Thứ hai, 30/11/2020 09:52 GMT+7

Chuyển đổi số: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, doanh nghiệp nằm ở vị trí nào trong chính sách của Chính phủ? Chính phủ có cơ chế, chính sách hoặc hỗ trợ gì để thúc đẩy sự chủ động của bộ ngành, doanh nghiệp lớn sẵn sàng tham gia vào liên kết start-up để phát triển những sản phẩm công nghệ và thực hiện mục tiêu chuyển đổi số.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (bên trái) và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn. Ảnh: Quang Hiếu

 

Ngay sau lễ khai mạc Techfest Vietnam 2020, đã diễn ra Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020 với chủ đề “Thanh niên cùng đất nước vượt qua thách thức”.

Trả lời câu hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Doanh nghiệp cần nhất đầu ra. Đâu là đầu ra lớn nhất của một quốc gia, đó là Chính phủ. Chính phủ là một hộ tiêu dùng lớn của một quốc gia”.

Chính phủ sẽ ưu tiên mua sắm các sản phẩm công nghệ và mua sắm những giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo, có tính đổi mới sáng tạo và ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Make in Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ công bố những bài toán về chuyển đổi số, đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như đổi mới sáng tạo.

"Nói đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đầu tiên là “va” chính sách. Việc chúng ta làm đều là việc mới, tức là chưa có thể chế. Việc đầu tiên Nhà nước làm là chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh mới", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói.

Hiện Chính phủ đã có chủ trương về sandbox (cơ chế thử nghiệm chính sách mới), các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ số hãy coi Bộ Thông tin và Truyền thông là "cơ chế một cửa" ra được sandbox, là đầu mối duy nhất cho các doanh nghiệp công nghệ số.

Nhiều quốc gia đã xây dựng thể chế cho công nghệ số, cách mạng 4.0, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trung tâm xây dựng chính sách cho công nghệ 4.0, cho các mô hình kinh doanh mới. Trung tâm này nằm ở Bộ TT&TT chính thức vận hành vào năm 2021, thừa hưởng những chính sách của thế giới và sẽ đứng ra “giải” việc “va” chính sách.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như đổi mới sáng tạo, "mỏ" lớn nhất là tài nguyên dữ liệu, chúng ta phải mở dữ liệu này ra. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về vấn đề này. Mới đây, Bộ TT&TT đã khai trương Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn), với 10.000 bộ dữ liệu. Tới đây các bộ, ngành sẽ mở tài nguyên của mình. “Đây là tài nguyên, một lượng “dầu mỏ” rất lớn cho các bạn đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Cũng liên quan đến chuyển đổi số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết năm 2016, Thủ tướng chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, năm 2020 được chọn là năm quốc gia chuyển đổi số. Đây là động lực, là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp phát triển.

Vậy Chính phủ, Thủ tướng đã làm gì để tạo động lực, cơ hội lớn cho doanh nghiệp? Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đầu tiên là vấn đề thể chế. Thủ tướng ban hành một loạt các quy định pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Vấn đề thứ 2 là thủ tục hành chính, có thể nói chưa nhiệm kỳ Chính phủ nào, Thủ tướng lại chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính như vậy. Khi mới bước vào nhiệm kỳ, nhiệm vụ nợ đọng là 25,2 % nhưng đến nay cả nước còn 1,8%. Như vậy, cắt giảm 23,4%.

Việc cải cách thủ tục hành chính chính là để tháo gỡ khó khăn, dỡ bỏ những rào cản khi gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Trước đây, sản xuất 1 cái kẹo socola phải 13 giấy phép, 1 mặt hàng 3-4 bộ quản lý liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh và 6.776/9.926 danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành cùng 30/130 bộ thủ tục hành chính. Một năm có khoảng 120.000-130.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là những con số chứng minh những chỉ đạo đích thực trong vấn đề khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp của Chính phủ.

Để trở thành quốc gia số, trước hết Chính phủ phải làm gương, cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước phải làm trước, hiện nay các văn bản của Thủ tướng, hệ thống báo cáo …đều được điện tử, sử dụng chữ ký số.

Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia chính là kênh hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính, sau 1 năm vận hành đang cung cấp trên 2.400 dịch vụ công/6.700 thủ tục hành chính, có hơn 90 triệu lượt truy cập, trên 25 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái. Bên cạnh đó, tích hợp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện dịch vụ công trên Cổng DVCQG là một tiến bộ rất lớn.

Trong quá trình chuyển đổi số, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh đến việc thay vì trước đây chúng ta làm dự án, hiện nay Nhà nước đặt hàng, giao cho doanh nghiệp thực hiện. Đây chính là cơ hội lớn để doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới, khởi nghiệp thực hiện “đầu bài” của Thủ tướng, Chính phủ.

Liên kết nguồn tin: http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Chuyen-doi-so-Co-hoi-lon-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao/202011/29103.vgp

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Lượt xem: 1042

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)