Thứ tư, 27/11/2024 10:50 GMT+7
Thứ sáu, 11/10/2013 11:23 GMT+7

Khái quát chung về quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại song song

1.      Phần mở đầu

 

Thương mại song song xuất phát từ sự khác biệt về giá giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu đối với cùng một sản phẩm bắt nguồn từ sự phân biệt giá quốc tế[1]. Phân biệt giá quốc tế là hệ quả đương nhiên của phân chia thị trường[2]. Các nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng pháp luật (đặc biệt là pháp luật về giá), chi phí sản xuất và phân phối và sự dao động giá trị tiền tệ là những yếu tố cơ bản dẫn đến sự khác biệt về giá giữa các nước[3]. Hơn nữa, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ luôn mong muốn bán hàng hoá với giá khác nhau cho những nhóm người tiêu dùng khác nhau nhằm tối đa hoá lợi nhuận[4]. Phân biệt giá quốc tế dẫn đến thương mại song song hay kinh doanh trên thị trường xám. Hàng hóa trong thương mại song song bao giờ cũng được chuyển từ nước có giá bán sản phẩm thấp đến nước có giá bán sản phẩm cao. Nhà kinh doanh trong trường hợp này có thể thu được lợi nhuận bằng cách xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá song song với các kênh chính thức.

Thương mại song song có mối quan hệ chặt chẽ với quyền sở hữu trí tuệ. Thương mại song song là một trong những hệ quả của hết quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi khu vực (được gọi tắt là hết quyền khu vực) và hết quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi quốc tế (được gọi tắt là hết quyền quốc tế). Chính vì vậy, bài viết này tập trung xem xét mối quan hệ giữa hết quyền sở hữu trí tuệ và thương mại song song.[5]

 

2.      Khái niệm, đặc điểm hết quyền sở hữu trí tuệ và thương mại song song

 

2.1.           Khái niệm và đặc điểm hết quyền sở hữu trí tuệ

 

Hết quyền sở hữu trí tuệ là trạng thái chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ không còn quyền phân phối đối với một sản phẩm cụ thể, khi sản phẩm đã được đưa ra thị trường bởi chính chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, hoặc với sự đồng ý của chủ thể này. Như vậy, hết quyền sở hữu trí tuệ  có những đặc điểm cơ bản sau: (i) hết quyền sở hữu trí tuệ xảy ra khi thoả mãn hai điều kiện là sản phẩm đã được đưa ra thị trường và hành động đưa sản phẩm ra thị trường được thực hiện bởi chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ, hoặc với sự đồng ý của chủ thể này; (ii) khi hết quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, chỉ quyền phân phối sản phẩm không còn và quyền sản xuất sản phẩm không bị ảnh hưởng; (iii) khi hết quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, chỉ quyền phân phối đối với sản phẩm cụ thể đã được đưa ra thị trường không còn và những sản phẩm chưa được đưa ra thị trường không bị ảnh hưởng.

Khi chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đưa sản phẩm mang đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ ra thị trường, quyền phân phối của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm này không còn. Trong mối quan hệ với hết quyền sở hữu trí tuệ, “phân phối” được hiểu là hành vi chuyển giao sản phẩm mang đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ. Cách hiểu này được đưa ra trên cơ sở định nghĩa trong từ điển[6], các quy định của Hiệp định TRIPS và các phán quyết của Toà án Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu. Cụ thể, phân phối có thể là bán, đề nghị bán, cho thuê và tàng trữ để bán. Cần lưu ý rằng, từ “lưu thông” (tiếng Anh là “circulation”) có thể được sử dụng thay thế cho “phân phối” (tiếng Anh là “distribution”). Lưu thông được hiểu là chuyển giao một vật nào đó từ người này sang người khác hoặc từ nơi này sang nơi khác[7].

Khi hết quyền xảy ra, những hành vi của người mua đối với sản phẩm không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khi hết quyền xảy ra đối với sáng chế xảy ra, quyền sản xuất sản phẩm theo sáng chế vẫn thuộc về chủ sở hữu sáng chế. Tương tự, quyền sao chép tác phẩm vẫn thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả mặc dù tác phẩm đã được đưa vào giao dịch thương mại bởi chủ sở hữu quyền tác giả, hoặc với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Đối với nhãn hiệu, quyền gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong kinh doanh là quyền chỉ thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu. Do đó, khi hết quyền xảy ra, quyền này không được chuyển giao sang cho bên thứ ba mặc dù sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ đã được chuyển giao cho bên thứ ba. Chỉ quyền phân phối sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ không còn. Các chủ thể khác có quyền thực hiện các hành vi thương mại như bán, chào hàng, cho thuê, tàng trữ để lưu thông và các hành vi phi thương mại như sử dụng, tặng cho, cho mượn, từ bỏ sản phẩm. Các hành vi sửa chữa, tái chế, nhập khẩu song song hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ được công nhận là hợp pháp và không phải là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như hệ quả pháp lý của hết quyền đối với nhãn hiệu. Thương mại song song hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ chỉ được công nhận khi cơ chế hết quyền quốc tế và cơ chế hết quyền khu vực được áp dụng.

Hệ quả pháp lý của hết quyền sở hữu trí tuệ bắt nguồn từ sự phân định rạch ròi giữa quyền sở hữu trí tuệ của nhà sản xuất sản phẩm và quyền tài sản của người mua đối với sản phẩm[8]. Cụ thể, quyền sở hữu trí tuệ gắn với tài sản vô hình (như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu), còn quyền tài sản gắn với tài sản hữu hình (như xe, đồng hồ, sách). Khi bán sản phẩm, sản phẩm và quyền tài sản được chuyển giao sang cho người mua. Người mua có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Người mua có thể thực hiện hành vi theo mong muốn của họ đối với sản phẩm như: tiêu dùng, bán, cho thuê hay phá bỏ sản phẩm - “như bất kỳ chủ sở hữu tài sản nào có thể thực hiện những đặc quyền của quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản của anh ta”[9]. Trường hợp ngoại lệ là các bên giao kết hợp đồng thoả thuận sản phẩm chỉ được bán trong lãnh thổ nhất định. Hơn nữa, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có cơ hội được bù đắp xứng đáng chi phí, nỗ lực sáng tạo và uy tín, danh tiếng từ lần đầu tiên đưa sản phẩm vào lưu thông. Bởi vì, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền quyết định thời gian, địa điểm cho lần đầu tiên đưa sản phẩm vào lưu thông. Do đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ không thể tiếp tục kiểm soát sự lưu thông tiếp theo của sản phẩm. “Khái niệm kinh tế sơ đẳng nhất là không có nhà độc quyền nào được phép thu lợi ích độc quyền hai lần”[10].

Đối với cơ chế hết quyền quốc tế, hết quyền sở hữu trí tuệ xảy ra khi sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được chính chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu đưa ra bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Ngược lại với cơ chế hết quyền quốc gia, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ không thể dựa vào quyền của mình để ngăn chặn lưu thông hàng hoá trên phạm vi toàn thế giới.

Ví dụ: khi Công ty X (pháp nhân Ấn Độ) bán một chiếc máy vi tính mang nhãn hiệu được bảo hộ ra thị trường Ấn Độ hoặc thị trường nước ngoài, quyền phân phối của Công ty đối với chiếc máy vi tính này không còn nữa. Trong trường hợp này, Công ty không còn quyền kiểm soát quá trình lưu thông tiếp theo của sản phẩm trong đó có quyền ngăn chặn nhập khẩu song song. 

Hết quyền khu vực liên quan đến hết quyền trong phạm vi thị trường rộng hơn thị trường quốc gia nhưng lại chỉ giới hạn ở một số quốc gia nhất định (ví dụ, các nước thuộc khối Khu vực Kinh tế Châu Âu). Khi hết quyền khu vực xảy ra, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ không thể dựa vào quyền sở hữu trí tuệ của mình để ngăn cấm lưu thông các sản phẩm trong phạm vi khu vực khi những sản phẩm này đã được đưa ra thị trường khu vực bởi chính chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền ngăn chặn việc nhập khẩu những sản phẩm này từ ngoài vào thị trường khu vực.

Ví dụ: khi xe Volvo được đưa ra thị trường Thuỵ Điển, chủ sở hữu nhãn hiệu Volvo mất quyền kiểm soát sự lưu thông tiếp theo của xe này trong phạm vi thị trường Khu vực kinh tế Châu Âu. Tuy nhiên, chủ sở hữu nhãn hiệu Volvo có quyền cấm nhập khẩu xe này từ ngoài vào thị trường Khu vực kinh tế Châu Âu.

 

2.2.           Khái niệm và đặc điểm thương mại song song

 

Thương mại song song là việc kinh doanh những hàng hóa chính hiệu (tiếng Anh là “genuine goods”) đã được chính chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đưa ra thị trường nước ngoài. Việc kinh doanh này diễn ra song song với các kênh phân phối được uỷ quyền. Thương mại song song bao gồm nhập khẩu song song và xuất khẩu song song như mô tả và giải thích dưới đây (xem Hình 1).

Trường hợp 1 - Nhập khẩu song song: Nhà phân phối không được uỷ quyền của nước B nhập khẩu sản phẩm từ nước A vào nước B không dựa trên sự cho phép của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng như các chủ thể được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ ở cả nước A và B. Trong trường hợp này, A là nước xuất khẩu, B là nước nhập khẩu, nhà phân phối không được uỷ quyền chính là nhà nhập khẩu song song. Điều kiện nhập khẩu song song là: P1 + T < P2. Cụ thể, P1 là giá bán sản phẩm ở nước A; P2 là giá bán sản phẩm ở nước B; T là các chi phí cần thiết như chi phí vận chuyển và chi phí hành chính. Tức là giá bán sản phẩm ở nước nhập khẩu phải cao hơn giá bán sản phẩm ở nước xuất khẩu[11].

Nhập khẩu song song khác với nhập khẩu lại (tiếng Anh là “re-importation”) đôi khi được sử dụng nhầm lẫn. Đối với nhập khẩu lại, hàng hoá được đưa ra thị trường nước A và được xuất khẩu đến nước B. Sau đó, những hàng hóa này lại được nhập khẩu lại nước A. Giữa nhập khẩu song song và nhập khẩu lại có hai điểm khác biệt cơ bản. Thứ nhất, trong trường hợp nhập khẩu song song, hàng hoá thuộc kênh phân phối được uỷ quyền của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ khác với hàng hoá được nhập khẩu nhưng những hàng hoá này mang cùng một nhãn hiệu. Còn trong trường hợp nhập khẩu lại, hàng hoá được nhập khẩu lại chính là hàng hoá đã xuất khẩu đi. Thứ hai, nhập khẩu song song có thể xảy ra giữa hơn hai nước, trong khi đó nhập khẩu lại chỉ xảy ra giữa hai nước.

Trường hợp 2 - Xuất khẩu song song: Nhà phân phối không được uỷ quyền của nước B xuất khẩu sản phẩm từ nước B sang nước A không dựa trên sự cho phép của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng như các chủ thể được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ ở cả nước A và B. Trong trường hợp này, A là nước nhập khẩu; B là nước xuất khẩu; nhà phân phối không được uỷ quyền là nhà xuất khẩu song song. Điều kiện xuất khẩu song song là: P2 + T < P1. Cụ thể, P1 là giá bán sản phẩm ở nước A; P2 là giá bán sản phẩm ở nước B; T là những chi phí cần thiết như chi phí vận chuyển và chi phí hành chính. Như vậy, giá bán sản phẩm ở nước xuất khẩu thấp hơn giá bán sản phẩm ở nước nhập khẩu[12].

 

 

Hình 1: Thương mại song song

 

Thông thường, các thuật ngữ “thương mại song song” (tiếng Anh là “parallel trade”), “nhập khẩu song song” (tiếng Anh là “parallel importation”) và “xuất khẩu song song” (tiếng Anh là “parallel exportation”) được sử dụng ở Châu Âu và nhiều nước khác. Thay vào đó, thuật ngữ “kinh doanh trên thị trường xám” (tiếng Anh là “grey market”) được sử dụng ở Hoa Kỳ. Kinh doanh trên thị trường xám nhằm chỉ hoạt động kinh doanh những hàng hoá của nhà sản xuất nước ngoài; những hàng hoá này mang nhãn hiệu được bảo hộ tại nước ngoài và cũng chính là nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Hoa Kỳ; những hàng hoá xám được sản xuất ở nước ngoài và sau đó được nhập khẩu vào Hoa Kỳ mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu ở Hoa Kỳ[13]. Thuật ngữ này được sử dụng nhằm phân biệt hàng hoá trên thị trường xám với hàng hoá trên thị trường đen - loại hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.

Nói tóm lại, thương mại song song có những đặc điểm sau đây: (i) đây là một hiện tượng kinh tế; (ii) hiện tượng này xảy ra đối với tất cả các loại hàng hoá; (iii) hàng hoá chính hiệu được đưa ra thị trường nước ngoài bởi chính chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc chủ thể khác được chủ sở hữu cho phép; (iv) chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ ở nước xuất khẩu và ở nước nhập khẩu là một, hoặc là những chủ thể khác nhau nhưng có mối quan hệ pháp lý và/hoặc kinh tế với nhau; (v) trong hoạt động này có hai nhà kinh doanh, đó là nhà kinh doanh được uỷ quyền và nhà kinh doanh không được uỷ quyền; (vi) hoạt động này có thể xảy ra giữa hai nước trở lên.

 

3.      Mối quan hệ giữa hết quyền sở hữu trí tuệ và thương mại song song

 

Về mối quan hệ giữa hết quyền sở hữu trí tuệ và thương mại song song, trước hết cần phải lưu ý rằng hết quyền là cơ sở cho thương mại song song. Do đó, khả năng loại bỏ nhập khẩu song song của chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào chính sách và pháp luật của nước nhập khẩu về hết quyền sở hữu trí tuệ[14]. Trường hợp thứ nhất, nếu hết quyền quốc gia được áp dụng, chủ thể nắm giữ quyề sở hữu trí tuệ chỉ mất quyền phân phối hàng hoá trong lãnh thổ quốc gia. Kết quả là, nhập khẩu song song không được công nhận. Trường hợp thứ hai, cơ chế hết quyền khu vực được áp dụng, chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ mất quyền phân phối hàng hoá trong phạm vi khu vực. Do đó, thương mại song song được coi là hợp pháp trong khu vực. Trường hợp thứ ba, nếu cơ chế hết quyền quốc tế được áp dụng, hết quyền xảy ra khi hàng hoá được đưa ra bất kỳ thị trường nào và quyền phân phối hàng hoá của chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ không còn trên phạm vi toàn cầu. Do đó, thương mại song song được coi là hợp pháp trên phạm vi toàn cầu.

Hơn nữa, cần lưu ý rằng, hành vi nhập khẩu song song hàng hóa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. “Các nhãn hiệu gắn với hàng hoá hoá trên thị trường xám [hoặc hàng hóa trong hoạt động thương mại song song] không phải là giả mạo bởi vì chúng gắn liền với sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu”[15].


[1] Keith E. Maskus đóng góp đáng kể trong việc làm sáng tỏ lý thuyết về phân biệt giá trong mối quan hệ với hết quyền sở hữu trí tuệ và thương mại song song. Xem: Maskus, Keith E. & Reichman & Jerome H. (eds.), International Public Goods and Transfer of Technology Under a Globalized Intellectual Property Regime, Published by Cambridge University Press, 2005; Maskus, Keith E. and Chen, Yongmin, Parallel Imports in a Model of Vertical Distribution: Theory, Evidence, and Policy (Fink, Carsten and Maskus, Keith E. (eds.), Intellectual Property and Development: Lessons from recent economic research, A co-publication of the World Bank and Oxford University Press, 2005), pp. 189-206); Maskus, Keith E. and Chen, Yongmin, Vertical Price Control and Parallel Imports: Theory and Evidence, Review of International Economics, 2004, 12:551-70.

[2]  Trong một nghiên cứu rất gần đây, Keith Maskus and Frank Stähler kết luận rằng “[thương mại song song] không xảy ra nếu không có kiểm soát theo chiều dọc.” Xem: Maskus, Keith and Stähler, Frank, Parallel trade without vertical control, Mar. 2010, <http://www.vwl.uni-wuerzburg.de/fileadmin/12010200/user_upload/Docs_Allgemein/Paper_ATW_2010.pdf>.

[3] Xem: Stothers, Christopher, Parallel Trade in Europe: Intellectual property, Competition and Regulatory Law, Hart Publishing, 2007, tr. 2-3; Carvalho, Nuno Pires de, The TRIPs Regime of Trademarks and Designs, Kluwer Law International 2006, tr. 158; The National Economic Research Associates - NERA (EU), The economic consequences of the choice of a regime of exhaustion in the area of trademarks, 1999.

[4] Về phân biệt giá, xem: Fink, Carsten and Maskus, Keith E. (eds.), Intellectual Property and Development: Lessons from recent economic research, A co-publication of the World Bank and Oxford University Press, 2005, tr. 178; Ganslandt, Mattias and Maskus, Keith E., IPRs, Parallel Imports and Strategic Behavior, IFN Working Paper No. 704, 2007, Research Institute of Industrial Economics, Sweden, tr. 5-6.

[5] Về mối quan hệ giữa hết quyền sở hữu trí tuệ và thương mại song song, xem: Nguyễn Như Quỳnh, Hết quyền đối với nhãn hiệu trong pháp luật, thực tiễn quốc tế và Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, năm 2012.

[6] Wehmeier, Sally (ed.), Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English, 6th edn., Oxford University Press, 2000, tr. 366. 

[7] Wehmeier, Sally (ed.), Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English, 6th edn., Oxford University Press, 2000, tr. 208.

[8] Xem: Carvalho, Nuno Pires de, The TRIPs Regime of Trademarks and Designs, Kluwer Law International 2006, tr. 149-150; Paul Torremans, International Exhaustion in the European Union in the Light of Zino Davidoff: Contract v Trademark Law?, International Association For the Advancement of Teaching and Research in Intellectual Property, Annual Meeting (7 – 9 Jul. 1999), Geneva, Switzerland, tr. 11.

[9] Keeling, David T., IPRs in EU Law, Vol. I - Free Movement and Competition Law, Oxford University Press, 2003, tr. 75.

[10] Carvalho, Nuno Pires de, The TRIPs Regime of Trademarks and Designs, Kluwer Law International 2006, tr. 149-150.

[11] Heath, Christopher (ed.), Parallel Imports in Asia, Kluwer Law International, 2004; Stothers, Christopher, Parallel Trade in Europe: Intellectual property, Competition and Regulatory Law, Hart Publishing, 2007; Matthews, Duncan and Munoz-Tellez, Viviana, Parallel Trade: A User’s Guide (in Krattiger, Anatole, Mahoney, Richard T. and Nelson, Lita (eds.)), Intellectual Property Management in Health and Agricultural Innovation: A Handbook of Best Practices; Müller-Langer, Frank, Does Parallel Trade Freedom Harm Consumers in Small Countries, 2008, <http://www.eizg.hr/AdminLite/FCKed./UserFiles/File/CES-2008-muller-langer.pdf>.

[12] Heath, Christopher (ed.), Parallel Imports in Asia, Kluwer Law International, 2004; Stothers, Christopher, Parallel Trade in Europe: Intellectual property, Competition and Regulatory Law, Hart Publishing, 2007; Matthews, Duncan and Munoz-Tellez, Viviana, Parallel Trade: A User’s Guide (in Krattiger, Anatole, Mahoney, Richard T. and Nelson, Lita (eds.)), Intellectual Property Management in Health and Agricultural Innovation: A Handbook of Best Practices; Müller-Langer, Frank, Does Parallel Trade Freedom Harm Consumers in Small Countries, 2008, <http://www.eizg.hr/AdminLite/FCKed./UserFiles/File/CES-2008-muller-langer.pdf>.

[13] Kmart Corp. v. Cartier, Inc, 486 US 281 (1988).

[14] Abbott, Frederik M., Parallel Importation: Economic and social welfare dimensions, the International Institute of Sustainable Development, June 2007, <http://www.iisd.org/pdf/2007/parallel_importation.pdf>; Müller-Langer, Frank, Does Parallel Trade Freedom Harm Consumers in Small Countries, 2008, <http://www.eizg.hr/AdminLite/FCKed./UserFiles/File/CES-2008-muller-langer.pdf>.

[15] Lalonde, Anne Gilson, Anti-counterfeiting in the twenty-first century, LexisNexis, 2006, tr. 31.  

Lượt xem: 25953

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:2787
Lượt truy cập: 12750033