Cây gai xanh AP1 đã được trồng khảo nghiệm ở 12 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa
Ông Phan Đức Tuệ - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước - thành viên nhóm hợp tác - cho biết, ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì sự tăng trưởng ổn định của ngành công nghiệp dệt may, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 80% - 85% (tương đương khoảng gần 1 triệu tấn/năm) lượng nguyên liệu bông, sợi dùng cho sản xuất vải. Đặc biệt, khoảng 70% sợi gai tự nhiên nhập khẩu được dùng để dệt ra vải gai cao cấp - Ramie Textile.
Trong khi đó, cây gai đã trồng ở nước ta lâu đời, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu. Nhưng khối lượng bông, sợi dệt từ cây gai trong nước chưa nhiều. Cây gai được trồng chủ yếu để lấy lá làm bánh, lấy vỏ cây để dệt sợi thủ công, thổ cẩm, chất lượng và mẫu mã chưa có độ tinh xảo. Nói cách khác, ngành công nghiệp chế biến cây gai của Việt Nam đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng với thị trường tiêu thụ và tiềm năng dồi dào để phát triển nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành dệt may.
Với mục tiêu chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may, tạo nên các loại vải cao cấp để xuất khẩu, nhóm hợp tác An Phước đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Dự án "Làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao từ cây gai xanh phục vụ sợi cho ngành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm".
Dự án được triển khai từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018 và hướng đến mục tiêu làm chủ công nghệ trong một chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống, canh tác trên quy mô công nghiệp đến khâu chế biến tơ sợi từ cây gai xanh phục vụ ngành dệt may. Ông Phan Đức Tuệ cho hay, hiện giống gai xanh AP1 đã được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh Bắc Trung bộ và dự kiến quý II/2018 sẽ xin cấp giấy chứng nhận đại trà.
Tính đến cuối năm 2017, cây gai xanh AP1 đã được trồng khảo nghiệm trên diện tích 200 ha ở 12 huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa và dự kiến vụ xuân hè và vụ đông năm 2018 là 332ha/vụ. Điều đó, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, Công ty An Phước cũng đã thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất sợi dệt, hiện đã hoàn thành 80% khối lượng công việc.
Dự kiến, sau khi dự án kết thúc, nhóm hợp tác sẽ làm chủ quy trình công nghệ từ khâu giống, kỹ thuật canh tác với năng suất 30 tấn/ha/lần thu hoạch, thích nghi rộng, chống chịu được sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường. Bên cạnh đó, triển khai vùng trồng cây gai xanh với diện tích 3.000 ha để phục vụ nhà máy sản xuất chế biến tơ sợi với công suất 2.500 tấn/năm. Đồng thời, hoàn thiện và làm chủ công nghệ dây chuyền sản xuất và chế biến tơ sợi từ cây gai xanh chất lượng cao; tận dụng các phụ phẩm từ thân cây gai để phục vụ sản xuất bao bì, đồ hộp tự hủy và tận dụng lá cây gai làm phân hữu cơ sinh học…
Đây là mô hình hợp tác với hướng đi đúng đắn và hiệu quả, tạo được khối đoàn kết, sức mạnh tổng hợp từ các thành viên trong nhóm.
|
Liên kết nguồn tin:
http://baocongthuong.com.vn/trien-vong-tu-lien-ket-ba-nha.html