Thứ tư, 20/02/2019 15:35 GMT+7

Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của BQL Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là tổ chức thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo quy định của pháp luật.


 

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 09/2019/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo đó, Ban Quản lý có nhiệm vụ xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc phê duyệt kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn đối với Khu Công nghệ cao; cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, huy động nguồn lực, xã hội hóa để xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ theo quy định của pháp luật; cơ chế thu hút, chính sách ưu đãi đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý.

Tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình trong Khu Công nghệ cao sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành; ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, quy định nội bộ theo quy định của pháp luật.

Về quản lý nguồn vốn và kế hoạch phát triển, Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn hợp pháp khác được giao quản lý theo quy định của pháp luật; quyết định đầu tư và thực hiện các thẩm quyền của người quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc nhóm B, C theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về hợp tác và xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá trong nước và nước ngoài để thu hút các nguồn lực đầu tư vào Khu Công nghệ cao; xây dựng và duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, các khu công nghệ cao, các Hiệp hội, các khu khoa học trong nước và nước ngoài.

Đồng thời hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực có liên quan để phát triển và quản lý, khai thác Khu Công nghệ cao theo quy định của pháp luật; được thuê tư vấn nước ngoài thực hiện dịch vụ tư vấn xúc tiến đầu tư, tư vấn chiến lược về đầu tư, xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao theo quy định của pháp luật.

Về quản lý hoạt động của doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý có nhiệm vụ tổng hợp, thống kê, theo dõi, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại của tổ chức và thương nhân nước ngoài; chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện thương mại theo quy định của pháp luật; cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo ủy quyền.


Cơ cấu tổ chức

Về cơ cấu tổ chức, Ban Quản lý có 7 đơn vị: 1- Văn phòng; 2- Ban Kế hoạch - Tài chính; 3- Ban Hợp tác và Đầu tư; 4- Ban Quy hoạch, Xây dựng và Môi trường; 5- Ban Khoa học và Công nghệ; 6- Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao; 7- Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ.

Ban Quản lý có Trưởng ban và không quá 4 Phó Trưởng ban.

Trưởng ban, Phó Trưởng ban do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật.
 

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nhiem-vu-co-cau-to-chuc-cua-BQL-Khu-cong-nghe-cao-Hoa-Lac/359307.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 5023

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)