế (INTERPOL), thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế như: Tham gia ý kiến đối với sáng kiến của Cơ quan bảo vệ biên giới và Hải quan Hoa Kỳ về tăng cường các hoạt động kiểm soát trong lĩnh vực SHTT; tham gia chiến dịch toàn cầu Operation Pangea về đấu tranh chống hành vi buôn lậu hàng giả. Đồng thời tiếp và làm việc với nhiều đối tác nước ngoài để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT, chống hàng giả trong ngành hải quan.

 

5.5. Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO Hà Nội); Đại Sứ quán nước Cộng hòa Pháp tổ chức các buổi hội nghị, tập huấn cho lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh, thành phố.

 

5.6. Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Dự án KOICA Hàn Quốc tổ chức các buổi hội thảo, các khóa tu nghiệp trung hạn đưa Thẩm phán, cán bộ Tòa án Việt Nam sang học tập tại Hàn Quốc về Luật SHTT.

 

6. Một số hoạt động của các địa phương

 

Với sự hướng dẫn của các bộ, các cơ quan liên quan đến hoạt động quản lý và thực thi quyền SHTT, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức ký kết chương trình hợp tác và ban hành các quy định về nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT trên địa bàn như: An Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng, Đăk Lắk,  Đồng Nai, Cà Mau, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Tây Ninh...

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT đã được tích cực triển khai, với sự chủ động và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương. Các địa phương đã tổ chức 407 lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về SHTT với 19.610 lượt người tham dự và hàng trăm đợt tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phát hành hàng trăm ấn phẩm bao gồm: Sách, báo, tờ rơi để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của công chúng. 

 

Một số địa phương triển khai rất tích cực như: Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định, Quảng Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Long... Công tác thực thi quyền SHTT đã được các lực lượng thực thi tại các địa phương phối hợp chặt chẽ, nhất là giữa các lực lượng Thanh tra Sở KH&CN, Công an và Chi cục Quản lý thị trường.

 

B. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

 

1. Những tồn tại, hạn chế

 

Việc thực hiện Chương trình Hành động 168 giai đoạn II giữa các bộ, ngành tham gia ký kết và các địa phương còn có những tồn tại nhất định, một số nội dung của Chương trình chưa  thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Cụ thể như sau:

 

1.1. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được thực hiện đồng bộ, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát triển tài sản trí tuệ, tự bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân khác.

 

1.2. Năng lực của các cán bộ thực thi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày một gia tăng và phức tạp.

 

1.3. Công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp xử lý xâm phạm quyền SHTT giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi còn chưa kịp thời, chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

 

1.4. Công tác cập nhật, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương (nhất là giữa các bộ, ngành) còn chưa kịp thời dẫn đến sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn bị động.

 

2. Nguyên nhân

 

Việc đánh giá thực hiện Chương trình hành động 168 giai đoạn II cho thấy, các tồn tại, hạn chế do một số nguyên nhân cơ bản sau:

 

2.1. Nguyên nhân khách quan

 

- SHTT là một lĩnh vực rất khó, việc tiếp cận vấn đề cần nhiều thời gian. Cùng với sự phát triển của các công nghệ, kỹ thuật thì các hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày càng được thực hiện ở nhiều mức độ tinh vi khác nhau nên rất khó phát hiện, đánh giá để xử lý triệt để.

 

- Sự thiếu nhận thức của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng cộng với tâm lý ưa thích “hàng hiệu giá rẻ” còn tồn tại ở nhiều tầng lớp; một số doanh nghiệp chưa có ý thức tự bảo vệ quyền SHTT; nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn có tư tưởng muốn “đánh cắp”, “lợi dụng” thành quả về SHTT của người khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

 

- Sự phối hợp chưa tích cực của chủ thể quyền với các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính; điều tra, truy tố và xét xử bằng biện pháp hình sự, dân sự.

 

2.2. Nguyên nhân chủ quan

 

- Một số nội dung của Chương trình hành động 168 giai đoạn II chưa thực sự được các bộ, ngành quan tâm; công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm chưa được tiến hành hiệu quả.

 

- Đội ngũ cán bộ thực thi ở các bộ, ngành còn quá ít và thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ việc tranh chấp xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt thiếu các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực SHTT. Một số cán bộ chuyên trách về thực thi quyền SHTT luân chuyển công tác dẫn đến khó khăn trong công tác đào tạo, sử dụng cán bộ có kinh nghiệm, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT.

 

- Các cơ quan thực thi chưa thật sự tích cực phối hợp với nhau trong quá trình cung cấp, trao đổi thông tin và xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT.

 

Kết luận chung:
 

Việc ký kết và thực hiện Chương trình Hành động 168 giai đoạn II với sự tham gia của 09 bộ, ngành liên quan đến hoạt động thực thi quyền SHTT là xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. 

 

Kể từ khi Chương trình 168 giai đoạn II được triển khai, với sự nỗ lực chung của các bộ, ngành và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương, công tác tuyên truyền, thanh tra, xử lý vi phạm, hoạt động trao đổi cung cấp thông tin, hoạt động hỗ trợ các tổ chức quản lý tập thể quyền SHTT đã có sự chuyển biến tích cực. Chương trình hành động 168 giai đoạn II đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT, góp phần đáng kể vào việc phòng, chống xâm phạm quyền SHTT như nội dung Chương trình đã đề ra. Mặc dù còn có những tồn tại cần khắc phục nhưng hiệu quả mà các hoạt động của Chương trình mang lại là rất đáng ghi nhận và cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới nhằm khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế về SHTT khi gia nhập WTO và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

 

Lượt xem: 26190

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:18919
Lượt truy cập: 12799712