Thứ sáu, 29/10/2021 11:00 GMT+7

Hướng tới nguồn nguyên vật liệu bền vững

Công nghệ vật liệu mới luôn được xác định là một trong 4 công nghệ cao được ưu tiên phát triển trong bối cảnh nhu cầu vật liệu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam ngày càng tăng. Việc thực hiện thành công “Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, góp phần đóng góp cho xã hội những sản phẩm khoa học có chất lượng cao, tạo thêm việc làm, tăng doanh thu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm công nghệ vật liệu mới tại Hội thảo tổng kết “Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”.

 

Nhiều kết quả mang tính thực tiễn cao

Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới (mã số KC.02/16-20) là Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, được xây dựng với mục tiêu tiếp thu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến sản xuất các nguyên liệu, vật liệu từ các loại khoáng sản Việt Nam có tiềm năng lớn, tạo ra và phát triển các công nghệ mới sản xuất vật liệu phục vụ công nghiệp hỗ trợ; vật liệu thông minh, thân thiện môi trường; vật liệu có tính năng đặc biệt phục vụ các ngành kinh tế và an ninh quốc phòng. Trên cơ sở đó hình thành, hỗ trợ phát triển một số dây chuyền sản xuất nguyên liệu, vật liệu mới quy mô công nghiệp phục vụ cho các ngành kinh tế và an ninh quốc phòng.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm Chương trình KC.02/16-20 cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện, 23/24 nhiệm vụ của chương trình đã nghiệm thu, một nhiệm vụ còn lại sẽ hoàn thành trong năm nay. Mặc dù có khó khăn trong quá trình nghiên cứu nhiệm vụ, đặc biệt là ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 kéo dài ở giai đoạn cuối của chương trình, nhưng hầu hết đề tài, dự án được nghiệm thu, nhiều sản phẩm được thương mại hóa. Nội dung và lĩnh vực nghiên cứu của Chương trình KC.02/16-20 không có sự đan xen, chồng lấn với các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác, song vẫn bảo đảm sự kế thừa, liên kết và liên thông, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình có 24 sản phẩm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo ra 135 giải pháp công nghệ có tính ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, có 76 vật liệu mới tạo ra, trong đó 15 vật liệu mới đã hoàn thành. Các sản phẩm của chương trình đều có trình độ khoa học cao, ứng dụng thực tế, trong đó có 6 nhiệm vụ hình thành được hướng nghiên cứu mới có giá trị đối với Việt Nam cũng như trên thế giới, như chất dẻo tính năng đặc biệt, hợp kim titan y sinh, công nghệ plasma xử lý vải chống cháy, vật liệu bê tông asphalt tái chế ấm, chất phủ chống cháy trên bề mặt các loại vật liệu và vật liệu compozit xốp dẫn điện.

Về ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống, các nhiệm vụ thuộc chương trình đã phát triển được 30 mẫu, mô hình; 36 sản phẩm dạng hàng hóa có thể tiêu thụ; 92 loại vật liệu; 18 thiết bị, máy móc; 17 dây chuyền công nghệ; 117 giải pháp, quy trình công nghệ; 2 nguyên lý ứng dụng; 8 cơ sở dữ liệu, số liệu; 82 bản vẽ thiết kế; 5 sơ đồ, bản đồ; 26 báo cáo phân tích; 46 tài liệu dự báo; 33 tiêu chuẩn, 9 luận chứng kinh tế - kỹ thuật; 3 báo cáo nghiên cứu khả thi...

Xét về hiệu quả kinh tế - xã hội, việc thực hiện thành công của chương trình đã đóng góp những sản phẩm khoa học có chất lượng cao. Tạo ra các quy trình công nghệ tiên tiến, các loại vật liệu mới, các thiết bị khoa học mới với giá thành hạ là nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm cuối cùng, góp phần tạo thêm việc làm, tăng doanh thu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc, các kết quả khoa học của chương trình cho thấy một số lĩnh vực đã tiệm cận hoặc ngang bằng so với trình độ khoa học trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là một tín hiệu vui đối với việc phát triển các công nghệ, vật liệu mới, có giá trị ở tầm thế giới đã được quan tâm nghiên cứu.

Hướng tới những sản phẩm theo nhu cầu xã hội

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc khẳng định, các nhiệm vụ thuộc chương trình có tính liên ngành rõ rệt và để giải quyết trọn vẹn một vấn đề từ nghiên cứu tạo ra vật liệu, sản phẩm mới cho đến ứng dụng, triển khai thực tế và thương mại hóa, vẫn cần sự phối hợp mang tính thực chất giữa các ngành, lĩnh vực, các chuyên gia có liên quan.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), các nhiệm vụ của chương trình đã có nhiều tiến bộ so với các giai đoạn trước như hướng tới tính ứng dụng nhiều hơn, các doanh nghiệp tham gia cũng nhiều hơn. Ngoài kinh phí ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực khác từ xã hội hóa ngày càng có tỷ lệ cao.

Trong giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng khung chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hậu đề xuất, cần định hướng các chỉ tiêu khoa học, ứng dụng; tăng cường sự tham gia từ phía doanh nghiệp, nâng tầm quy mô, hướng tới những lĩnh vực mà doanh nghiệp, tập đoàn lớn có nhu cầu; những vật liệu mới, phục vụ cho lĩnh vực an ninh - quốc phòng, phát triển vật liệu thân thiện với môi trường, giải quyết bài toán cấp thiết đối với xã hội.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của Chương trình KC.02/16-20, những sản phẩm của chương trình mang tính thực tiễn cao, được thể hiện thông qua các sáng chế, sở hữu đăng ký, hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực vật liệu cho đất nước.

"Mong muốn tiếp tục nhận được những chia sẻ, góp ý từ các nhà khoa học để chương trình tập trung hơn nữa vào những sản phẩm gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội; tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời tiếp tục rà soát chương trình, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học yên tâm, cống hiến cho hoạt động nghiên cứu", ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Liên kết nguồn tin:

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1015754/huong-toi-nguon-nguyen-vat-lieu-ben-vung

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 2664

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)