Thứ năm, 11/01/2018 07:35 GMT+7

Thiếu gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất

Các nhà sản xuất nông sản Việt Nam thường phải đối diện với tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là vào chính vụ - thời điểm mà tất cả phải đau đầu với vòng luẩn quẩn “được mùa - mất giá”. Đây chính là điều đã thúc đẩy các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu, phát triển và cho ra đời nhiều công nghệ hữu ích trong bảo quản nông sản, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, do thiếu sự gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất nên số đề tài ứng dụng trong thực tế còn hạn chế.

Thay thế công nghệ nhập ngoại

Nhóm nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Nhiệt - Lạnh (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) do TS Vũ Huy Khuê làm chủ nhiệm đã nghiên cứu thành công hệ thống sấy kết hợp công nghệ bơm nhiệt và vi sóng. Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống sấy sử dụng kết hợp bơm nhiệt và vi sóng để sấy một số loại nông sản, thực phẩm và dược liệu" thuộc chương trình KH-CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.05 giai đoạn 2011-2015. TS Vũ Huy Khuê cho biết, phương pháp này giúp sản phẩm tươi hơn nhờ bảo tồn được vitamin và hợp chất hữu cơ có ích, đồng thời giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên. Với công nghệ vi sóng, sản phẩm sẽ khô đều trong toàn bộ thể tích và thời gian sấy được rút ngắn. Đây cũng là ưu điểm vượt trội của công nghệ sấy vi sóng so với sấy nóng và lạnh. Phương pháp này hiện được các nhà khoa học đánh giá là khả thi nhất để bảo quản nông sản.


 

Kết nối để đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học vào chế biến và bảo quản nông sản là cần thiết. Ảnh: Thái Hiền

 


PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện KH-CN Nhiệt - Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một công trình nghiên cứu làm chủ về vi sóng và bơm nhiệt. Thông thường, thay vì tìm cách chế tạo, công nghệ này được nhập ngoại bởi các thiết bị sử dụng trong công nghệ được bán ở nước ngoài, dưới dạng nguyên cụm chứ không phải thiết bị rời.

Hiện nay, Công ty Dược vật tư y tế Khải Hà (Thái Bình) là đơn vị đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ nói trên vào bảo quản dược liệu. Đại diện công ty cho biết, trong các đợt sấy thử nghiệm, công nghệ mới có ưu điểm vượt trội so với máy sấy tĩnh mà công ty đang áp dụng, giúp tiết kiệm được khoảng 20% lượng điện năng tiêu thụ.

Một ví dụ khác cho thấy khả năng nghiên cứu tại Việt Nam là Đề tài “Nghiên cứu sản xuất chủng khởi động và ứng dụng trong sản xuất sữa chua, phô mai” - do Viện Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2011 đến năm 2016. Đề tài giúp xây dựng mô hình thiết bị sản xuất giống cho men sữa chua và phô mai với quy trình công nghệ sản xuất quy mô nhỏ. PGS.TS Nguyễn La Anh, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ sinh học vi sinh (Viện Công nghiệp thực phẩm) cho biết, điểm nổi bật là chủng giống sữa chua, phô mai của đề tài có chất lượng tương đương chế phẩm của nước ngoài.

Hiện loại chủng giống nói trên đã được đưa vào sản xuất sữa chua và phô mai tại Công ty cổ phần Sữa Ba Vì. Đại diện công ty cho biết, sản phẩm đã được thị trường tiêu dùng chấp nhận, giúp cho các công ty sữa ở Việt Nam không phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để nhập khẩu giống khởi động cho việc sản xuất sữa chua, phô mai, đồng thời chủ động được thời gian và công nghệ.

Nhiều vướng mắc trong ứng dụng

Ứng dụng công nghệ chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đồng thời tạo tính cạnh tranh cho sản phẩm khi ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến cho quá trình đưa công nghệ vào thực tế sản xuất gặp khó khăn. Vướng mắc ấy không chỉ đến từ cơ chế, chính sách, từ điều kiện áp dụng thực tế mà còn ở khâu kết nối thông tin để đưa sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học đến gần hơn với người có nhu cầu.

Theo PGS.TS Nguyễn La Anh, cái khó mà nhóm nghiên cứu hiện đang gặp phải chính là làm thế nào để sản phẩm chuyển từ khâu thực nghiệm tới dây chuyền sản xuất công nghiệp, được cung cấp cho những nhà máy lớn ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng cho rằng, điều quan trọng là doanh nghiệp chưa gặp được các nhà cung cấp công nghệ và ngược lại. Tức là nghiên cứu của các nhà khoa học chưa sát với thực tế, chưa cung cấp cho nhà sản xuất điều mà họ thực sự cần. Ngược lại, doanh nghiệp có thể gặp các vấn đề không có gì là to tát, nhưng không có các nhà khoa học ở bên để giúp giải quyết tận gốc vấn đề nên thường các giải pháp được đưa ra chỉ mang tính chất tạm thời. Sự thiếu gắn kết dẫn đến thực tế là chúng ta thường chỉ tạo ra được các công nghệ trung gian chứ không tạo được bước đột phá về công nghệ.

Đề cập tới giải pháp, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) khẳng định: Trước tiên, cần đánh giá thực trạng công nghệ chế biến ở Việt Nam, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp, bên cạnh đó cũng cần xem xét tình hình công nghệ thế giới để từ đó tính toán lộ trình tiếp cận công nghệ tiên tiến. Việc tháo gỡ vướng mắc cần phải có thời gian bởi điều đó liên quan tới cơ chế, chính sách, vấn đề vốn, thuế cũng như hướng đầu tư mũi nhọn và năng lực tiếp cận của doanh nghiệp./.

 

Liên kết nguồn tin: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/887875/thieu-gan-ket-giua-nghien-cuu-va-san-xuat

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 3460

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)