Thứ ba, 12/01/2021 17:45 GMT+7

Các chương trình KH&CN quốc gia: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN

Ra đời nhằm đáp ứng định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới công nghệ, các Chương trình KH&CN quốc gia đã đạt được những kết quả nổi bật trong việc nâng cao năng lực KH&CN của doanh nghiệp. Các Chương trình KH&CN quốc gia đã thu hút tới gần 4400 tỉ đầu tư cho R&D của các doanh nghiệp, hình thành và phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt có khả năng cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực…

Đó là những kết quả chủ yếu mà ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển khi nhìn lại chặng đường vừa qua.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
 

Thoạt nhìn, các nhiệm vụ trong phạm vi hỗ trợ của các Chương trình KH&CN quốc gia rất đa dạng, thuộc nhiều nhóm ngành sản xuất kinh tế mũi nhọn của đất nước. Xin Thứ trưởng cho biết mô hình tài trợ của các Chương trình là gì?

Có thể hình dung tổng thể tài trợ của các Chương trình giống như kim tự tháp. Ở đỉnh của kim tự tháp: mục tiêu cao nhất là hình thành, phát triển các sản phẩm quốc gia có quy mô thị trường lớn, có lợi thế cạnh tranh, thường do các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu dẫn dắt. Nhưng để phát triển được sản phẩm quốc gia, thì đòi hỏi phải có một nền tảng công nghệ nhất định. Chính vì vậy, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao được triển khai song song hướng đến việc ưu tiên thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, có thể chưa phải là các doanh nghiệp có quy mô lớn nhưng tập trung vào công nghệ cao (theo danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng phê duyệt ban hành). Còn ở góc độ nền tảng – chân của kim tự tháp là Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, hướng tới phổ rộng hơn với đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm nâng cao nền tảng của quốc gia. Đó vừa là mô hình và cũng là triết lý triển khai của các chương trình, nhằm bổ trợ cho nhau.

Vậy đối tượng thụ hưởng chính của các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia là ai?

Mỗi chương trình KH&CN quốc gia có mục tiêu, đối tượng riêng, tuy nhiên có một đặc điểm chung là các chương trình đều hướng tới đối tượng trọng tâm là doanh nghiệp.

Thực tiễn ở Việt Nam, các doanh nghiệp có bài toán cụ thể, họ biết cần đổi mới công nghệ ở đâu nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào. Thông qua việc tham gia chương trình quốc gia, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước cho những hoạt động có tính rủi ro cao nhất trong dự án KH&CN, đồng thời được kết nối với các viện nghiên cứu hoặc trường đại học có năng lực nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp giải quyết bài toán công nghệ của họ để đưa các sản phẩm ra thương mại hóa. Đây cũng là hình thức chuyển giao công nghệ, tri thức từ viện, trường cho doanh nghiệp, lấp vào khoảng cách giữa viện, trường và doanh nghiệp.

Cũng nhờ mô hình hợp tác này mà 100% các dự án của các chương trình Quốc gia đều là sản phẩm thương mại hóa trên thị trường chứ sản phẩm không chỉ dừng lại trong phòng thí nghiệm hay sản phẩm mẫu.
 

Dự án Nghiên cứu nuôi cấy cứu phôi dừa sáp do Công ty Cổ phần KH&CN Nông nghiệp Anh Đào thực hiện, đã xây dựng được quy trình nuôi cấy dừa sáp giai đoạn vườn ươm quy mô công nghiệp với tỉ lệ thành công đạt 88,94% và đánh giá khả năng sinh trưởng trên vùng đất nhiễm phèn nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong hoạt động tài trợ, việc xác định và tìm kiếm được đơn vị đủ năng lực thực hiện quyết định rất lớn đến thành công của chương trình. Vậy những tiêu chí, quy trình xét duyệt nào được áp dụng để chọn được đơn vị đủ năng lực thực hiện?

Nhìn chung các doanh nghiệp tham gia chương trình phải đảm bảo hai yếu tố cốt lõi: Một là doanh nghiệp phải có đủ năng lực về KH&CN để giải quyết bài toán họ đặt ra hoặc để hấp thụ công nghệ được chuyển giao từ viện, trường. Hai là doanh nghiệp phải có năng lực về tài chính để đối ứng với vốn của nhà nước (thông thường doanh nghiệp phải đối ứng tối thiểu 70% tổng kinh phí triển khai dự án).

Các doanh nghiệp đăng ký thực hiện nhiệm vụ sẽ được đánh giá qua hai khâu: Đầu tiên là khảo sát thực tế doanh nghiệp; sau đó tới đánh giá thông qua các hội đồng chuyên môn. Để tìm kiếm, lựa chọn và mời được các nhà khoa học phù hợp tham gia Hội đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia theo từng lĩnh vực, được cập nhật hằng năm. Tuy nhiên hội đồng chỉ tham gia đánh giá, thẩm định khi xét duyệt đầu vào và nghiệm thu. Trong quá trình triển khai dự án, các Ban chủ nhiệm sẽ hỗ trợ về chuyên môn cho từng Chương trình.
 

Chế biến nấm tại công ty Nấm lý tưởng, đơn vị được thụ hưởng tài trợ để chế biến lấy nấm làm nguyên liệu chính để tạo ra các sản phẩm sơ chế hoặc ăn liền nhằm khai thác triệt để giá trị của nấm. Hiện nay các sản phẩm nấm chế biến đã lên kệ siêu thị lớn như Big C, Aeon hay BRG.

Xin Thứ trưởng cho biết những đánh giá tổng quan nhất về hiệu quả tài trợ của Chương trình cho đến nay?

Điểm đáng tự hào nhất là thông qua việc triển khai các Chương trình Quốc gia là thu hút được nguồn lực rất lớn đầu tư cho KH&CN của các doanh nghiệp. Thực tế, vấn đề thu hút đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN ở Việt Nam đến nay vẫn còn khá hạn chế. Nhưng chỉ trong hơn 5 năm triển khai, các Chương trình đã thu hút được gần 4.400 tỉ đồng từ khu vực doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN. Để so sánh, số kinh phí này lớn hơn cả kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN trong một năm.

Kết quả đó có được dựa vào cơ chế “hỗ trợ có điều kiện”, có nghĩa là Nhà nước không bao cấp mà chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho những hoạt động rủi ro nhất trong dự án nghiên cứu (với mỗi dự án, nhà nước hỗ trợ tối đa 30%, hoặc tối đa 50% trong trường hợp đặc biệt); phần còn lại, các doanh nghiệp cần đối ứng để thực hiện. Điều kiện này là yếu tố quan trọng để buộc doanh nghiệp phải thật sự nghiêm túc trong việc đề xuất dự án nhằm phát triển sản phẩm và giải quyết các bài toán trong chính doanh nghiệp của mình hướng tới mục tiêu thương mại hóa và thu được lợi nhuận từ các sản phẩm đó.

Thứ hai, thông qua việc triển khai các dự án, cũng thúc đẩy mối liên kết giữa khu vực doanh nghiệp với viện, trường. Trước đây, tài trợ KH&CN chủ yếu dành cho các viện, trường thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Có thể nói việc triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ là một trong những hành động cụ thể đầu tiên để thể hiện quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Các Chương trình này đã góp phần vào quá trình dịch chuyển, mở ra một hướng mới đó là tài trợ cho mối liên kết giữa viện, trường với các doanh nghiệp và kết quả đầu ra là các sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao trên thị trường.
 

Kết quả Nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vaccine cúm A/H5N1, mã số SPQG.05b.03 đã được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép sản xuất và lưu hành. Ảnh: Sản xuất vaccine tại NAVETCO.
 

Ông có thể điểm qua một số kết quả dự án nổi bật của Chương trình mà dự báo là sẽ đem lại tác động lớn?

Thông qua các Chương trình, có nhiều sản phẩm, công nghệ lần đầu tiên được nghiên cứu, làm chủ, tạo ra ở Việt Nam có khả năng thương mại hóa và cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm ngoại nhập. Các sản phẩm trong lĩnh vực y dược, thú y là một điển hình. Trước đây, không có nhiều sản phẩm trong các lĩnh vực này, hoặc có nhưng không cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập, nhưng thông qua các Chương trình quốc gia, đã có nhiều sản phẩm làm chủ hoặc nghiên cứu mới tạo ra đã được lưu hành và thương mại hóa trên thị trường. Sản phẩm Stent mạch vành do công ty United Healthcare làm chủ chế tạo là một sản phẩm của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, được sản xuất, lưu hành và có chi phí thấp đủ để được đưa vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế, giúp cho rất nhiều bệnh nhân nghèo có thể tiếp cận được. Các dòng vaccine đa giá dành cho vật nuôi trước đây hầu hết là được nhập khẩu, thì nay đã có nhiều loại vaccine do Việt Nam sản xuất chiếm tỉ trọng tương đối trong thị trường vaccine, dần thay thế cho vaccine nhập khẩu (sản phẩm của các dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia). Hay dự án đổi mới công nghệ hỗ trợ cho Công ty Dừa Lương Quới làm dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt, chuyển từ việc trước đây chỉ làm phụ gia thực phẩm sang công nghệ chiết tách đảm bảo độ tinh khiết, đảm bảo chất lượng được FDA chứng nhận để xuất khẩu sang Mỹ.

Có thể nói, những chương trình này đã giúp thay đổi kết cấu thị trường của một số lĩnh vực cũng như giúp mở ra được cả một thị trường mới cho sản phẩm Việt Nam. Mặt khác, tác động của chương trình còn thể hiện ở chỗ những công ty như Dừa Lương Quới đã trở thành đơn vị có đủ năng lực để xử lý tới 40% số dừa quả ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, góp phần ổn định đầu ra cho người trồng dừa cũng như giải quyết vấn đề việc làm cho người dân tại đây.
 

Dự án Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất các sản phẩm mới từ mật ong và hoa quả của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo phối hợp với Viện Công nghiệp Thực phẩm (FIRI) đã nghiên cứu thành công công nghệ cô đặc chân không áp dụng với mật ong – làm giảm hàm lượng nước trong mật ong và hoa quả xuống còn 17-18% ở nhiệt độ thấp khoảng 45oC dưới điều kiện áp suất chân không.
 

Vậy Trong quá trình triển khai tổ chức hoạt động Chương trình KH&CN quốc gia, ông nhận thấy có những khó khăn gì và trong giai đoạn tới thì có những bài học kinh nghiệm nào rút ra từ giai đoạn trước?

Một trong những thách thức là các quy định về quản lý hành chính, quản lý tài chính vẫn còn tồn tại những điểm chưa thuận lợi. Trước đây các viện, trường (hầu hết đều nằm trong khu vực công) đã quen với triển khai nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lần đầu tham gia thực hiện dự án sử dụng ngân sách nhà nước, thì đó là thách thức không nhỏ. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại những quy định có liên quan, để có thể hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông cho các Chương trình KH&CN cũng sẽ được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa để tạo ra những tác động lan tỏa từ hai chiều: Doanh nghiệp được Chương trình hỗ trợ có thể vừa khẳng định vị trí sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng vừa nâng cao uy tín và vị thế, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường; đồng thời, các dự án thành công đó cũng là những câu chuyện truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp còn lại, giúp họ có nhận thức tốt hơn về hiệu quả của việc đổi mới, thúc đẩy cải thiện năng lực công nghệ trong nâng cao sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng dành thời gian cho cuộc trao đổi!

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/cac-chuong-trinh-khcn-quoc-gia-thu-hut-doanh-nghiep-dau-tu-cho-khcn/20201231092458422p1c785.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 3858

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)