Thứ năm, 12/08/2021 21:55 GMT+7

Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải công nghiệp và y tế hướng đến nền kinh tế tuần hoàn - Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019

Cụm công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” của các tác giả Trịnh Văn Tuyên, Nguyễn Thế Đồng và Mai Trọng Chính đã được Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019. Đây là công trình đã được thực hiện từ những năm 2000, mang tính khoa học và ứng dụng cao trong thời điểm đó, đảm bảo xử lý các chất nguy hại và tỷ lệ nội địa hóa cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam vì vậy có ý nghĩa xã hội rất lớn: vừa xử lý được các chất thải nguy hại (chất thải rắn công nghiệp và nước thải y tế) đảm bảo an toàn cho môi trường sống của cộng đồng và sinh thái cũng như an ninh xã hội.

Theo nhận định được Ngân hàng Châu Á (ADB) công bố ngày 18/07/2019, Việt Nam là nền kinh tế “tăng trưởng nhanh nhất thế giới” trong thập kỷ vừa qua. Sự phát triển kinh tế với nhiều trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và công nghiệp lớn và cùng với sự gia tăng dân số không ngừng đã khiến cho rác thải rắn tại Việt Nam tăng không ngừng so với các nước trên thế giới. Theo Báo cáo từ Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, hiện nay lượng chất thải rắn trên cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm với tốc độ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 12%. Trong đó, lượng chất thải rắn y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6% mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ các khu công nghiệp vào khoảng 7 triệu tấn/năm (chiếm 56,4% lượng chất thải). Ngoài ra còn lượng chất thải qua các khu khai thác khoáng sản trong tự nhiên. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất của nước ta, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe của nhân dân đã đến mức báo động, vì vậy rất nhiều hệ lụy về mặt xã hội đã xảy ra trong lĩnh vực chất thải như xung đột các cộng đồng dân cư, hủy hoại hệ sinh thái... Hiện nay trên thế giới, mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ với 3 mục tiêu: (i) Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào; (ii) Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra; (iii) Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Theo xu hướng đó, Việt Nam đã thể chế hóa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, trong đó quy định kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường.  Luật đã chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải” (Điều 142)". Vấn đề đặt ra là việc xử lý chất thải, công nghệ xử lý rác lạc hậu cũng góp phần tạo ra sự ô nhiễm và lãng phí tài nguyên; công nghệ nhập ngoại chưa phù hợp với thực tế rác thải của Việt Nam do đặc điểm nguồn chất thải, điều kiện địa lý (địa hình, thời tiết, khí hậu…) Đứng trước nhu cầu thực tế, từ những năm cuối của thế kỷ 20, Viện Hàn lâm KHCNVN đã đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào xử lý chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam, trong đó cụm công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” của các tác giả Trịnh Văn Tuyên, Nguyễn Thế Đồng và Mai Trọng Chính đã được Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019.   

Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019, đây là công trình đã được thực hiện từ những năm 2000, mang tính khoa học và ứng dụng cao trong thời điểm đó, đảm bảo xử lý các chất nguy hại và tỷ lệ nội địa hóa cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam vì vậy có ý nghĩa xã hội rất lớn: vừa xử lý được các chất thải nguy hại (chất thải rắn công nghiệp và nước thải y tế) đảm bảo an toàn cho môi trường sống của cộng đồng và sinh thái cũng như an ninh xã hội. Ý nghĩa khoa học của công trình thể hiện ở 18 bài báo công bố trong nước và quốc tế, 03 Bằng Độc quyền Sở hữu trí tuệ (02 Bằng Độc quyền sáng chế và 01 Bằng Độc quyền giải pháp hữu ích).
 

Về mặt ứng dụng công nghệ được thể hiện bằng việc lắp đặt và vận hành công trình cho hơn 50 cơ sở, bệnh viện trong và ngoài nước (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Hữu nghị Luang prabang - Lào), Nhà máy in tiền quốc gia, lò thiêu gia cầm CTCP Japfa Comfeed Việt Nam, lò đốt khu bãi thải Vientiane tại Lào... Năm 2006, sản phẩm lò đốt chất thải rắn VHI-18B của Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KHCNVN) đã được trao tặng Cúp vàng tại Triển lãm môi trường Việt Nam.

Công trình này của các nhà khoa học đã gắn bó với Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm KHCNVN) từ khi thành lập, với nhiệt huyết góp tâm ý trong việc bảo vệ môi trường đáp ứng với Luật Bảo vệ Môi trường lần đầu công bố năm 1993. Từ cán bộ nghiên cứu, TS. Nguyễn Thế Đồng đã trải qua các vị trí quản lý như Viện trưởng viện Công nghệ Môi trường, Phó tổng cục trưởng tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) nên ông rất thấu hiểu các vấn đề môi trường Việt Nam hiện nay cũng như vướng mắc trong việc áp dụng các công nghệ xử lý môi trường. Ông mong muốn, cần thay đổi tư duy về quản lý chất thải rắn từ “tiêu hủy” đến “quản lý” đến “quản lý tổng hợp”; từ “chất thải” đến “coi chất thải là tài nguyên”; từ nền “kinh tế tuyến tính” sang “nền kinh tế tuần hoàn” để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn “không để Việt Nam trở thành bãi thải”.

Tiếp bước TS. Nguyễn Thế Đồng ở vị trí lãnh đạo Viện Công nghệ Môi trường, GS.TS. Trịnh Văn Tuyên cùng với KSC Mai Trọng Chính đã đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải phù hợp và đưa vào ứng dụng thực tế đạt hiệu suất xử lý cao tại hàng trăm cơ sở xử lý chất thải (bao gồm cả chất thải rắn và chất thải lỏng) với ưu điểm vượt trội của các công nghệ xử lý này là chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp, vận hành đơn giản, đạt hiệu quả xử lý môi trường. Đây là bước chuyển biến lớn nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển công nghệ và kỹ thuật của xã hội trong công tác bảo vệ môi trường.
 

Đến nay, Viện Công nghệ môi trường tiếp tục phát triển các nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào xử lý chất thải nguy hại trong điều kiện Việt Nam, sẵn sàng chuyển giao cho thị trường. Có thể kể đến một số các kết quả nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong lĩnh vực sử lý chất thải môi trường trong những năm gần đây:

(i) Dựa trên các kết quả nghiên cứu của tập thể các nhà khoa học, năm 2017, viện Công nghệ môi trường đã được cấp bằng độc quyền sáng chế số 17.174 về “Quy trình xử lý nước thải chứa hàm lượng kim loại nặng và sulfat cao bằng cách sử dụng đá vôi, mùn cưa đã thủy phân và thực vật thủy sinh”. Trên cơ sở đó Viện đã xây dựng được mô hình đất ngập nước nhân tạo trên diện tích 43.000m2 để xử lý nước thải thứ cấp có chứa các chất ô nhiễm như COD, N, P, Mn, Fe, Phenol, CN-... Mô hình công nghệ được vận hành trong 18 tháng và hiệu quả xử lý nước thải là ổn định, nước thải an toàn với hệ sinh thái.
 

Mô hình công nghệ đất ngập nước nhân tạo để xử lý nước thải.

(ii) Lò đốt chất thải rắn nguy hại dạng cột và hệ thống lò đốt chất thải rắn nguy hại gồm lò đốt đã nhận được Bằng độc quyền sáng chế số 21503. Lò đốt có công suất 50kg/ngày để xử lý chất thải rắn nguy hại đạt tiêu chuẩn QCVN 30:2010/BTNMT.

Từ các nghiên cứu xử lý chất thải rắn nguy hại trong lò không dùng nhiên liệu dạng cột NFIC do tận dụng nhiệt độ cháy để sấy rác đã khắc phục được những hạn chế của việc tăng chi phí sấy ngoài và phát sinh mùi hôi thối. Quá trình sấy tận dụng nhiệt sẽ diễn ra ở trong lòng cột tháp. Với nguyên lý đối lưu không khí dạng hút, hệ thống vận hành đạt được nhiệt độ tối ưu và cho hiệu quả vận hành của từng quá trình sấy, carbon hoá và cháy mà không sử dụng nhiên liệu, giảm chi phí xử lý, vận hành đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với các địa phương.

(iii) Công nghệ xử lý bùn thải (phát sinh từ hoạt động sản xuất và xử lý nước) hữu cơ sinh học phát điện và sản xuất phân bón hữu cơ. Đây là công nghệ đã và đang được các nước tiên tiến trên thế giới quan tâm nhằm tạo ra năng lượng và các sản phẩm có giá trị từ quá trình sản xuất và xử lý nước thải công nghiệp, như: phát điện, phân bón hữu cơ. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, làm giảm đáng kể lượng bùn thải phát sinh và chi phí xử lý. Công trình này đã được Quỹ Toàn cầu Hitatchi trao chứng nhận đoạt Giải nhất Sáng tạo châu Á 2020 cho PGS.TS Đỗ Văn Mạnh (tác giả công trình).

Với tính chất ô nhiễm của chất thải ngày càng phức tạp, tiêu chuẩn xử lý chất thải ngày càng khắt khe hơn nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân, môi trường sống trong lành của toàn hệ sinh thái trên trái đất, đòi hỏi công nghệ và hiệu quả xử lý các chất thải cần được nâng cao hơn nữa, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 đã vinh danh các nhà khoa học đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các công nghệ xử lý chất thải môi trường và mong muốn khích lệ các nhà khoa học thế hệ sau tiếp bước, mang tâm sức, trí tuệ của mình phục vụ công cuộc bảo vệ môi trường, chuyển đổi tư duy phát triển bền vững nền kinh tế tuần hoàn cho tương lai XANH – SẠCH – ĐẸP.
 

Liên kết nguồn tin:

https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ung-dung-cong-nghe-xu-ly-chat-thai-cong-nghiep-va-y-te-huong-%C4%91en-nen-kinh-te-tuan-hoan-giai-thuong-tran-%C4%91ai-nghia-nam-2019-20128-463.html

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Lượt xem: 6583

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)