Thứ tư, 13/11/2024 07:57 GMT+7
Thứ sáu, 19/11/2010 16:05 GMT+7

Những nội dung cơ bản và những điểm mới của Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010

Những nội dung cơ bản và những điểm mới của Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN

I. GIỚI THIỆU TỔNG QUAN

Nghị định 97/2010/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN được Chính phủ ban hành ngày 21/9/2010 nhằm hướng dẫn thi hành những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009, có hiệu lực vào ngày 01/01/2010, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 được sửa đổi năm 2008 liên quan đến xử phạt hành chính các hành vi xâm phạm quyền SHCN. Để đảm bảo thống nhất áp dụng các quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực SHCN, Nghị định này đồng thời hướng dẫn thi hành các quy định về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHCN trong Luật Cạnh tranh 2004 và liên quan đến tên miền trong Luật Công nghệ Thông tin năm 2006. Trong phạm vi liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu và tên thương mại, Nghị định này cũng quy định một số biện pháp xử lý đối với trường hợp xâm phạm quyền SHCN nhưng thực tế chưa tiến hành xử lý do thiếu sự đồng bộ giữa Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Doanh nghiệp (về đặt tên và sử dụng tên doanh nghiệp) cũng như một số văn bản luật trong lĩnh vực y tế, dược phẩm và nôn g nghiệp (liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm trên thị trường, cấp phép nhập khẩu thuốc chữa bệnh và thuốc bảo vệ thực vật).

Nghị định gồm 5 chương với 39 điều: Chương 1 – Quy định chung, từ Điều 1 đến Điều 4 (4 điều); Chương 2 – Hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính, từ Điều 5 Đến Điều 14 (10 điều); Chương 3 – Thẩm quyền xử phạt hành chính, từ Điều 15 đến Điều 24 (10 điều); Chương IV – Thủ tục xử phạt hành chính, từ Điều 25 đến Điều 36 (12 điều); Chương V - Điều khoản thi hành, từ Điều 37 đến Điều 39 (3 điều).

II. NỘI DUNG QUY ĐỊNH

1. Chương I: Những quy định chung

Gồm 4 điều, Chương này quy định phạm vi, đối tượng áp dụng của Nghị định; các nguyên tắc xử phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với đối với  hành vi vi phạm trong lĩnh vực SHCN; nguyên tắc xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm để làm căn cứ xác định khung phạt và thẩm quyền xử phạt.

Chương này có những quy định mang tính nguyên tắc cơ bản đối với việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp:

- Thứ nhất, Nghị định này đã kế thừa nguyên tắc xử phạt hành chính đã được quy định của Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, việc xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp phải tuân theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Điều 3 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

- Thứ hai, Nghị định này đã ấn định mức phạt tiền cao nhất trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp là 500 triệu đồng, đã đưa các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả, phù hợp với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

- Thứ ba, về nguyên tắc xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm, Nghị định đã quy định chi tiết các căn cứ, cách xác định giá và số lượng hàng hoá, dịch vụ vi phạm để làm căn cứ xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm, khung – mức tiền phạt, giá trị tiền thu lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm cần phải thu hồi. Trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm thì căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng mức phạt trong khung phạt từ 10-90 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm quyền SHCN và từ 10-50 triệu đồng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN.

- Thứ tư, Nghị định quy định một số biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với đặc thù xử lý hành vi xâm phạm quyền trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Việt Nam, cụ thể hóa và bổ sung mới một số biện pháp như:

+ Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm, kể cả hoạt động thương mại điện tử;

+ Buộc loại bỏ thông tin về hàng hoá, dịch vụ vi phạm trên phương tiện quảng cáo, trang tin điện tử hoặc thay đổi, thu hồi tên doanh nghiệp, tên miền chứa yếu tố vi phạm;

Thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi xâm phạm mà có.

2. Chương II. Hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính

Chương này quy định 3 nhóm hành vi vi phạm có tính chất khác nhau và áp dụng hình thức, biện pháp, mức phạt khác nhau. Cụ thể là:

2.1. Mục 1 quy định các hành vi phạm quy định quản lý nhà nước về SHCN trong thực hiện thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền SHCN, hoạt động dịch vụ đại diện SHCN, hoạt động giám định SHCN và hoạt động thanh tra, kiểm tra về SHCN. Cụ thể:

- Vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp;

- Vi phạm quy định về chỉ dẫn về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

- Vi phạm quy định về giám định;

- Vi phạm về thanh tra, kiểm tra.

Về cơ bản các nhóm hành vi trên kế thừa những nội dung của Nghị định 106/2006/NĐ-CP trước đây, có bổ sung một số dạng hành vi vi phạm mới phát sinh trong thực tiễn hoặc loại bỏ bớt một hành vi liên quan đến hợp đồng, thỏa thuận giữa các bên để giải quyết theo thủ tục dân sự.

2.2. Mục 2 (từ Điều 10 đến Điều 14) quy định hành vi xâm phạm quyền SHCN và hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN. Một số quy định cụ thể hoá Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, Điều 14 Pháp lệnh Xử lý vi phạm sửa đổi 2008  và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm trong các lĩnh vực, hoạt động khác nhau.

Ngoài những quy định có tính kế thừa Nghị định 106/2006/NĐ-CP, một số điểm mới so với Nghị định 106/2006/NĐ-CP được thể hiện trong Nghị định này là:

- Thứ nhất, về mức phạt: không áp dụng phương pháp tính số lần (1 lần đến 2 lần) như Nghị định 106/2006/NĐ-CP, việc xác định mức phạt cụ thể theo giá trị hàng hoá, dịch vụ vi phạm.

- Thứ hai, để đảm bảo tính răn đe trong việc xử lý các đối tượng vi phạm, mức phạt trong Nghị định này có sự phân biệt giữa các chủ thể thực hiện hành vi, cụ thể với đối tượng có hành vi bán, chào hàng, tàng trữ, trưng bày để bán có mức phạt thấp hơn so với chủ thể thực hiện hành vi sản xuất, nhập khẩu, đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi vi phạm.

- Thứ ba, đã quy định xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp. Khắc phục tình trạng Luật Sở hữu trí tuệ dẫn chiếu việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định pháp luật cạnh tranh, trong khi pháp luật cạnh tranh lại không quy định đầy đủ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh như trong Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các chế tài xử lý các hành vi đó, Nghị định này đã đưa ra các mức phạt phù hợp với quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ. Thẩm quyền xử phạt cũng được trao cho Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) và Thanh tra Thông tin và Truyền thông.

3. Chương III: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Chương này bao gồm 9 điều (từ Điều 15 đến Điều 23), trong đó đã quy định cụ  thể  của từng loại cơ quan:

3.1. Thanh tra Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương II của Nghị định, trừ trong hoạt động nhập khẩu hàng hoá.

3.2. Thanh tra Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đăng ký, chiếm giữ, sử dụng tên miền quy định tại điểm a khoản 10 Điều 14 Mục 2 của Nghị định.

3.3. Quản lý thị trường có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý quy định tại các điều 11, 12, 13 Mục 2 Chương II của Nghị định trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hoá tại thị trường trong nước.

3.4. Hải quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền và giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý quy định tại các điều 10, 11, 12, 13 Mục 2 Chương II của Nghị định trong hoạt động nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá.

3.5. Công an nhân dân có trách nhiệm phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ vi phạm về sở hữu công nghiệp và xử lý hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tem, nhãn, vật phẩm chứa nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo quy định tại các điều 12, 13 Mục 2 Chương II của Nghị định tại thị trường trong nước.

3.6. Cục Quản lý cạnh tranh có thẩm quyền xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Điều 14 Mục 2 Chương II của Nghị định.

3.7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp xảy ra tại địa phương trong các trường hợp quy định tại Điều 42 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điểm mới của Nghị định 97/2010/NĐ-CP so với Nghị định 106/2006/NĐ-CP là:

- Quy định thẩm quyền xử phạt của Cục Quản lý cạnh tranh, Thanh tra Thông tin và Truyền thông và Thanh tra Khoa học và Công nghệ trong việc xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thuộc chức năng quản lý nhà nước của mỗi cơ quan.

- Quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt trong các cơ quan: Thanh tra Khoa học và Công nghệ (Điều 16); Thanh tra Thanh tra thông tin truyền thông (Điều 17); Quản lý thị trường (Điều 18); Hải quan (Điều 19); Công an nhân dân (Điều 20); Cục quản lý cạnh tranh (Điều 21); Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền;

- Quy định cụ thể thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt.

4. Chương IV. Thủ tục xử lý vi phạm

Chương IV gồm 13 điều (từ Điều 24 đến Điều 37). Chương này quy định tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu xử lý vi phạm; thẩm quyền chủ động phát hiện và xử lý vi phạm; trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu xử lý vi phạm; cung cấp, trao đổi thông tin về đối tượng vi phạm; thủ tục đình chỉ vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt và thi hành quyết định xử phạt hành chính; thủ tục, biện pháp xử lý tang vật, phương tiện vi phạm.

Một số điểm mới so với Nghị định 106/2006/NĐ-CP là:

- Quy định rõ quyền yêu cầu xử lý vi phạm và thẩm quyền chủ động phát hiện xử lý vi phạm; quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, đặc biệt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của bên yêu cầu xử lý và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng của bên bị yêu cầu xử lý.

- Quy định rõ cách thức thực hiện quyền yêu cầu xử lý vi phạm: người có quyền yêu cầu xử lý; tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu xử lý vi phạm; nội dung và hình thức văn bản ủy quyền thực hiện yêu cầu xử lý vi phạm phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật dân sự.

- Quy định cụ thể các tình huống từ chối hoặc dừng thủ tục xử lý xử lý vi phạm.

- Quy định cụ thể cách thức xử lý vụ vi phạm khi phát sinh tranh chấp giữa các bên liên quan.

- Quy định thủ tục sửa đổi, hủy bỏ, đình chỉ hiệu lực quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp quyết định giải quyết tranh chấp về sở hữu công nghiệp được ban hành những dẫn tới sự thay đổi căn cứ, nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Quy định cụ thể thủ tục tịch thu và xử lý hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu, đã quy định cụ thể về việc thời hạn phải xử lý tang vật, phương tiện, cho phép chủ thể quyền tham gia, giám sát và thực hiện trách nhiệm hỗ trợ cơ quan thẩm quyền xử lý hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu.

5. Chương V: Điều khoản thi hành

Chương này gồm 3 điều, ngoài việc kế thừa và tuân thủ các quy định về hình thức bắt buộc của Nghị định, Nghị định đã giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ bên cạnh việc xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Khoa học và Công nghệ còn có trách nhiệm:

- Thu thập, lưu giữ, thống kê thông tin xử lý vi phạm pháp luật sở hữu công nghiệp, thiết lập và quản lý cơ sở dữ liệu, mạng thông tin điện tử về thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính;

Những nội dung này phù hợp với chức năng đầu mối quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ theo sự phân công của Chính phủ cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc xây dựng cơ chế cung cấp thông tin về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, từng bước thống nhất và minh bạch hóa thông tin về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Quy định về điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành phù hợp với Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2008./.

                                       Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Lượt xem: 24126

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:18645
Lượt truy cập: 12718894