Thứ năm, 01/04/2021 11:38 GMT+7

Nhiều quyết sách quan trọng về KH-CN được ban hành trong quý I

Ngày 31-3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức Họp báo thường kỳ quý I. Tại buổi Họp báo, Lãnh đạo Bộ KH-CN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời trực tiếp những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy chủ trì buổi họp báo.

Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ quý I.

Bộ KH-CN cho biết, trong ba tháng đầu năm, Bộ tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số chính sách, pháp luật về KH-CN; xây dựng Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình/chiến lược/nhiệm vụ trong lĩnh vực KH-CN giai đoạn 2021-2030; tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ gửi Bộ Tư pháp để thẩm định theo quy định,…

Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền: Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11-1 về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 108/2021/QĐ-TTg ngày 22-1 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25-1 ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26-1 ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27-1 ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 1-2 ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04/02/2021 ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng KH-CN vũ trụ đến năm 2030; Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9-2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Nghị định số 19/2021/NĐ-CP ngày 15-3 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 3-4-2014;…

Bộ KH-CN đã ban hành Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1 của Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Nghị định số 142/2020/NĐ-CP ngày 9-12-2020 của Chính phủ quy định việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử; Kế hoạch tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng của Bộ KH-CN; Kế hoạch tổ chức thực hiện Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 22-1 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29-1 của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia;…

Bộ KH-CN đang tiếp tục triển khai đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”: Hoàn thiện platform nền tảng, đang cập nhật dữ liệu cho các dự án: Nhân đạo số (inhandao.vn), Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn), Bách khoa toàn thư mở (bktt.vn), Bản đồ an toàn covid (antoancovid.vn), Giáo dục số (igiaoduc.vn); hiện đang hoàn thiện platform các dự án: Dinh dưỡng số, Văn hóa số, Dược thư số, Công nghệ tiếng nói…. Bộ KH-CN đang phối hợp với VinBigData, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam và một số đơn vị liên quan, nghiên cứu xây dựng hệ thống Dữ liệu mở về KH-CN ứng dụng công nghệ BigData phục vụ cộng đồng nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tận dụng nền tảng công nghệ, dữ liệu và nguồn nhân lực hỗ trợ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Đồng thời tích cực, chủ động tham gia đóng góp và nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam về KHCN và ĐMST trong các tổ chức, diễn đàn song phương và đa phương như ASEAN, APEC, APO, ASEM, IAEA, UNESCO, WIPO, hợp tác khu vực và tiểu vùng Mê Công; tổ chức các buổi làm việc trực tuyến và trực tiếp với các đối tác nước ngoài: tổ chức họp định kỳ trực tuyến về đối thoại chính sách giữa Bộ KH-CN và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức (BMBF); làm việc với Đại sứ quán Italy chuẩn bị nội dung cho sự kiện Springer Publication Event.

Bộ đã ban hành Công văn số 133/BKHCN-TĐC ngày 23-1 hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định nguồn gốc, truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (Công văn số 529/VPCP-NN ngày 21-1). Trước đó, Bộ KH-CN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp nền tảng kỹ thuật truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ kỹ thuật truy xuất nguồn gốc trong trường hợp địa phương có nhu cầu xác định nguồn gốc của cây đào, cây mai.

Bộ đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở nhiều thị trường khác nhau. Để kịp đưa vải thiều sang Nhật Bản, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Bắc Giang và Công ty Concetti tìm kiếm các phòng thí nghiệm đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu và đánh giá các chỉ tiêu này theo yêu cầu của phía Nhật Bản để chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn có thể được bảo hộ tại Nhật Bản trong vụ vải 2021.

Trong quý I, Bộ KH-CN đã công bố 34 TCVN; hướng dẫn doanh nghiệp, tiếp nhận hồ sơ và xử lý cấp 701 mã doanh nghiệp; xử lý 69 hồ sơ xác nhận mã nước ngoài và ủy quyền sử dụng mã số, mã vạch. Công tác đo lường đã giải quyết các thủ tục hành chính và các công việc liên quan đến đo lường được xử lý nhanh chóng, kịp thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, đã cấp 11.787 văn bằng bảo hộ, trong đó có 869 Bằng độc quyền sáng chế, 403 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 8.320 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc gia, 2.132 Đăng ký nhãn hiệu quốc tế,...

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.com.vn/khoa-hoc/nhieu-quyet-sach-quan-trong-ve-kh-cn-duoc-ban-hanh-trong-quy-i--640427/

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 2841

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)