1. Sáng chế dược phẩm:
a. Quy định của TRIPS:
Hiệp định TRIPs quy định một số ngoại lệ đối với bảo hộ sáng chế dược phẩm trong một số trường hợp như:
Bảo vệ sức khỏe con người và động vật;
Phương pháp chẩn đoán và điều trị cho người và động vật; Sáng chế liên quan đến giống động thực vật.
b. Nhiệm vụ đàm phán trong Doha:
Một số nước đặc biệt là Nhóm Châu Phi yêu cầu làm rõ các linh hoạt của TRIPS. Tuyên bố Doha đã nhấn mạnh “việc thi hành và giải thích Hiệp định TRIPs theo cách hỗ trợ sức khỏe cộng đồng bằng cách thúc đẩy cả việc tiếp cận dược phẩm hiện có và sáng chế ra các dược phẩm mới”. Và ngoài ra, Hội nghị Bộ trưởng Doha còn có Tuyên bố riêng về TRIPs và sức khỏe cộng đồng trong đó cho phép cấp phép cưỡng bức và cho phép lùi thời hạn chuyển tiếp bảo hộ sáng chế đối với các thành viên chậm phát triển (LDCs) đến 2016.
c. Thực trạng đàm phán hiện nay:
Tuy nhiên, Tuyên bố Doha còn một vấn đề chưa giải quyết được đó là đối với các nước không có đủ công nghệ sản xuất dược phẩm dù có cấp phép cưỡng bức. Vì thế năm 2003, Đại hội đồng đã thông qua quyết định thực hiện đoạn 6 của Tuyên bố Doha về TRIPs và sức khỏe cộng đồng, trong đó cho phép các nước xuất khẩu sản xuất dược phảm theo cấp phép cưỡng bức xuất khẩu cho các nước LDCs và các nước không có đủ năng lực sản xuất dược phẩm theo các giấy phép đó được nhập khẩu dược phẩm trong các trường hợp khẩn cấp hoặc dùng cho công chúng.
Tuy nhiên, quyết định này vẫn còn tồn tại khi các quy định này chỉ có tính chất tạm thời. Các LDCs và nước đang phát triển muốn có một quy chế ổn định và lâu dài. Vì thế năm 2005, Đại hội đồng đã thông qua Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS cho phép quy định này được đưa vào Hiệp định TRIPS.
Thời hạn để các nước phê chuẩn Nghị định thư là 1/12/2007.
Tuy nhiên, cho đến thời hạn này, số lượng thành viên chưa được 2/3 để Nghị định thư có hiệu lực nên tháng 12/2007 Đại hội đồng quyết định gia hạn thời gian phê chuẩn Nghị định thư đến 31/12/2009. Hiện đã có 18 thành viên thông báo phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi. Việt Nam chưa có thông báo.
2. Chỉ dẫn địa lý:
Đàm phán về chỉ dẫn địa lý trong WTO có 2 nội dung chính:
Xây dựng hệ thống đăng ký và thông báo chỉ dẫn địa lý đa phương cho rượu vang và rượu mạnh;
Mở rộng bảo hộ mạnh đang dành cho rượu vang và rượu mạnh sang cho các sản phẩm khác.
a. Xây dựng hệ thống đăng ký và thông báo chỉ dẫn địa lý đa phương cho rượu vang và rượu mạnh:
(i) Quy định của TRIPS:
Điều 23.4 TRIPS quy định:
“Để tạo thuận lợi cho việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho rượu vang và rượu mạnh Hội đồng TRIPS sẽ tiến hành đàm phán về việc thành lập hệ thống đa phương về thông báo và đăng ký chỉ dẫn địa lý cho rượu vang và rượu mạnh được bảo hộ tại các thành viên tham gia vào hệ thống”.
(ii) Nhiệm vụ đàm phán trong Doha:
Tuyên bố Doha đề ra thời hạn kết thúc đàm phán vấn đề này tại Hội nghị Bộ trưởng Cancun 2003. Do đàm phán không kết thúc được tại thời điểm đó, đàm phán về vấn đề này tiếp tục cho đến khi Doha kết thúc.
(iii) Thực trạng đàm phán hiện nay:
Có 3 nhóm lập trường chính: một đầu là EU, đầu kia là một số nước khác và lập trường hài hòa giữa 2 nhóm này là Hồng Kông, Trung Quốc.
Lập trường của EU, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ: hệ thống có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các thành viên một khi chỉ dẫn địa lý đó được bảo hộ tại một nước thành viên, nếu không có bằng chứng ngược lại;
Lập trường của Argentina, Canada, Chile, Costa Rica, Đài Loan và Úc; xây dựng hệ thống tham gia tự nguyện; các thành viên thông báo các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại lãnh thổ của mình để xây dựng cơ sở dữ liệu; các thành viên tham gia khi thẩm định đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước mình phải tra cứu cơ sở dữ liệu đó để ra quyết định; đối với các thành viên không tham gia hệ thống thì được khuyến nghị tra cứu cơ sở dữ liệu đó nhưng không bắt buộc;
Lập trường của Hồng Kông, Trung Quốc: hệ thống có hiệu lực bắt buộc đối với thành viên tham gia;
Tại Hội nghị Bộ trưởng thu hẹp vừa qua (tháng 7/2008), EU và Thuỵ Sĩ có đưa ra dự thảo văn kiện cơ sở (modalities text) nhưng nhóm G7+7 đã không thống nhất được nội dung văn kiện này. Hiện nay, đàm phán vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
b. Mở rộng bảo hộ dành cho rượu vang và rượu mạnh sang cho các sản phẩm khác: (Extended protection for wines and strong alcohol to other products
(i) Quy định của TRIPS
Điều 22 TRIPS quy định bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý nói chung. Quy định. Quy định này chỉ cấm việc sử dụng bất kỳ phương tiện nào để gọi tên hoặc giới thiệu hàng hóa nhằm chỉ dẫn hoặc gợi ý rằng hàng hóa đó bắt nguồn từ khu vực địa lý khác với xuất xứ thực, với cách thức lừa dối công chúng về xuất xử địa lý thực của hàng hóa.
Điều 23 TRIPS dành quy định bảo hộ mạnh hơn cho rượu vang và rượu mạnh mạnh, trong đó cấm việc sử dụng một chỉ dẫn địa lý của các rượu vang hoặc rượu mạnh cho những loại rượu vang và rượu mạnh không bắt nguồn từ lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch hoặc được sử dụng kèm theo các từ như “loại”, “kiểu”, “dạng”, “phỏng theo” hoặc những từ tương tự như vậy. Như vậy, bảo hộ mạnh hơn ở đây cấm thêm cả các trường hợp: (i) có nêu xuất xứ thật; (ii) sử dụng dưới dạng dịch hoặc sử dụng kèm theo các từ giải nghĩa; và (iii) không nhất thiết đã gây nhầm lẫn cho công chúng.
(ii) Nhiệm vụ tham vấn trong Doha
Tuyên bố Doha quy định như sau “đàm phán về các vấn đề thi hành còn tồn tại là một phần không thể tách rời” của chương trình nghị sự Doha và các vấn đề về thi hành “cần được giải quyết theo các ưu tiên của các cơ quan của WTO và báo cáo lên Ủy ban đàm phán thương mại (TNC)…trước cuối năm 2002 để có quyết định phù hợp.”
Các phái đoàn có các giải thích khác nhau về đoạn này. Nhiều nước đang phát triển và EU cho rằng các vấn đề thi hành đang tồn tại đã là một phần không tách rời của đàm phán và gói kết quả (single undertaking). Một số thành viên khác lại cho rằng vấn đề này chỉ được đưa vào đàm phán nếu TNC quyết định đưa nó vào vòng đàm phán. TNC đến nay chưa có quyết định đó.
(iii) Thực trạng tham vấn hiện nay
Do hiện nay nhiệm vụ đàm phán vẫn chưa rõ ràng nên việc đàm phán phải tổ chức cẩn thận. Đầu tiên, vấn đề được thảo luận tại Hội đồng TRIPS. Gần đây, được tổ chức dưới dạng tham vấn không chính thức do DG hoặc DDG của WTO chủ tọa.
Có 2 nhóm lập trường chính, đó là:
Nhóm ủng hộ mở rộng bảo hộ mạnh gồm Albania, Ấn Độ, Bulgaria, EU, Guinea, Jamaica,Kenya, Madagascar, Mauritius, Ma-rốc, Pakistan, Ru-ma- ni, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Thái Lan và Tunisia. Các nước này cho rằng bảo hộ mạnh dành cho các hàng hóa khác là một cách marketing sản phẩm của mình tốt bằng cách phân biệt sản phẩm đó với sản phẩm của các đối thủ có hiệu quả hơn và phản đối việc các nước “ăn cắp” chỉ dẫn của mình;
Nhóm phản đối gồm Argentina, Canada, Chilê,Colombia, Đài Loan, Dominica, Paraguay, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Hoa Kỳ,Honduras, New Zealand, Pama, Paraguay, Philippine và Australia. Họ lập luận rằng cơ chế bảo hộ hiện nay theo Điều 22 là đủ. Họ lo ngại rằng bảo hộ mạnh hơn sẽ là một gánh nặng và sẽ phá vỡ các hành vi marketing hợp pháp đang sử dụng. Họ cũng phản đối việc các nước buộc tội “ăp cắp” đặc biệt khi người nhập cư mang theo phương pháp sản xuất và tên gọi đến với nơi định cư mới của họ và sử dụng một cách lành mạnh.
Tại Hội nghị Bộ trưởng thu hẹp vừa qua (tháng 7/2008), các nước ủng hộ mở rộng bảo hộ mạnh có đưa ra dự thảo văn kiện cơ ở (modalities text), trong đó làm rõ nhiệm vụ đàm phán liên quan đến vấn đề này nhưng nhóm G7+7 đã không đồng ý với văn bản này.
Hiện nay, đàm phán/tham vấn vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
3. Mối quan hệ giữa SHTT và đa dạng sinh học, bảo hộ tri thức truyền thống và văn hóa dân gian:
a. Quy định của TRIPS
Điều 27(3) quy định việc bảo hộ giống cây trồng và việc loại trừ bảo hộ sáng chế giống động thực vật và quy trình vi sinh mang bản chất sinh học “sẽ được xem xét lại 4 năm sau ngày Hiệp định WTO có hiệu lực”.
b. Nhiệm vụ thảo luận trong Doha
Tuyên bố Doha đã mở rộng nội dung thảo luận theo Điều này qua việc nêu rõ “hoạt động tại Hội đồng TRIPS theo việc xem xét lại (Điều 27.3(b) hay toàn bộ Hiệp định TRIPS theo Điều 71.1) và các vấn đề thi hành còn tồn tại phải bao gồm: mối quan hệ giữa Hiệp định TRIPS và Công ước Liên hiệp quốc về Đa dang sinh học; bảo hộ tri thức truyền thống và văn hóa dân gian”.
c. Thực trạng tham vấn hiện nay
Về mối quan hệ giữa TRIPS và CBD, hiện đang có 4 nhóm lập trường chính:
Bc lộ nguồn gen được đưa thành quy định bắt buộc của TRIPS do Brazil, Ấn Độ, Bolivia, Colombia, Cuba, Dominica, Ecuador, Peru và Thái Lan khởi xướng và được sự ủng hộ của Nhóm Châu Phi; Bộc lộ nguồn gen qua việc sửa đổi Hiệp định PCT do Thụy Sĩ khởi xướng;
Bộc lộ nhưng nằm ngoại phạm vi của luật sáng chế do EU khởi xướng; sử dụng hệ thống luật quốc gia, bao gồm cả việc ký kết các hợp đồng do Hoa Kỳ khởi xướng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen và tri thức truyền thống để xét nghiệm tra cứu khi xét nghiệm sáng chế do Nhật Bản khởi xướng.
Tại Hội nghị Bộ trưởng thu hẹp vừa qua (tháng 7/2008), các nước ủng hộ bộc lộ nguồn gen đã đưa ra dự thảo văn kiện cơ sở (modalities text), trong đó làm rõ nhiệm vụ đàm phán liên quan đến vấn đề này, cũng như các quy định bắt buộc bộ lộ nguồn gen trong đơn sáng chế và quy định các vấn đề sẽ tiếp tục đàm phán như cơ chế chia sẻ lợi ích, xin phép trước và chế tài sau khi cấp bằng nhưng nhóm G7+7 đã không đồng ý với văn bản này. Vấn đề đang được tiếp tục thảo luận.
Nguồn: http://www.nciec.gov.vn