Thứ sáu, 26/01/2018 15:29 GMT+7

"Mr Index" Đỗ Hoàng Sơn: Chỉ có khoa học mới làm thay đổi đất nước!

Ông Đỗ Hoàng Sơn, nguyên thành viên ban giám khảo cuộc thi Khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học 2012. Trong làng xuất bản mọi người gọi ông là Mr Index, vì đã mười năm nay ông Sơn nói và làm Index.

Ông Sơn là Giám đốc Công ty sách Long Minh, đơn vị đã xuất khẩu được bản quyền sách toán tiểu học và mầm non của Việt Nam sang Liên bang Nga và ASEAN. Trao đổi với phóng viên KH&PT, ông Sơn khẳng định: Chỉ có khoa học mới làm thay đổi đất nước.

Thưa ông, được biết ông là người luôn tiên phong trong việc đưa STEM vào trường học. Điều gì khiến ông nghĩ rằng xu hướng này sẽ làm chủ điểm cho việc thay đổi tư duy giáo dục?

Đỗ Hoàng Sơn: Cảm ơn nhà báo đã quá khen, tôi không phải là người tiên phong đâu. Tôi may mắn được tham gia cùng nhiều thầy cô giáo và nhà khoa học tham gia ban giám khảo cuộc thi KH&KT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia (ViSEF) 2012. Sau đó tôi cùng với nhóm của TS Dương Tuấn Hưng và các thầy cô giáo THPT chuyên Hà Nội –Amsterdam, huấn luyện đội tuyển quốc gia thi INTEL ISEF 2012 và đội tuyển đó đã đạt giải nhất trong lĩnh vực điện và cơ khí với 3.000 USD giải thưởng.

Nói vậy để thấy tập đoàn Intel và bộ Giáo dục vả đào tạo (GD&ĐT), cùng với rất nhiều thầy cô giáo và nhà khoa học, đã tiên phong đưa giáo dục STEM vào trường trung học thông qua cuộc thi này từ trước năm 2012.

Học sinh chúng ta đang thiếu các kỹ năng sử dụng được công nghệ để giải quyết các vấn đề phức tạp. Học thông qua thực hành làm theo cách tích hợp liên môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) là một giải pháp khả thi để rèn luyện các kỹ năng và thói quen lao động cho học sinh ở thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ở góc nhìn phổ cập kiến thức giáo dục STEM cho số đông giáo viên và học sinh thì tôi nghĩ, những nỗ lực của rất nhiều người tham gia mở đường cho STEM vào trường học trong mấy năm qua mới đáng được coi là tiên phong.

Đặc biệt, cần nói tới vai trò của chương trình Sách hoá nông thôn của các cựu học sinh, những người xa quê, các thầy cô giáo và cha mẹ học sinh ở nhiều trường làng, họ đã rủ nhau làm được hơn 2 vạn tủ sách trong lớp học và gầy dựng hàng trăm câu lạc bộ (CLB) STEM. Họ là những người tiên phong đích thực, thành tựu của họ đã được bộ GD&ĐT đề cử để UNESCO trao tặng giải thưởng UNESCO Literacy 2016 với số tiền thưởng 20.000 USD.

Theo ông, để có được một nền “Hiện đại hoá – Công nghiệp hoá” tiến tới cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần bắt đầu như thế nào?

Tôi cho rằng phải cải cách thật mạnh giáo dục đại học các ngành nghề STEM. Muốn vậy, chúng ta cần làm thật tốt cải cách giáo dục phổ thông để phần nào “giảm tải” cho giáo dục đại học. Cách đây vài hôm, bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình các môn học của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc dạy toán theo hướng gắn với đời sống như các chương trình của các nước tiên tiến đã được quan tâm.

Đặc biệt là trong chương trình mới, tuy không có môn học nào có tên gọi là STEM, nhưng ở nhiều môn học lại có yêu cầu dạy và học theo cách tiếp cận của giáo dục STEM. Môn tin học được cải cách mạnh mẽ để học sinh không bị lạc hậu, điều này ngoài ý nghĩa về giáo dục, còn góp phần tạo ra một thị trường có nhiều người tiêu dùng thông minh.
 

Ông Đỗ Hoàng Sơn (thứ hai từ phải sang) và ông Nguyễn Quang Thạch (ngoài cùng bên trái), người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn, chụp ảnh cùng thầy trò trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM ở cuộc thi STEM cấp quốc gia.
 

Gần đây ông đưa ra rất nhiều những con số về việc đưa STEM về với... trường làng, những robot, những khoa học kỹ thuật tiên tiến... phải chăng ông đã nghĩ đến những người nông dân Việt?

Kể từ khi phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khai mạc Ngày hội STEM lần thứ nhất (tháng 5.2015), đến nay đã có hơn 1 vạn lượt giáo viên phổ thông được phổ cập kiến thức giáo dục STEM. Trong số giáo viên nêu trên, thì có 60% là giáo viên nông thôn mà tôi hay gọi là giáo viên trường làng.

Đến nay đã có tới gần 80 CLB STEM trường làng có robot với hơn 200 giáo viên dạy được robot, đây là một tin vui khi học sinh ở Trường Sơn đã biết dùng phần mềm SCRATCH (phần mềm mở, không cần phí bản quyền của đại học MIT, Mỹ) để lập trình cho robot. Tôi lấy ví dụ ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) ngay ở biên giới Việt – Lào, rất khó khăn nhưng đã có 100% đội ngũ, tức là hơn 2.000 giáo viên của cả 88 trường phổ thông trong toàn huyện được học phổ cập STEM.

Các thầy cô đã lập được 88 CLB STEM, trong đó có 24 phòng lab có robot với khoảng 300 thầy cô dạy được STEM, trong đó có hơn 70 người dạy được robot. Tôi muốn nói rõ là lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương và phòng GD&ĐT đã ngồi học “xoá mù STEM” trước, rồi sau đó mới chỉ đạo phát triển giáo dục STEM. Trong điều kiện nghèo ngân sách, họ đã kêu gọi các cựu học sinh, phụ huynh học sinh và các nhà hảo tâm. Chỉ cần 1,6 triệu đồng đã mua được một con robot bo mạch mở Arduino, thì chỉ cần một vài cựu học sinh nhịn một bữa nhậu, là có thể góp một phòng lab với ba con robot cho một trường làng.

Ở đây cần nhấn mạnh là khi các hiệu trưởng và các giáo viên nông thôn dạy được lập trình robot cho học sinh thì chúng ta đánh thức được túi khôn của nông thôn Việt Nam, một sức mạnh to lớn không đo đếm được. Có nhiều người nói 2.0 hay 3.0 chưa đâu vào đâu, thì nói 4.0 là không ổn. Xin thưa, không làm thì mới là không ổn!

Khi chưa có 4.0 thì ta tìm cách cho học sinh và giáo viên tiếp cận. Khi học sinh cả làng đều đã từng được học robot, thì nông dân không sợ công nghệ nữa, họ tạo ra môi trường đổi mới sáng tạo thông qua tự trải nghiệm. Hiện nay nhiều trường làng đang gây dựng CLB STEM theo chỉ dẫn của nhóm TS Đặng Văn Sơn và ThS Hoàng Vân Đông, với ba trụ cột là: 1- STEM vật liệu tái chế, 2- STEM tích hợp liên môn theo kiến thức trong sách giáo khoa, 3 - STEM robot.

Với ba trụ cột như vậy chúng ta đã tận dụng được thế mạnh làm nghề thủ công, kiến thức sách giáo khoa của các thầy cô giáo, và công nghệ mở miễn phí SCRATCH của Mỹ.

Tại sao ông còn có tên gọi khác là Mr Index?

Ông Đỗ Hoàng Sơn: Cách đây hai năm, có mấy bạn học thời lưu học sinh Liên Xô đã dùng tên Mr Index để chúc mừng sinh nhật. Họ thấy tôi nói và làm Index cho sách, một điều hiển nhiên “như sách Tây” mà than phiền với các nhà xuất bản và nhà sách tới gần mười năm thì mới bắt đầu được lắng nghe. Bây giờ Index đã được nhiều nhà xuất bản coi đó là tiêu chuẩn, và sách giáo khoa mới cũng sẽ có phần Index. Nói rõ hơn là Index là phần ở mấy trang cuối sách dùng để tra cứu các từ khoá và khái niệm quan trọng theo số trang. 

Ở các nước làm sách nghiêm túc thì Index đã có... 300 năm nay. Ở Việt Nam cách đây hơn 70 năm đã có sách làm Index, tôi không làm gì mới cả, tôi chỉ nhắc bản thân mình và cộng đồng làm sách có phần Index, nhắc vì nó bị cắt xén làm cho bạn đọc hạn chế khả năng tra cứu và tự học hiệu quả. Sách dịch mà làm thiếu phần Index là không đảm bảo tính vẹn toàn của tác phẩm.

Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/hanh-trinh-ly-thu-cua-khoa-hoc/2018011909248703p1c160.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 2280

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)