Thứ tư, 07/03/2018 20:41 GMT+7

Đổi mới công nghệ: Thu hút nguồn lực đầu tư

Đổi mới công nghệ ngày càng thể hiện vai trò quyết định việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như thúc đẩy sự phát triển mang tính bền vững của chính doanh nghiệp (DN). Đây là “đòn bẩy” mở ra nhiều cơ hội cho các DN mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh.

Công ty Cổ phần Bơm Hải Dương đã nghiên cứu và sản xuất được các loại bơm công suất lớn đến 900 kW

Thúc đẩy xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam - máy móc, thiết bị là một trong những yếu tố tham gia trực tiếp của quá trình sản xuất. Chính vì thế, việc hiện đại hóa máy móc, thiết bị hay đổi mới công nghệ là hết sức quan trọng đối với mỗi DN. Một DN muốn tồn tại và phát triển cần phải xây dựng cho mình một kế hoạch đổi mới công nghệ. Tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu… Nhờ vậy, sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Thực tế, nhờ đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ, Công ty Cổ phần Bơm Hải Dương đã nghiên cứu và sản xuất được các loại bơm công suất lớn đến 900 kW, có lưu lượng từ 30.000 đến 40.000 m3 lắp đặt cho các công trình thủy lợi trong nước; đồng thời chế tạo được các loại bơm chìm trục đứng và trục ngang phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước ASEAN như Lào, Myanmar. Bên cạnh đó, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu tại chỗ phôi đúc cho Nhật Bản với doanh thu 1 triệu USD/năm. Những sản phẩm trên trước đây chúng ta đều phải nhập khẩu với giá thành cao hơn từ 2 - 3 lần so với giá sản phẩm do công ty chế tạo.

Đó cũng là câu chuyện của Công ty Việt Úc. Từ việc ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, giúp đạt được năng suất tôm nuôi 15 tấn/ha, kích cỡ tôm đạt 18-20g/con, hệ số tiêu tốn thức ăn giảm 205 so với quy trình nuôi thâm canh tại địa phương, chi phí sản xuất giảm 10%. Bên cạnh đó, các quy trình nuôi tôm đều được sử dụng kỹ thuật ít thay nước, dùng chế phẩm sinh học cho cải thiện chất lượng nước, đáy và phòng ngừa bệnh… Nhờ đó, Việt Úc là công ty duy nhất tại Việt Nam xuất khẩu được tôm nguyên con vào thị trường Úc.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng gia nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới, việc các DN đổi mới công nghệ ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, việc các DN thực hiện đổi mới công nghệ cũng gặp nhiều khó khăn về thông tin công nghệ, thông tin thị trường, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tài chính, các chính sách pháp lý... Do vậy, các DN rất cần đến sự hỗ trợ của nhà nước, tạo “cú hích” thúc đẩy DN thực hiện.

Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), trong thời gian tới, cần nâng tỷ lệ các dự án sản xuất thử nghiệm, các nhiệm vụ hỗ trợ trực tiếp DN ứng dụng, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại, hệ thống quản trị chất lượng, công cụ cải tiến năng suất theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời thúc đẩy sự tham gia của DN, thu hút nguồn lực đầu tư của DN, nâng mức đóng góp của DN trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN.

Hiện Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đang được các chuyên gia, DN kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và DN. Luật đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ và khuyến khích DN ứng dụng, đổi mới công nghệ như: Đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất để DN có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ; cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với DN…

Hiện nay, việc đổi mới công nghệ phần lớn diễn ra ở DN bởi xuất phát từ chính nhu cầu và lợi ích của DN. Tuy nhiên, nỗ lực của DN là chưa đủ mà cần sự hỗ trợ của nhà nước, các chuyên gia, tổ chức KH&CN để đẩy nhanh tiến trình đổi mới này.

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/doi-moi-cong-nghe-thu-hut-nguon-luc-dau-tu.html

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3932

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)