Ngày 12/4, tại tọa đàm "Nữ trí thức và công cụ sở hữu trí tuệ trong đổi mới, sáng tạo" do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức, PGS Nguyễn Thị Trâm đã chia sẻ kinh nghiệm trong đăng ký sở hữu và chuyển giao bản quyền sản phẩm nghiên cứu của mình.
Năm 2008, bà Nguyễn Thị Trâm gây chấn động giới khoa học Việt Nam khi ký hợp đồng chuyển nhượng giống lúa TH3-3 cho một công ty tư nhân với giá trị kỷ lục 10 tỷ đồng. Đây là giống lúa lai hai dòng 100% sản xuất tại Việt Nam do bà và cộng sự nghiên cứu.
PGS Nguyễn Thị Trâm cùng nhóm nghiên cứu đã tạo ra giống lúa với giá trị nhượng quyền 10 tỷ đồng. Ảnh: Dương Tâm
Bà Trâm chia sẻ năm 1999 đã lập ra một nhóm nghiên cứu tự nguyện với mục đích tạo ra các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp cho nhiều vụ và vùng trồng lúa phía bắc Việt Nam. Nhóm tự lập kế hoạch, tự nghiên cứu, tự nuôi nhau và nuôi các hoạt động nghiên cứu phát triển. Việc đó tạo nên áp lực buộc phải tạo ra được nhiều giống mới đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và kết quả giống lúa TH3-3 ra đời.
Năm 2007, bà cùng nhóm nghiên cứu nộp đơn đăng ký cấp bằng sở hữu giống TH3-3, sau đó đi tiếp cận với các công ty giống, mời họ cùng đưa hạt giống đến nhiều địa phương trình diễn. Việc làm này các nhà nghiên cứu khi đó thường rất ngại vì phải "lấy tiền và uy tín cá nhân để bảo lãnh công việc".
"Khi mời được doanh nghiệp cùng trình diễn nghĩa là chúng tôi đã tạo cơ hội để họ hiểu nhu cầu thị trường và hiểu giá trị giống mới của chúng tôi đầy đủ hơn. Nhờ vậy, họ sẵn sàng mua bản quyền sớm với giá cao", bà Trâm nói.
Nhờ chuyển nhượng bản quyền giống lúa TH3-3, nhóm nghiên cứu của bà Trâm đã thu hồi được kinh phí sự nghiệp khoa học và có tiền để mở rộng nghiên cứu theo hướng mới. Trong gần 20 năm, nhóm đã tạo ra nhiều giống lúa mới như TH3-4, Hương cốm, TH3-5; sở hữu 10 bằng bảo hộ, đã nhượng được 6 bản quyền trọn gói với tổng giá trị 16,4 tỷ đồng, một bản quyền chuyển nhượng theo hình thức cùng khai thác và nhiều khoản tiền khác.
Từ thành công của bản thân, bà Trâm cho rằng các nhà nghiên cứu khoa học cần đăng ký sở hữu cho sản phẩm của mình. "Nghiên cứu khoa học là tạo ra sản phẩm khoa học mới. Muốn sản phẩm mới được ứng dụng, tác giả phải biến nó thành công nghệ có bản quyền", bà Trâm nhận định và cho rằng có như vậy các khoản vốn đầu tư cho nghiên cứu của nhà nước mới tạo ra hiệu quả kinh tế cao và hiệu quả xã hội tích cực.
Cần cân nhắc giữa công bố quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ
Từng thất bại trong quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ, bà Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên) khuyên nữ trí thức trẻ nên cân nhắc khi có nghiên cứu mới.
Bà Lê Mai Hương chia sẻ kinh nghiệm từ thất bại khi đăng ký sở hữu trí tuệ. Ảnh: Dương Tâm
Bà Hương kể lại câu chuyện khi cùng đồng nghiệp làm một công trình rồi hồ hởi gửi đăng báo quốc tế. Khi được công bố, bà rất sung sướng và lấy làm vinh dự. Nghĩ rằng công trình nghiên cứu có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa, bà đã chuẩn bị hồ sơ công phu để gửi đăng ký sở hữu trí tuệ, nhưng bị từ chối vì lý do công trình đã được công bố quốc tế.
"Đó là bài học tôi rất nhớ và tiếc vì sản phẩm đó có thể thành hàng hóa tốt nhưng không có bản quyền. Tôi nhận ra việc hồ hởi gửi bài đăng báo quốc tế đôi khi không phải điều hay", bà Hương nói và khuyên nữ tri thức trẻ nên cân nhắc mục đích cuối cùng của công trình nghiên cứu để đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Tọa đàm "Nữ trí thức và công cụ sở hữu trí tuệ trong đổi mới, sáng tạo" là một trong những hoạt động chào mừng ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 (IP Day). Cục trưởng Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết năm 2018, IP Day có chủ đề "Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo" nhằm tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và sự can đảm của phụ nữ - những người bằng lao động sáng tạo của mình đang thay đổi thế giới và định hình tương lai.
|
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/tac-gia-giong-lua-10-ty-dong-khuyen-dang-ky-ban-quyen-san-pham-3735863.html