Ngày hội STEM 2019 có chủ đề “Nguyên tố bí ẩn” cũng nhằm hưởng ứng Năm Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết ông đã dự ba, bốn lần Ngày hội STEM và thấy lượng người tham gia ngày càng đông hơn, vui hơn. Đặc biệt, năm nay STEM được tổ chức đúng ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5 và nhân 150 năm ra đời bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. “Nhìn trên bảng tuần hoàn này, tôi mong rằng một ngày nào đó, nhờ STEM, nhờ cảm hứng nghiên cứu khoa học từ những ngày hội như thế này, sẽ có một nguyên tố mới trên bảng tuần hoàn được đặt tên từ viện, trường hoặc nhà khoa học nào đó của Việt Nam”, Thứ trưởng nói.
Theo PGS, TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trưởng Ban tổ chức, xu hướng giáo dục STEM là cách tiếp cận hiện đại giúp người học có kiến thức tích hợp, liên ngành, có kỹ năng làm việc, có khả năng tư duy và giải quyết vấn đề thông qua việc học gắn liền với thực hành, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo từ trải nghiệm thực tế.
Điểm nhấn của ngày hội STEM năm nay với sự góp mặt của gần 40 gian trải nghiệm được tổ chức bởi chính các em học sinh từ các trường THPT ở Hà Nội, Điện Biên, Hải Dương, Nghệ An, Nam Định…
Thậm chí có một số trường “làng” mang mô hình sáng tạo kỹ thuật đến để dạy, thuyết trình lại cho các trường ở thành phố học hỏi. Điều này cho thấy sức lan tỏa của xu hướng giáo dục trải nghiệm, nhờ đó mà ứng dụng khoa học công nghệ đến gần hơn và phát triển mạnh mẽ tại các trường ở tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong khuôn khổ ngày hội năm nay, bên cạnh các lớp học, trải nghiệm phong phú, đa dạng, các vị phụ huynh và các em học sinh được tham gia tìm hiểu thông tin về các công tác bảo vệ môi trường và vật lý vũ trụ. Đặc biệt, các em sẽ được tham quan và trải nghiệm một số phòng thí nghiệm lớn với những trang thiết bị hiện đại bậc nhất của trường ĐH.
Ngày hội STEM được tổ chức lần đầu vào năm 2015 theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng (nay là Ấn phẩm Tia Sáng của báo Khoa học và Phát triển, Bộ KH&CN) và Liên minh STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Kể từ đó, sự kiện này được tổ chức hằng năm vào dịp Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Mục đích của Ngày hội nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM, một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu-Mỹ.
TS Đặng Văn Sơn, người đồng sáng lập Ngày hội STEM cho biết, thành công của chuỗi Ngày hội STEM cho đến nay không phải là việc có bao nhiêu em học sinh, bao nhiêu công ty, trường đại học… tham gia, mà ở khả năng lan tỏa của tinh thần giáo dục STEM tới khắp các trường phổ thông trên cả nước. Khởi đi từ Ngày hội STEM đầu tiên, cùng với sự vận động, hỗ trợ không ngừng nghỉ của các thành viên trong “Liên minh STEM”, phong trào giáo dục STEM đã lan tỏa đến các vùng miền từ miền núi, biên giới như Hà Giang, Nghệ An, tới các vùng đồng bằng ven biển như Hải Phòng, Hạ Long… bằng các hoạt động cụ thể. Cũng đã có hàng trăm Ngày hội STEM được tổ chức ngay tại các trường phổ thông và các cấp giáo dục cao hơn như Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục.
“Sau 5 năm diễn ra ngày hội và các hoạt động đưa mô hình giáo dục này vào trong các các trường học bậc phổ thông, tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt ở một số trường, nhất là các trường vùng nông thôn; học sinh hào hứng với giờ học sinh động và đam mê nghiên cứu trải nghiệm các hiện tượng vật lý, hóa học, toán học… được ghi nhận bằng các sáng chế, các ý tưởng vận dụng bài học vào thực tế cuộc sống”, TS Đặng Văn Sơn nói.
Trong khuôn khổ Ngày hội cũng diễn ra lễ trao giải Cuộc thi tìm hiểu Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học dành cho học sinh, sinh viên, được phát động từ Ngày hội STEM năm ngoái. Hơn 20 cá nhân, tập thể giáo viên và học sinh các trường trong cả nước có bài dự thi xuất sắc đã đoạt giải.
Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/40244202-ngay-hoi-stem-2019-lan-toa-tinh-than-khoa-hoc.html