Thứ tư, 22/11/2017 15:15 GMT+7

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để cải cách thủ tục hành chính

Để cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công, quá trình xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử cần gắn liền với việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước.

Theo Báo cáo hồi đầu năm nay của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp thứ 89/193 thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2016, tăng 10 hạng so với năm 2014, và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao. Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của nước ta được đánh giá ở mức cao với 0,57 điểm, xếp hạng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
 

Ứng dụng CNTT tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Chương Mỹ. Ảnh:hanoimoi.com.vn

 
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử lên thứ 80 trong năm 2017 và lên thứ 70 vào năm 2020 thì dịch vụ công trực tuyến - phần cốt lõi của Chính phủ điện tử còn phải vượt qua nhiều thử thách.
 
Một thực tế là dù đã có chủ trương và các các nghị quyết của Chính phủ, nhưng việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự đồng đều, ảnh hưởng đến mục tiêu chung về xây dựng Chính phủ điện tử.
 
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã tổ chức hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước. Những thành quả đạt được rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục từ phía các địa phương.
 
Hiệu quả rõ rệt của dịch vụ công trực tuyến  
 
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã tổ chức hướng dẫn các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ cao giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) hiệu quả hơn. Hiện các bộ, ngành đã cung cấp hơn 900 DVC trực tuyến mức độ 3, 4; các tỉnh/thành phố cung cấp gần 14.000 DVC trực tuyến mức độ 3, 4.
 
Một số DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã đem lại hiệu quả cao như lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến, ngành Ngoại giao trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 450 ngàn hồ sơ trực tuyến, Bộ Tư pháp trên 258 ngàn hồ sơ trực tuyến.
 
Ngoài các thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, còn lại hầu hết các thủ tục hành chính đều có thể cung cấp thông tin, mẫu biểu hồ sơ liên quan trên mạng để người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, tải xuống để chuẩn bị trước khi thực hiện các TTHC (đạt mức độ 1, mức độ 2).
 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cùng ký kết chương trình phối hợp.

 
Trong tháng 8/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Nội vụ đã ký kết Chương trình phối hợp thúc đẩy gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính giai đoạn 2017 – 2020, nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính hiện đại.
 
Căn cứ chương trình phối hợp này, các đơn vị liên quan về ứng dụng CNTT và cải cách hành chính của các Bộ, ngành, các Sở Nội vụ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trên cả nước có căn cứ để xây dựng ban hành các chương trình phối hợp, thúc đẩy gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương. Các chương trình phối hợp sẽ góp phần thúc đẩy gắn kết hoạt động ứng dụng CNTT với cải cách hành chính trên phạm vi toàn quốc để xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
 
Ứng dụng CNTT vào dịch vụ công cần đúng nhu cầu
 
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế ứng dụng CNTT tại các địa phương. Thực tế có những địa phương cung cấp gần 1000 TTHC nhưng không phát sinh một hồ sơ nào trên môi trường điện tử. Nguyên nhân được xác định do cung cấp các DVC trực tuyến thuộc các lĩnh vực ít nhu cầu sử dụng, chưa tập trung các lĩnh vực giải quyết nhu cầu, búc xúc của người dân (như xây dựng, đất đai,….), công tác thông tin, phổ biến, hướng dẫn sử dụng còn hạn chế, chưa sâu rộng,…
 
Những nguyên nhân dẫn đến bất cập có thể kể đến như việc khai thác, sử dụng hiệu quả một số hệ thống thông tin, CSDL vẫn còn hạn chế. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành chủ yếu hỗ trợ công tác văn thư, vẫn chưa thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành qua mạng. Nguyên nhân chủ yếu do người đứng đầu các cơ quan chưa tham gia sử dụng, chỉ đạo, điều hành trên mạng.
 
Một nguyên nhân khác, đó là các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử chậm triển khai, cụ thể như các CSDL quốc gia: CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đất đai, CSDL quốc gia về cán bộ, công chức,…
 
Nguồn lực đầu tư cho ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử cũng còn hạn chế, kinh phí đầu tư ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương không đáp ứng nhu cầu, bố trí chưa kịp thời dẫn tới lộ trình, nội dung triển khai không theo kế hoạch, các hệ thống thông tin, CSDL chậm triển khai, kéo dài thời gian triển khai, triển khai không đồng bộ, thống nhất.
 
Cần giải pháp đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến
 
Để thúc đẩy xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử góp phần cải cách TTHC, Bộ TT&TT cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ chính như triển khai, hướng dẫn xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng nâng cao hiệu quả, nhất là hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
 
Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Nội vụ tăng cường gắn kết chặt chẽ hoạt động xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử trong cơ quan nhà nước, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành và áp dụng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh, làm cơ sở triển khai hiệu quả, đồng bộ xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử.
 
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện môi trường pháp lý cho xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử góp phần cải cách thủ tục hành chính, phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
 
Việc nghiên cứu, xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử cũng sẽ được Bộ TT&TT đẩy mạnh, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong xu thế thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các nội dung như ứng dụng Internet kết nối vạn vận (IoT), ứng dụng điện toán đám mây (Cloud Computing), xử lý dữ liệu lớn (Big Data), mạng xã hội (Social), đô thị thông minh (Smart city),…

Nguồn: http://mic.gov.vn

Lượt xem: 6835

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)