Thứ tư, 13/11/2024 13:49 GMT+7
Thứ sáu, 14/11/2014 11:05 GMT+7

Một số trao đổi về Kết luận thanh tra Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước KC.07/11-15

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, hoạt động thanh tra việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN luôn được tiến hành nghiêm túc, kịp thời theo kế hoạch. Qua đó giúp phát hiện các tồn tại, bất cập hoặc những tình huống nảy sinh trong thực tiễn và đề xuất kiến nghị xử lý.

Kiểm tra hồ sơ tài liệu, chứng từ tài chính của dự án SXTN KC.07.DA03/11-15 tại Công ty cổ phần Dược phẩm Khang Minh, TP. Hồ Chí Minh.

 

Theo kế hoạch thanh tra chuyên ngành KH&CN năm 2014, Chương trình KC.07/11-15 đã được tiến hành thanh tra. Kết quả thanh tra Chương trình này cho thấy, có một số vấn đề cần xử lý về quản lý tài chính với các dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN) và thực hiện công khai – minh bạch đối với kết quả tuyển chọn, xét chọn giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

 

Về xác định kinh phí đối ứng của dự án SXTN được NSNN hỗ trợ

 

Tại khoản 2, Điều 2, Thông tư liên tịch số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21/02/2011 hướng dẫn quản lý tài chính đối với dự án SXTN được NSNN hỗ trợ kinh phí có quy định về “kinh phí đầu tư mới“, nhưng việc mặc nhiên quan niệm và xác định kinh phí này phải thực hiện sau thời điểm ký Hợp đồng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới được chấp nhận hợp lệ là chưa phù hợp đối với một số dự án SXTN. 

 

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai công nghệ là cả quá trình và có nhiều nội dung được Tổ chức chủ trì đầu tư chuẩn bị ngay trước khi ký Hợp đồng, thậm chí có nhiều tổ chức vẫn thực hiện triển khai công nghệ đã chuẩn bị dù không ký được Hợp đồng để nhận hỗ trợ kinh phí từ NSNN. Do vậy, việc chỉ lấy thời điểm ký Hợp đồng làm mốc để xác định “đầu tư mới“ mà không xem xét đến nội dung đầu tư để đánh giá việc “đầu tư mới“ là chưa phù hợp, gây ra những khó khăn lớn cho Tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm trong việc chứng minh phần kinh phí đối ứng, cản trở đến tiến độ và chất lượng thực hiện dự án. Mặt khác, việc quan niệm “đầu tư mới“ hình thức như vậy có nguy cơ buộc một số Tổ chức chủ trì đã có đầu tư chuẩn bị trước phải hợp thức hóa chứng từ, dẫn đến hành vi giả mạo chứng từ và mất thêm chi phí.

 

Kiểm tra dây chuyền công nghệ sản xuất surimi của dự án SXTN KC.07.DA01/11-15 tại Công ty TNHH Thủy sản Hòa Thắng, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

 

Thực tế khó khăn về chứng minh vốn đối ứng khi triển khai dự án SXTN như trên là tình huống thường gặp ở các Chương trình KH&CN Trọng điểm cấp nhà nước và nhiều địa phương. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có đơn vị, cá nhân nào trong cơ quan quản lý có thẩm quyền chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này cho Tổ chức chủ trì. 

 

Về xác định giá trị và quản lý tài sản hữu hình được hình thành từ kết quả dự án SXTN 

 

Khi thực hiện dự án SXTN có một số dạng tài sản hữu hình được hình thành gồm trang thiết bị máy móc và sản phẩm SXTN của dự án. 

 

Đối với các dự án SXTN, phần kinh phí hỗ trợ cho nguyên liệu sản xuất thường chiếm tới 1/3 tổng kinh phí hỗ trợ từ NSNN, tuy nhiên sản phẩm SXTN thu được thường không được xác định giá trị để bàn giao lại cho Tổ chức chủ trì. Mặt khác, tất cả các trang thiết bị máy móc và nguyên liệu sản xuất đều được thanh quyết toán tại Tổ chức chủ trì, nhưng có một số tài sản hữu hình được hình thành ở các đơn vị phối hợp, và việc quản lý số tài sản hữu hình này ở đơn vị phối hợp cũng chưa được quan tâm ghi nhận.  

 

Như vậy, việc tài sản hữu hình được hình thành từ kết quả dự án SXTN chưa được xác định giá trị và nội dung bàn giao tài sản này cho Tổ chức chủ trì quản lý khai thác sử dụng sau khi kết thúc dự án chưa được quy định rõ ràng, dễ có nguy cơ gây thất thoát tài sản công.  

 

Về công khai – minh bạch kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp 

 

Theo quy định trước đây tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 08/2012/TT-BKHCN ngày 02/4/2012 về việc tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án SXTN cấp nhà nước có quy định, kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp sau khi phê duyệt được thông báo đến các tổ chức, cá nhân trúng tuyển, cơ quan chủ quản và công bố trên các trang tin điện tử của Bộ KH&CN. 

 

Tuy vậy, chỉ những tổ chức, cá nhân trúng tuyển mới được tiếp cận kết quả chấm điểm chi tiết liên quan đến chính mình và quy định này mới đạt được sự công khai kết quả tuyển chọn nhưng chưa bảo đảm đầy đủ sự minh bạch kết quả chấm điểm chi tiết đối với những tổ chức, cá nhân không trúng tuyển.

 

Quá trình tìm hiểu thực tế cho thấy, nhiều tổ chức và cá nhân trong cộng đồng khoa học có nguyện vọng được thông báo kết quả điểm tuyển chọn chi tiết với tất cả các trường hợp trúng tuyển và không trúng tuyển. 

 

Nguyện vọng nêu trên phù hợp với quyền được thông tin của cộng đồng và yêu cầu công khai - minh bạch của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong quản lý nhà nước. Mặt khác, đáp ứng được nguyện vọng này sẽ thể hiện được yếu tố phục vụ đối với những vấn đề có tính dân nguyện trong một nền hành chính mà các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay có trách nhiệm hướng tới và thực hiện.

 

Để xử lý những vấn đề cụ thể trên, Bộ KH&CN đã yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện như sau:

 

Thứ nhất, thành lập tổ kiểm tra có thẩm quyền xác nhận kinh phí đối ứng trên cơ sở xác minh nội dung đầu tư mới để giải quyết khó khăn cho các Tổ chức chủ trì liên quan. 

 

Thứ hai, xây dựng bổ sung quy định pháp luật về nội dung xác định giá trị tài sản hữu hình (thiết bị máy móc và sản phẩm SXTN) được hình thành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN và bàn giao cho Tổ chức chủ trì quản lý sử dụng, trong đó có tính đến số tài sản ở các đầu mối phối hợp với Tổ chức chủ trì. 

 

Thứ ba, sửa đổi quy định về tuyển chọn, giao trực tiếp nghiên cứu xem xét bổ sung nội dung kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin đại chúng và kết quả điểm tuyển chọn chi tiết phải được thông báo đến tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia tuyển chọn kể cả trúng tuyển và không trúng tuyển để bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 

Như vậy, từ kết quả thanh tra, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết tình huống cụ thể và xem xét điều chỉnh hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, để bảo đảm phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho các Tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm triển khai hoàn thành tốt việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

 

(Chi tiết Kết luận thanh tra số 3471/KL-BKHCN ngày 24/9/2014 được tải tại đây:Ketluan 3471-KL-BKHCN.pdf)

 

Lượt xem: 24954

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:42500
Lượt truy cập: 12719666