Thứ sáu, 20/11/2020 11:06 GMT+7

Chương trình KH&CN nông thôn miền núi: Tìm giải pháp cho vùng trũng công nghệ

Tập trung chủ yếu vào các công nghệ, mô hình kỹ thuật thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp ở vùng nông thôn miền núi, các dự án của Chương trình KH&CN nông thôn và miền núi được đánh giá cao vì đã đem lại giá trị trực tiếp, thiết thực cho những vùng có nguồn lực hạn chế, khó hấp thụ công nghệ nhất.

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang.
 

Chọn công nghệ phù hợp

Với lợi thế sở hữu những nguồn nguyên liệu quý, khu vực nông thôn và miền núi “khát” công nghệ và quy trình kỹ thuật mới để biến những tiềm năng đó thành các sản phẩm chủ lực. Do đó, trong những năm qua Bộ KH&CN đã chủ động tham mưu cho chính phủ triển khai các chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết tại Hội nghị sơ kết Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (gọi tắt là Chương trình KH&CN nông thôn miền núi). So với nhiều chương trình KH&CN khác do Bộ KH&CN quản lý, nét đặc biệt của chương trình này là “đem lại công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN hiệu quả, hướng tới giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội có tầm quan trọng với địa phương như nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa tiềm năng của thị trường, phát huy lợi thế của từng vùng, hỗ trợ các doanh nghiệp ở nông thôn đổi mới công nghệ, hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế của ngành nghề truyền thống”, ông nói.

Tuy vậy, áp dụng công nghệ, mô hình kỹ thuật nào vào đây luôn là bài toán khó vì các địa bàn được lựa chọn để triển khai dự án thường “có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội thấp nhất và tỉ lệ nghèo cao nhất”, như chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Vĩ, Giám đốc Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc chia sẻ tại Hội nghị.

Giải quyết thấu đáo bài toán khó nêu trên là điều mà Chương trình phải cân nhắc khi xác định và quyết định các công nghệ nào là phù hợp cho khu vực này. Dù đặt yêu cầu công nghệ chuyển giao phải được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo quy định của Bộ NN&PTNT hoặc được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia đã được đánh giá, nghiệm thu từ mức đạt trở lên hoặc được Bộ trưởng Bộ KH&CN cho phép ứng dụng chuyển giao nhưng Chương trình không đặt mục tiêu quá xa như thu hút những mô hình công nghệ sâu, phức tạp vượt quá khả năng hấp thụ ở các vùng nghèo. Bởi không phải cứ công nghệ cao siêu, được các quốc gia phát triển sử dụng là có thể triển khai nhân rộng ở đây, ví dụ dù có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng suốt 5 năm vừa qua chỉ có duy nhất một công nghệ Biofloc cho nuôi cá có nguồn gốc Israel được triển khai trong khuôn khổ chương trình.

Do đó trong 5 năm qua, phần lớn các dự án tập trung vào cung cấp các nguyên vật liệu hoặc giải pháp công nghệ, kỹ thuật cho đầu vào của ngành nông nghiệp. Các lĩnh vực thu hút nhiều dự án và mô hình nhất vẫn là trồng trọt (176 dự án, chiếm 44% tổng số dự án của chương trình), trong đó chủ yếu tập trung vào cây lương thực, rau, hoa, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả; cùng xếp thứ hai là lĩnh vực chăn nuôi và thủy hải sản (lần lượt có 71 và 68 dự án, đều chiếm khoảng 17-18% tổng số dự án của chương trình).

Theo số liệu của Văn phòng Chương trình KH&CN nông thôn miền núi, sau khi kết thúc, 400 dự án trên 61 địa bàn tỉnh thành phố sẽ xây dựng được 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và công nghệ (đạt 109,1% so với mục tiêu đề ra); chuyển giao được 2.126 lượt công nghệ mới, phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Thông qua thực hiện dự án và các nhiệm vụ liên quan, Chương trình đã đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho 1800/1500 cán bộ quản lý (đạt 120%); đào tạo được 3.520 kỹ thuật viên cơ sở địa phương (đạt 140,8%), tập huấn cho 78.610 lượt nông dân về các tiến bộ khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng cho dự án (đạt 98,3%).
 

Giới thiệu xoài Sơn La.
 

Nhờ kết quả đó, Chương trình được đánh giá là “đã tạo điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo đà nhanh cho các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển ở vùng nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số. Kết quả của chương trình được duy trì và phát huy nhân rộng, góp phần quan trọng vào việc phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn”, như Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhận xét. Còn đối với các địa phương được thụ hưởng chương trình, thì các dự án đều đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cho các đơn vị chủ trì, thực hiện dự án. Điển hình như Bắc Giang “nếu không có KH&CN thì nông nghiệp của tỉnh không có sự phát triển được như hiện nay”, ông Lê Ánh Dương, phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ. Đến nay, Bắc Giang có 18 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được hình thành thông qua Chương trình, trong đó có hàng loạt sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ thậm chí có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ thành công tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Vẫn cần làm tốt hơn

Trên thực tế, vẫn còn những sản phẩm chủ lực của các địa phương đang chờ được ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến nhưng các dự án liên quan đến các công nghệ ấy trong khuôn khổ Chương trình vẫn còn ít ỏi khi chỉ có 11,7% tổng số dự án của Chương trình. Mặt khác, mặc dù các dự án phát huy được hiệu quả đối với các đơn vị thụ hưởng nhưng mức độ ảnh hưởng của các quy trình công nghệ, kỹ thuật “chủ yếu theo cơ chế tự lan tỏa”, nghĩa là hậu dự án, người dân thấy rằng việc áp dụng kỹ thuật mới là hiệu quả với bản thân thì họ tiếp tục duy trì. Việc nhân rộng theo cơ chế tự phát như vậy sẽ bị tác động từ nhiều yếu tố bất lợi làm tăng rủi ro như chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, không có thương hiệu đủ mạnh, sản xuất bùng phát theo phong trào mà không có định hướng về thị trường hoặc đầu mối tiêu thụ sản phẩm”, theo báo cáo Sơ kết của Chương trình.

Một vấn đề làm ảnh hưởng đến việc thiếu công nghệ hữu dụng cho khu vực nông thôn miền núi là từ vướng mắc trong quy định pháp lý hiện hành về việc xử lý tài sản của chương trình. Theo Quy định về xử lý tài sản hình thành sau dự án sử dụng ngân sách sẽ phải bán trực tiếp cho tổ chức chủ trì, giao quyền sử dụng cho tổ chức chủ trì trong trường hợp tổ chức đó không nhận mua tài sản và phải có trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản thông qua việc thương mại hóa sản phẩm, chuyển lại cho cơ quan nhà nước hoặc bán, thanh lý. Tuy nhiên tài sản được mua sắm trong Chương trình nhằm để xây dựng các mô hình điển hình, mô hình trình diễn để người dân học tập và làm theo, giờ đây nếu tổ chức chủ trì không có khả năng mua lại, phải trả lại nhà nước hoặc bán, điều chuyển thì mô hình sẽ bị vỡ. Mặt khác, mặc dù các mô hình có giá trị học tập cho người dân nhưng việc giao quyền sử dụng hoặc thu hồi giá trị tài sản thông qua thương mại hóa sản phẩm lại rất khó do hầu hết các dự án đều ở quy mô nhỏ và dưới dạng mô hình. Vì vậy, cần có các quy định cụ thể hơn, nhằm giúp đánh giá giá trị của các quy trình, mô hình này và có phương án giao sử dụng phù hợp.

Trước những khó khăn này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đề nghị, trong giai đoạn tới, Chương trình cần phải ưu tiên ứng dụng, chuyển giao sáng chế, các giải pháp hữu ích cho các địa phương, đặc biệt ứng dụng vào các sản phẩm chủ lực của địa phương. Về mặt pháp lý, Chương trình cũng cần phải rà soát, tham mưu Bộ để bổ sung chỉnh sửa hành lang pháp lý, quy trình tổ chức triển khai. Các sở KH&CN địa phương cần phải chủ động bám sát mục tiêu Chương trình để tham mưu cho UBND tỉnh các dự án phù hợp nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa cho các địa phương. Đồng thời, phải có kế hoạch nhân rộng, huy động các doanh nghiệp ở địa phương tham gia, hấp thụ công nghệ.

Trong giai đoạn 5 năm tới, Chương trình KH&CN nông thôn miền núi sẽ phải chuyển giao được ít nhất 1500 lượt công nghệ (tương đương với 300 dự án), xây dựng được ít nhất 1000 mô hình (tương đương với 333 dự án), đào tạo ít nhất cho 1.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương (tương ứng với 187 dự án), tập huấn cho khoảng 60.000 lượt nông dân về tiến bộ KH&CN được chuyển giao (tương ứng với 306 dự án). Chương trình cũng đặt mục tiêu ưu tiên các đề xuất dự án do các doanh nghiệp có năng lực thực hiện để hỗ trợ hình thành doanh nghiệp KH&CN tại địa phương; dự án có công nghệ chế biến sâu, các công nghệ hiện chưa có địa phương đề xuất; ưu tiên chuyển giao các công nghệ về cây trồng chịu hạn mặn.

 

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/chuong-trinh-khcn-nong-thon-mien-nui-tim-giai-phap-cho-vung-trung-cong-nghe/20201119085732791p1c785.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 2903

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)