Thứ tư, 28/03/2018 13:03 GMT+7

Để thu hút "chất xám" hiệu quả

Thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút, phát huy sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã thu được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hoàn thiện, bổ sung các chính sách liên quan tới trí thức kiều bào vẫn cần tiếp tục được đẩy mạnh để đạt hiệu quả cao hơn.

Giáo sư Trần Thanh Vân, người có sáng kiến tổ chức Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, trao học bổng Odon Vallet cho sinh viên Việt Nam.

 

 

Nguồn lực quan trọng

Theo bà Đặng Thị Thu Hà, Phụ trách Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện có khoảng 400 nghìn trí thức người Việt ở nước ngoài có trình độ từ đại học trở lên, tập trung ở các nước như Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Đức, Nhật Bản, Nga... Đây là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam nếu có chính sách hấp dẫn, thu hút để họ cống hiến. Hằng năm, có khoảng 300 lượt trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Họ thường xuyên quan tâm theo dõi và đóng góp ý kiến vào các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, như về dự án tàu điện ngầm, năng lượng sạch, điện nguyên tử, khởi nghiệp. Nhiều người không có điều kiện về nước vẫn thực hiện dự án từ bên ngoài.

Đặc biệt, trong 3 năm vừa qua đánh dấu quá trình hợp tác sôi động giữa trí thức Việt kiều với lực lượng trong nước ở khắp các lĩnh vực. Các diễn đàn, hội nghị có sự tham gia của hàng trăm trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, đề cập tới vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ… Nhiều dự án xuất phát từ đề xuất của kiều bào đã được triển khai, như dự án Đồng hồ nước thông minh của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada; dự án xây dựng trường đại học kinh tế đẳng cấp quốc tế của Giáo sư Lê Văn Cường, Việt kiều Pháp…

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ các nhóm trí thức Việt kiều trong quá trình hợp tác với các bộ, ngành, địa phương trong nước, điều có thể thấy rõ qua việc tổ chức Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam... Hội AVSE toàn cầu và Nhóm sáng kiến Việt Nam đã kết nối, thực hiện nhiều dự án hợp tác với các bộ, địa phương, như Dự án Vân Đồn, Dự án tự chủ đại học, tổ chức Diễn đàn kinh tế số hóa và Diễn đàn phát triển bền vững, chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài…

Thiết lập mạng lưới kết nối hiệu quả

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc. Dù vậy, hiện nay, các chính sách đã ban hành chưa đủ mạnh, nhất là về chế độ đãi ngộ, điều kiện sống, làm việc và học tập cho kiều bào. Theo bà Đặng Thị Thu Hà, việc bổ nhiệm, sử dụng trí thức Việt kiều vào bộ máy hành chính, vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc. Trong nhiều trường hợp, chuyên gia được giới thiệu đến các viện, trường nhưng chỉ nhận được yêu cầu cung cấp học bổng, tài liệu, trang thiết bị, ít có yêu cầu hợp tác nghiên cứu, ứng dụng.

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley, cho rằng: Những vướng mắc liên quan tới nguồn vốn hay khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm có thể khiến những trí thức Việt Nam ở nước ngoài nản lòng. Tiến sĩ Lưu Trần Trung (Trường Đại học Kỹ thuật Thụy Sĩ) khẳng định, nếu Việt Nam tạo được chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc tốt hơn, trí thức Việt kiều, ở nước ngoài sẽ quay trở lại rất nhiều. Đây là một bước đầu tư hết sức hiệu quả bởi Việt Nam sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc lâu dài mà không phải bỏ công đào tạo.

Theo bà Đặng Thị Thu Hà, trong thời gian tới, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan tới trí thức Việt Nam ở nước ngoài cần được các cơ quan chức năng đẩy mạnh, trong đó có việc mời về nước và trọng dụng các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, mạnh dạn bổ nhiệm người có năng lực vào vị trí lãnh đạo, quản lý... Bà Đặng Thị Thu Hà cho rằng, cần tổ chức mô hình thí điểm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, vì đây là hai lĩnh vực được trí thức kiều bào quan tâm, có nhiều khả năng tham gia. Trong đó, các mô hình có thể triển khai là trường đại học quốc tế, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các khu công nghệ cao, các dự án trọng điểm quốc gia và các công ty hoạt động theo hình thức đầu tư, sản xuất, đào tạo, chuyển giao công nghệ. Trước mắt, cần lập trang thông tin hỗ trợ chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài. Đây sẽ là đầu mối giúp kết nối, khắc phục tình trạng thiếu thông tin ở cả hai phía.

Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo các chính sách nói trên. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, mới đây, Bộ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới” với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy kết nối các chuyên gia Việt Nam trên toàn thế giới và các chuyên gia giỏi của nước ngoài với nhu cầu thực tiễn trong nước. Các “điểm nút” của mạng lưới nằm tại quốc gia tập trung các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản, Australia, Nga, Canada... Mạng lưới sẽ cung cấp thông tin về yêu cầu, đề xuất, dự án cụ thể của các đối tác trong nước có nhu cầu sử dụng chuyên gia giỏi; các công cụ hỗ trợ tìm kiếm, lưu giữ thông tin, dữ liệu về các chuyên gia và đối tác tiềm năng./.

Liên kết nguồn tin:

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/896904/-de-thu-hut-chat-xam-hieu-qua

 

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 4691

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)