Thứ hai, 23/12/2024 17:28 GMT+7
Thứ hai, 15/06/2015 16:28 GMT+7

Những vấn đề cần lưu ý của các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ

(Tài liệu phục vụ tập huấn nghiệp vụ thanh tra KH&CN 2015)

Người trình bày: Nguyễn Hữu Quân – Thanh tra Bộ

Ngày 17.10.2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2014/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27.6.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), chuyển giao công nghệ (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 93/2014/NĐ-CP). Nghị định số 93/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15.12.2014 với nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động KH&CN, liên quan tới nhiều cá nhân/tổ chức KH&CN, đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật về KH&CN cũng như Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Hiện nay, Thanh tra Bộ KH&CN được giao xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung mới nêu trên.

Do vậy, trong phạm vi bài viết này, với hình thức là tài liệu phục vụ tập huấn nghiệp vụ thanh tra KH&CN 2015, chúng tôi xin được trình bày nội dung cơ bản nhất liên quan tới những nội dung mới của Nghị định số 93/2014/NĐ-CP. Mục đích chính là cùng các đồng chí nắm được những vấn đề cốt lõi, bản chất của quy định để khi áp dụng sẽ tránh được sai sót không đáng có. Đồng thời cũng qua các nội dung trình bày, chúng tôi mong muốn được sự đóng góp ý kiến của các đồng chí để dự thảo Thông tư đang xây dựng được hoàn chỉnh hơn.

Để thuận tiện cho việc theo dõi, tìm hiểu, chúng tôi xin trình bày dưới dạng trả lời các câu hỏi phổ biến.

I. Tại sao Nghị định số 64/2013/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong hoạt động KH&CN, chuyển giao công nghệ (gọi tắt là Nghị định số 64/2013/NĐ-CP) vừa mới được ban hành năm 2013 thì năm 2014 lại phải ban hành Nghị định số 93/2014/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung?

Nghị định số 64/2013/NĐ-CP được xây dựng dựa trên cơ sở Luật KH&CN 2000, Luật Chuyển giao công nghệ 2006 và Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Ngày 18.6.2013, Luật KH&CN sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 01.01.2014 (Luật KH&CN 2013). Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật KH&CN 2013. Với tinh thần đổi mới căn bản công tác quản lý KH&CN, các văn bản này có nhiều điểm đột phá, từ chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, tổ chức và hoạt động KH&CN, cho đến đào tạo và trọng dụng nguồn nhân lực KH&CN... Do đó, một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN tại Nghị định số 64/2013/NĐ-CP đã không còn phù hợp với hệ thống pháp luật về KH&CN hiện hành. Đó là lý do cơ bản mà Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17.10.2014 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP.

Về bố cục thì Nghị định số 93/2014/NĐ-CP gồm 4 điều. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được quy định tại Điều 2 và chủ yếu sửa đổi, bổ sung các điều khoản tại Mục 1, Chương II về vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP. Cụ thể, Nghị định số 93/2014/NĐ-CP đã bổ sung thêm 1 điều và sửa đổi 8 điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP.

II. Vậy Nghị định số 93/2014/NĐ-CP có gì mới so với Nghị định số 64/2013/NĐ-CP?

Trước hết phải nhấn mạnh, Nghị định số 93/2014/NĐ-CP chỉ sửa đổi, bổ sung phần các quy định về hoạt động KH&CN để phù hợp với Luật KH&CN mới; phần quy định về chuyển giao công nghệ vẫn giữ nguyên.

Về một số nội dung mới, có thể chia thành các nhóm gồm “sửa đổi, bổ sung về hành vi”; “sửa đổi, bổ sung về mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả”; “sửa đổi, bổ sung về thuật ngữ”.

1. Về sửa đổi, bổ sung hành vi. Trong Nghị định số 93/2014/NĐ-CP, nhiều hành vi lần đầu tiên được quy định là vi phạm hành chính và bị áp dụng chế tài xử phạt. Cụ thể:

Việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước chậm tiến độ mà không có sự cho phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền giao nhiệm vụ sẽ bị xử phạt với hình thức cảnh cáo.

Trong đánh giá, xếp hạng đối với tổ chức KH&CN, việc đánh giá, xếp hạng không đúng phương pháp, tiêu chí đánh giá; không trung thực, khách quan, không đúng pháp luật; không công khai kết quả đánh giá, xếp hạng theo quy định của pháp luật đều thuộc nhóm hành vi vi phạm, với mức phạt tối đa là 20 triệu đồng.

Trong việc phổ biến, ứng dụng kết quả hoạt động KH&CN, đặc biệt là đối với các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội do Nhà nước đầu tư, một số hành vi của tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt. Đó là: tổ chức là chủ đầu tư dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước mà: không gửi báo cáo việc sử dụng kinh phí dành cho hoạt động KH&CN theo quy định; không tổ chức nghiên cứu để xây dựng căn cứ khoa học trong giai đoạn chuẩn bị, thực hiện đầu tư, giải quyết vấn đề KH&CN phát sinh trong quá trình thực hiện; không thực hiện đúng, đầy đủ kết luận thẩm định về cơ sở khoa học và thẩm định công nghệ theo quy định. Hoặc các tổ chức này nếu thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, có cam kết, có địa chỉ ứng dụng vào sản xuất và đời sống nhưng không trực tiếp hoặc tham gia triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống; ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước vào sản xuất và đời sống, thuộc diện phải thẩm định theo quy định nhưng chưa có sự thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN có thẩm quyền cũng bị xử phạt với mức tối đa là 30 triệu đồng.

Trong quá trình thành lập, hoạt động, giải thể của tổ chức KH&CN, những hành vi sẽ bị xử phạt gồm: thành lập tổ chức KH&CN trực thuộc ở nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài khi chưa được phép hoặc không thông báo cho Bộ KH&CN về việc thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài (trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phép thành lập); không đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được thành lập); không đăng ký thay đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN (trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có thay đổi, bổ sung hoặc mất Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN)... Bên cạnh mức phạt tiền tối đa đối với nhóm hành vi này là 30 triệu đồng, các tổ chức KH&CN có thể bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN 3 tháng.

Để nâng cao hiệu quả quản lý quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, Nghị định số 93/2014/NĐ-CP đã quy định bổ sung các hành vi vi phạm mới, như: không báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về hiệu quả khai thác, chuyển giao, chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; không thông báo với đại diện chủ sở hữu nhà nước khi không còn khả năng khai thác quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyết định giao quyền của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi này là 10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định 93/2014/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định cụ thể về hành vi vi phạm trong hoạt động đăng ký, sử dụng, quản lý Quỹ phát triển KH&CN với mức phạt tối đa tới 50 triệu đồng. Đó là: lập Quỹ phát triển KH&CN nhưng không thông báo việc thành lập Quỹ cho cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN theo quy định hoặc không báo cáo việc trích, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN theo quy định; không có quy chế đề xuất, xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN, không có quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của tổ chức; không trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển KH&CN đối với tổ chức thuộc diện phải lập Quỹ phát triển KH&CN... 

2. Về sửa đổi, bổ sung mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Trong Nghị định số 93/2014/NĐ-CP mức xử phạt của một số hành vi có sự thay đổi lớn. Cụ thể, hành vi sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, số liệu, thông tin của cá nhân, tổ chức khác trong báo cáo khoa học, tài liệu khoa học mà không chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ của kết quả nghiên cứu đó quy định tại Nghị định 64/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền tới 40 triệu đồng thì tại Nghị định 93/2014/NĐ-CP, mức phạt hạ xuống mức cảnh cáo hoặc phạt tiền tới 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, hành vi: bịa đặt số liệu, sử dụng hồ sơ chứng từ không hợp lệ để thanh toán với biện pháp khắc phục hậu quả “buộc hoàn trả kinh phí bị chiếm dụng” quy định tại Nghị định 64/2013/NĐ-CP đã được lược bỏ tại Nghị định 93/2014/NĐ-CP do được xác định thuộc phạm vi điều chỉnh của lĩnh vực tài chính. 

Bên cạnh đó, hình thức xử phạt cá nhân là thành viên Hội đồng KH&CN cũng được điều chỉnh so với trước. Cụ thể, hình thức xử phạt đối với cá nhân là thành viên Hội đồng KH&CN được quy định tại Nghị định 64/2013/NĐ-CP là: Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng nếu thực hiện hành vi công bố, cung cấp thông tin liên quan đến quá trình đánh giá, nhận xét và kết quả tư vấn khi chưa được sự cho phép của cơ quan quyết định thành lập Hội đồng và 1.000.000-2.000.000 đồng khi tư vấn xác định, tuyển chọn, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN mà không thực hiện đúng thủ tục hoặc đánh giá, chấm điểm không đúng với các tiêu chí do Bộ KH&CN quy định, thì tại Nghị định 94/2014/NĐ-CP đã được sửa thành: Phạt cảnh cáo nếu không thực hiện đúng các thủ tục hoặc đánh giá, chấm điểm không đúng với các tiêu chí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định khi tư vấn, thẩm định, tuyển chọn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN và phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng nếu thực hiện hành vi công bố, cung cấp thông tin liên quan đến quá trình đánh giá, nhận xét và kết quả tư vấn khi chưa được sự cho phép của cơ quan quyết định thành lập Hội đồng. Đây là mức phạt phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mà đối tượng này đảm nhiệm.

Về biện pháp khắc phục hậu quả, Nghị định 93/2014/NĐ-CP đã lược bỏ biện pháp “buộc đăng ký, giao nộp kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN” vì khi tổ chức/cá nhân vi phạm đã bị xử phạt mà không thực hiện việc đăng ký thì sẽ tiếp tục bị xử lý với hành vi tương tự nhưng ở mức độ “tái phạm”; biện pháp “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng” được bổ sung để tương ứng với một số hành vi vi phạm, đồng thời đảm bảo tính răn đe và khôi phục lại các quan hệ xã hội mà hành vi vi phạm gây ra.

3. Về sửa đổi, bổ sung thuật ngữ, trong Nghị định số 93/2014/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ

Việc sửa đổi này không đơn thuần là thay đổi về mặt từ ngữ mà còn thay đổi cả đối tượng bị xử phạt. Cụ thể, trong quy định về đăng ký, giao nộp kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, cụm từ “đăng ký, giao nộp” đã được sửa thành “đăng ký” để phù hợp với Luật KH&CN 2013 và các nghị định hướng dẫn. Từ “tổ chức” trong quy định xử phạt về đăng ký, triển khai hoạt động KH&CN đã được sửa thành cụm từ “tổ chức KH&CN”. 

III. Nghị định số 93/2014/NĐ-CP có hiệu lực khi nào và Thanh tra Sở KH&CN có thể áp dụng được ngay chưa?

Nghị định số 93/2014/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12/2014. Về cơ bản, các quy định trong Nghị định đã rõ ràng, Thanh tra Sở KH&CN có thể áp dụng xử phạt theo thẩm quyền, đặc biệt là đối với các vi phạm phổ biến, dễ xác định, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý KH&CN của Sở như: chậm tiến độ; không đăng ký kết quả; không báo cáo tình hình hoạt động hoặc hoạt động không đúng nội dung Giấy chứng nhận đăng ký… Ngoài ra, Thanh tra Bộ sẽ trình Bộ KH&CN ban hành Thông tư để chi tiết và tăng thêm tính pháp lý hơn nữa trong việc xử lý vi phạm. 

----------------------------------------------

Với những nội dung sửa đổi, bổ sung xuất phát từ tư tưởng, quan điểm đổi mới trong quản lý KH&CN và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi mới từ thực tiễn, đặc biệt là để đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, Nghị định số 93/2014/NĐ-CP được hy vọng là công cụ pháp lý quan trọng để phòng ngừa, xử lý vi phạm trong hoạt động KH&CN. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KH&CN của các sở KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung./.

 

Lượt xem: 27040

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:50164
Lượt truy cập: 12800528