Thứ sáu, 14/10/2016 09:08 GMT+7

Thời kỳ 1976 - 1985

T

hời kỳ Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước thực hiện chức năng quản lý KH-KT (khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật) trong hoàn cảnh cả nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa phải đói phó với 2 cuộc chiến tranh biên giới, tình hình kinh tế và đời sống sau chiến tranh rất khó khăn.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, dân tộc Việt Nam bước vào một giai đoạn lịch sử mới "giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất và làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" (Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam).

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IV của Đảng, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta tiến hành trong hoàn cảnh có nhiều thuận lợi như lực lượng lao động dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú, kinh tế hai miền Bắc Nam bổ sung hỗ trợ cho nhau tiềm lực kinh tế và tiềm lực khoa học và kỹ thuật của cả nước tăng lên gấp bội, mở ra những triển vọng to lớn, song cũng có nhiều khó khăn như cơ sở vật chất - kỹ thuật còn yếu kém, cơ cấu kinh tế chưa cân đối, năng suất lao động thấp, sản xuất chưa bảo đảm được nhu cầu đời sống và tích luỹ, bắt nguồn từ một nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, lại bị chiến tranh lâu năm và chủ nghĩa thực dân mới kìm hãm, phá hoại nặng nề. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một quá trình biến đổi cách mạng toàn diện: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học và kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học và kỹ thuật là then chốt, là một quá trình phấn đấu xây dựng nước Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa có nền kinh tế công nông nghiệp hiện đại, nền văn hoá và khoa học-kỹ thuật tiên tiến, nền quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh, hạnh phúc.

Trước yêu cầu to lớn và cấp báchvề phát triển khoa học và kỹ thuật trong giai đoạn mới, Hội đồng Chính phủ đã quyết định tách khối nghiên cứu ra khỏi Uỷ ban để thành lập Viện Khoa học Việt Nam (Nghị định 118-CP ngày 20/5/1975) nhằm tạo điều kiện tăng cường đồng thời cả hai lĩnh vực nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và quản lý khoa học - kỹ thuật, và đã ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước theo Nghị định 192/CP ngày 13 tháng 10 năm 1975:

A. chức năng - nhiệm vụ của UBKHKTNN :

Theo điều lệ tổ chức và hoạt động mới này, "UBKHKTNN là cơ quan trung ương của Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoa học và kỹ thuật trong phạm vi cả nước, thực hiện chính sách phát triển khoa học và kỹ thuật của Đảng và Chính phủ nhằm phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của Chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng".

UBKHKTNN thời kỳ này có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Nghiên cứu trình TW Đảng và Hội đồng Chính phủ quyết định đường lối xây dựng và phát triển khoa học và kỹ thuật, các chính sách lớn, các phương hướng, chủ trương và biện pháp lớn về khoa học và kỹ thuật của Nhà nước.

2. Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành hoặc trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao, tự mình ban hành các chế độ, thể lệ, quy định về công tác quản lý khoa học và kỹ thuật nhằm xây dựng nền nếp quản lý khoa học và kỹ thuật trong cả nước.

3. Thống nhất quản lý nhà nước các mặt công tác sau đây theo đúng chế độ, thể lệ của Hội đồng Chính phủ.

a. Chịu trách nhiệm quản lý kế hoạch Nhà nước về nghiên cứu khoa học và kỹ thuật về điều tra tài nguyên và điều kiện thiên nhiên, về xây dựng, cải tiến và áp dụng các tiêu chuẩn, quy phạm nhà nước, về bảo đảm và nâng cao chất lượng các sản phẩm quan trọng của nền kinh tế quốc dân, về hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài.

b. Quản lý công tác đo lường, tiêu chuẩn hoá và chất lượng sản phẩm trong phạm vi cả nước. Cùng với các ngành, các cấp xây dựng hệ thống tổ chức quản lý đo lường, tiêu chuẩn, kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá của Nhà nước. Trình Hội đồng Chính phủ ban hành hoặc trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao tự mình ban hành những chế độ thể lệ về quản lý các công tác nói trên trong phạm vi cả nước. Giữ các chuẩn đo lường cấp nhà nước và kiểm định các thiết bị, dụng cụ đo lường chuẩn, tổ chức xây dựng tiêu chuẩn cấp Nhà nước.

c. Quản lý công tác sáng chế, phát minh (SCPM) trong nước và quản lý việc trao đổi SCPM với nước ngoài, đề nghị Hội đồng Chính phủ cấp bằng và khen thưởng đối với những SCPM thuộc phạm vi khen thưởng của Hội đồng Chính phủ, trình Hội đồng Chính phủ ban hành hoặc trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao, tự mình ban hành các chế độ, thể lệ về quản lý công tác SCPM trong phạm vi cả nước, cùng với các ngành, các cấp tổ chức thực hiện các chế độ, thể lệ ấy.

d. Quản lý công tác thông tin và tư liệu khoa học và kỹ thuật trong phạm vi cả nước, cùng với các ngành, các cấp xây dựng tổ chức thông tin và tư liệu khoa học và kỹ thuật. Thực hiện chức năng trung tâm thông tin khoa học và kỹ thuật của Nhà nước.

e. Nghiên cứu và kiến nghị với Hội đồng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan nghiên cứu và thí nghiệm khoa học và kỹ thuật trong phạm vi cả nước.

g. Tổng hợp và cân đối trong phạm vi cả nước các nhu cầu về tài chính, vật tư, thiết bị (thiết bị toàn bộ và thiết bị lẻ), cán bộ khoa học và kỹ thuật, xây dựng cơ bản để phục vụ công tác nghiên cứu, thí nghiệm và điều tra tài nguyên và điều kiện thiên nhiên để làm căn cứ cho Uỷ ban kế hoạch xây dựng kế hoạch kinh tế quốc dân. Trong trường hợp cần thiết được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền UBKHKTNN điều hoà vật tư, thiết bị khoa học và kỹ thuật được ghi trong danh mục do Nhà nước thống nhất quản lý và phân phối (danh mục này do UBKHKTNN cùng với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Vật tư lập và trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn).

4. Phối hợp với các cơ quan hữu quan của Hội đồng Chính phủ trên các mặt công tác:

a. Cùng với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước nghiên cứu và hướng dẫn các ngành, các địa phương thực hiện chế độ, phương pháp xây dựng kế hoạch khoa học và kỹ thuật. Theo tinh thần đó, UBKHKTNN, khi thấy cần, tham gia các hội nghị bảo vệ kế hoạch ngành và kế hoạch địa phương do Uỷ ban kế hoạch Nhà nước chủ trì, và phát biểu ý kiến về phần quan hệ giữa kế hoạch khoa học và kỹ thuật với kế hoạch phát triển kinh tế.

b. UBKHKTNN kiến nghị với Hội đồng Chính phủ việc đưa ra các thành tựu khoa học và kỹ thuật trong nước hoặc ngoài nước vào sản xuất làm căn cứ cho Uỷ ban kế hoạch Nhà nước tổng hợp kế hoạch tiến bộ kỹ thuật và cân đối chung trong kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân (KTQD).

c. Phối hợp với Uỷ ban quan hệ kinh tế với nước ngoài của Hội đồng Chính phủ quản lý công tác hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài của Nhà nước. Trong phạm vi được Hội đồng Chính phủ uỷ quyền, UBKHKTNN ký kết với các cơ quan khoa học và kỹ thuật nước ngoài các văn kiện về hợp tác và trao đổi khoa học và kỹ thuật.

d. Trên cơ sở tổng hợp các kế hoạch nêu ở điểm 3 a, UBKHKTNN phối hợp với Bộ Tài chính trong việc lập kế hoạch bộ phận ngân sách Nhà nước (cả phần ngoại tệ) chi cho công tác khoa học và kỹ thuật có dự kiến phân bổ cho các ngành, các cấp, cấp và quản lý việc sử dụng kinh phí cho công tác khoa học và kỹ thuật, xây dựng các chính sách, chế độ tài chính áp dụng trong công tác khoa học và kỹ thuật.

e. Cùng với Bộ Vật tư và các cơ quan hữu quan khác nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ những chính sách, chế độ về quản lý vật tư, thiết bị khoa học và kỹ thuật trên các mặt sản xuất trong nước, nhập khẩu, sử dụng, bảo quản, sửa chữa, v.v...

g. Cùng với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và các cơ quan hữu quan khác của Đảng và Nhà nước xây dựng phương hướng, kế hoạch về đào tạo, phân phối và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật.

5. Hướng dẫn và chỉ đạo nghiệp vụ về các mặt công tác mà UBKHKTNN phụ trách và tham gia ý kiến về xây dựng và phát triển công tác khoa học và kỹ thuật của các ngành, các địa phương.

6. Tiến hành chức trách kiểm tra Nhà nước ở các ngành, các cấp về các mặt công tác khoa học và kỹ thuật mà UBKHKTNN phụ trách. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBKHKTNN nghiên cứu, trình Hội đồng Chính phủ những biện pháp lớn nhằm chấn chỉnh và phát triển mạnh mẽ, đúng hướng và có hiệu quả công tác khoa học và kỹ thuật.

7. UBKHKTNN có quyền đôn đốc các ngành, các cấp gửi dự án kế hoạch khoa học và kỹ thuật theo đúng nội dung và thời gian quy định, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch khoa học và kỹ thuật theo chế độ quy định, các ngành, các cấp phải cung cấp tình hình và tài liệu cần thiết mà UBKHKTNN yêu cầu theo nhu cầu thống nhất quản lý Nhà nước về các linh vực khoa học và kỹ thuật.

8. Làm thường trực cho các Hội đồng tư vấn về khoa học và kỹ thuật của Hội đồng Chính phủ và bảo đảm cho sự hoạt động của các Hội đồng đó theo phân công của Hội đồng Chính phủ.

9. Nghiên cứu cải tiến tổ chức quản lý khoa học và kỹ thuật theo phương hướng cải tiến tổ chức nền KTQD của Đảng và Nhà nước, tổ chức việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoa học và kỹ thuật trong cả nước.

10. Quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, kinh phí và tài sản của cơ quan theo chính sách, chế độ chung của Nhà nước.

B. Cơ cấu tổ chức của UBKHKTNN :

1. UBKHKTNN được tổ chức và làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với bàn bạc tập thể. Chủ nhiệm UBKHKTNN chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Hội đồng Chính phủ về toàn bộ công tác của Uỷ ban.

Chức vụ Chủ nhiệm Uỷ ban thời kỳ này do ông Trần Đại Nghĩa (1976-3/1977), ông Trần Quỳnh (3/1977-5/1980), ông Lê Khắc (5/1980-1982), ông Đặng Hữu (1982 - 12/1996) lần lượt đảm nhiệm.

Các Phó chủ nhiệm Uỷ ban:ông Lê Khắc (1976-2/1980), ông Đoàn Phương (từ 2/1978 - 3/ 1993), ông Bùi Huy Đáp (1978-1985), ông Hoàng Đình Phu (6/1980 - 4/1988), ông Nguyễn Ngọc Trân (6/1980-10/1992). ông Đường Hồng Dật (12/82 - 8/87), ông Lê Quý An (12/1982 - 1/1996), Các ông Đoàn Phương, Hoàng Đình Phu kế tiếp nhau làm phó chủ nhiệm thường trực. Các uỷ viên Uỷ ban: ông Trần Trí và ông Lê Tâm.

2. Các cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật:

- Vụ Tổng hợp và kế hoạch khoa học và kỹ thuật.

- Vụ Quản lý khoa học và kỹ thuật công nghiệp.

- Vụ Quản lý khoa học và kỹ thuật Nông - Sinh - Y.

- Vụ Quản lý khoa học và kỹ thuật xây dựng - giao thông - thuỷ lợi.

- Vụ Quản lý khoa học cơ bản.

- Vụ Quản lý khoa học và kỹ thuật điều tra và bảo vệ tài nguyên và điều kiện thiên nhiên.

- Vụ Hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài.

- Cục Tiêu chuẩn.

- Cục Đo lường.

- Cục kiểm tra chất lượng sản phẩm.

- Viện Định chuẩn, tiếp quản sau giải phóng miền Nam.

Theo Quyết định số 325/CP ngày 13 tháng 4 năm 1979, 3 Cục Tiêu chuẩn, đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm và Viện địch chuẩn sáp nhập thành Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nhà nước. Cục có 3 Trung tâm quản lý theo khu vực : Trung tâm TCĐLCL khu vực I ở Hà Nội, Trung tâm TCĐLCL khu vực II ở Đà Nẵng, Trung tâm TCĐLCL khu vực IIII ở Thành phố Hồ Chí Minh và 2 Trung tâm quản lý theo lĩnh vực : Trung tâm đo lường, Trung tâm tiêu chuẩn - chất lượng.

Theo Nghị định 22/HĐBT ngày 8 tháng 2 năm 1984, Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nhà nước được chuyển thành Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

- Phòng quản lý sáng chế - phát minh. Cục sáng chế được thành lập từ tháng 7/ 1982 theo Nghị định 125/ HĐBT.

- Cục máy tính điện tử.

- Vụ Vật tư - Thiết bị khoa học và kỹ thuật, thành lập theo Quyết định 125/HĐBT.

- Bộ phận quản lý khoa học và kỹ thuật địa phương. Vụ quản lý khoa học và kỹ thuật địa phương thành lập theo quyết định 125/HĐBT.

- Tổ quản lý cán bộ khoa học và kỹ thuật tách khỏi Vụ tổng hợp - kế hoạch từ tháng 6/1978.

3. Các cơ quan nghiên cứu khoa học:

- Tổ nghiên cứu chính sách khoa học và kỹ thuật, tách khỏi Vụ tổng hợp - kế hoạch từ 9/1978, phát triển thành Ban Nghiên cứu tổ chức và quản lý khoa học và kỹ thuật theo Quyết định 125/HĐBT.

- Văn phòng tiểu ban nghiên cứu chiến lược khoa học và kỹ thuật.

- Viện Nghiên cứu hạt nhân, thành lập theo quyết định 64/CP ngày 25/4/1976. Sau một thời gian, Viện này được tách ra để thành lập Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia.

4. Các cơ quan kinh doanh, dịch vụ:

- Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật. Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật có chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Công ty máy tính điện tử IBM, tiếp quản sau giải phóng miền Nam.

- Công ty xuất nhập khẩu kỹ thuật (TECHNIMEX) thành lập năm 1982.

- Công ty vật tư khoa học và kỹ thuật thành lập năm 1983.

5. Các cơ quan quản lý và hành chính sự nghiệp khác:

- Viện Thông tin khoa học và kỹ thuật trung ương.

- Thư viện khoa học kỹ thuật Trung ương.

- Tạp chí hoạt động khoa học và kỹ thuật.

- Văn phòng Uỷ ban.

- Vụ Tổ chức - cán bộ.

- Ban thi đua - khen thưởng.

- Ban Thanh tra.

- Tổ xét duyệt trữ lượng khoáng sản.

- Phòng giáo dục sau đổi tên thành Phòng Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ.

- Bộ phận thường trực của Uỷ ban tại TP. Hồ Chí Minh, thành lập năm 1982.

6. Các Hội đồng khoa học và kỹ thuật chuyên ngành, liên ngành, để làm tư vấn về khoa học và kỹ thuật cho Uỷ ban.

Thừa hưởng kinh nghiệm hoạt động từ các thời kỳ trước, lại được tăng cường về chức trách và tổ chức, hoạt động của Uỷ ban thời kỳ này tiến bộ rõ rệt và có hiệu quả hơn. Trong năm 1975, Uỷ ban đã tranh thủ cử nhiều cán bộ chủ chốt vào khảo sát tình hình khoa học và kỹ thuật miền Nam để chuẩn bị triển khai các hoạt động tham mưu và quản lý của mình trong phạm vi cả nước.

1. Công tác tham mưu thời kỳ này có mấy việc nổi bật: Uỷ ban đã đóng góp nhiều vào việc dự thảo Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành ngày 20 / 4 / 1981 về chính sách khoa học và kỹ thuật thống nhất cho cả nước và Nghị quyết 51-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng được ban hành ngày 17 tháng 5 năm 1983 về công tác khoa học và kỹ thuật năm 1983 và những năm tiếp theo. Hai Nghị quyết quan trọng của Đảng và Chính phủ trên đây đã phát huy tác dụng chỉ đạo, thúc đẩy hoạt động khoa học và kỹ thuật của các ngành, các địa phương trong cả nước phục vụ có hiệu quả hơn các yêu cầu phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài. Uỷ ban đã phối hợp với Phủ Thủ tướng tổ chức hai Hội nghị khoa học và kỹ thuật toàn quốc, gồm cán bộ lãnh đạo và cán bộ khoa học và kỹ thuật chủ chốt của các ngành và một số địa phương, Hội nghị lần thứ nhất họp vào tháng 10/1976 nhằm thảo luận xác định cụ thể thêm một số vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật ở nước ta theo yêu cầu của giai đoạn mới, Hội nghị lần thứ hai họp vào đầu năm 1978 nhằm thảo luận xác định những phương hướng công tác khoa học và kỹ thuật và những chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật trọng điểm phục vụ nhiệm vụ phát triển nông nghiệp toàn diện ở nước ta. Uỷ ban tiến hành tổ chức việc nghiên cứu dự báo và chiến lược khoa học và kỹ thuật làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế, phát triển khoa học và kỹ thuật. Uỷ ban cũng đã làm tham mưu về một số vấn đề cụ thể quan trọng như vấn đề sử dụng đất đồi núi, vấn đề dầu khí, vấn đề công trình Sông Đà, v.v. .. Tuy nhiên Uỷ ban còn thiếu chủ động nghiên cứu sẵn những vấn đề lớn có ý nghĩa chiến lược, dự kiến cấp trên có thể hỏi đến, để khỏi bị động nghiên cứu một cách vội vàng khi cấp trên yêu cầu. Uỷ ban chưa tham gia hoặc chưa được tham gia nghiên cứu góp ý kiến với Nhà nước một cách thường xuyên về vấn đề nhập kỹ thuật cho thích hợp và có hiệu quả. Trong tờ trình số 324 KHKT ngày 14 tháng 3 năm 1984 Uỷ ban có đề nghị HĐBT giao cho Uỷ ban nhiệm vụ giúp HĐBT xem xét hiệu quả của việc nhập kỹ thuật và các căn cứ khoa học kỹ thuật của các chủ trương đầu tư kinh tế quan trọng, tổ chức giám định công nghệ đối với những công trình quan trọng dự định xây dựng nhằm góp phần bảo đảm cho việc đầu tư của Nhà nước có hiệu quả hơn.

 

2. Công tác kế hoạch hoá khoa học và kỹ thuật thời kỳ này có chuyển biến tốt: Nội dung kế hoạch khoa học và kỹ thuật toàn diện hơn như đã nêu trong nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước của Uỷ ban. Từ kế hoạch hoá theo vấn đề, đề tài trong 2 thời kỳ trước, Uỷ ban bắt đầu kế hoạch hoá theo chương trình có mục tiêu từ năm 1978, để tập trung lực lượng khoa học và kỹ thuật vào thực hiện những mục tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu; Thời kỳ này với sự giúp đỡ của các cố vấn Liên Xô, Uỷ ban đã tổ chức xây dựng và quản lý việc thực hiện một hệ thống 76 chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước góp phần hạn chế tình trạng phân tán, nâng cao hiệu quả của công tác nghiên cứu, triển khai và áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật.

Kinh phí hoạt động khoa học kỹ thuật có hạn (năm 1985 mới chiếm 0,65 % ngân sách chi của Nhà nước), giá cả biến động ngày một cao, Uỷ ban đã cố gắng tập trung đầu tư cho các chương trình. Kinh nghiệm quản lý chương trình chưa có gì, nhưng với sự nỗ lực của các Ban chủ nhiệm chương trình và sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo các ngành, các địa phương nên hầu hết các chương trình đã được triển khai thực hiện trong đó khoảng 1000 đề tài đã kết thúc, hơn 300 thành tựu quan trọng được kiến nghị áp dụng vào sản xuất.

Về khoa học xã hội, đã góp phần cụ thể hoá đường lối của Đảng trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, và đề xuất những vấn đề về chiến lược kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội, cơ chế quản lý, đã biên soạn nhiều công trình có giá trị về lịch sử, văn học, về xây dựng nền văn hoá mới, con người mới, lối sống mới, đã góp phần đấu tranh chống những trào lưu tư tưởng phản động...

Về khoa học tự nhiên, đã hoàn thành bản đồ địa chất miền Nam tỷ lệ 1/500.000, bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 cho vùng trung du Bắc Bộ, đã hoàn thành điều tra tổng hợp một số vùng lãnh thổ, lãnh hải và tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất đến năm 2000, sơ đồ môi sinh và bảo vệ môi trường vùng Đông Nam bộ đến năm 2000. Đã tiến hành nhiều công trình lý thuyết có giá trị về toán học, cơ học, vật lý, hoá học được đánh giá tốt trong và ngoài nước. Trên cơ sở đánh giá tài nguyên sinh vật, đã đề xuất các biện pháp khai thác hợp lý, đã áp dụng công nghệ sinh học trong nhân giống, điều chế chất kích thích sinh trưởng.

Về khoa học nông nghiệp, đã góp phần vào việc phát triển nông nghiệp toàn diện, đảm bảo lương thực - thực phẩm và một phần nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu. Thành tựu nổi bật nhất là năm 1985, đã đưa năng suất lúa lên 28,5 tạ/ha/vụ và tổng sản lượng lương thực lên tới 18,2 tấn/năm.

Về khoa học y dược, đã giải quyết có hiệu quả các bệnh sốt rét và sốt xuất huyết; một số kỹ thuật hiện đại như vi phẫu thuật, ghép giác mạc được áp dụng thành công, một số kỹ thuật cổ truyền như châm cứu được áp dụng rộng rãi, đã bào chế được nhiều loại thuốc từ nguyên liệu trong nước.

Về khoa học kỹ thuật, đã góp phần giải quyết những khó khăn về nguyên, nhiên, vật liệu và phụ tùng thay thế lâu nay phải nhập khẩu. Đã thiết kế chế tạo được một số dây chuyền sản xuất công nghiệp, một số phương tiện vận tải thuỷ quy mô nhỏ và vừa. Đã áp dụng có kết quả nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong thi công xây dựng các công trình lớn như Nhiệt điện Phả Lại, Thuỷ điện Hoà Bình, Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương. Đã bước đầu xây dựng công nghiệp điện tử ở nước ta.

Uỷ ban đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 263-CP ngày 27/6/1981 về chế độ kế hoạch hoá khoa học và kỹ thuật, Nghị định 122-HĐBT ngày 20 tháng 7 năm 1982 về chế độ quản lý các chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước, quyết định 175-CP ngày 29 tháng 4 năm 1981 về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật, và tự mình ban hành quyết định số 271/QĐ về "Quy định việc dăng ký đề tài nghiên cứu khoa học và kỹ thuật và nộp báo cáo kết quả nghiên cứu", Quyết định số 262/QĐ về "Quy định thể thức đánh giá và nghiệm thu các công trình nghiên cứu khoa học và kỹ thuật", nhằm tăng cường tình pháp lệnh của kế hoạch khoa học và kỹ thuật, đưa công tác kế hoạch hoá khoa học và kỹ thuật vào nền nếp, nhằm mở rộng quyền chủ động của các cơ quan nghiên cứu, triển khai và đưa đòn bẩy kinh tế vào cơ chế quản lý khoa học và kỹ thuật. Năm 1981, Uỷ ban đã cùng Uỷ ban kế hoạch Nhà nước thống nhất quy định chế độ phối hợp giữa 2 Uỷ ban trong việc xây dựng các chương trình tổng hợp có mục tiêu kinh tế, các chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật trọng điểm, kế hoạch áp dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu của sản xuất và sản phẩm, các đề án kinh tế - kỹ thuật, kế hoạch công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, kế hoạch cân đối các nhu cầu về tài chính, vật tư, cán bộ, xây dựng cơ bản cho công tác khoa học và kỹ thuật, để việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế có đủ căn cứ khoa học và kỹ thuật và việc xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và kỹ thuật xuất phát từ nhu cầu và khả năng của nền kinh tế quốc dân. Công tác kế hoạch hoá còn phải tiếp tục, xây dựng thêm kế hoạch KHKT dài hạn để hoàn chỉnh hệ thống kế hoạch KHKT và để làm cơ sở cho kế hoạch 5 năm và hàng năm.

3, Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng thời kỳ này phát triển khá nhanh, có tác dụng tốt đối với quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật, bảo đảm chất lượng một số sản phẩm quan trọng trong điều kiện sản xuất có nhiều khó khăn, hạn chế tiêu cực trong sản xuất và lưu thông phân phối.

Uỷ ban đã đề nghị Chính phủ ban hành Điều lệ kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá (kèm theo Nghị định 62/CP ngày 12 tháng 4 năm 1976), Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá (kèm theo Nghị định 141/HĐBT ngày 24/8/1982); đã cùng Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Uỷ ban Vật giá Nhà nước ban hành Thông tư liên bộ số 415 -TTLB ngày 23 tháng 11 năm 1977 về một số biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hoá, đã cùng Uỷ ban vật giá Nhà nước và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên bộ số 776/TTLB ngày 28 tháng 6 năm 1983 quy định việc khuyến khích vật chất những sản phẩm công nghiệp mang dấu chất lượng Nhà nước. Như vậy là đến hết thời kỳ này , Uỷ ban đã xây dựng nhiều văn bản pháp quy được Chính phủ ban hành hoặc tự mình ban hành làm cơ sở pháp lý và nghiệp vụ cho các công tác tiêu chuẩn hoá, quản lý đo lường , quản lý chất lượng sản phẩm. Đã cùng các ngành, các địa phương xây dựng được một hệ thống tổ chức quản lý đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng từ Trung ương đến cơ sở, một hệ thống tiêu chuẩn bốn cấp : Nhà nước (TCVN), ngành (TCN), địa phương (TCV), cơ sở (TC). Tính đến cuối năm 1985 Uỷ ban và các ngành, các địa phương, các cơ sở đã xây dựng và ban hành 4600 TCVN, 2000 TCN, 1000 TCV và 7000 TC. Nhiều tiêu chuẩn đã được áp dụng trong sản xuất, trong ký kết hợp đồng gia công, mua bán, trong định giá. Tuy nhiên cũng cần xây dựng thêm những TC đồng bộ từ nguyên liệu cho đến thành phẩm cho dễ thực hiện hơn, cũng cần xem xét lại một số TC không còn thích hợp với điều kiện sản xuất mới. Một hệ thống chuẩn đo lường đã bảo đảm được công tác kiểm định của Tổng cục TCDLCL đối với các chuẩn và thiết bị đo lường cấp chính xác cao, cũng như công tác kiểm định của các chi cục TCDLCL, đối với các dụng cụ đo lường đang sử dụng hoặc mới sản xuất ở địa phương. Việc sản xuất các dụng cụ đo lường được mở rộng hơn nhằm khắc phục tình trạng dụng cụ đo lường vưà thiếu vừa kém chính xác. Hàng năm đã sản xuất được hàng trăm ngàn dụng cụ đo lường để dùng trong nước và xuất khẩu một phần, bao gồm quả cân chuẩn hạng 3, thước chuẩn độ dài các loại thước cặp, pan me công tơ điện, công tơ nước, ampekế, vôn kế, cồn kế, tỷ trọng xăng dầu, cân các loại, cân ô tô 15, 25, 30 tấn. Tổng cục đang triển khai chương trình cân đong lớn đối với xăng dầu, than và lương thực, và năm chương trình quản lý chất lượng hàng xuất khẩu: hải sản, cao su, săm lốp, xe đạp, rượu. Hàng năm đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng của nhiều sản phẩm và hàng hoá thuộc diện Nhà nước quản lý chất lượng. Đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 1 vạn cán bộ làm các công tác tiêu chuẩn hoá, quản lý đo lường, kiểm tra chất lượng, bồi dưỡng tay nghề và kiểm tra nâng bậc cho hàng trăm kiểm định viên, kiểm nghiệm viên của các ngành, các cấp.

Năm 1977, Hội nghị và triển lãm 15 năm hoạt động tiêu chuẩn hoá đã được tổ chức tại Hà Nội, đông đảo đại biểu các ngành, các địa phương trong cả nước đã tham dự.

Năm 1978, là thành viên của Ban thường trực TCH của SEV, Việt nam bắt đầu tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khuôn khổ quản lý thống nhất của Cục TCĐLCLNN, của Tổng cục TCĐLCL, ba mặt công tác này đã được tiến hành đồng bộ hơn nhưng cũng cần cố gắng kết hợp chặt chẽ hơn vơí các mặt quản lý kinh tế như kế hoạch và giá cả.

4. Thời kỳ này Uỷ ban đã tiếp tục cùng các ngành, các cấp hướng dẫn, động viên phong trào quần chúng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, khắc phục được khá nhiều khó khăn trong sản xuất. Ngày 11 tháng 4 năm 1985 Uỷ ban đã cùng Tổng liên đoàn Lao động Việt nam và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ký kết quy chế phối hợp giữa ba tổ chức từ Trung ương đến cơ sở trong công tác này..

Đặc biệt là Uỷ ban đã tổ chức thành công hội nghị sáng kiến toàn quốc lần thứ nhất năm 1976 và Hội nghị sáng kiến toàn quốc lần thứ hai năm 1981 để tổng kết thành tích hoạt động sáng kiến đã qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động sáng kiến sắp tới, đồng thời khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc. Hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá của quần chúng đi dần vào nề nếp và ngày càng có hiệu quả hơn.

Trước yêu cầu mở rộng đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật của nước nhà, Uỷ ban đã trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ quản lý sáng kiến và sáng chế kèm theo nghị định số 31-CP ngày 23/1/1981, Điều lệ quản lý nhãn hiệu hàng hoá kèm theo Nghị định số 197-HĐBT ngày 14/12/1982, và bắt đầu triển khai hai công tác này. Cục sáng chế đã triển khai việc tiếp nhận đơn đăng ký và xét cấp bằng sáng chế, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tính đến cuối năm 1985, Uỷ ban đã cấp 24 Bằng sáng chế và 262 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá đã bước đầu góp phần bảo vệ lợi ích của cơ sở sản xuất và người tiêu dùng. Uỷ ban cũng đã cố gắng hướng dẫn, giúp đỡ các ngành, các địa phương xây dựng lực lượng quản lý sáng kiến, sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá cho mạnh hơn.

5. Công tác kiểm tra, xét duyệt trữ lượng khoáng sản thời kỳ này làm được nhiều hơn và đi dần vào nền nếp. Hội đồng xét duyệt trữ lượng khoáng sản dã ban hành một số quy định về nội dung và hình thức báo cáo, trình tự xét duyệt báo cáo, quy phạm phân cấp trữ lượng một số khoáng sản (như than, đá vôi, đá sét...). Khi cơ sở kết thúc công tác thực địa, chuyển sang tổng kết, làm báo cáo, thường trực Hội đồng cử cán bộ xuống cơ sở xem xét tình hình thực tế, tài liệu nguyên thuỷ và góp ý kiến ngay khi lập báo cáo để bảo đảm chất lượng báo cáo và rút ngắn thời gian kiểm tra khi báo cáo được trình duyệt. Công tác thường gặp một số khó khăn : Các cơ quan thăm dò khoáng sản đưa trình duyệt báo cáo thường chậm hơn thời hạn quy định của kế hoạch xét duyệt. Cơ quan khai thác chưa chú ý cử chuyên viên có trình độ, có kinh nghiệm tham gia kiểm tra, đánh giá báo cáo. Hội đồng chưa có điều kiện theo dõi tài liệu thực tế khai thác để đối chiếu với trữ lượng được phê chuẩn.

Hội đồng luôn huy động lực lượng KHKT của các Viện, Trường tham gia công tác kiểm tra, đánh giá các báo cáo thăm dò địa chất, tính trữ lượng khoáng sản. Hội đồng hoạt động có hiệu quả, nên năm 1978, Tổng cục Mỏ - địa chất đã giải thể Phòng Kiểm tra trữ lượng của Tổng cục để các đơn vị thăm dò có thể trình duyệt báo cáo tính toán trữ lượng khoáng sản lên thẳng Hội đồng.

6. Về quản lý việc xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và kỹ thuật:

a. Uỷ ban đã tham gia đợt điều tra lao động khoa học và kỹ thuật năm 1982, trên cơ sở đó bổ sung dữ liệu về cán bộ trình độ trên đại học. Thi hành Nghị định 09-HĐBT, Uỷ ban đã có công văn hướng dẫn phương pháp xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ trình độ trên đại học trong 5 năm 1986-1990. Uỷ ban đã trình HĐBT ban hành chế độ công tác kiêm nhiệm của cán bộ khoa học và kỹ thuật. Thi hành Quyết định số 36/CP ngày 2 tháng 2 năm 1980 của HĐCP và theo sự hướng dẫn, phân công của Bộ Lao động, Uỷ ban đã tổ chức nghiên cứu xây dựng chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ chung cho các cấp chức vụ nghiên cứu khoa học và các cấp chức vụ kỹ thuật, xây dựng chức danh đây đủ và tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể cho các chức vụ viên chức thuộc hệ thống tổ chức quản lý khoa học và kỹ thuật (đề tài cáp Nhà nước 60A độc lập), để cơ quan, xí nghiệp có căn cứ đánh giá, phân công, đãi ngộ cán bộ khoa học và kỹ thuật cho đúng, lập kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ khoa học và kỹ thuật cho đúng và để từng cán bộ khoa học và kỹ thuật đặt mục tiêu, kế hoạch phấn đấu nâng cao trình độ của mình cho đạt yêu cầu của chức vụ được giao. Đối với trí thức Việt kiều, Uỷ ban đã giới thiệu cho những cốt cán của phong trào Việt kiều yêu nước ở một số nước nắm được Nghị quyết của Bộ Chính trị về chính sách khoa học và kỹ thuật, những chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước và những vấn đề cấp thiết của sản xuất, để có phương hướng, nội dung cụ thể mà vận động trí thức Việt kiều đóng góp xây dựng đất nước tuỳ theo khả năng của họ.

Đội ngũ cán bộ KHKT phát triển nhanh nhưng cơ cấu ngành nghề và trình độ chưa thật phù hợp với yêu cầu phát triển KHKT, cán bộ có trình độ cao còn thiếu nhiều trong cả mấy lĩnh vực sản xuất, giảng dạy, nghiên cứu và quản lý; chính sách, chế độ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ KHKT làm việc còn ít, bộ phận quản lý cán bộ KHKT của Uỷ ban còn yếu.

b-Năm 1980, theo chỉ thị của Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ ban đã thành lập tổ nghiên cứu "Đề án thành lập Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam", và tham gia Ban Trù bị nghiên cứu cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam do đồng chí Bùi Thanh Khiết, trưởng ban khoa giáo TW, làm trưởng ban, và gồm đại biểu của Viện Khoa học Việt Nam, Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Bộ y tế, UBKHKTNN, Ban Tổ chức TW, Văn phòng 10 Phủ Thủ tướng. Ban này đã họp hai lần vào 1/4/1980 và 8/4/1980 để thảo luận đề án nhưng chưa đi đến nhất trí . Thời kỳ này, các cơ sở nghiên cứu, triển khai của Viện khoa học Việt Nam , Uỷ ban khoa học xã hội và của các ngành, các địa phương tăng nhanh, quá nhanh so với khả năng đầu tư xây dựng của Nhà nước, mặc dù Uỷ ban đã xuất phát từ các mục tiêu kinh tế và khoa học và kỹ thuật, từ thực trạng của các cơ quan nghiên cứu, triển khai, từ các nguồn viện trợ quốc tế, mà kiến nghị đầu tư xây dựng có trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên, nhằm từng bước hình thành một mạng lưới hợp lý.

Đến cuối năm 1985, đã có 130 Viện nghiên cứu, 25 Viện thiết kế quy hoạch và một số Trung tâm nghiên cứu - triển khai, ngoài ra còn hàng trăm trạm, trại thí nghiệm, 93 Trường đại học và cao đẳng có hoạt động nghiên cứu - triển khai. Trong số này có khá nhiều cơ quan, phương hướng nghiên cứu không rõ, điều kiện nghiên cứu thiếu thốn, hoạt động gặp nhiều lúng túng, khó khăn. Uỷ ban đã làm việc với các Bộ, Tổng cục, đã mở nhiều Hội nghị Viện trưởng để bàn phương hướng, biện pháp củng cố, tăng cường các cơ quan nghiên cứu triển khai đã có.

Một thành tích nổi bật về phát huy tiềm lực khoa học kỹ thuật trong thời kỳ này là đã dần dần hình thành cơ chế mới trong quản lý các cơ quan nghiên cứu - triển khai, góp phần xoá bỏ từng bước cơ chế quản lý hành chính bao cấp: Theo đề nghị của UBKHKTNN, Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan quản lý Nhà nước đã không xếp các cơ quan nghiên cứu - triển khai vào loại hình cơ quan hành chính và các hoạt động khoa học kỹ thuật vào phạm trù công tác hành chính nữa, đã cho phép cơ quan nghiên cứu - triển khai được tiến hành 3 loại hoạt động: nghiên cứu - triển khai, dịch vụ khoa học kỹ thuật, sản xuất thử và sản xuất một số sản phẩm kỹ thuật cao hoặc sản phẩm có nhu cầu xã hội, nhưng chưa có điều kiện đầu tư sản xuất đại trà, được chủ động ký kết hợp đồng kinh tế về nghiên cứu - triển khai với các cơ quan, cơ sở có nhu cầu, được trích lập ba quỹ trong cơ quan từ hợp đồng kinh tế và từ bán sản phẩm chế thử, cho phép thực hiện chế độ tín dụng đối với cơ quan nghiên cứu - triển khai và chế độ kiêm nhiệm đối với cán bộ khoa học kỹ thuật.

c. Quản lý công tác thông tin, tư liệu khoa học và kỹ thuật thời kỳ này được tăng cường hơn : UBKHKTNN đã tổ chức Hội nghị thông tin KHKT toàn quốc lần thứ hai vào tháng 3 năm 1977 nhằm triển khai việc thực hiện Nghị quyết 89/CP trong phạm vi cả nước

Uỷ ban đã cùng các ngành, các địa phương xây dựng được 1 hệ thống tổ chức thông tin khoa học và kỹ thuật tuy chưa hoàn chỉnh nhưng đã gồm hơn 200 đơn vị lớn nhỏ và khoảng 1500 cán bộ, nhân viên chuyên trách. Viện thông tin khoa học và kỹ thuật trung ương đã bồi dưỡng được 1 đội ngũ cán bộ giảng dạy thông tin học cơ sở và hàng năm đã gửi 20 cán bộ thông tin sang học tại trường nâng cao trình độ thông tin IPKIR ở Mát xcơ va. Viện đã chuyển việc xuất bản những ấn phẩm thông tin kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành cho các cơ quan thông tin chuyên ngành đảm nhiệm, nay chỉ xuất bản những ấn phẩm thông tin phục vụ lãnh đạo và quản lý khoa học và kỹ thuật (về đường lối chính sách phát triển KHKT của các nước, về cách mạng KHKT của thế giới, về tổ chức quản lý KHKT...), những ấn phẩm tóm tắt các thành tựu khoa học và kỹ thuật trong nước, và những ấn phẩm hướng dẫn nghiệp vụ thông tin. Nội dung các ấn phẩm đó đã được nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu và giảng dạy khoa học và kỹ thuật thừa nhận có tác dụng nâng cao hiểu biết, giúp ích cho công tác. Viện còn thường xuyên tổ chức chiếu phim khoa học và kỹ thuật cho cán bộ lãnh đạo, quản lý khoa học và kỹ thuật xem và cho các cơ quan thuê mượn về chiếu. Viện đã mở thêm hình thức thông tin theo địa chỉ và bắt đầu sử dụng hình thức thông tin bằng triển lãm. Triển lãm "Những thành tựu về thông tin KHKT ở Liên Xô" đã được tổ chức năm 1982 ở Hà Nội với sự hợp tác cuả VINITI, sau triển lãm, phía Liên Xô đã tặng Viện toàn bộ thiết bị triển lãm. Viện đã phân bổ kinh phí và giấy in hàng năm cho các ngành, đã theo dõi giúp đỡ cơ quan thông tin khoa học và kỹ thuật của một số ngành, địa phương trọng điểm. Các dịch vụ thông tin KHKT bắt đầu có khó khăn vì nguồn bổ sung tài liệu của các nước Tư bản Chủ nghĩa giảm dần.

Thời kỳ này,Thư viện khoa học và kỹ thuật TW và Viện Thông tin khoa học và kỹ thuật TW đã bước đầu phối hợp với nhau mua sách báo cho đỡ trùng lặp - Tổng cục TCĐLCL và Cục Sáng chế cũng đã xây dựng được kho tư liệu phong phú về tiêu chuẩn kỹ thuật và mô tả sáng chế. Sau kháng chiến chống Mỹ, các phong trào Quốc tế quyên góp sách báo cho Việt nam không còn nữa, từ năm 1979 Trung Quốc cũng ngừng cung cấp tài liệu chụp lại các tạp chí tư bản. Ngoại tệ nhập sách báo rất có hạn. Để khắc phục một phần khó khăn kể trên, Thư viện KHKT TW đã cố gắng duy trì và mở rộng quan hệ quốc tế của mình (đến 1985 đã có quan hệ trao đổi sách báo với 120 tổ chức của 40 nước và nhận tài liệu tặng từ các tổ chức quốc tế như UNESCO, ACCT, FAO, SAREC...) đã cố gắng bảo đảm bổ sung hàng năm được 3000 - 5000 tên sách và 2000 - 2500 tên tạp chí. Thư viện đã tổ chức biên soạn khá nhiều thư mục quan trọng như thư mục cây lúa, thư mục vật liệu xây dựng, thư mục cách mạng khoa học và kỹ thuật, thư mục cho cán bộ lãnh đạo. Thư viện vẫn cố gắng tổ chức tốt việc phục vụ ban đọc tại chỗ cũng như việc cho mượn về nhà, về cơ quan, vẫn tiếp tục tranh thủ sự đóng góp của công tác viên trong việc lựa chọn tài liệu bổ sung, kiểm tra mục lục phân loại, biên soạn thư mục, v.v... vẫn sẵn sàng tiếp nhận cán bộ của các thư viện mới thành lập đến học hỏi nghiệp vụ.

Tuy nhiên, Thư viện khoa học và kỹ thuật TW còn thiếu tài liệu về khá nhiều lĩnh vực kỹ thuật, về các nước nhiệt đới, các nước Đông Nam á về quản lý kinh tế, quản lý khoa học và kỹ thuật, các mục lục liên hợp hầu như chưa có.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về in và giấy, nhưng Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật đã đặt thêm chi nhánh ở Thành phố Hồ Chí Minh và cố gắng bảo đảm hoàn thành, có năm hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất bản sách báo. Thể loại sách xuất bản phù hợp với chức năng của một nhà xuất bản tổng hợp về khoa học và kỹ thuật, chất lượng sách bảo đảm, nhiều cuốn rất có giá trị.

d. Quản lý vật tư, thiết bị khoa học và kỹ thuật thời kỳ này cũng được tăng cường hơn:

Uỷ ban đã tích cực tham gia công tác kiểm kê vật tư, thiết bị của Nhà nước. Trên cơ sở kết quả tổng kiểm kê, đã xây dựng đề án cải tiến tổ chức và hoạt động của các cơ quan cung ứng, dịch vụ về VTTB khoa học và kỹ thuật, đã tiến hành điều hoà phối hợp việc sử dụng một số thiết bị quý hiếm, công suất cao. Hàng năm đến kỳ làm kế hoạch nhập vật tư khoa học và kỹ thuật, theo yêu cầu của Bộ vật tư, Uỷ ban cử cán bộ tham gia ý kiến vào các đơn đặt hàng do Bộ Vật tư tổng hợp. Cũng có trường hợp, Uỷ ban đứng ra tổng hợp một số đơn hàng nhập bằng tiền viện trợ. Trong tờ trình số 324-KHKT ngày 14 tháng 3 năm 1984, Uỷ ban đề nghị HĐBT quy định rõ thêm : Uỷ ban chịu trách nhiệm lập kế hoạch nhập thiết bị, vật tư KHKT theo mức kinh phí được Nhà nước duyệt. Bộ Ngoại thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban để thực hiện kế hoạch nhập. Ngoại tệ không dùng hết được giữ lại dùng cho năm sau. Để thực hiện chỉ thị 412-TTg về việc tổ chức sản xuất vật tư, thiết bị khoa học và kỹ thuật, Uỷ ban đã cùng Bộ Vật tư và Bộ Văn hoá tổ chức triển lãm các vật tư, thiết bị khoa học và kỹ thuật sản xuất trong nước tại thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các Hội nghị chuyên đề về sản xuất từng loại vật tư, thiết bị, trên cơ sở đó kiến nghị một số biện pháp thúc đẩy việc sản xuất vật tư, thiết bị khoa học và kỹ thuật trong kế hoạch 5 năm 1981-1985 trong đó có kiến nghị Uỷ ban kế hoạch Nhà nước giao nhiệm vụ, cân đối các điều kiện cần thiết cho sản xuất và phân phối theo yêu cầu của UBKHKTNN. Theo quyết định của HĐBT, nhiệm vụ cung ứng dịch vụ vật tư, thiết bị khoa học và kỹ thuật và Công ty vật tư khoa học và kỹ thuật được chuyển tư Bộ Vật tư sang Uỷ ban từ năm 1983, Uỷ ban cố gắng cải tiến công tác này theo hướng tập trung phục vụ một số vấn đề khoa học và kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước.

Sau giải phóng miền Nam, HĐCP còn giao cho Uỷ ban tiếp quản công ty máy tính điện tử IBM và quản lý thống nhất hệ thống MTĐT trong cả nước. Thực hiện chức trách này, Uỷ ban đã cùng các ngành nghiên cứu nhu cầu tính toán bằng MTĐT đến năm 1985. Uỷ ban đã ban hành thông tư hướng dẫn sử dụng hợp lý, đầy đủ công suất các MTĐT đã có, bảo đảm kỹ thuật cho các Trung tâm MTĐT, quy định tạm thời giá cả cho các dịch vụ tính toán bằng MTĐT. Công ty MTĐT IBM đã cố gắng khắc phục khó khăn về phụ tùng thay thế và vật tư kỹ thuật để duy trì hoạt động của các MTĐT đã giao cho Công ty quản lý.

e. Thi hành Nghị định 192/CP, hàng năm Uỷ ban đã cùng Bộ Tài chính dự trù ngân sách cho khoa học và kỹ thuật, phân bổ kinh phí cho các ngành và ban hành một số quy định về quản lý tài chính cho khoa học và kỹ thuật như thông tư liên bộ số 33-TC/UBKHKTNN ngày 21 tháng 10 năm 1975 hướng dẫn việc quản lý chi tiêu về nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, thông tư liên bộ 31-TC/UBKHKTNN ngày 17/12/1980 hướng dẫn việc quản lý chi tiêu cho các chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong điểm của Nhà nước, Thông tư liên bộ 03-TC/KHKT ngày 28 tháng 1 năm 1984 hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các quĩ trong cơ quan nghiên cứu, triển khai. Trong tờ trình số 324-KHKT ngày 14 tháng 3 năm 1984 Uỷ ban đề nghị HĐBT quy định rõ thêm : Uỷ ban KHKTNN chịu trách nhiệm phân bổ, điều chỉnh kinh phí hoạt động KHKT cho các Bộ, Tổng cục; Bộ Tài chính bảo đảm việc cấp phát theo sự phân bố, điều chỉnh của Uỷ ban KHKTNN; Các Bộ, Tổng cục bảo đảm sử dụng đúng sự phân bố, điều chỉnh của UBKHKTNN và đúng chế độ, thể lệ của Nhà nước.

Ngân sách dành cho khoa học và kỹ thuật hàng năm có tăng nhưng thời giá cũng tăng, nên chỉ đủ để trả lương, để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm của Nhà nước và khoảng 1/3 số nhiệm vụ nghiên cứu của các ngành, các cơ sở. Trong những năm tới, cần tăng thêm mức đầu tư cho khoa học và kỹ thuật để từng bước thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

g. Quản lý công tác hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài thời kỳ này, có một bước phát triển mới: Uỷ ban được uỷ quyền thương mại về hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài (Theo công văn số 1220/VT ngày 3/4/1982) do đó đã thành lập Công ty xuất nhập khẩu kỹ thuật (TECHNIMEX), và theo công văn số 5287/VT ngày 15 tháng 11 năm 1983, HĐBT đã quyết định chuyển giao công tác xuất nhập chuyên gia văn hoá, giáo dục từ Tổng công ty Technoimport (Bộ Ngoại thương) sang công ty Technimex (UBKHKTNN). HĐBT đã cho phép Uỷ ban thành lập bộ phận khoa học và kỹ thuật trực thuộc đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Thời kỳ này, Uỷ ban đã giúp Nhà nước mở rộng quan hệ và hợp tác về khoa học và kỹ thuật với 1 số nước tư bản chủ nghĩa và các tổ chức quốc tế về khoa học và kỹ thuật. Cục TCĐLCL Nhà nước đã là thành viên của tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hoá (ISO), của ban thường trực về tiêu chuẩn hoá của SEV, đã tham gia hiệp ước chuẩn đo lường của SEV, đang tiếp nhận viện trợ của Thuỵ Điển và PNUD. Uỷ ban đã đề nghị Chính phủ thừa nhận công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá. Cục sáng chế đã tham gia tổ chức thế giới về quyền sở hữu trí tuệ (OMPI). Viện thông tin khoa học và kỹ thuật TW đã là thành viên của Trung tâm thông tin khoa học và kỹ thuật quốc tế, là Trung tâm INFOTERRA Việt Nam của hệ thống thông tin khoa học và kỹ thuật toàn cầu của Liên hiệp quốc (UNISIST). Thư viện khoa học và kỹ thuật TW duy trì quan hệ vốn có về trao đổi tài liệu khoa học và kỹ thuật với nhiều thư viện lớn của các nước khác. Nhà xuất bản đã có quan hệ hợp tác xuất bản sách tiếng Việt và từ điển Nga - Việt với 2 nhà xuất bản Liên Xô.

Uỷ ban đã tiến hành kế hoạch hoá công tác hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài, hướng vào phục vụ cho các chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước và một phần nào cho hoạt động sản xuất và khoa học và kỹ thuật của các địa phương. Đã có những đề tài hợp tác nghiên cứu dài hạn với các nước XHCN như cơ giới hoá trồng lúa, trồng khoai. Trong 5 năm 1981 - 1985, các nước XHCN đã viện trợ không hoàn lại cho Việt nam 20 triệu rúp để tiến hành các hoạt động hợp tác KHKT và 8,2 triệu rúp để trang bị thêm cho 12 cơ sở KHKT. PNUD đã dành cho khoảng 14 triệu USD để phát triển các cơ quan KHKT khác. Việt kiều cũng đã giúp đỡ một phần. Hợp tác quốc tế đã góp phần đáng kể vào việc tăng cường tiềm lực KHKT của chúng ta, đã giúp chúng ta giải quyết được khá nhiều vấn đề KHKT quan trọng, làm chủ được một số công nghệ mới, kỹ thuật mới. Một số giống cây trồng, vật nuôi đã thích nghi và phát huy tác dụng trong sản xuất. Uỷ ban đã trình HĐBT dự thảo "Điều lệ quản lý công tác hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài "nhằm đưa công tác này vào nền nếp, làm cho hoạt động này có hiệu quả hơn và khắc phục những khuyết, nhược điểm còn tồn tại.

7. Để thực hiện tốt chức năng quản lý thống nhất về khoa học và kỹ thuật trong phạm vi cả nước, ngoài việc giúp Đảng và Chính phủ xây dựng các chính sách, chế độ, kế hoạch khoa học và kỹ thuật, Uỷ ban đã chăm lo hơn việc xây dựng hệ thống tổ chức quản lý và đội ngũ cán bộ quản lý khoa học và kỹ thuật từ Trung ương đến cơ sở. Trong thời kỳ này, Uỷ ban đã có những tờ trình đề nghị Chính phủ quy định rõ thêm một số mặt công tác của Uỷ ban, sửa đổi, bổ sung, kiện toàn tổ chức của Uỷ ban, đã có những thông tư hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học và kỹ thuật các cấp Bộ, Tỉnh, Huyện, Liên hiệp xí nghiệp, Viện nghiên cứu triển khai, của Vụ KH và KT Bộ, Tổng cục, của Ban, Uỷ ban KH và KT Tỉnh , Thành phố. Thời kỳ này hầu hết các Bộ, Tổng cục đã có Vụ khoa học và kỹ thuật, tất cả các Tỉnh, Thành phố, đặc khu đã có Uỷ ban khoa học và kỹ thuật. Một số ngành như Nông nghiệp, Thuỷ Lợi, Y tế đã lập Phòng khoa học và kỹ thuật ở Sở, Ty. Hầu hết các cơ sở quy mô vừa và lớn đã có phòng quản lý khoa học (Viện, Trường Đại học, Bệnh viện) hoặc phòng kỹ thuật (xí nghiệp công nghiệp). Uỷ ban đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên trong hệ thống về quản lý các công tác kế hoạch hoá, TCĐLCL, sáng kiến - sáng chế, thông tin khoa học và kỹ thuật.

Uỷ ban quan tâm đến công tác khoa học và kỹ thuật địa phương ngay từ khi mới thành lập, nhưng sau khi Đại Hội Đảng lần thứ 4 đã khẳng định đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn mới có một nội dung quan trọng là vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất, Uỷ ban mới thực sự quyết tâm tăng cường quản lý công tác khoa học và kỹ thuật địa phương, tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ việc xây dựng tổ chức và hoạt động của các Ban, Uỷ ban khoa học và kỹ thuật địa phương. Đánh dấu bước chuyển biến quan trọng này là Uỷ ban đã tổ chức Hội nghị khoa học và kỹ thuật địa phương toàn quốc lần thứ nhất vào 4 ngày 27-30/9/1977 với nội dung được chuẩn bị chu đáo gồm báo cáo về tình hình công tác khoa học và kỹ thuật của các địa phương trong thời gian qua và phương hướng công tác khoa học và kỹ thuật của các địa phương trong thời gian 1976-1980, báo cáo về đề án tổ chức quản lý khoa học và kỹ thuật ở địa phương và báo cáo có tính chất hướng dẫn về công tác điều tra tổng hợp ở địa phương, với thành phần gồm đại diện của Uỷ ban nhân dân, Ban tổ chức Chính quyền, Uỷ ban kế hoạch, Sở, Ty công nghiệp, nông nghiệp và Ban khoa học và kỹ thuật (nếu có) của các Tỉnh, Thành phố trong cả nước và đại diện của Phủ Thủ tướng, của một số Bộ chủ chốt. Hội nghị này đã tiếp sức cho Uỷ ban trong cuộc đấu tranh với khuynh hướng cho rằng công tác khoa học và kỹ thuật của các địa phương đã được UBKHKTNN thống nhất quản lý, và các Bộ, Tổng cục chỉ đạo theo ngành dọc rồi, không cần có Ban khoa học và kỹ thuật làm nhiệm vụ quản lý tổng hợp, thống nhất ở địa phương nữa, cũng như với khuynh hướng cho rằng Ban khoa học và kỹ thuật không phải là tổ chức chân rết của Uỷ ban ở địa phương, cấp uỷ và chính quyền địa phương nào thấy cần thì lập không thì thôi, Uỷ ban không cần can thiệp tích cực.

Thời kỳ này, các cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ thuật đã tách khỏi Uỷ ban, Uỷ ban có điều kiện chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, nền nếp công tác của Uỷ ban hơn.

Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến cuối thời kỳ này, cơ cấu tổ chức đã cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban. Hầu như mỗi nhiệm vụ cụ thể đã có 1 tổ chức thích hợp đảm nhiệm. Việc thành lập các Vụ quản lý khoa học và kỹ thuật và các Hội đồng khoa học và kỹ thuật là hợp lý, chức năng quản lý hay tư vấn của từng tổ chức được phân biệt rõ rệt hơn so với các Ban khoa học trước đây. Việc thành lập Cục sáng chế, Vụ vật tư khoa học và kỹ thuật, Vụ quản lý khoa học và kỹ thuật địa phương và Ban nghiên cứu tổ chức, quản lý khoa học và kỹ thuật tạo điều kiện cho Uỷ ban thực hiện tốt hơn chức trách quản lý thống nhất về các mặt công tác này cũng như nhiệm vụ nghiên cứu cải tiến tổ chức quản lý khoa học và kỹ thuật. Việc sáp nhập 3 cục ĐL,TC,KTCLSP và Viện định chuẩn thành Cục TCĐLCL Nhà nước rồi thành Tổng cục TCĐLCL tạo điều kiện thuận lợi về tổ chức cho 3 mặt công tác này phối hợp mật thiết với nhau để cùng phát triển.

Đội ngũ cán bộ nhân viên của Uỷ ban phát triển nhanh. Uỷ ban đã xây dựng quy hoạch cán bộ cục, vụ, viện, phòng. Dựa vào quy hoạch này, đã bồi dưỡng, đề bạt cán bộ phụ trách cục, vụ, viện mỗi đơn vị 1-2 người (khoảng 35 người), bồi dưỡng, đề bạt đủ cán bộ phụ trách phòng (khoảng 100 người). Nhờ hợp tác quốc tế được mở rộng, Uỷ ban đã cử hơn 300 lượt người đi khảo sát, học tập ở nước ngoài về quản lý khoa học và kỹ thuật, về nghiệp vụ công tác thông tin, thư viện TCĐLCL, sáng chế, kế hoạch hoá khoa học và kỹ thuật... đã tổ chức cho hơn 200 cán bộ học ngoại ngữ tại chức, đã cử gần 200 cán bộ đi học các lớp lý luận cao, trung cấp về chủ nghĩa Mác-Lênin và quản lý kinh tế. Đội ngũ cán bộ phát triển nhanh nhưng vẫn chưa đủ để triển khai mọi mặt công tác quản lý khoa học và kỹ thuật trong phạm vi cả nước, như còn thiếu cán bộ thành thạo nghiệp vụ, có kinh nghiệm quản lý để triển khai các công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoa học và kỹ thuật của các ngành, các địa phương, nghiên cứu về tổ chức, quản lý khoa học và kỹ thuật, chiến lược khoa học và kỹ thuật, quản lý sáng chế phát minh...

Uỷ ban đã xây dựng nhiều chế độ, thể lệ về quản lý khoa học và kỹ thuật, được Chính phủ ban hành hoặc tự mình ban hành, có tác dụng đưa công tác quản lý khoa học và kỹ thuật của Uỷ ban và của các ngành, các cấp vào nền nếp mở rộng quyền chủ động của các cơ quan nghiên cứu triển khai, đưa thêm đòn bẩy kinh tế vào cơ chế quản lý khoa học và kỹ thuật. Mỗi khi cần tổ chức nghiên cứu, đề nghị chủ trương, chính sách, chế độ về khoa học và kỹ thuật với Đảng và Chính phủ, Uỷ ban đều thực hiện nền nếp tập hợp đầy đủ ý kiến của Cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học và kỹ thuật của các ngành, các địa phương, các cơ sở có liên quan. Uỷ ban đã thực hiện từ năm 1979 nền nếp tổ chức Hội nghị hàng năm về khoa học và kỹ thuật địa phương nhằm tổng kết công tác năm qua và đề ra phương hướng công tác năm mới, và từ năm 1982 đã thực hiện việc quyết định bổ nhiệm các trưởng, phó ban khoa học và kỹ thuật trên cơ sở thoả thuận với cấp uỷ và chính quyền địa phương. Nền nếp tổng kết công tác khoa học và kỹ thuật hàng năm với các ngành được khôi phục lại chậm hơn, từ năm 1983. Trong nội bộ Uỷ ban, đã xây dựng và thực hiện một số quy trình công tác có nhiều đơn vị tham gia như quy trình công tác kế hoạch hoá khoa học và kỹ thuật quy trình công tác quản lý KHKT địa phương... nhằm cải tiến các công tác này trên cơ sở phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan, và quy chế làm việc của lãnh đạo Uỷ ban với các đơn vị trực thuộc nhằm chỉ đạo thực hiện tốt hơn những công tác đã được phân công phụ trách.

8. Nhìn chung, trong bối cảnh đất nước mới thống nhất, lại phải đối phó với 2 cuộc chiến tranh biên giới, nền kinh tế còn mất cân đối, chưa ổn định, trình độ kỹ thuật còn thấp kém, đời sống còn nhiều khó khăn, chiến lược phát triển kinh tế chưa có, cơ chế quản lý kinh tế còn mang nặng tính chất hành chính bao cấp, hoạt động khoa học và kỹ thuật thời kỳ này đã được đẩy mạnh thêm một bước, đã có những chuyển biến tốt và những đóng góp đáng kể: Mọi hoạt động khoa học và kỹ thuật, từ nghiên cứu triển khai đến áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quản lý kỹ thuật đều cố gắng tập trung phục vụ những mục tiêu kinh tế quan trọng, cấp bách, trong khuôn khổ các chương trình KHKT trọng điểm của Nhà nước. Nhiều kết quả đã phục vụ có hiệu quả các yêu cầu phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống trước mắt và chuẩn bị phục vụ các yêu cầu lâu dài sau này. Tiềm lực KHKT từ đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, hệ thống các cơ quan nghiên cứu triển khai, quản lý kỹ thuật, thông tin - tư liệu khoa học kỹ thuật đến Liên hiệp các Hội KHKT có phát triển và phát huy tác dụng tốt. Hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài được mở rộng và tranh thủ được viện trợ của nhiều nước và tổ chức quốc tế. Nguyên nhân của những tiến bộ kể trên:

+ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 4 đã làm cho các cấp lãnh đạo coi trọng công tác khoa học và kỹ thuật hơn. Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 51- HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đã phát huy tác dụng chỉ đạo và thúc đẩy mọi mặt hoạt động khoa học và kỹ thuật của các ngành, các địa phương.

+ Hệ thống các cơ quan tư vấn và quản lý khoa học và kỹ thuật được hình thành và củng cố, hoạt động đúng chức năng và ngày càng có nền nếp, có hiệu quả, trong đó UBKHKTNN đã thực hiện tương đối tốt vai trò tham mưu và thống nhất quản lý về khoa học và kỹ thuật của mình.

+ Phương thức quản lý khoa học và kỹ thuật có chuyển biến tốt theo hướng vừa tăng cường các công cụ pháp chế và kế hoạch vừa bước đầu sử dụng đòn bẩy kinh tế trong cơ chế quản lý khoa học và kỹ thuật nhằm cố gắng thoát dần khỏi cơ chế hành chính bao cấp.

Trong tình hình kinh tế và xã hội còn rất nhiều khó khăn, hoạt động KHKT tuy có nhiều tiến bộ nhưng cũng còn nhiều mặt hạn chế, đòi hỏi UBKHKTNN cùng các ngành, các cấp mau chóng kiện toàn tổ chức, cải tiến công tác của các cơ quan tham mưu và quản lý khoa học - kỹ thuật, từ Trung ương đến cơ sở, để khắc phục những mặt hạn chế đó và tạo nên một bước chuyển biến mới mạnh mẽ hơn trong thời gian tới

Lượt xem: 2230

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)