Thứ sáu, 14/06/2019 14:50 GMT+7

Ứng dụng KH&CN phát triển sản phẩm chủ lực địa phương

Ngày 12/6, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN luôn dành ưu tiên và hỗ trợ tối đa cho tỉnh Lạng Sơn, sẵn sàng đồng hành, tham mưu, đề xuất cho tỉnh trong phát triển các ngành lĩnh vực mũi nhọn, mang tính đột phá như ứng dụng KH&CN khai thác, phát triển nguồn gen bản địa, phát triển sản phẩm chủ lực có thế mạnh của địa phương...


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Đoàn công tác cùng các lãnh đạo tỉnh đã đến thăm vùng Na Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

 

Tại buổi làm việc về phát triển KH&CN phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Lạng Sơn. Các hoạt động hợp tác, nghiên cứu triển khai, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế của tỉnh, các hoạt động hỗ trợ hình thành và phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm, thực hiện.

Hầu hết các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng như: Hoa Hồi, Hồng, Na, Quýt, Thạch đen, Cao khô, Khoai Lang, Ba kích, Rau… đều có đóng góp quan trọng của KH&CN từ các khâu giống cây trồng, quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh, chế biến sau thu hoạch và xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa,…giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Các nghiên cứu, ứng dụng, kỹ thuật mới trong lĩnh vực y dược như: Mô hình quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường có kiểm soát cho bệnh nhân; Ứng dụng các kỹ thuật đóng đinh nội tuỷ kín để điều trị gãy hai xương cẳng chân; kỹ thuật nẹp vít qua cuống để điều trị gãy xương cột sống lưng - thắt lưng; kỹ thuật điều trị thoát vị bẹn,… đã giúp nâng cao chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 16 sản phẩm đặc sản địa phương được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (02 chỉ dẫn địa lý, 13 nhãn hiệu tập thể và 01 nhãn hiệu chứng nhận).

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến các đại biểu tham dự cũng chỉ ra một số khó khăn khiến việc nghiên cứu và ứng dụng KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh, như chưa có nhiều mô hình ứng dụng KH&CN quy mô liên ngành, liên vùng, nhất là những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, du lịch,…

Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, xác định là một tỉnh có nhiều đặc thù, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nên mặc dù lĩnh vực KH&CN được quan tâm và có chuyển biến những so với yêu cầu đặt ra vẫn còn có khoảng cách, vẫn còn mang tính dàn trải. Đặc biệt hàm lượng KH&CN nói chung thể hiện trên các sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy KH&CN cho phát triển KT-XH.

Đánh giá cao hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói: “Mặc dù kinh phí đầu tư cho KH&CN chưa nhiều nhưng tỉnh vẫn quan tâm, đầu tư cho phát triển KH&CN, thực hiện thành công nhiều dự án với sự hỗ trợ của Trung ương, Bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh, đem lại nhiều kết quả thiết thực phục vụ cho phát triển KT-XH,... ”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh cho thấy, KH&CN đã đồng hành và phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh thành hàng hóa như vùng sản xuất na (Hữu Lũng, Chi Lăng), hoa hồi, quýt, cây dược liệu... hỗ trợ phục vụ xây dựng nông thôn mới, KH&CN xác định cho địa phương các sản phẩm chủ lực, xây dựng quy hoạch, thực hiện các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp...

Để đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển cho KH&CN để triển khai các dự án nâng cao tiềm lực của các tổ chức KH&CN trên địa bàn,... chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up), phát triển doanh nghiệp KH&CN…Chú trọng triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Chủ động xây dựng chương trình/kế hoạch/đề án để triển khai thực hiện có hiệu quả những nội dung của Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” tại địa phương.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định: “Bộ KH&CN luôn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ, tham mưu cho các sở, ban, ngành của tỉnh để lồng ghép hoạt động KH&CN vào phát triển KT-XH địa phương”.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Đoàn công tác Bộ KH&CN cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thăm vùng Na, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.


Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/item/40516502-ung-dung-kh-cn-phat-trien-san-pham-chu-luc-dia-phuong.html

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3646

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)