Thứ hai, 30/11/2020 09:40 GMT+7

Kỳ vọng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân hơn nữa

Hiện nay, Việt Nam có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD Mỹ). Bộ trưởng Bộ KH&CN kỳ vọng đến năm 2025, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta sẽ có nhiều kỳ lân hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2020 - Ảnh: VGP
 

Phát biểu khai mạc tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2020 (TECHFEST Việt Nam 2020) và Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, năm 2020 là một năm có nhiều biến động và thách thức trên cả thế giới, đòi hỏi sự vận động, thích ứng và chuyển đổi để bứt phá.

Để làm được điều đó, cốt lõi phụ thuộc vào việc doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khai thác, tận dụng nguồn lực tối đa, phát triển lợi thế của mình để vượt qua thách thức. Lấy trí tuệ làm cốt lõi, tư duy đổi mới sáng tạo làm kim chỉ nam, khoa học và công nghệ là công cụ vững chắc, hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, trong năm 2020 vừa qua, thị trường tại Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lựa chọn hướng đến trong thời gian tới. Kinh tế vĩ mô và tài khóa ổn định với mức tăng trưởng GDP ước tính đạt 1,8% trong nửa năm đầu 2020, dự kiến đạt 2,8% trong cả năm. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế.

Đặc biệt, Việt Nam vừa tham gia ký kết sau 8 năm đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khi muốn bước ra thị trường quốc tế.

Năm 2020 cũng là năm Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN 2020 với thông điệp “Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Lựa chọn chủ đề cho năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng", Việt Nam mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN.

Việc trở thành Chủ tịch ASEAN năm nay là một lợi thế cho việc phát triển thị trường khởi nghiệp trong khu vực ASEAN. Với vị trí chủ nhà, Việt Nam có những hành động tích cực như thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, lấy trí tuệ con người làm giá trị cốt lõi để phát triển. Tất cả các nỗ lực trên của Việt Nam trong năm 2020 vừa qua đều hướng tới một mong muốn gắn kết và phát triển giữa các quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, trong giai đoạn vừa qua, từng bước, chúng ta đã hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Hành lang pháp lý đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích hơn nữa các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Sự lan tỏa, tác động từ Đề án 844 ngày càng rõ nét và cộng hưởng, với 53 tỉnh, thành phố cùng triển khai các hoạt động, cùng với sự tham gia đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... Đây là nền tảng rất vững chắc để phát triển mạng lưới kết nối quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, để thích ứng và chuyển đổi bứt phá, chúng ta cần cùng nhau chung tay hợp tác, đổi mới sáng tạo từ cách làm đến tư duy, phát triển nguồn nhân lực và tạo ra môi trường cạnh tranh phù hợp. Lấy các doanh nghiệp khởi nghiệp làm trung tâm của sự phát triển, nhưng chính bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có sự chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.

Hiện nay, Việt Nam hiện có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD Mỹ) là Công ty Cổ phần VNG (Vinagame), VNP và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 100 triệu đô la Mỹ. Bộ trưởng Bộ KH&CN kỳ vọng đến năm 2025, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta có nhiều kỳ lân hơn nữa.

Để phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới này, Bộ trưởng KH&CN cho rằng chúng ta sẽ cần tập trung vào 4 hoạt động chính.

Thứ nhất, tập trung phát triển, liên kết các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, từ đó khuyến khích và đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp mạnh từ khu vực này.

Thứ hai, khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phòng thí nghiệm, khu thử nghiệm sẵn có của các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, để hình thành các khu hỗ trợ kỹ thuật cho khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, lấy trí tuệ, con người làm giá trị cốt lõi để đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy và phát triển nguồn lực con người thông qua hệ thống cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo, nghề nghiệp... Kết nối và khuyến khích nguồn trí tuệ Việt Nam trên khắp thế giới cùng chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Thứ tư, tập trung hình thành những nền tảng liên kết mới, không gian kết nối mới, những cơ hội mới để có được những thành tựu mới; nhanh chóng hình thành và liên kết chặt chẽ Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, liên kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng KH&CN mong muốn rằng, thông qua TECHFEST 2020 và thông qua việc cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, triết lý về chuyển đổi để bứt phá sẽ được cộng hưởng và đồng hành trong những bước đi tiếp theo.

 

Nguồn: http://baochinhphu.vn

Lượt xem: 3487

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)