Thứ sáu, 15/03/2019 15:35 GMT+7

Khởi nghiệp, đổi mới tạo sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh: Mở rộng liên kết quốc tế

Phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tiếp tục được TP. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm hình thành cộng đồng KNĐMST có chất lượng cao.

Đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ 711 dự án khởi nghiệp. Trong đó, chương trình hỗ trợ KNĐMST giai đoạn 2016 - 2020 (SpeedUp) tiếp tục được triển khai và sơ tuyển được 20 dự án mới trong năm 2018. Đội ngũ chuyên gia tư vấn KNĐMST tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng. Đã có 95 giáo trình online và 54 video tài liệu đào tạo KNĐMST được xây dựng làm tài liệu đào tạo, tham khảo cho cộng đồng khởi nghiệp.
 


Chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động KNĐMST

Đến nay, thành phố đã có 3.142 doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ đào tạo về công cụ quản trị năng suất chất lượng và ĐMST; tư vấn nâng cao năng suất chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho 759 DN và hỗ trợ 81 dự án nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm; phối hợp thực hiện hỗ trợ đổi mới công nghệ cho 15 dự án thông qua chương trình kích cầu đầu tư.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh - thời gian qua thành phố đã có nhiều chính sách thiết thực nhằm góp phần khuyến khích, thúc đẩy phát triển ý tưởng KNĐMST.

TP. Hồ Chí Minh đã thành lập 5 không gian hỗ trợ KNĐMST và kết nối 24 cơ sở ươm tạo DN, thành lập 4 ban điều hành hệ sinh thái KNĐMST cho 4 lĩnh vực trọng yếu của thành phố (gồm công nghệ thông tin, cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm và nhựa - cao su - hóa chất)… Có gần 650 DN được ươm tạo, số DN tốt nghiệp hơn 400 (đạt khoảng 62%), trong đó 65 DN gọi vốn thành công. Thông qua các trung tâm ươm tạo của thành phố đã hỗ trợ và phát triển nhiều DN khởi nghiệp đi vào hoạt động và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo.

Không chỉ hợp tác phát triển KNĐMST ở trong nước, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với nhiều quốc gia hợp tác để nâng cao chất lượng hoạt động KNĐMST cho các DN khởi nghiệp. Cụ thể là phối hợp với Tổng Lãnh sự New Zealand tổ chức các khóa tập huấn và thực hành thiết kế hệ sinh thái cho các nhà lãnh đạo hệ sinh thái KNĐMST; hợp tác với Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel (IIA) giai đoạn 2018 - 2021 xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động ĐMST; phối hợp với Hiệp hội Các DN Hàn Quốc tại hải ngoại (World- OKTA) và Trung tâm Công nghệ Liên hiệp Busan triển khai chương trình Chuyển giao công nghệ Việt - Hàn…

Mới đây nhất, trải qua 2 tháng ươm tạo trong chương trình Thế hệ không giới hạn (GenU) đã chọn ra 2 dự án xuất sắc nhất để gửi tham dự cuộc thi Youth Challenge - cuộc thi đầu tiên do Unicef toàn cầu tổ chức cho giới trẻ tại 16 nước trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Không gian đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (Saigon Innovation Hub - SIHUB)- các chương trình giúp kết nối DN Việt Nam trong hoạt động chuyển giao công nghệ, kết nối cung - cầu khá hiệu quả.

Năm 2019, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động tham gia các chương trình hợp tác quốc tế như Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan (IPP), Chương trình thúc đẩy khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Sillicon Valley)…; tham quan mô hình và mời gọi chuyên gia tại các quốc gia phát triển chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện các chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ĐMST trong thời gian tới.

Liên kết nguồn tin:

https://congthuong.vn/khoi-nghiep-doi-moi-tao-sang-tao-tai-tp-ho-chi-minh-mo-rong-lien-ket-quoc-te-116680.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 4264

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)