Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình ban hành 6 văn bản làm cơ sở pháp lý có tính định hướng cho công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các lĩnh vực, sản phẩm, hàng hóa và kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm phân công quản lý của Bộ. Tới thời điểm hiện tại, về cơ bản, chính sách về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ; tạo cơ sở hành lang pháp lý và công cụ quản lý cần thiết cho các đơn vị chức năng trong quá trình thực hiện công tác này. Mặt khác, đã xây dựng, thẩm định và trình ban hành 10 quy chuẩn Việt Nam cho các sản phẩm, hàng hóa ngành Công Thương; tổ chức xây dựng các dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thẩm định, công bố theo quy định.
Công tác tiêu chuẩn, đo lường và sở hữu trí tuệ đã được đổi mới
Bên cạnh đó, xây dựng Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đối với ngành Công Thương, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động đo lường trong ngành và hỗ trợ DN trong ngành nâng cao năng lực hoạt động đo lường.
Công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường trong phạm vi quản lý của Bộ được tăng cường thông qua triển khai đồng bộ các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước như: Đăng ký, chỉ định và kiểm tra hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa và các tổ chức kiểm nghiệm đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm.
Mặt khác, phối hợp thanh tra, kiểm tra giữa lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa của Bộ KH&CN, đã góp phần củng cố công tác thực thi pháp luật nghiêm minh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho DN, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng liên quan đến an toàn, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa; xử lý, giải quyết kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu; tăng cường giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ và SHTT đối với các sản phẩm công nghiệp.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về SHTT, Vụ KH&CN đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ về SHTT của Bộ Công Thương để triển khai Quyết định số 1068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, dự thảo kế hoạch đã lấy ý kiến các đơn vị trong Bộ Công Thương, đang tổng hợp để trình lãnh đạo Bộ ký ban hành. Ngoài ra, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1978/QĐ-BCT về việc ban hành kế hoạch thực hiện "Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Thời gian tới, Bộ Công Thương triển khai các nội dung về truy xuất nguồn gốc, giúp cho việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được tốt hơn trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, an toàn thực phẩm…
|
Liên kết nguồn tin:
https://congthuong.vn/thuc-hien-tieu-chuan-do-luong-ngan-chan-hang-kem-chat-luong-146032.html