Thứ sáu, 15/03/2019 16:05 GMT+7

Làm chủ công nghệ tạo cây chuyển gien

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam) và Viện Công nghệ sinh học lâm nghiệp (Trường đại học Lâm nghiệp), các nhà khoa học đã tạo ra dòng cây xoan ta chuyển gien, có tốc độ sinh trưởng và sinh khối tăng cao hơn so với cây không chuyển gien.


Quan sát sự sinh trưởng của cây xoan tại phòng nuôi cấy mô

 

Thành công này mở ra nhiều triển vọng trong lĩnh vực tạo giống bằng công nghệ chuyển gien tại Việt Nam.

Xoan ta là cây có nhiều tác dụng, có thể trồng ở rừng để lấy gỗ, trồng để tạo bóng mát và phòng hộ. Lá cây có thể làm phân xanh và thuốc sát trùng, hạt được ép để lấy dầu. Cây có chất diệt côn trùng và một số hợp chất sử dụng sản xuất thuốc ức chế một số loại tế bào ung thư. Xoan ta là một trong những cây trồng quan trọng trong chiến lược phát triển lâm nghiệp ở nước ta, thuộc danh mục các loài cây chủ yếu cho trồng rừng sản xuất theo chín vùng sinh thái lâm nghiệp (QĐ số 16/2005QĐ-/BNN ngày 15-3-2005). Bởi vậy, các nhà khoa học đã chọn cây xoan ta để nghiên cứu chuyển gien, giúp cây sinh trưởng nhanh và cải thiện chất lượng gỗ.

Theo PGS, TS Phạm Bích Ngọc, chủ nhiệm đề tài nhánh, thuộc đề tài “Nghiên cứu chọn tạo và đánh giá các dòng xoan ta biến đổi gien sinh trưởng nhanh có triển vọng”, với phương pháp truyền thống, nhà tạo giống tìm cách tổ hợp lại các gien giữa hai cá thể thực vật nhằm tạo ra con lai mang những tính trạng mong muốn. Phương pháp truyền thống được thực hiện bằng cách chuyển hạt phấn từ cây này sang nhụy hoa của cây khác. Tuy nhiên, phép lai chéo này bị hạn chế bởi nó chỉ có thể thực hiện được giữa các cá thể cùng loài hoặc có họ hàng gần, trong khi những đặc tính quan tâm thường không tồn tại trong những loài có họ hàng gần. Nhà tạo giống phải mất nhiều thời gian mới thu được kết quả mong muốn. Kỹ thuật chuyển gien cho phép nhà tạo giống cùng lúc đưa vào một thực vật những gien mong muốn từ những sinh vật sống khác nhau, không chỉ giữa các loài cây lương thực hay những loài có họ gần.

Ưu điểm của phương pháp chuyển gien là đưa ra giống mới nhanh hơn và vượt qua những giới hạn của tạo giống truyền thống. Đối với cây xoan ta, nhóm nghiên cứu đã đưa gien mới liên quan đến tăng tổng hợp hoóc-môn sinh trưởng để làm tăng bộ rễ cho cây khỏe, chống chịu hạn, đồng thời giúp cây sinh trưởng nhanh hơn. Đến nay, trong quá trình trồng thử nghiệm cho thấy, chiều cao cây có khả năng tăng từ hai đến bốn lần, sinh khối tăng từ hai đến ba lần so với cây không chuyển gien. Sự nhuộm màu mô học của mặt cắt ngang thân cây cũng cho thấy đường kính thân và thân đã được tăng cường do kết quả phân chia tế bào xylem tăng theo cả hướng dọc và ngang. Cây có thể trồng hiệu quả trên các vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng.

Được biết, hướng nghiên cứu tạo giống cây lâm nghiệp chuyển gien đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Chẳng hạn, Nhật Bản nghiên cứu, tạo được giống cây bạch đàn có khả năng chịu mặn và giống bạch đàn chuyển gien giảm hàm lượng lignin; Mỹ và Bra-xin nghiên cứu, tạo được giống bạch đàn sinh trưởng nhanh và chất lượng gỗ tốt; Trung Quốc nghiên cứu, tạo được giống bạch đàn kháng nấm bệnh... Năm 2016, Bra-xin là nước đầu tiên trên thế giới đưa cây bạch đàn chuyển gien vào trồng, sản xuất thương mại với năng suất tăng 20%, thời gian trồng rút ngắn từ bảy năm xuống còn 5 năm.

PGS, TS Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho rằng, việc các nhà khoa học Việt Nam làm chủ được quy trình kỹ thuật nền để chuyển gien vào cây xoan ta góp phần phát triển lĩnh vực khoa học tạo giống cây lâm nghiệp biến đổi gien ở Việt Nam; đưa công nghệ chuyển gien thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác tạo giống cây lâm nghiệp mới năng suất, chất lượng. Qua thực hiện nghiên cứu đề tài, đã nâng cao năng lực tiếp cận các lĩnh vực khoa học hiện đại trong lĩnh vực khoa học tạo giống và cây trồng, đưa nền khoa học trong nước hội nhập khu vực và quốc tế trên các lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật. Không chỉ dừng ở cây xoan ta, quy trình tạo giống xoan ta bằng công nghệ chuyển gien có thể được ứng dụng cho các đối tượng cây trồng lâm nghiệp khác như keo, bạch đàn...

Sắp tới, sau khi hoàn thành các bước nghiên cứu, cây xoan ta chuyển gien của nhóm nghiên cứu sẽ được đăng ký giống cây trồng mới. Từ đó, mở ra khả năng trồng đại trà giống cây năng suất, chất lượng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhất là tại các tỉnh miền núi. Giống sẽ được nhân bằng kỹ thuật nuôi cấy mô - tế bào, tạo ra lượng lớn cây con có chất lượng tốt, đồng đều và chi phí rẻ hơn, có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các dòng, giống xoan ta đang được trồng, sản xuất hiện nay.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/39436902-lam-chu-cong-nghe-tao-cay-chuyen-gien.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 6039

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)