Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chủ trì buổi Họp báo
|
Trao đổi với phóng viên báo chí tại cuộc Họp báo thường kỳ Quý I/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra chiều ngày 10/4, tại Hà Nội, ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Ngày sở hữu trí tuệ là cơ hội để nâng cao nhận thức cho người dân, các tổ chức và cá nhân trong nước về sở hữu trí tuệ cũng như đưa sở hữu trí tuệ vào cuộc sống và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Vì vậy, một chuỗi các hoạt động được Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức.
Cụ thể, ngày 6/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp cùng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Giải pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ phía Nam; ngày 12/4, tại Hà Nội, diễn ra Tọa đàm với Hội Nữ trí thức Việt Nam về sở hữu trí tuệ; ngày 21/4, tại Hà Nội, phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên về sở hữu trí tuệ 2018.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ |
|
Đặc biệt, ngày 21/4, sẽ phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và một số đơn vị tổ chức Sự kiện cộng đồng chào mừng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), với mục tiêu lôi cuốn sự chú ý của công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng đến với hoạt động sở hữu trí tuệ. Đồng thời, mong muốn hoạt động sở hữu trí tuệ lan tỏa tới nhiều giới, nhiều ngành, từng bước xây dựng văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngày 4/5, tại Quảng Ninh, Cục phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh… tổ chức Hội thảo về tăng cường và hoàn thiện hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ tại các doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào vấn đề thương mại tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã gửi công văn đề nghị các sở khoa học công nghệ các tỉnh trên cả nước phối hợp, chủ động tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh hoạt động sở hữu trí tuệ, các nhà sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực này.
|
Toàn cảnh buổi Họp báo
|
Cũng tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh, sở hữu trí tuệ là một vấn đề rất lớn hiện nay. Khi chúng ta đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), vấn đề sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất và cũng khó khăn nhất. Nếu như năm 1975, tổng tài sản của 500 công ty lớn nhất của nước Mỹ công bố trên sàn chứng khoán của Mỹ, thì tỷ lệ tài sản vô hình chỉ chiếm khoảng 18-19%, còn lại là tài sản hữu hình (nhà máy, bến cảng, ô tô…), nhưng 40 năm sau - năm 2015, tỷ lệ này hoàn toàn ngược lại, tài sản vô hình đã chiếm hơn 80%. Điều này nói lên việc tài sản của các doanh nghiệp, của các quốc gia trên thế giới đã có sự thay đổi nhanh chóng khi khoa học và công nghệ phát triển.
Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định lấy ngày 26/4 hàng năm (ngày Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970) để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về sở hữu trí tuệ.
|
Liên kết nguồn tin:
http://baocongthuong.com.vn/soi-noi-huong-ung-ngay-so-huu-tri-tue-the-gioi.html