Thứ sáu, 28/09/2018 13:26 GMT+7

TPHCM: Start-up công nghệ khó tìm đầu ra

Số doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tại TPHCM rất nhiều nhưng hầu hết đều đang gặp khó khăn trong tìm đầu ra sản phẩm.


Hình ảnh tại Hội nghị

 

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPT) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức Hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp CNTT-điện tử-viễn thông với chính quyền Thành phố”.

Hội nghị với sự tham gia đối thoại của 120 doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ các vướng mắc và lắng nghe ý kiến của đại diện các hiệp hội, liên minh, doanh nghiệp ngành CNTT-điện tử-viễn thông, kiến nghị, góp ý với chính quyền Thành phố về những chủ trương, chính sách và đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Trăn trở tìm đầu ra sản phẩm

Tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TPHCM cho rằng, Thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển ngành CNTT theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Số doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực CNTT cũng rất nhiều nhưng hầu hết đều đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Trần Anh Tuấn, trên thực tế, các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận, tham gia cung ứng cho các dự án đầu tư, mua sắm công của Thành phố. Nói cách khác, ở mức độ nào đó đang có sự “độc quyền” của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc điều hành Công ty Ingreetech cho biết, hầu như không có doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp nào có thể tham gia vào thị trường công. Không chỉ ở các dự án lớn, quy mô cấp thành phố, mà ngay cả những dự án nhỏ như mua sắm thiết bị cho các cơ quan cấp huyện cũng khó “có cửa” cho các doanh nghiệp nhỏ.

Hơn nữa, các thiết bị được mua sắm ở nhiều dự án công đã có tuổi đời cao, nếu đầu tư các thiết bị mới sẽ tiết kiệm được đến 80-90% năng lượng. “Giả sử một ủy ban phường có 10 máy tính, nếu đầu tư sản phẩm mới thì trong vòng 3 năm tiền tiết kiệm năng lượng đủ thu hồi vốn. Vì vậy việc không thực hiện đấu thầu công khai rộng rãi là thiệt thòi cho doanh nghiệp nhỏ lẫn thiệt hại ngân sách Nhà nước”, ông Nguyễn Xuân Hiền nói.

Kiểm tra chuyên ngành kéo dài đến 2-3 tuần

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cho rằng quy định về kiểm tra chuyên ngành cũng đang làm khó nhiều doanh nghiệp ngành công nghệ - thông tin - điện tử - viễn thông.

Theo Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 132/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, từ ngày 1/8/2018, doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan để nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông phải xuất trình giấy đăng ký kiểm tra chất lượng có xác nhận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

Ông Nguyễn Xuân Hiền chia sẻ, điều bất cập trong quy định này là các đơn vị kiểm định sản phẩm chỉ tập trung ở Hà Nội, do đó các doanh nghiệp ở TPHCM muốn được thông quan phải đưa sản phẩm ra Hà Nội thẩm định, thời gian thẩm định ít nhất là 1 tuần. Với một doanh nghiệp mỗi tháng nhập 4 sản phẩm thì phải ra Hà Nội 4 lần để làm kiểm tra chuyên ngành, rất tốn kém thời gian và chi phí.

Mặt khác, việc kiểm tra chuyên ngành một số sản phẩm phức tạp có thể kéo dài tới 2 – 3 tuần, khiến doanh nghiệp bị quá hạn thời gian thông quan. Khi đó, doanh nghiệp không chỉ phải nộp phạt quá hạn thông quan mà các đợt nhập hàng sau đó cũng sẽ bị đẩy vào luồng đỏ (luồng bắt buộc kiểm tra hàng hóa thực tế theo cơ chế quản trị rủi ro của hải quan).

“Những vấn đề này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bí và phải ngừng hoạt động nhập khẩu, kinh doanh các thiết bị ngành CNTT”, ông Nguyễn Xuân Hiền nhận định.

Tăng liên kết doanh nghiệp

Để giải quyết những vấn đề trên, đại diện Hội tin học TPHCM cho rằng phải tạo được sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò là đầu tàu, làm bệ đỡ, nhà đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngành CNTT. Ngược lại các doanh nghiệp khởi nghiệp chính là những nhân tố tạo nên sự đột phá, những sản phẩm mới, sáng tạo.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất, Thành phố cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như tạo ra thị trường mở, công khai về các dự án đầu tư, mua sắm công cho tất cả các doanh nghiệp ngành CNTT, đồng thời khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản trị, ưu tiên dùng các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, để triển khai xây dựng thành công Thành phố thông minh, TPHCM cần xây dựng chính sách và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư; đồng thời bảo đảm các giải pháp của doanh nghiệp sẽ được trân trọng, những gì doanh nghiệp đầu tư sẽ được quan tâm và có cơ sở để hoàn vốn.

Bên cạnh đó, Thành phố nên dành phần lớn kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ để đầu tư vào các dự án đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Thành phố cần chống độc quyền sử dụng các sản phẩm của các doanh nghiệp lớn trong việc triển khai các giải pháp của Chính phủ điện tử nhằm tạo niềm tin của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về phía TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, TPHCM đã, đang và sẽ công khai thông tin các dự án đầu tư, mua sắm công của thành phố để các doanh nghiệp đủ năng lực tham gia đấu thầu, đồng thời cam kết không có cơ chế ưu tiên độc quyền cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố cũng đề nghị cơ quan thuế, hải quan tổ chức chương trình đối thoại dành riêng cho các doanh nghiệp ngành CNTT nhằm lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Thành phố.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/TPHCM-Startup-cong-nghe-kho-tim-dau-ra/347145.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 5253

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)