Thứ sáu, 01/12/2017 14:15 GMT+7

Hiệu quả từ phòng thí nghiệm tư nhân

Hiện nay, nhiều đơn vị, nhà khoa học và người dân đã chủ động thành lập các phòng thí nghiệm (PTN) tư nhân, tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết từ thực tiễn xã hội. Nhiều PTN tạo ra những sản phẩm công nghệ mang hiệu quả cao trong sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn khi các PTN chưa chủ động về kinh phí đầu tư, trang thiết bị và cả các hợp đồng để duy trì hoạt động.


Phòng thí nghiệm Eurofins Sắc Ký Hải Ðăng (TP Hồ Chí Minh) có các trang thiết bị và kỹ thuật phân tích hiện đại. Ảnh: HẢI ANH

 

Nhiều năm trước, hầu hết các nghiên cứu tại Việt Nam đều được thực hiện từ các PTN do Nhà nước đầu tư, định hướng các đề tài nghiên cứu để có thể ứng dụng trong sản xuất. Thực tế, những năm gần đây, hầu hết các nghiên cứu tại nhiều PTN dạng này ít được ứng dụng, hoặc thiếu những nghiên cứu bám sát nhu cầu thực tiễn xã hội, vì vậy, đã có nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân chủ động xây dựng các PTN tư nhân, thực hiện những nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất của họ. Theo TS Nguyễn Hữu Thiện, Chủ tịch Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VINALAB), hiện nay các hoạt động thí nghiệm phát triển trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào các vấn đề được xã hội quan tâm như an toàn thực phẩm, môi trường. Từ nhu cầu cần có các hoạt động thử nghiệm, kết quả kiểm nghiệm, cho nên đã có nhiều PTN được thành lập từ tập thể tư nhân, cá nhân, thậm chí nhận được sự đầu tư từ nước ngoài. Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Ðông từ lâu đã thành lập PTN để nghiên cứu, cải tiến, thiết kế các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. PGS, TS Nguyễn Thị Chính đã có một PTN nghiên cứu nấm linh chi, thực hiện việc nghiên cứu và sản xuất thành công sinh khối linh chi dạng sợi ở Việt Nam. PTN được đầu tư với đầy đủ thiết bị từ máy nghiền, máy xay, máy sấy, máy đóng gói tự động đến nồi lên men, giàn giáo… đặt ngay tại nhà. Theo TS Chính, các PTN nhỏ chỉ đủ cho sinh viên thực tập và giảng dạy, không rộng để có thể làm thí nghiệm. Hơn nữa, các thí nghiệm về nấm cần rất nhiều dụng cụ để nhân giống, phải làm thí nghiệm không kể ngày đêm, cho nên PTN riêng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và không ảnh hưởng đến công việc. Tích lũy trong nhiều năm thông qua hoạt động nghiên cứu, đến nay PTN đã có đầy đủ trang thiết bị, máy móc; nghiên cứu và sản xuất được một số loại nấm quý với công nghệ sinh khối sợi, trong đó nổi bật là nấm đông trùng hạ thảo sản xuất tại Việt Nam dạng bột sinh khối và quả thể nhân tạo.

Không chỉ các nhà khoa học mà nhiều nông dân cũng nhanh chóng bắt kịp xu thế này. Những PTN của người nông dân ở tỉnh Lâm Ðồng được lập ra để trực tiếp nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng. Việc người dân tự nhân ra giống hoa như cẩm chướng, đồng tiền, salem, khoai tây hay chuối… bằng công nghệ nuôi cấy mô tại chính PTN của mình đang ngày càng phổ biến. Ðiểm khác biệt của các PTN do người dân Ðà Lạt làm chủ là chỉ tập trung phục vụ sản xuất, trực tiếp đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, cụ thể là thị trường giống cho nông nghiệp. Một số người dân cho biết, đã nỗ lực, tự học hỏi nhân giống cấy mô từ nhiều nguồn tài liệu, sách báo rồi tìm đến những cơ sở cấy mô của Nhà nước và tư nhân xin được tiếp cận kỹ thuật hiện đại. Khi được một kỹ sư công nghệ sinh học nhận lời mời về nhà hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cấy mô, họ mới chính thức xây dựng một phòng cấy mô riêng. Mặc dù số tiền bỏ ra để xây dựng một PTN không hề nhỏ, nhưng người dân vẫn lựa chọn vì cho rằng đây là đầu tư lâu dài, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn, chủ động được nguồn cây giống, kiểm soát được các giống cây sạch bệnh đáp ứng được nhu cầu thị trường. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Văn Sơn, hiện nay tỉnh có khoảng 50 phòng nuôi cấy mô, trong đó phần lớn là PTN tư nhân. Ðây là lực lượng mang lại hiệu quả rất lớn, mỗi năm sản xuất 30 triệu mô rau, hoa để phục vụ sản xuất công nghệ cao.

Mặc dù có thể mang lại nhiều hiệu quả đối với hoạt động sản xuất thực tiễn, nhưng việc xây dựng, duy trì hoạt động của các PTN tư nhân cũng gặp những khó khăn tương tự các PTN được đầu tư của Nhà nước, đó là kinh phí đầu tư các trang thiết bị, máy móc. Ðiều này dẫn đến việc không phải PTN nào cũng có đầy đủ máy móc, thiết bị để đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế. Không ít PTN sau khi được thành lập, thiếu định hướng cụ thể, cho nên chỉ thực hiện được rất ít nghiên cứu dẫn tới hoạt động yếu kém, cầm chừng và dần không đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu đổi mới. Xây dựng các PTN tư nhân để thực hiện các nghiên cứu bám sát nhu cầu thực tiễn là mô hình phát triển khoa học cần được khuyến khích và hỗ trợ kinh nghiệm từ các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/34813502-hieu-qua-tu-phong-thi-nghiem-tu-nhan.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 4375

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)