Thứ năm, 22/10/2020 15:51 GMT+7

Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp 2020: Cơ hội kết nối chuyên sâu các nguồn lực

Sau 5 năm được tổ chức, năm nay, do tác động của Covid-19, cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2020 sẽ có những thay đổi như thế nào?

Đó là nội dung cuộc trao đổi của Khoa học & Phát triển với chị Nguyễn Nhã Quyên – Giám đốc Chương trình Phát triển hệ sinh thái SVF, Trưởng BTC Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2020.
 

Chị Nguyễn Nhã Quyên - Giám đốc Chương trình Phát triển hệ sinh thái SVF, Trưởng BTC Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2020. Ảnh: SVF.
 

TECHFEST 2020 so với năm 2019 và các năm trước chắc chắn có những thay đổi. Đại dịch Covid-19 đã ít nhiều làm thay đổi cuộc chơi khởi nghiệp. Chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào và theo đánh giá của chị Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp năm nay sẽ có những thay đổi ra sao?

Tự bản thân Covid-19 không thể “giết” được doanh nghiệp mà chỉ tạo nên sự biến động lớn và sức ép thay đổi không lường trước được. Dịch bệnh giúp chúng ta nhìn thấy khả năng ứng biến nhanh, chuyển dịch theo nhu cầu thị trường, kịp thời chuyển đổi, hồi phục và phát triển của các doanh nghiệp. Covid-19 buộc từng cá nhân, tổ chức phải “chuyển đổi số”, ứng dụng công nghệ nếu không muốn bị bỏ lại. Thách thức cũng là cơ hội, có rất nhiều doanh nghiệp startup và nền tảng công nghệ đã “vụt sáng” trong hai quý đầu năm như Zoom, Grab. Những doanh nghiệp có tư duy mở, sẵn sàng đầu tư và ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào công tác sản xuất, vận hành, quản trị lúc này sẽ thấy được thành quả của những sự đầu tư.

TECHFEST 2020 tôn vinh những doanh nghiệp đã vượt qua sóng gió và tiếp tục hành trình. Là cơ hội để nhìn lại và hiểu rằng hệ sinh thái còn rất nhiều việc phải làm như chính phủ cần phải đưa ra nhiều gói hỗ trợ sẵn sàng hơn, doanh nhân cần bổ sung năng lực quản lý, và nhận thấy công nghệ có vai trò quan trọng sống còn thế nào với mọi doanh nghiệp, không riêng startup.

Chúng tôi kỳ vọng năm nay trong khuôn khổ TECHFEST nói chung và Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sẽ được chứng kiến nhiều thảo luận và hợp tác đa phương đi vào chiều sâu, chia sẻ về những vấn đề nổi cộm nhìn nhận sau mùa dịch như quản lý chuỗi cung ứng, chuyển đổi kênh tiêu thụ lên nền tảng số, tầm quan trọng của doanh nghiệp lớn trong hệ sinh thái và sự xuất hiện của những startup mới, với những cái bắt tay có thể tạo ra cơ hội thay đổi cuộc chơi.

Kỳ vọng về những cuộc thảo luận và hợp tác đa phương đi vào chiều sâu, có vẻ là vấn đề không chỉ chị mà ban lãnh đạo TECHFEST mong muốn. Trong một buổi hội thảo gần đây, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất cũng nhấn mạnh, từ năm 2020, liên kết giữa startup với các thành tố khác trong hệ sinh thái sẽ đi vào chiều sâu. Điều đó sẽ được thể hiện thế nào?

Hệ sinh thái khởi nghiệp là một cộng đồng có đủ các cấu phần gồm nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp, viện, trường, các cơ quan ban ngành tập trung hỗ trợ startup cũng như các vườn ươm, tổ chức đào tạo. Theo quan điểm của Chương trình Phát triển hệ sinh thái SVF, một hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ trải qua bốn giai đoạn chính: xây dựng cộng đồng, nâng cao năng lực, kết nối thương mại và phát triển bền vững. Ở giai đoạn đầu tiên, các thành tố kể trên hình thành với quy mô nhỏ, năng lực chưa cao, chiến lược, chính sách phát triển còn mơ hồ. Ở giai đoạn thứ hai, năng lực của startup, nhà đầu tư, vai trò của chính phủ ngày càng rõ nét hơn. Các bên liên quan biết rõ mình là ai, cần phải làm gì và chiến lược nào hiệu quả với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt. Ở giai đoạn thứ ba, các thành tố trên sẽ tăng cường khả năng liên kết và hướng vào chiều sâu, kết nối để hợp tác và phát triển bền vững. Giai đoạn cuối cùng, hệ sinh thái giống như khu rừng “trăm hoa đua nở”, sẽ không cần những tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, không cần chính sách hỗ trợ liên tục. Các startup có đủ năng lực, ý tưởng, chiến lược để thể hiện tốt không chỉ ở Việt Nam mà còn chinh phục thị trường nước ngoài. Những hiểu biết này chúng tôi đưa vào việc xây dựng các cấu phần của cuộc thi bởi thứ startup thực sự cần là một nền tảng tạo cơ hội kết nối chuyên sâu, nâng cao năng lực và hoạt động kết nối nguồn lực cả tài chính và phi tài chính. Với cuộc thi năm nay, chúng tôi đặc biệt chú trọng vào các hoạt động đào tạo, kết nối startup với các chuyên gia và cố vấn trong nhiều lĩnh vực, song song đó là các buổi thuyết trình (demo pitching) để các doanh nghiệp có cơ hội gọi vốn trực tiếp trước các nhà đầu tư/quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, có nhiều giải thưởng phụ được thiết lập nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực cụ thể như y tế, tài chính, xuất nhập khẩu, kinh tế bền vững.

Sau 5 năm tổ chức, Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp 2020 có những điểm gì khác so với các năm trước?
 

Đội Multi Glass được ban tổ chức trao giải Nhất cuộc thi chung kết tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia 2019. Ảnh: BTC.
 

Cuộc thi sẽ tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam với triết lý xã hội hóa nguồn lực để tạo bệ đỡ cho hành trình chinh phục thị trường đa quốc gia hướng startup Việt có thể thành danh trên thế giới. Vì vậy, BTC cuộc thi năm nay đã đưa ra nhiều sự đổi mới như:

- Đối tượng dự thi được mở rộng cho cả các cá nhân người Việt Nam hoặc người gốc Việt sinh sống và làm việc tại nước ngoài thay vì chỉ có startup người Việt trong nước được tham gia như trước đây.

- Năm nay, các đội thi bắt buộc phải có sản phẩm mẫu mới đủ điều kiện đăng ký tham gia. Trong cấu phần thi Bán kết và Chung kết, các đội thi sẽ phải trình chiếu video thực tế về sản phẩm mẫu để Ban giám khảo chấm điểm.

- Để khuyến khích các nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ hoặc sử dụng các mô hình kinh doanh hiện đại, cuộc thi năm nay có hai bảng tách biệt:

Bảng Công nghệ (Tech-driven): Dành cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ công nghệ cho khách hàng, bao gồm các sản phẩm và dịch vụ công nghệ hoàn toàn mới hoặc sử dụng các công nghệ mới để đạt được sự tăng trưởng và mở rộng quy mô nhanh chóng.

Bảng Đổi mới sáng tạo (ĐMST) (Innovative Business Model): Dành cho doanh nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh doanh, sản phẩm/dịch vụ…

Năm nay ban tổ chức đặc biệt chú trọng vào các hoạt động đào tạo, kết nối startup với các chuyên gia, cố vấn trong nhiều lĩnh vực trước và sau cuộc thi. Cụ thể, ngay trong chuỗi hoạt động trong thời gian tuyển chọn, bên cạnh việc thu hút hồ sơ dự thi, BTC cũng dành nguồn lực để tổ chức đào tạo, tổ chức các buổi thuyết trình (demo pitching) kết nối đầu tư, mở cho số lượng startup tham gia lớn hơn thay vì chỉ top 40 như năm trước. Như vậy, startup có cơ hội tiếp xúc, học hỏi, kêu gọi hợp tác, gọi vốn trực tiếp trước các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư trong và ngoài nước ngay từ giai đoạn đầu của cuộc thi chứ không cần đợi đến ngày chung kết.

Đặc biệt, sau vòng chung kết, BTC sẽ tiếp tục đồng hành với các đội bằng cách tạo điều kiện để họ tham gia chương trình ươm tạo, sự kiện gọi vốn, hội thảo chuyên đề về giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong thời kỳ mới sau dịch bệnh.

Vậy đến thời điểm này, việc đi tìm kiếm các startup tham gia đã được thực hiện tới đâu rồi?

Chúng tôi kết hợp với đa dạng các đơn vị, tổ chức trong hệ sinh thái của tỉnh, thành phố, cộng đồng, quỹ đầu tư trong nhiều lĩnh vực để có thể tiếp cận đến số lượng doanh nghiệp tiềm năng rộng khắp cả nước.

Bên cạnh các vườn ươm, các chương trình tăng tốc, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ các đề án hỗ trợ của chính phủ, ban tổ chức cũng thông qua sự đề cử, giới thiệu của các Làng Công nghệ, Sở ban ngành, đơn vị tổ chức các cuộc thi tại tỉnh, địa phương, các đơn vị hỗ trợ startup người Việt tại nước ngoài và các kênh truyền thông để đưa thông tin về cuộc thi và huy động startup đăng ký tham gia. Ngoài ra, các chuyên gia và cố vấn quen thuộc của hệ sinh thái cũng sẽ là đại sứ để chia sẻ thông tin và đề cử đội thi chất lượng, tiềm năng nhằm tìm ra ứng viên đại diện Việt Nam tham dự Startup WorldCup 2021.

Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2020 năm nay không chỉ dừng lại ở việc mở ra một cơ hội trải nghiệm, kết nối và tìm kiếm con đường chinh phục các nhà đầu tư trong hành trình gọi vốn của doanh nghiệp mà quá trình ấy còn được tiếp diễn sau khi cuộc thi khép lại, nhằm tạo ra một cộng đồng các tổ chức hỗ trợ giúp nâng đỡ cho doanh nghiệp quãng đường dài hơn.

TECHFEST 2020 có chủ đề Thích ứng - Chuyển đổi - Bứt phá. Vậy trong cuộc thi năm nay, chủ đề này có phải cơ sở để BTC tìm kiếm và lựa chọn các startup?

Chủ đề Thích ứng - Chuyển đổi - Bứt phá được thể hiện đầu tiên ở việc cuộc thi năm nay có 2 bảng thi: bảng Startup Công nghệ và bảng Đổi mới sáng tạo. Như vậy, BTC không chỉ tập trung tìm kiếm các startup công nghệ mà còn mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp truyền thống nhưng đã và đang chuyển mình, ứng dụng công nghệ để chuyển đổi và thích ứng trước thay đổi của thị trường, đặc biệt là trước tác động của dịch Covid-19, điểm này thể hiện cho từ khóa “Thích ứng - Chuyển đổi”. Từ khóa “Bứt phá” được thể hiện trong quá trình kết nối các nguồn lực hỗ trợ các dự án tham gia cuộc thi, chúng tôi tập trung ưu tiên các nguồn lực có khả năng giúp dự án đi xa trong tương lai như nguồn lực về vốn, cơ hội tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn,... để nếu dự án chứng minh được mô hình và sản phẩm, cơ hội để họ mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới sẽ rộng mở hơn.

Những kinh nghiệm tổ chức và tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp trên thế giới đã giúp gì cho chị trong việc đảm nhận vai trò là trưởng BTC cuộc thi?

Kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp quy mô quốc gia và quốc tế giúp SVF có được cái nhìn sâu sắc hơn về những nhu cầu thực sự mà án dự án khởi nghiệp cần được hỗ trợ, từ đó giúp chúng tôi thiết kế chương trình giúp các dự án nhận được sự hỗ trợ phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tận dụng cuộc thi như một “cái cớ” để tập hợp các nguồn lực từ nhiều cấu phần khác nhau của hệ sinh thái từ chính phủ, các vườn ươm, chương trình tăng tốc đến các tập đoàn và doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư cũng như những cá nhân có tầm ảnh hưởng... để cùng tham gia và hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ ý nghĩa này!

 

Các hoạt động chính của TECHFEST 2020

Ngày 27/11:

8:00-12:00: Các hoạt động diễn ra song song: Hội thảo định hướng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sau dịch Covid-19; Hội thảo Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số thành công trên nền tảng thương mại điện tử; Chung kết Cuộc thi Startup Hunt 2020; Tổng kết Hành trình Thanh niên khởi nghiệp 2020; Hội thảo Nâng cao năng lực khởi nghiệp ĐMST cho thanh niên.

14:00 – 17:00: Diễn đàn đối thoại của lãnh đạo Chính phủ với thanh niên và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (KNST)

17:00 – 18:00: Khai mạc Triển lãm gian hàng TECHFEST 2020

20:00 – 21:00: Lễ khai mạc TECHFEST Vietnam 2020

Ngày 28/11: Từ 8:30 – 17:00

Chuỗi sự kiện: Hội nghị kết nối doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp KNST; Hội nghị cấp cao về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Hội thảo về sở hữu trí tuệ với KNST; Hội thảo chuyên sâu về xu hướng công nghệ; kết nối đầu tư; chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái KNST; chia sẻ kinh nghiệm, bài học về chuyển đổi mô hình nhằm thích ứng và bứt phá sau đại dịch...

Cuộc thi ý tưởng KNST giải quyết vấn đề của địa phương hoặc doanh nghiệp lớn (Hackathon).

Ngày 29/11:

08:30 – 11:00: Chung kết và trao giải Cuộc thi tìm kiếm tài năng KNST

11:00 – 11:30: Lễ bế mạc TECHFEST Vietnam 2020
 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 1984

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)