Thứ tư, 13/09/2017 16:44 GMT+7

“Việt Nam - Chuyển đổi số trong CMCN lần thứ tư”

Đây là chủ đề Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit 2017) chính thức khai mạc hôm 6/9 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh - phát biểu khai mạc

Tham dự sự kiện có trên 600 đại diện lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp ứng dụng CNTT, các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT hàng đầu hàng đầu thế giới và Việt Nam như: Viettel, FPT, MISA, VNPT, Shopee, CMC, Microsoft, Cisco, Hồng Cơ…

Có thể thấy, cuộc CMCN 4.0 đang hiện hữu ngày càng rõ nét hơn với những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Chủ đề về cuộc CMCN 4.0 cùng những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam đã được đặt ra tại Vietnam ICT Summit 2016. Chương trình đã có những tác động không nhỏ đến nhận thức và hành động của các cấp các ngành cũng như một số lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế. Khảo sát nhanh của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đối với khoảng 250 doanh nghiệp, tổ chức tham gia sự kiện cho thấy: 35.2% tổ chức chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN lần thứ 4; 58.7% đã tìm hiểu nhưng chuẩn bị sẵn sàng hoặc chưa biết chuẩn bị gì; chỉ có 6.1% là không hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào.

Khảo sát cũng chỉ ra những lợi thế, những giải pháp hiệu quả và những ngành Việt Nam có thể tiếp cận hiệu quả và thành công CMCN 4.0. Theo đó, những doanh nghiệp, tổ chức cho rằng, nguồn nhân lực (77.7%), nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ (70.4%) và hạ tầng CNTT & viễn thông (59.1%) - là những lợi thế lớn của Việt Nam trong cuộc cách mạng này. Để hiện cụ thể hóa những lợi thế đó, Việt Nam cần triển khai 3 giải pháp quan trọng: Đào tạo nguồn nhân lực (81.8%), thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%), thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%). Các doanh nghiệp, tổ chức cũng đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào một số ngành có lợi thế trong CMCN 4.0 bao gồm: CNTT (89.9%), du lịch (45.7%), nông nghiệp (44.9%), tài chính- ngân hàng (47%) và logistic (28.3%).

Tại Diễn đàn, TS. Võ Chí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TW và lãnh đạo Microsoft Việt Nam đã có các báo cáo chủ chốt về sự bùng nổ của CMCN 4.0 trên thế giới, những tác động tới Việt Nam và những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam tiếp cận, tiến nhanh, tiến mạnh trong cuộc cách mạng này. Cụ thể, với vai trò là nhà tiên phong về phát minh công nghệ, cùng bề dày và kinh nghiệm chuyên sâu về giải pháp và ứng dụng CNTT, đặc biệt là năng lực hàng đầu về hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ đám mây, trí tuệ nhân tạo AI cũng như xử lý dữ liệu lớn, đại diện Microsoft đã chia sẻ những thách thức trước cuộc CMCN lần thứ 4, đó là: Dữ liệu và thông tin tăng tốc kỷ lục; giải pháp điều khiển dữ liệu trở nên tiềm năng để chuyển đổi mọi lĩnh vực hoặc nền công nghiệp; điện toán đám mây trở thành xu hướng tất yếu với mọi tổ chức và doanh nghiệp. Đặc biệt, với vai trò bứt phá và luôn dẫn đầu trong phát triển AI, hiện nay Microsoft đã và đang tiếp tục tiên phong đưa AI và các giải pháp học máy (Machine learning) trở thành công cụ đắc lực, giúp các tổ chức và doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, đưa các doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.  “Sứ mệnh của Microsoft là giúp trao quyền cho mọi cá nhân và tổ chức trên toàn cầu đạt được nhiều thành tựu hơn. Microsoft đã và đang nỗ lực xây dựng những nền tảng linh hoạt đi cùng những dịch vụ tối ưu giúp từng cá nhân và doanh nghiệp có thể đổi mới, xây dựng công nghệ riêng, tạo ra thêm những giải pháp và dịch vụ mới dựa trên đó để tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh, bền vững. Trước ngưỡng cửa cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp cần nắm bắt lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có thể nâng cao hiệu suất vận hành doanh nghiệp từ những công cụ vượt trội của điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và IoT” - ông Phạm Trần Anh, Phó tổng giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp và đối tác chiến lược, Microsoft Việt Nam - chia sẻ.

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn lần lượt thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên sâu: “Nhận thức về Việt Nam 4.0”; “Thế mạnh kinh tế số Việt Nam - Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh”; “Thành phố thông minh/Smart City”; “Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.

Trong tọa đàm chuyên sâu “Thành phố thông minh”, Microsoft chia sẻ giải pháp “CityNext” để xây dựng đô thị thông minh. Đây là bộ giải pháp toàn diện, cung cấp tầm nhìn, nền tảng và công nghệ chính, tạo khả năng kết nối từ Cloud OS – giải pháp đám mây của Microsoft hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp xây dựng và phát triển đám mây riêng, kết nối đám mây công cộng, xử lý và phân tích hệ thống siêu dữ liệu - đến các bộ sản phẩm năng suất cao và hợp tác tối ưu dành cho máy trạm (client). Có thể coi đây là xương sống, giúp chuyển đổi kỹ thuật số cho các thành phố và các đơn vị hành chính công, nhằm hỗ trợ giải quyết tốt những bài toán giấy tờ và dịch vụ tại đơn vị hành chính.

CityNext đã nắm vai trò chiến lược hỗ trợ chuyển đổi thành công thành “Đô thị thông minh’’ cho các thành phố lớn trên toàn cầu như New York, Mexico, London, Amsterdam, Copenhagen, Barcelona, Hamburg và gần đây nhất là Singapore, v.v.. Kết hợp dịch vụ và dữ liệu từ nhiều nguồn chức năng đô thị khác nhau như chức năng hành chính bao gồm chính sách thuế, dịch vụ tự động và tài chính, an toàn nơi công cộng và tư pháp, sức khỏe và dịch vụ xã hội, giáo dục, giao thông, xây dựng & hạ tầng, năng lượng & nước và du lịch, giải trí & văn hóa,... “Microsoft CityNext giúp các tổ chức chuyển đổi được hầu hết các hạ tầng công nghệ đã đầu tư hoạt động tốt trong hệ thống mới theo kì vọng. Nhờ vào các giải pháp hiện đại và nền tảng dữ liệu lớn của Microsoft CityNext, thông tin quan trọng có thể lưu thông thông suốt giữa các phòng ban, đô thị và giữa chính phủ, với doanh nghiệp và người dân, khi vận hành hiệu quả có thể giúp các đô thị đưa thêm các nguồn lực trở lại sử dụng trong cộng đồng” - ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Khối phát triển hệ thống, Microsoft Việt Nam - nhấn mạnh./.

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/viet-nam-chuyen-doi-so-trong-cmcn-lan-thu-tu.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3158

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)