Thứ năm, 05/07/2018 15:08 GMT+7

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Cần nhanh và thực chất

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam mới được hình thành và còn non trẻ nếu so sánh với Singapore, Israel hay Hoa Kỳ; tuy nhiên, lại có tốc độ phát triển khá nhanh.

Khuyến khích phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

 

Dấu hiệu phát triển

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, cả nước đã có trên 3.000 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp ĐMST, trong khi đó, số liệu ước tính cuối năm 2015 chỉ khoảng 1.800 DN. Đặc biệt, số lượng và chất lượng các DN này ngày càng tăng, thể hiện ở giá trị thương vụ đầu tư. Chẳng hạn, nền tảng kết nối ẩm thực trực tuyến Foody đã có khoản bán cổ phần lên tới 64 triệu USD; trang thương mại điện tử Tiki.vn nhận được khoản đầu tư 44 triệu USD từ công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là JD.com; đại lý du lịch trực tuyến Vntrip tuyên bố nhận được 10 triệu USD từ Hendale Capital…

Có được kết quả này là do Chính phủ đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST như: Triển khai Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”; xây dựng cổng thông tin kết nối cho hệ sinh thái khởi nghiệp… Đồng thời, tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đã lan tỏa sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng của nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và hiệp hội. Theo đó, hoạt động khởi nghiệp ĐMST không chỉ tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn lan tỏa tới khắp các vùng, miền, tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng Bắc Trung bộ” vừa diễn ra, ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của khởi nghiệp ĐMST đối với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp trên cơ sở các tài sản trí tuệ, các sáng chế, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình. Cụ thể, năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; triển khai thực hiện sàn giao dịch thiết bị; điểm kết nối cung - cầu công nghệ…

Lựa chọn tất yếu

Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng, khởi nghiệp ĐMST còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng nền kinh tế Việt Nam muốn tăng tốc, phát triển DN khởi nghiệp ĐMST là lựa chọn tất yếu phải tập trung. Các DN khởi nghiệp ĐMST là lực lượng trung tâm được hỗ trợ hình thành và phát triển trong một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh.

Tuy nhiên, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cũng như phát triển các DN khởi nghiệp ĐMST không phải là một phong trào mà cần phải đi vào thực chất. Để tiếp tục phát triển hoạt động khởi nghiệp ĐMST, hình thành nên những DN khởi nghiệp thành công, có khả năng tăng trưởng nhanh và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, khởi nghiệp ĐMST cần có định hướng, đi vào chiều sâu và dựa trên nền tảng thế mạnh của vùng, địa phương.

Ông Huỳnh Thanh Điền cho hay, khởi nghiệp là vấn đề không mới, nhưng khởi nghiệp ĐMST là một vấn đề mới mẻ và khó, bởi nó gắn liền với tài sản trí tuệ, gắn liền với ĐMST để tạo ra sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, có tính vượt trội và khác biệt, mang lại sự đổi mới về chất lượng, giá trị và hiệu quả nhưng cũng đầy rủi ro, khó khăn. Chính vì thế, để hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, ngoài việc đòi hỏi sự đam mê, chấp nhận rủi ro, rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền các cấp về chính sách, môi trường đầu tư và sự hợp tác, hỗ trợ từ các nhà khoa học, DN tiên phong.

Theo kết quả khảo sát của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN), Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nước dẫn đầu về tinh thần khởi nghiệp.

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-can-nhanh-va-thuc-chat.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 4516

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)