Thứ hai, 01/11/2021 16:21 GMT+7

Hoàn thành nhiều mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng

Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ trong sản xuất giống cây trồng nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đột biến có năng suất và chất lượng cao chủ động trong việc sản xuất giống trong nước.

Toàn cảnh hội nghị.

Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” (mã số KC.05/16-20) có 23 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gồm 20 Đề tài khoa học và 3 dự án sản xuất thử nghiệm. Tại lễ tổng kết vừa được tổ chức, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình KC.05/16-20 cho biết: Chương trình đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu, nội dung nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu đã đạt được các chỉ tiêu đề ra trong khung chương trình. 

Chương trình đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc chuẩn bị đầu tư xây dựng thành công Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân với lò nghiên cứu mới và xây dựng thành công đưa vào vận hành Mạng lưới quan trắc phóng xạ, ứng phó sự cố hạt nhân quốc gia. Đồng thời góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ và năng lực tư vấn thẩm định của Việt Nam trong các nhiệm vụ liên quan đến phát triển năng lượng nguyên tử của đất nước, hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ, an toàn bức xạ và môi trường, an toàn hạt nhân theo lộ trình đặt ra của các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - xã hội và định hướng quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử đến năm 2030.

Chương trình cũng đã góp phần phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng, góp phần triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường.

Bên cạnh các đóng góp khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân, vật liệu, nhiên liệu, hóa học... chương trình cũng đã góp phần làm chủ một số lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của quốc gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ với nhiều chuyên gia đẳng cấp quốc tế, có khả năng tham gia vào một số chương trình nghiên cứu với các nước tiên tiến và khu vực, tham gia tư vấn trong nước và quốc tế.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng bày tỏ ấn tượng về kết quả của Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển phụ gia đa năng, giải pháp hiệu quả trong tiết kiệm năng lượng”, cũng như các kết quả nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu hạt nhân.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ, quan điểm về công tác quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian tới là định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Để các sản phẩm của Chương trình được chuyển giao vào sản xuất, doanh nghiệp, thì bản thân các nhà khoa học phải đề xuất trong công tác nghiên cứu và các doanh nghiệp đặt đầu bài cho các nhà khoa học.

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.vn/khoa-hoc/hoan-thanh-nhieu-muc-tieu-ung-dung-va-phat-trien-cong-nghe-nang-luong-671950/

 

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 960

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)