Thứ tư, 07/06/2017 08:58 GMT+7

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 2/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).


Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) phát biểu góp ý dự thảo Luật. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp Quốc hội, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và một số cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp thứ 8, ngày 16/3/2017, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật. Sau đó, Dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, đồng thời Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức làm việc với một số Bộ, ngành, địa phương, một số doanh nghiệp, chuyên gia...

Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội và ý kiến tại các buổi làm việc nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Dự án Luật được sửa đổi, xây dựng gồm 6 chương với 63 điều, có phạm vi điều chỉnh là: Quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ.

Dự án Luật nêu rõ, Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ của Việt Nam.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích, đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung lớn của dự án Luật liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ; đối tượng, hình thức chuyển giao công nghệ; các công nghệ khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; đăng ký chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ...

Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) đề nghị trong dự án luật cần làm rõ hơn khái niệm về công nghệ lạc hậu; lập luận chặt chẽ hơn trong quy định về việc không nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, đồng thời quy định cụ thể và rõ ràng hơn tiêu chí của công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao để có chính sách quản lý phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm soát công nghệ được chuyển giao; tạo điều kiện cho công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ mới được chuyển giao vào Việt Nam.

Đề cập đến các biện pháp khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, một số ý kiến đề nghị bổ sung các chính sách, biện pháp đột phá để khắc phục tình trạng hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước với doanh nghiệp còn ít và hiệu quả thấp; trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn lạc hậu, tốc độ đổi mới công nghệ chậm, việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với trình độ và tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ vị trí trung tâm của doanh nghiệp và các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Về quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, có ý kiến đại biểu cho rằng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ còn những hạn chế nhất định nên vẫn còn xảy ra tình trạng chuyển giao công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, do đó cần có quy định rõ hơn vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ; phân định rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ có liên quan, chính quyền địa phương trong việc quản lý chuyển giao công nghệ.



Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) phát biểu thảo luận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Một số ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre); Tô Ái Vang (Sóc Trăng), Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh)... đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát kỹ thuật lập pháp, giải thích rõ các khái niệm trong dự án luật; một số khái niệm liên quan đến chuyển giao công nghệ đã được quy định, giải thích ở các đạo luật khác cũng cần phải rà soát cập nhật vào dự án Luật để bảo đảm sự thống nhất chung trong hệ thống pháp luật. Đồng thời cần làm rõ hơn về quy trình, trình tự, cơ chế trong hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo đảm cho hoạt động chuyển giao này được thực hiện thuận lợi, dễ dàng song cũng phải bảo đảm được tính bảo mật cao. Cần có các quy định ưu tiên, khuyến khích các hoạt động chuyên giao công nghệ ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo nhất là các hoạt động chuyển giao công nghệ liên quan đến phát triển năng lượng, xử lý và cấp nước sạch sinh hoạt ở các địa bàn này...

* Chiều 2/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-Luat-Chuyen-giao-cong-nghe-sua-doi/307720.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 6038

TAGS : Luật CGCN
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)