Thứ hai, 02/12/2019 15:16 GMT+7

Kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ

Sáng 30-11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1959 - 2019), vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước tặng thưởng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, qua 60 năm hình thành và phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) luôn làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật, thúc đẩy nền KH&CN nước nhà.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

 

Trong tổng chi cho KH&CN, tỷ trọng đầu tư của Nhà nước so doanh nghiệp (DN) được cải thiện theo chiều hướng tích cực, 52/48 so tỷ lệ 70/30 của hơn 5 năm trước. Hệ thống các tổ chức KH&CN phát triển mạnh, đến nay cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức KH&CN thuộc mọi thành phần kinh tế. Đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 67 nghìn cán bộ nghiên cứu, đạt tỷ lệ 7 người/vạn dân, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín đã được thế giới công nhận.

Thủ tướng nêu rõ, ngày nay, Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, KH&CN mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đạt tăng trưởng kinh tế cao, vươn lên sự thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc. Chúng ta có tài nguyên vô tận, đó là chất xám, là sự sáng tạo của con người. KH&CN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng và năm 2019 xếp thứ 42/129 quốc gia và đứng thứ ba trong khối ASEAN.

Chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 với khát vọng đưa đất nước ta phát triển thịnh vượng. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam.

Chúng ta cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác định KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc phát triển KH&CN, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KH&CN và ĐMST.

Đây là yêu cầu trọng trách to lớn đối với Bộ KH&CN và đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu KH&CN.

Thủ tướng cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ quyết liệt để thúc đẩy phát triển KH&CN nước nhà, trong đó tập trung vào một số nội dung:

Trước hết, mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội để tạo ra sự đột phá trong ứng dụng KH&CN, ĐMST trong khu vực DN, dịch vụ công. Mục tiêu là lấy DN làm trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ giữa pháp luật về KH&CN với pháp luật về thuế, đầu tư, tài chính và pháp luật liên quan để nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và từng bước phát triển công nghệ của DN, đồng thời tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH&CN phù hợp cơ chế thị trường.

Thứ hai, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các trường đại học, viện nghiên cứu. Tăng cường nền tảng vốn con người cho ĐMST, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các công nghệ sản xuất mà DN đòi hỏi và cải tiến phương thức giáo dục ứng dụng lý thuyết KH&CN vào các mục tiêu thực tiễn. Đổi mới căn bản cơ chế quản lý ngân sách chi cho KH&CN, thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các đề tài KH&CN. Cơ cấu lại các chương trình, các nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng.

Thứ ba, tập trung phát triển mạnh thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới đánh giá, chuyển giao công nghệ. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của DN. Coi trọng hơn nữa vai trò của các DN trong đổi mới đầu tư vào KH&CN. Chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ đi đầu trong việc bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0.

Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin.

Thứ tư, đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam, tăng cường thu hút sự tham gia sâu của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy ĐMST trong nước.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 300 nghìn chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, là cầu nối giúp chúng ta tiến nhanh trên bản đồ ĐMST của thế giới nếu chúng ta biết cách huy động. Hơn bao giờ hết, nền tảng công nghệ hiện nay có thể giúp các cơ quan, đơn vị, các DN, viện nghiên cứu, trường đại học kết nối và hợp tác với các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài hết sức thuận lợi và nhanh chóng.

Thứ năm, xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống ĐMST và phát huy công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, ĐMST để làm căn cứ hoạch định chính sách, có cơ chế, chính sách đột phá để nâng cao năng lực và chất lượng nhân sự làm việc trong khu vực công về ĐMST.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải làm cho cán bộ làm khoa học dám ước mơ, dám khát vọng, theo đuổi khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học. Trong trăm việc, nghìn việc cần làm để trở thành quốc gia ĐMST, thì việc đầu tiên phải làm là ĐMST cách trọng dụng con người.

* Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ KH&CN vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khai mạc và thăm Triển lãm thành tựu 60 năm ngành KH&CN gồm 60 gian hàng của 60 DN tiêu biểu trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, thực phẩm, viễn thông, giao thông vận tải, cơ khí chế tạo...



 

* Nhân dịp này, Hội thảo Quốc gia: "KH&CN và ĐMST vì mục tiêu phát triển bền vững” được tổ chức nhằm thông tin về vai trò của KH&CN và ĐMST trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Liên kết nguồn tin: https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/item/42422102-ky-niem-60-nam-thanh-lap-bo-khoa-hoc-va-cong-nghe.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 4484

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)