Thứ sáu, 21/06/2019 17:03 GMT+7

"Ba Bộ trưởng" bàn về khoa học trong nông nghiệp

Chiều 20/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh và Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng có buổi làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam bàn về một số nhiệm vụ khoa học công nghệ quan trọng, cấp bách cho ngành Nông nghiệp.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu.

Một trong những nội dung trọng tâm của buổi làm việc được các nhà khoa học tham luận, trao đổi nhiều nhất chính là các nghiên cứu vắc xin, chế phẩm sinh học, xử lý môi trường và cơ chế chính sách trong việc nghiên cứu, khống chế dịch tả lợn Châu Phi đang gây thiệt hại lớn cho nền chăn nuôi của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Trải qua 63 năm phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định được hệ sinh thái về khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu đào tạo, nghiên cứu đến hợp tác quốc tế, phát triển. Những mặt này phải đi cùng nhau mới có thể hội nhập quốc tế.”

Nhấn mạnh về dịch tả lợn Châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây đã, đang và sẽ luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng, cực kì nan giải mà chúng ta đang phải đối mặt. Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong nơi tiên phong vào cuộc từ rất sớm nghiên cứu về loại dịch bệnh này. Đặc biệt, qua quá trình nghiên cứu bước đầu, nhóm nghiên cứu của Học viện do PGS.TS Lê Văn Phan đứng đầu đã định dạng, phân lập được virus, kết quả thử nghiệm ngoài thực địa bước đầu rất khả quan, là tiền đề cho giải pháp tới đây về vắc xin.
 


Hội nghị với sự góp mặt của "3 Bộ trưởng" và rất nhiều lãnh đạo các đơn vị và nhà khoa học trong và ngoài nước.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hy vọng với sự có mặt đông đảo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ KHCN và Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ nhận được những đặt hàng cụ thể phục vụ nghiên cứu khoa học cho ngành nông nghiệp và về lâu dài định hướng Học viện sẽ trở thành trung tư vấn phát triển nông nghiệp theo nghĩa rộng, không phải đơn thuần là một Học viện làm công tác đào tạo giảng dạy.
 


Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh (đứng) và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh chia sẻ, rất ấn tượng với của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trong cách tiếp cận các vấn đề khoa học công nghệ và quyết liệt trong công việc và chính sách xuyên suốt của ngành khoa học công nghệ cũng là “nông nghiệp và khoa học công nghệ, hội tụ lại học viện”.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, với lĩnh vực khoa học công nghệ câu chuyện đầu tiên chưa hẳn là tiền đâu mà lại là con người, là nguồn nhân lực. Minh chứng thiết thực nhất, là từ 3 tháng rưỡi trước, lãnh đạo Bộ NN-PTNT quá tuyệt vời khi kịp thời chỉ đạo và ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ, kéo theo sự vào cuộc của các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao những hướng nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, sáng tạo mà tập thể, cá nhân các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang triển khai hiện nay, Bộ KHCN hoàn toàn ủng hộ các hướng đó.

Đặc biệt, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, do nguồn vốn, ngân sách nghiên cứu khoa học công nghệ không có nguồn dự phòng nên Bộ KHCN đang cố gắng cao nhất có thể cân đối, điều chuyển, luân chuyển từ một số nguồn chương trình, dự án chưa thực sự cấp bách sang hỗ trợ các đề tài, dự án nghiên cứu phòng chống dịch tả lợn Châu Phi mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang triển khai hiện nay.
 


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Chủ nhiệm Phan Quốc Dũng.

Về phía Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Chủ nhiệm Phan Quốc Dũng đánh giá rất cao những việc thầy cô Học viện đã làm được trong thời gian vừa qua, xứng đáng là 1 trong 4 trường đại học đầu tiên của cả nước.

Ông Phan Xuân Dũng cho rằng, với lợi thế là 1 thương hiệu lớn, không chịu lùi bước trước khó khăn, lại trong lúc dịch bệnh tả lợn Châu Phi nước sôi lửa bỏng này, các Bộ phải quyết ngay, giải quyết sớm, không chần chừ được nữa.

“Lúc này rất cần tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị. Luật Khoa học công nghệ có nội dung “các nhà khoa học công nghệ ở các viện, trường được nhà nước cấp 1 khoản kinh phí để thực hiện hoạt động”, nhưng phải nói thật đến nay chúng ta chưa thực hiện được hiệu quả nên thời gian tới Quốc hội và các Bộ, ngành cần phải rà soát và điều chỉnh phù hợp thực tiễn hơn ở nội dung này.” Ông Phan Xuân Dũng cho biết.
 


GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị, đề xuất 4 nhóm vấn đề.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị, đề xuất 4 nhóm vấn đề. Thứ nhất, tạo điều kiện để học viện tập trung đào tạo chuyên sâu một số nhóm sản phẩm và tập trung một số sản phẩm chuyên biệt.

Thứ hai, định hướng nghiên cứu phát triển nông nghiệp đặc sản là một nhánh của Học viện viện nông nghiệp Việt Nam, tiến tới áp dụng những thành tựu mới nhất để cạnh tranh xuất khẩu.

Thứ 3, đề xuất các Bộ cơ chế chính sách đặc thù trong công tác nghiên cứu phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, nhất là cơ chế rút gọn đặc thù cho việc nghiên cứu vắc xin mà nhóm nghiên cứu của Học viện do PGS.TS Lê Văn Phan đang triển khai hiện nay.

Thứ 4, Học viện đề nghị được Bộ, ngành quan tâm đầu tư, trang bị một số phòng nghiên cứu, thí nghiệm trọng điểm nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy./.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Lượt xem: 3530

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)