Thứ ba, 01/12/2020 15:42 GMT+7

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Hình thành các mô hình liên kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam bước sang giai đoạn mới, cần thúc đẩy sự liên kết, kết nối hơn nữa để tận dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Để thúc đẩy điều đó, đặc biệt cần hình thành các mô hình liên kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp để phát triển các không gian sáng tạo, khu làm việc chung. Điều này sẽ không chỉ hỗ trợ về cơ sở hạ tầng mà còn cổ vũ cho tự do sáng tạo, tinh thần doanh nhân. Đó là những nội dung được Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh tại phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sáng 28/11 trong khuôn khổ TECHFEST 2020.

Bốn năm vừa qua có thể xem là giai đoạn đầu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, với sự ra đời của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Trong giai đoạn này, với vai trò chủ trì của Bộ KH&CN và sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã cơ bản được hình thành, các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia một cách đầy đủ và toàn diện. Hệ thống pháp lý hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST tương đối đầy đủ, toàn diện và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, khai thác tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 1400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiên nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ "thuần Việt". Những con số này liên tục tăng trong những năm vừa qua thể hiện sự phát triển của hệ sinh thái.
 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: TF
 

Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu phát triển về số lượng với sự ra đời của hàng loạt các startup, đây là lúc hệ sinh thái bước sang giai đoạn mới “cần thúc đẩy sự liên kết, kết nối hơn nữa để tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hình thành các mô hình liên kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp phát triển các không gian sáng tạo, khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn là sự cổ vũ cho tự do sáng tạo, tinh thần doanh nhân” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Một hành động chính sách cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ thúc đẩy liên kết này đó là việc Chính phủ giao Bộ KH&CN kết hợp cùng với các trường đại học xây dựng các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học, trung tâm kỹ thuật hỗ trợ nhằm rút ngắn thời gian hình thành sản phẩm mẫu và sớm đưa vào doanh nghiệp của mình.

“Sau khi làm việc chúng tôi nhận thấy các trường rất cần hình thành trung tâm kỹ thuật để hỗ trợ học sinh, sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp. Ở Mỹ, Singapore đều có những trung tâm như vậy trong trường đại học. Các trung tâm này sẽ là nơi để người có ý tưởng khởi nghiệp làm ra sản phẩm vật mẫu bản đầu mà không cần mất thời gian tìm kiếm bên ngoài” – ông Tùng chia sẻ. Như vậy, nếu trung tâm này ra đời sẽ góp phần rút ngắn thời gian từ hình thành sản phẩm mẫu đến phương án sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình khởi nghiệp thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI khẳng định khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo "không chỉ là yêu cầu thành lập nhiều doanh nghiệp mới mà còn là yêu cầu làm mới với tất cả các doanh nghiệp đang tồn tại. Đặc biệt khởi nghiệp sáng tạo là mệnh lệnh của kỷ nguyên số".
 

Ông Hoàng Quang Phùng tin rằng,khởi nghiệp sáng tạo là yêu cầu của kỷ nguyên số.Ảnh: TF
 

Ông Hoàng Quang Phòng cũng cho biết thêm, với vai trò kết nối doanh nghiệp cả nước, VCCI đã thiết lập được một hệ sinh thái và mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam kết nối các bộ ngành, các vườn ươm và tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, mà nòng cốt là các trường đại học, các địa phương, các công ty tư vấn, tổ chức đào tạo, các quỹ đầu tư và các doanh nhân giữ vai trò dẫn dắt mà ở trong hệ sinh thái này. Các doanh nhân đóng vai trò nhà đầu tư, các cố vấn/huấn luyện viên … để đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, năm 2020, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thông qua sự tài trợ từ Quỹ Thịnh vượng Anh đã phối hợp với Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia của VCCI để triển khai một số nội dung mới cho khởi nghiệp, trong đẩy mạnh việc xây dựng bộ tiêu chí về kinh doanh liêm chính cho nhà đầu tư và startup, đào tạo kinh doanh liêm chính cho các giảng viên, cố vấn khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Diễn đàn “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” nhằm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp để sớm hình thành mạng lưới không gian sáng tạo, cơ sở trợ giúp kỹ thuật, trung tâm kết nối nguồn lực và tư vấn, cung cấp dịch vụ cho ĐMST tại các cơ sở đào tạo. Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia tập trung thảo luận về Chính sách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cũng như vấn đề gắn kết giữa ĐMST và sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hợp tác giữa các nguồn lực, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong nước, quốc tế; tăng cường mối liên kết viện – trường – doanh nghiệp...


Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/hinh-thanh-cac-mo-hinh-lien-ket-giua-nha-nuocnha-truongdoanh-nghiep/2020112810238109p1c882.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 3919

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)