Thứ tư, 07/11/2018 10:36 GMT+7

Nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực

Trong phiên chất vấn chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận được đến 10 câu hỏi của 8 đại biểu hỏi về chính sách phát triển KHCN, khuyến khích đổi mới sáng tạo…


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh

 

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, những vấn đề đại biểu đặt ra cũng là sự quan tâm của Bộ KH&CN. Theo đó, ngành KH&CN đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, khoa học vào cuộc để thực sự phục vụ kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. Muốn vậy, KHCN phải sát cánh với tất cả các ngành, địa phương. Tập trung chính sách, chuyển dịch cao độ, bám vào các vấn đề thực sự của đời sống xã hội, của các ngành, các lĩnh vực để tập trung giải quyết.

Với chuyển hướng như thế, vừa qua chúng ta thấy tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Nghe thì mới, nhưng điều này hiểu giản dị là Nhà nước (Trung ương, địa phương, các viện nghiên cứu) tập trung cao độ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp để cạnh tranh thông qua “vũ khí khoa học công nghệ”.

Bằng cách như thế, Bộ KH&CN đã chuyển dịch mạnh chính sách “bám sát các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, các chuỗi sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp và các ngành”. Lập tức hoạt động này lôi kéo được đội ngũ KHCN tham gia với các hành lang pháp lý, chính sách thu hút chuyên gia tham gia.

Tuy nhiên, còn một vài chính sách của ta vẫn tư duy theo khuôn khổ hành chính, không tạo ra gắn kết với tất cả công việc của đời sống xã hội, tạo động lực cho nhà khoa học phát triển.

“Chúng ta không thể phủ nhận sự vươn lên của cộng đồng KHCN thời gian qua. Minh chứng là có nhiều nhóm nghiên cứu, các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm… được quốc tế công nhận. Nhất là sự trỗi dậy, vươn lên của các trung tâm, viện nghiên cứu tư nhân hiện nay. Hiện nay, mới có 7 nhà nghiên cứu trên một vạn dân, yêu cầu sắp tới là 11 nhà nghiên cứu trên một vạn dân. Như vậy, lực lượng làm nghiên cứu trong khu vực doanh nghiệp và công nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều thời gian tới”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Đề cập đến các chất vấn liên quan đến kiểm soát an toàn hạt nhân và chất thải phóng xạ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: "Về xử lý chất thải phóng xạ, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, phân công cho các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, kể cả thiết bị phóng xạ".

"Đối với kiểm soát phóng xạ, các cảng nhập khẩu của chúng ta có thiết bị đo, kiểm soát", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Đối với hệ thống quan trắc, cảnh báo an toàn hạt nhân chậm triển khai, Bộ trưởng cho biết Bộ KH&CN đang cố gắng tập trung nguồn vốn để xây dựng, thiết lập hệ thống này trên toàn quốc, phối hợp với các nước để trao đổi các thông tin, số liệu về an toàn hạt nhân, xây dựngđề án về ứng phó, chủ động trong dài hạn vấn đề này.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Nghien-cuu-KHCN-phuc-vu-phat-trien-san-pham-quoc-gia-san-pham-chu-luc/350939.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 4640

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)