Thứ sáu, 12/07/2019 14:12 GMT+7

Ủy ban Vũ trụ Việt Nam: Cơ chế chia sẻ thông tin giữa các lĩnh vực ứng dụng

Những thiếu hụt về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật… không phải là nguyên nhân duy nhất khiến công nghệ vũ trụ chưa phát huy được thế mạnh của mình trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Trên thực tế, việc thiếu đi một cơ chế chia sẻ thông tin cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc ứng dụng công nghệ vũ trụ tại Việt Nam.

"Cần tiếp tục mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia có tiềm lực công nghệ vũ trụ như Nga, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản để tiếp cận được các công nghệ mới, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực; làm chủ được một hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản, chủ động cung cấp hình ảnh vệ tinh cho các ngành, địa phương để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…", theo Bộ trưởng - Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.

 

Phiên họp Ủy ban Vũ trụ Việt Nam lần thứ ba sơ kết Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh – Chủ tịch Ủy ban, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Bế Xuân Trường và Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN, GS. TS Châu Văn Minh – Phó chủ tịch Ủy ban , chủ trì vào ngày 5/7/2019 đã phân tích kết quả thực hiện chiến lược trên các nội dung chính như xây dựng hoàn thiện khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu KH&CN vũ trụ và ứng dụng KH&CN vũ trụ trong các lĩnh vực kinh tế xã hội… Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận xét, với xuất phát điểm là nghiên cứu về công nghệ vũ trụ, cả bốn nội dung này đều đạt được những bước tiến quan trọng, ví dụ mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia có tiềm lực công nghệ vũ trụ như Nga, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản để tiếp cận được các công nghệ mới, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực; làm chủ được một hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản, chủ động cung cấp hình ảnh vệ tinh cho các ngành, địa phương để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…

“Đây sẽ là cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ, đáp ứng được những yêu cầu về triển khai ứng dụng ở các ngành kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trong bối cảnh mới, khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và sản phẩm xuất khẩu của chúng ta phải cạnh tranh dựa trên thế mạnh công nghệ”, Bộ trưởng nói.

Ứng dụng Công nghệ vũ trụ

Có lẽ, một trong những lĩnh vực có nhiều ứng dụng công nghệ vũ trụ nhiều nhất tại Việt Nam là ngành nông nghiệp, nơi nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh như trồng trọt mùa vụ, đánh bắt thủy hải sản… đều cần đến các dữ liệu và thông tin từ vệ tinh, viễn thám. Bà Nguyễn Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ NN&PTNT, cho rằng, kể từ năm 2006 – năm phê duyệt Chiến lược, “Bộ NN&PTNT đã từng bước áp dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vào các hoạt động quản lý, tổ chức điều hành sản xuất ví dụ như các ứng dụng liên quan đến dự báo mùa màng, dự báo sản lượng các cây trồng quan trọng như lúa, cà phê…; các cảnh báo phòng chống thiên tai, chống xói lở, kịp thời có phương án ứng phó cho công tác thủy lợi; định vị các tàu cá trong đánh bắt thủy hải sản xa bờ…” Nhờ những thông tin được phân tích kịp thời trên cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám, những quyết định đã được đưa ra một cách nhanh chóng và kịp thời.

Tưởng chừng như rất xa xôi nhưng trên thực tế, công nghệ vũ trụ đã từng bước tham gia vào quá trình sản xuất gieo trồng của người nông dân Việt Nam, ví dụ theo một đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014, các nhà nghiên cứu đã bước đầu thực hiện được bài toán dự báo năng suất lúa dựa vào kết quả đánh giá sức khỏe lúa trên ruộng tỉnh An Giang thông qua việc nhận biết quá trình sinh trưởng của lúa với độ chính xác đạt 95 đến 97% ở các xã thuần trồng lúa và 92 đến 94% ở các xã có lúa lẫn màu. Bên cạnh đó, những vấn đề về diện tích lúa bị hạn hán, ngập úng, xâm mặn, tình hình lúa bị nhiễm sâu bệnh ở các mức độ khác nhau, những cảnh báo về dịch hại hay việc phân bố nguồn nước tưới… đều được cập nhật một cách thường xuyên. Đây là những nguồn thông tin rất quý giá để các hợp tác xã, các tổ chức khuyến nông, các sở NN&PTNT địa phương nắm bắt và đưa ra những giải pháp hiệu quả, ít tốn kém kinh phí.
 

Đội ngũ kỹ sư Việt Nam tham gia tích hợp vệ tinh MicroDragon tại Nhật Bản. Nguồn: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam


Không chỉ với ngành nông nghiệp, trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp do Bộ Công thương phụ trách, công nghệ vũ trụ cũng đóng một vai trò quan trọng. Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công thương, nhấn mạnh đến vai trò này: “Trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp do Bộ Công thương quản lý như dầu khí, thủy điện… đều có ứng dụng công nghệ vũ trụ. Từ những kết quả ban đầu, chúng tôi đã phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cũng như một số đơn vị trong ngành Công thương tiến hành nghiên cứu các công nghệ mới có tích hợp công nghệ vũ trụ để phát triển một số ngành công nghệ cao của Bộ”.

Đó sẽ là câu chuyện của nhiều năm tới, hiện tại, “ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh đã góp phần vào việc vận hành các công trình thủy điện hay cung cấp số liệu khí tượng, thủy văn phục vụ điều hành đập tràn, hồ chứa…”, ông Trần Việt Hòa đánh giá. Phân tích trường hợp đảm bảo an toàn trên bậc thang thủy điện sông Đà với hệ thống liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Bản Chát và Huội Quảng, ông cho rằng, nếu không có những dữ liệu ảnh vệ tinh thì việc điều hành các hồ này trong mùa lũ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn hiện nay, vốn hết sức thiếu dữ liệu thủy văn từ các hồ chứa thượng nguồn. Tại phiên họp Hội đồng Tổ tư vấn KH&CN về An toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà ngày 21/6/2019 vừa qua, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đã xác nhận, “chúng tôi không có cách nào có được thông tin cần thiết từ Trung Quốc”. Với sự hỗ trợ của ảnh vệ tinh và dữ liệu quan trắc từ một số trạm mới thành lập, các nhà máy thủy điện trên sông Đà đã có thể chủ động vận hành sản xuất điện, đồng thời giữ được an toàn hồ đập khi mùa lũ đến.

Những điểm hạn chế trong ứng dụng

Mặc dù bắt đầu chứng thực được những đóng góp của mình trong quá trình phát triển các ngành kinh tế xã hội nhưng công nghệ vũ trụ vẫn còn chưa được khai thác một cách hợp lý. Báo cáo Sơ kết Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 của Ủy ban Vũ trụ Việt Nam cũng thừa nhận “một phần nguyên nhân của thực trạng này là nhận thức của xã hội chưa tương xứng về tầm quan trọng, tiềm năng phát triển và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội…“.

Trong đánh giá của mình, ông Trần Việt Hòa cho rằng, một trong những điểm khiến việc ứng dụng công nghệ vũ trụ ở nhiều ngành nghề còn mờ nhạt là các chương trình “còn rời rạc, thiếu tập trung và thiếu trọng tâm trọng điểm ở những bộ, ngành mà vai trò ứng dụng còn chưa nhiều lắm, dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận”. Bên cạnh đó, ngay cả những người tham gia vào triển khai ứng dụng “chưa có phân tích đánh giá cụ thể, nhất là phân tích số liệu phản ánh hiệu quả kinh tế khi ứng dụng” để có thể thuyết phục các bộ, ngành lựa chọn công nghệ vũ trụ và coi đó là yếu tố quan trọng trong các hoạt động quản lý hay sản xuất kinh doanh.

Một số ý kiến khác trong phiên họp cũng đồng tình với quan điểm này của ông Trần Việt Hòa. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đã nêu một thực tế đang diễn ra ở Bộ NN&PTNT: dù được “hưởng lợi” nhiều từ công nghệ vũ trụ nhưng đến nay, ngành nông nghiệp vẫn chưa có chương trình riêng để phát triển ứng dụng công nghệ này. Để triển khai được các đề tài, nhiệm vụ có ứng dụng công nghệ vũ trụ, “Bộ NN&PTNT đã phải chủ động lồng ghép, đưa vào các chương trình có nội dung liên quan như phòng chống thiên tai, các công tác chỉ đạo điều hành sản xuất, chiến lược phát triển của Bộ”, bà nói.

Vậy trước khi có được những điều kiện tối ưu mà Ủy ban Vũ trụ Việt Nam mong đợi như hoàn thiện khung pháp luật quốc gia về vũ trụ, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, phát triển ứng dụng và hội nhập quốc tế, chúng ta cần thực hiện giải pháp nào để mở rộng các ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội? Một gợi ý từ phiên họp là cần hình thành một cơ chế chia sẻ thông tin, chế độ báo cáo, cập nhật thông tin về ứng dụng công nghệ vũ trụ của từng ngành, từng lĩnh vực với các thành viên của Ủy ban – vốn đều là đại diện các bộ, ngành liên quan. Đây sẽ là cách hạn chế việc chồng chéo, trùng lặp quy định, hướng dẫn ở các lĩnh vực ứng dụng, ví dụ như việc trùng lặp một số hạng mục trong dự kiến phát triển của Ủy ban so với Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, theo ý kiến của ông Nguyễn Quốc Khánh - Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia – Bộ TN&MT.

Mặt khác, việc chia sẻ thông tin một cách thông suốt và kịp thời giữa các thành viên sẽ giúp Bộ Ngoại giao nắm tình hình để có thể hỗ trợ tư vấn cho Ủy ban Vũ trụ Việt Nam những vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại, một trụ cột phát triển của công nghệ vũ trụ. Đại diện của Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, cho biết những phiên họp của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về sử dụng hòa bình không gian vũ trụ (COPUOS) có rất nhiều thông tin về chính sách phát triển trong khi “dường như Ủy ban Vũ trụ Việt Nam mới quan tâm về khía cạnh KH&CN”. Việc nắm bắt được những chính sách mới của quốc tế cũng như thúc đẩy mối quan hệ ở tầm đối tác chiến lược với các quốc gia phát triển về công nghệ vũ trụ sẽ là cơ hội để vũ trụ Việt Nam có thể có được những kế hoạch phát triển đúng hướng.

Dự kiến phát triển hạ tầng kỹ thuật của vũ trụ Việt Nam sau năm 2020

Tiếp tục tập trung nguồn lực quốc gia đầu tư cho dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhằm đảm bảo triển khai đúng tiến độ, qua đó đem lại điều kiện cho các nhà khoa học, các kỹ sư triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực vệ tinh nhỏ, đặc biệt là công nghệ chùm vệ tinh nhỏ nhằm tăng cường tần suất chụp ảnh.

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia và một số cơ sở dữ liệu viễn thám chuyên ngành, đảm bảo kết nối liên thông nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh.

Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng quốc gia về GIS phục vụ công tác quản lý, giám sát lãnh thổ, lãnh hải, các công trình trọng yếu quốc gia.

Xây dựng lộ trình đầu tư một số phòng thí nghiệm trọng điểm liên ngành, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ ưu tiên nhằm thích ứng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại các trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm về không gian vũ trụ.

Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/nhung-van-de-dan-so-viet-nam-phai-doi-mat-tu-nay-den-nam-2030/20190710091344893p1c785.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 4612

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)