Thứ năm, 29/10/2020 14:54 GMT+7

Các tổ chức nghiên cứu công lập: Điều kiện để hoạt động hiệu quả?

Năng lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của mỗi quốc gia phụ thuộc một phần đáng kể vào chất lượng, tính thiết thực và hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức nghiên cứu công lập. Bài viết sau đây tổng hợp một số kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo yêu cầu này.

Các nhà nghiên cứu Viện Tế bào gốc trong phòng thí nghiệm. Nguồn: Viện Tế bào gốc.
 

Các tổ chức nghiên cứu công lập là những tổ chức thuộc sở hữu hoặc phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài trợ từ chính phủ cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) của họ. Các tổ chức như vậy gồm hai loại chính: trường đại học và các viện/trung tâm nghiên cứu công (sau đây gọi chung là tổ chức nghiên cứu công - Government Research Institutions-GRI)(1). Ngoài nghiên cứu, các trường đại học thực hiện chức năng quan trọng là giảng dạy, trong khi các GRI chỉ tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao các tri thức, công nghệ mới cho khu vực doanh nghiệp và cơ quan công quyền. Tỷ lệ hoạt động R&D trong các trường đại học và GRI ở mỗi quốc gia khác nhau, ví dụ: một số quốc gia như Thụy Điển và Vương quốc Anh lấy đại học làm trung tâm, trong khi những quốc gia khác, Hàn Quốc và Nga, phần lớn hoạt động R&D được thực hiện trong các GRI. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta tập trung vào các tổ chức nghiên cứu công (GRI), không bao gồm các trường đại học.

Hệ thống GRI của các quốc gia

Dựa trên lịch sử và mục đích hoạt động của các tổ chức nghiên cứu công lập, có thể phân các tổ chức này thành ba nhóm(2):

Các viện nghiên cứu khoa học (các viện nghiên cứu cơ bản) tiến hành các nghiên cứu quan trọng, tạo ra những tri thức cơ bản hay ứng dụng mới, ví dụ như viện nghiên cứu Max Planck tại Đức, CERN ở Thụy Sĩ và Viện Khoa học cơ bản IBS ở Hàn Quốc. Nhiệm vụ của những tổ chức này là nghiên cứu lý thuyết và chuyển giao tri thức cơ bản ở giai đoạn đầu để phát triển công nghệ. Kinh phí của họ chủ yếu là từ chính phủ (gần như 100%) và hoạt động độc lập, ít hợp tác với khu vực doanh nghiệp. Một số tổ chức thuộc nhóm này có hạ tầng nghiên cứu quy mô rất lớn, vượt quá khả năng tài chính thông thường mà một trường đại học có thể so sánh.

Các tổ chức nghiên cứu và công nghệ - RTOs hay còn được gọi là các “viện nghiên cứu ứng dụng” tập trung vào việc ứng dụng công nghệ và thực hiện R&D theo hướng hợp tác hoặc cung cấp dịch vụ cho khối doanh nghiệp. Họ có nhiệm vụ đặc thù là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ - SMEs hay các doanh nghiệp năng lực thấp. Các tổ chức này tập trung vào các nghiên cứu có định hướng phục vụ người dùng hoặc giải quyết vấn đề cụ thể nhằm tạo nên lợi nhuận cho khối doanh nghiệp, vì vậy thường giành được nguồn tài chính theo cơ chế cạnh tranh. Thông thường, vai trò của các viện này là gánh vác một phần của sự mạo hiểm trong quá trình đổi mới sáng tạo sản xuất, giúp các doanh nghiệp tiến xa hơn so với mức phát triển mà trình độ công nghệ của bản thân doanh nghiệp có thể đáp ứng (Arnold và cộng sự, 2007; Sörlin và cộng sự, 2009). Những ví dụ thường được nhắc đến trong nhóm RTO bao gồm Fraunhofer Society tại Đức, Tổ chức Nghiên cứu ứng dụng khoa học Hà Lan (The Netherlands Organization for Applied Reserch – TNO), Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung - ISRO tại Úc và Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp- ITRI tại Đài Loan. Nguồn ngân sách nhà nước thường chỉ chiếm từ 10-40% nguồn kinh phí của các tổ chức này.

Các phòng thí nghiệm quốc gia tạo ra các tri thức mới, có chức năng hỗ trợ các nhiệm vụ của đơn vị chủ quản và thường giám sát và đo lường các chỉ tiêu liên quan tới những nhiệm vụ này. Các phòng thí nghiệm có định hướng chức năng quản lý nhà nước, có khả năng sẽ thực hiện cả việc kiểm tra, đo lường, chứng nhận, và đôi khi là tiêu chuẩn hóa. Thông thường, các phòng thí nghiệm này còn thực hiện thống kê thường xuyên cho chính phủ (ví dụ như thống kê nguồn các nguyên liệu hay thu thập số liệu sức khỏe cộng đồng) – đây không phải là hoạt động R&D, nhưng được hỗ trợ bởi hoạt động nghiên cứu và cần được thực hiện để phục vụ quản lý nhà nước và ứng phó các trường hợp khẩn cấp. Các phòng thí nghiệm quốc gia phần lớn không chỉ tạo nên dữ liệu phục vụ cho chính phủ mà cả các sản phẩm dân sinh như các tiêu chuẩn hay bản tin dự báo thời tiết. Các phòng thí nghiệm quốc gia đôi khi được gọi là viện chuyên ngành và thường thuộc sở hữu công, nhưng cũng có thể hoạt động theo mô hình công ty. Trong lịch sử, các phòng thí nghiệm quốc gia thường nhận nguồn ngân sách nhà nước lớn, nhưng càng ngày nguồn thu của các tổ chức này càng nghiêng về phía những nguồn bên ngoài, ví dụ như các dự án nghiên cứu phát triển do các tổ chức ngoài nhà nước tài trợ, hay các dịch vụ có thu phí.

Trên thực tế, mỗi quốc gia có thể có chính sách phát triển hệ thống các tổ chức nghiên cứu công lập khác nhau, với số lượng cụ thể của từng loại trong số ba loại hình tổ chức nêu trên tùy thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội và trình độ phát triển khoa học và công nghệ, cũng như nhu cầu, quan điểm của từng quốc gia.

Ví dụ: Ở CHLB Đức, các tổ chức nghiên cứu công được phân theo 4 Hiệp hội: (1) Hiệp hội Max Planck (MPG): gồm 83 viện thực hiện nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, khoa học sinh học, khoa học xã hội và nhân văn; (2) Hiệp hội Fraunhofer gồm 67 viện thực hiện nghiên cứu ứng dụng; (3) Hiệp hội Leibniz, một tổ chức tài trợ và nghiên cứu kết nối 89 viện nghiên cứu độc lập, bao gồm các lĩnh vực nhân văn, kinh tế và toán học. Leibniz tập trung vào nghiên cứu ứng dụng; (4) Hiệp hội Helmholtz, gồm 18 trung tâm nghiên cứu xác định những thách thức mà xã hội, khoa học và nền kinh tế phải đối mặt theo sáu lĩnh vực chính: Năng lượng; Trái đất và Môi trường; Sức khỏe; Công nghệ; Hàng không, Vũ trụ và Giao thông vận tải. Hàn Quốc quản lý các tổ chức nghiên cứu công theo các Hội đồng: (1) Hội đồng Khoa học và Công nghệ -NST quản lý 25 viện nghiên cứu và công nghệ; (2) Hội đồng Nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn quản lý 9 viện; (3) Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và xã hội quản lý 14 viện. Hệ thống các tổ chức nghiên cứu công của Đài Loan chia thành 3 nhóm: (1) Academia Sinica gồm 24 viện và 7 trung tâm nghiên cứu, có sứ mệnh thực hiện các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực vật lý, toán học, khoa học sự sống, khoa học xã hội và nhân văn; (2) Các viện nghiên cứu ứng dụng thuộc các bộ, trong đó Bộ Kinh tế có số lượng các viện lớn nhất (16 viện) và (3) Các trung tâm, phòng thí nghiệm quốc gia, gồm 10 trung tâm và phòng thí nghiệm nghiên cứu về các lĩnh vực động đất, bức xạ, động vật và tích hợp các nguồn lực phòng thí nghiệm hiện có để hỗ trợ nghiên cứu.

Điều kiện để các GRI hoạt động hiệu quả?

Mặc dù hệ thống các tổ chức nghiên cứu công lập ở các quốc gia khác nhau, nhưng để các tổ chức nghiên cứu hoạt động hiệu quả hầu hết đều có những yếu tố cơ bản chung như sau:

1. Xác định rõ chức năng nhiệm vụ và mô hình hoạt động của tổ chức khi thành lập.

Việc xác định rõ tổ chức thuộc loại hình nghiên cứu nào, nghiên cứu trong lĩnh vực cụ thể gì ngay từ khi thành lập sẽ giúp các cơ quan quản lý có cơ sở thiết lập cơ chế phân bổ kinh phí và quản lý phù hợp, đồng thời các tổ chức có căn cứ xây dựng chiến lược phát triển tổ chức mình một cách đúng đắn.

2. Đảm bảo và duy trì nguồn lực

Đảm bảo nguồn lực để xây dựng năng lực tới hạn trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ là điều cần thiết để đạt được tính cạnh tranh về khoa học và công nghệ trên phạm vi quốc tế. Năng lực tới hạn đòi hỏi phải có đủ số lượng nhân viên cũng như cơ sở hạ tầng, thiết bị, các bộ phận chức năng hỗ trợ và kinh phí nghiên cứu cần thiết từ các nguồn nhà nước và tư nhân. Để xây dựng hệ thống tổ chức nghiên cứu hiện đại, tạo điều kiện thu hút cán bộ tài năng về làm việc, giai đoạn ban đầu nhà nước phải đầu tư lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng và chi trả cho cán bộ. Việc đầu tư này phải được duy trì liên tục và ổn định cho đến khi các tổ chức lớn mạnh và tự đảm bảo trang trải cho các hoạt động của mình (trung bình 5 năm).

3. Chú trọng hợp tác đa ngành

Các đột phá về công nghệ ngày càng xuất hiện nhiều từ các nghiên cứu liên ngành, do đó các GRI cần phải phát triển năng lực nghiên cứu xoay quanh một tập hợp các kỹ năng đa ngành vững chắc. Cách tiếp cận này thúc đẩy việc chia sẻ ý tưởng, kiến thức và kinh nghiệm giữa các ngành. Ví dụ, điểm giao thoa giữa vật lý, điện tử, hóa học, sinh học và khoa học vi tính hiện đang là mảnh đất màu mỡ cho những tiến bộ trong y học, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, các hệ thống sản xuất và vật liệu mới. Đó là lý do vì sao các nhóm thực hiện dự án thuộc các GRI thường bao gồm nhân viên đến từ nhiều tổ chức (có thể bao gồm các GRI khác nhau và các tổ chức nghiên cứu thuộc trường đại học trong và ngoài nước) với nền tảng chuyên môn đa dạng. Khả năng hoạt động hiệu quả trong các nhóm khác nhau và tôn trọng quan điểm cũng như kinh nghiệm của các ngành nghề khác nhau đã trở thành nhân tố chính quyết định sự thành công về mặt tổ chức và các kết quả đầu ra về mặt kinh tế.

4. Phân bổ kinh phí đầu tư công “dựa trên kết quả”

Ở những quốc gia có các GRI hoạt động hiệu quả nhất, phần lớn kinh phí đầu tư công được phân bổ cho các GRI thông qua một hệ thống “dựa trên kết quả” được hỗ trợ bởi một quy trình đánh giá chuyên sâu (đánh giá bởi các chuyên gia cùng ngành – peer review). Đối với các đề tài, dự án nghiên cứu mang tính ứng dụng thì ưu tiên là giá trị kinh tế và tiềm năng thương mại hóa. Mục tiêu là để phân bổ nguồn kinh phí đầu tư công có hạn cho các tổ chức và chương trình/dự án nào đem lại tiềm năng lớn nhất về giá trị kinh tế và lợi ích xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn. Việc đánh giá chuyên sâu các đề tài, dự án xin tài trợ sẽ cung cấp đầu vào cần thiết cho quá trình phân bổ và đảm bảo tính khách quan. Cần phải coi nguồn kinh phí công dành cho các GRI là khoản đầu tư cho tương lai và kinh phí cũng cần được phân bổ một cách phù hợp.

Việc phân bổ nguồn kinh phí công dựa trên kết quả thường đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng phương pháp quản lý theo danh mục hoạt động. Danh mục hoạt động của GRI cần phải được cân bằng giữa các kết quả ngắn hạn và dài hạn, cũng như giữa các lĩnh vực nghiên cứu vừa tận dụng được lợi thế cạnh tranh hiện tại (ví dụ: các thế mạnh sẵn có của GRI) vừa đem lại tiềm năng lớn về các kết quả giá trị cao được đánh giá theo nhiều góc độ khác nhau. Kinh phí cần phải được cân bằng giữa những đề tài, dự án mang tính rủi ro cao/lợi nhuận cao với những chương trình đem lại kết quả chắc chắn hơn. Phương pháp phân bổ kinh phí nghiên cứu này được thiết kế để đạt được tỷ suất hoàn vốn đầu tư cao nhất, trong khi vẫn phải thừa nhận việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển mang tính rủi ro từ bản chất.

5. Sự giám sát và đánh giá hiệu quả từ phía chính phủ

Sự giám sát và đánh giá hiệu quả từ phía Chính phủ là rất quan trọng để xây dựng và duy trì một hệ thống GRI hoạt động với hiệu quả cao. Tại những quốc gia có các GRI hoạt động hiệu quả nhất, chính phủ làm việc chặt chẽ với các GRI để xây dựng phạm vi nhiệm vụ, tầm nhìn và chiến lược tầm cao của GRI. Chính phủ thường giữ vai trò quan trọng là xây dựng chiến lược phát triển quốc gia ở tầm vĩ mô và đưa ra các ưu tiên chính của đất nước. Các GRI có thể sử dụng những thông tin này để xác định những lĩnh vực khoa học và công nghệ chiến lược đem lại tiềm năng hoàn vốn đầu tư cao nhất hỗ trợ cho chiến lược phát triển quốc gia và các ưu tiên của quốc gia, xác định một số yếu tố quan trọng như phạm vi, sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược chi tiết của GRI. Từ những yếu tố cơ bản này, các GRI sẽ xây dựng một tập hợp các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) của mình, qua đó cung cấp một tập hợp các số liệu khách quan để đánh giá hoạt động của GRI. Những GRI hoạt động càng hiệu quả thì chính phủ càng nên cấp cho họ nhiều quyền tự chủ và không nên giám sát một cách quá chặt chẽ.


Sự giám sát và đánh giá hiệu quả từ phía Chính phủ là rất quan trọng để xây dựng và duy trì một hệ thống GRI hoạt động với hiệu quả cao. Tại những quốc gia có các GRI hoạt động hiệu quả nhất, Chính phủ làm việc chặt chẽ với các GRI để xây dựng phạm vi nhiệm vụ, tầm nhìn và chiến lược tầm cao của GRI.


6. Quản lý quyền sở hữu trí tuệ

Các nhà nghiên cứu thường có ít kiến thức và kinh nghiệm về quản lý quyền sở hữu trí tuệ, do đó họ cần được hướng dẫn và hỗ trợ khi phát triển và thương mại hóa tài sản trí tuệ giá trị cao (có thể bao gồm đăng ký sáng chế, cấp phép quyền sử dụng sáng chế, thành lập các công ty spin off). Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này bằng cách làm cho tài sản trí tuệ phù hợp với yêu cầu của ngành kinh tế, đồng thời giảm gánh nặng tài chính trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho cả các GRI và khu vực doanh nghiệp. Chính phủ cũng có thể giúp giảm chi phí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bằng cách chia sẻ chi phí, giảm rủi ro bằng cách tài trợ cho quá trình phát triển giai đoạn đầu, hoặc tạo động lực cho khu vực tư nhân trong việc phát triển kinh doanh định hướng sở hữu trí tuệ.

Việc xây dựng năng lực chuyển giao công nghệ là quan trọng khi mà các xu hướng mới cho thấy việc thương mại hóa và cấp quyền sử dụng sáng chế là những kênh quan trọng để chuyển giao công nghệ từ các GRI ra thị trường. Về khía cạnh này, một trong những vai trò hiệu quả nhất của chính phủ là thành lập một “văn phòng chuyển giao công nghệ” hỗ trợ trực tiếp cho các GRI khi họ bắt đầu xác định, bảo hộ và thương mại hóa tài sản trí tuệ.

7. Các GRI mang thiên hướng ứng dụng nên hoạt động giống doanh nghiệp

Các mô hình quản trị và quản lý của các GRI ngày càng giống với các mô hình thường thấy trong khu vực doanh nghiệp. Cụ thể là các GRI tiên tiến ngày nay hoạt động giống một doanh nghiệp (với trọng tâm là tạo ra giá trị, tăng doanh thu và quản lý chi phí) hơn là một trường đại học. Việc áp dụng mô hình kinh doanh sẽ trao cho các lãnh đạo GRI quyền tự chủ và quyền hạn đáng kể đồng thời đòi hỏi họ phải chịu trách nhiệm về kết quả. Các GRI về bản chất là hoạt động trong lĩnh vực tạo ra giá trị cho nền kinh tế và các doanh nghiệp (nhà nước và tư nhân) do vậy cần được quản lý theo định hướng đó.

***

Trên đây là một số kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo tính hiệu quả và thiết thực trong tổ chức và hoạt động các tổ chức nghiên cứu công lập. Trong kỳ tới, chúng ta sẽ đi sâu vào một số kiến nghị cụ thể dành cho các tổ chức nghiên cứu công lập của Việt Nam.

(Còn tiếp)

Chú thích:

(1) Ở Việt Nam, các tổ chức nghiên cứu công lập thuộc về các tổ chức khoa học và công nghệ công lập

(2) Arnold, E., Barker, K. & Slipersæter, S., 2010. Research Institutes in the ERA, S 106-12999 FORESIGHT-200702 Lot 2 WP3, Brussels: European Commission.

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/cac-to-chuc-nghien-cuu-cong-lap-dieu-kien-de-hoat-dong-hieu-qua/20201029093641972p1c785.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 6114

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)