Thứ tư, 08/11/2017 10:12 GMT+7

Thông báo tổ chức Lễ ký kết Biên bản Hợp tác, liên kết hoạt động quản lý và phát triển khoa học công nghệ giữa các tỉnh Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Giai đoạn 2017-2019

Trong khuôn khổ Sự kiện Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2017 với chủ đề “Đổi mới công nghệ - Nâng tầm cuộc sống” được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 22 - 24/11/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) dự kiến tổ chức Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận về hợp tác, liên kết hoạt động quản lý và phát triển KH&CN giữa các tỉnh/thành phố trong vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2017-2019. Dự kiến Lễ ký kết Biên bản hợp tác bắt đầu từ 19h30 - 21h30 ngày 22/11/2017 tại Sân khấu khai mạc, Nhà thi đấu Cung Thể thao Tiên Sơn Đà Nẵng. Dự thảo Biên bản hợp tác có một số nội dung liên kết như sau:

1. Về thông tin KH&CN

- Chia sẻ thông tin KH&CN giữa các địa phương về công tác quản lý KH&CN, tình hình hoạt động KH&CN, những kinh nghiệm trong quản lý hoạt động KH&CN tại địa phương, từ đó đề xuất những kiến nghị, những vướng mắc trong hoạt động quản lý khoa học và công nghệ với Bộ KH&CN và Nhà nước.

          - Thông báo, trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến của từng địa phương để qua đó xem xét, nghiên cứu ứng dụng sử dụng tại địa phương khác có nhu cầu và phù hợp, tránh lãng phí  nguồn lực, ngân sách nhà nước.

          - Hỗ trợ, quảng bá các sản phẩm mới, công nghệ mới được hình thành từ hoạt động KH&CN của doanh nghiệp tại các địa phương nhằm thúc đẩy việc hình thành và gia tăng số lượng doanh nghiệp KH&CN trong Vùng.

2. Về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN

Tập trung tổ chức liên kết đề xuất triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Cụ thể như sau:

- Nghiên cứu xây dựng kết nối, giới thiệu công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển; Nghiên cứu khoa học các vấn đề về biển, cụ thể như: xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường biển, tài nguyên sinh học biển; đề xuất các giải pháp bền vững trong khai thác tài nguyên sinh học biển, phát triển nuôi trồng các loại thủy sản là đặc sản có giá trị cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của Vùng; khắc phục xâm lấn bờ biển trong biển đổi khí hậu.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phòng, chống sa mạc hoá, xói mòn, sạt lỡ đất vùng Tây Nguyên.

- Nghiên cứu giải pháp ứng phó, phòng tránh thiên tai và phát triển về trồng trọt, chăn nuôi; Lựa chọn các sản phẩm hàng hóa chủ lực chung của cả vùng/hoặc từ 2 địa phương trở lên, hình thành chuỗi giá trị đối với các sản phẩm này, gắn với xây dựng vùng chuyên canh, liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trong Vùng.

- Nghiên cứu khai thác chế biến các sản phẩm cây dược liệu, tạo thành vùng sản xuất; nghiên cứu xây dựng các nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của Vùng, Trung tâm thực nghiệm vủa Vùng.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, trong y tế và bảo vệ môi trường; nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen đặc hữu của từng địa phương; lựa chọn được bộ giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, thích ứng với điều kiện sinh thái của vùng và tình trạng biến đổi khí hậu; hợp tác trong việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và các chế phẩm hữu cơ.

- Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng năng lượng mặt trời trong phát triển nông nghiệp. 

- Nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ KH&CN về liên kết phát triển du lịch.

- Liên kết chuyển giao tiến bộ KH&CN, các mô hình ứng dụng KH&CN ở mỗi địa phương đã thực hiện thành công để chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

3. Phát triển công nghệ, thị trường công nghệ

- Liên kết triển khai nhiệm vụ ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp; sàn giao dịch công nghệ ảo và phát triển thị trường KH&CN.

- Tăng cường công tác chuyển giao công nghệ giữa các địa phương trong Vùng, nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian tìm kiếm các công nghệ tiên tiến, phù hợp với nhu cầu và đặc trưng của Vùng.

4. Về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân và tiêu chuẩn đo lường chất lượng

- Phối hợp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các thương hiệu sản phẩm có mang tên địa danh và sản phẩm đặc trưng của địa phương đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm có quy mô lớn của vùng.

- Nghiên cứu xây dựng năng lực ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung.

- Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý Đo lường chất lượng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại các tỉnh Miền trung và Tây nguyên.

- Phối hợp chia sẻ các chuẩn đo lường trong công tác kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

- Phối hợp triển khai dịch vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

5. Về nhân lực KH&CN

- Giới thiệu, cung cấp thông tin, chia sẻ cơ sở dữ liệu về chuyên gia KH&CN của các địa phương trong Vùng.

- Phối hợp trao đổi thông tin về đầu tư trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phòng thí nghiệm hóa sinh, vi sinh, thử nghiệm.

Kết quả hoạt động liên kết Vùng sẽ được tổng hợp 02 năm một lần theo chu kỳ giao ban Vùng, thời gian 2017 – 2019 sẽ được Sở KH&CN Đà Nẵng phối hợp với các Sở KH&CN của các tỉnh Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Biên bản thỏa thuận để phục vụ cho Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ XV.

Nguồn: Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 3568

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)