Thứ sáu, 08/10/2021 11:44 GMT+7

Việt Nam - hình mẫu về đổi mới sáng tạo

Đại dịch Covid-19 có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, Việt Nam vẫn là hình mẫu về đổi mới sáng tạo, khi nỗ lực xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).

Hội thảo giới thiệu chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021 và kết quả của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội.

Năm thứ ba liên tiếp trong tốp 50 thế giới

GII là một đánh giá khách quan của quốc tế về từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các quốc gia. Trong Bảng xếp hạng GII năm 2021 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO) vừa công bố, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế (năm 2020 Việt Nam xếp thứ 42/131, còn năm 2019 đứng thứ 42/129 quốc gia và nền kinh tế) sau khi số liệu GDP của Việt Nam được cập nhật theo tính toán mới (tăng khoảng 36% so với năm 2020).

Năm nay, mặc dù Việt Nam giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra đổi mới sáng tạo (thứ hạng 38) và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo (xếp hạng 60 so với vị trí 62 năm 2020), nhưng ảnh hưởng của phương pháp tính toán với giá trị GDP mới, lớn hơn đã điều chỉnh thứ hạng của Việt Nam.

Do có nhiều yếu tố tác động đến kết quả xếp hạng, nên bên cạnh vị trí xếp hạng, Báo cáo GII đã công bố khoảng tin cậy để làm căn cứ khi so sánh giữa các thứ hạng gần nhau. Năm 2021, Việt Nam có thứ hạng là 44 và khoảng tin cậy nằm trong khoảng 42-47; năm 2020, Việt Nam có thứ hạng 42 và khoảng tin cậy là 41-50. Do vậy, nếu đánh giá theo khoảng tin cậy thì thứ hạng GII của Việt Nam năm 2021 và 2020 là gần như tương đương. Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu.

Theo đánh giá của WIPO, năm 2021, hệ thống Đổi mới sáng tạo của Việt Nam có những cải thiện nổi bật về “Trình độ phát triển của thị trường” (xếp hạng 22 so với vị trí 34 năm 2020). Đây cũng là trụ cột có thứ hạng cao nhất trong 7 trụ cột của GII. Trong đó, tiến bộ mạnh nhất là nhóm chỉ số về “Thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường” (xếp hạng 15 so với vị trí 49 năm 2020). Đây là kết quả của các nỗ lực gỡ bỏ rào cản thuế quan thông qua hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia trong vài năm trở lại đây.

Nhóm chỉ số về Tín dụng của Việt Nam luôn được đánh giá cao, tiếp tục giữ thứ hạng 9 đã đạt được từ năm 2020 và là nhóm chỉ số có thứ hạng cao nhất trong tổng số 21 nhóm chỉ số của GII. Trong nhóm chỉ số này, chỉ số “Tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân (% GDP)” tiếp tục cải thiện 3 bậc (từ hạng 15 lên 12).

Trong nhóm chỉ số về “Liên kết đổi mới sáng tạo”, chỉ số “Hợp tác đại học - doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển” tăng 31 bậc (xếp hạng 34 so với vị trí 65 năm 2020). Chỉ số “Quy mô phát triển cụm công nghiệp” tăng 25 bậc (xếp hạng 17 so với vị trí 42 năm 2020). Các chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp và viện, trường, phát triển các khu công nghiệp, kinh tế, khu công nghệ cao và các cụm công nghiệp nhỏ đã được phát huy, nhờ đó nhóm chỉ số “Liên kết đổi mới sáng tạo” đã được cải thiện tích cực nhất từ trước tới giờ, tăng 17 bậc (xếp hạng 58 so với vị trí 75 năm 2020).

Theo đánh giá của WIPO, Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế có GII tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng đổi mới sáng tạo theo thời gian. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam có tiềm năng thực sự để thay đổi cục diện đổi mới sáng tạo toàn cầu trong những năm tới.

Khẳng định hiệu quả đầu tư

Có nhiều yếu tố quan trọng tạo nên kết quả nói trên, trong đó phải kể đến việc từ năm 2017 đến nay, Chính phủ nước ta đã sử dụng chỉ số GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này và Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung.

Các chuyên gia WIPO đã giúp Việt Nam nhìn thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để tập trung giải quyết, thúc đẩy chỉ số đổi mới sáng tạo. Ông Marco M.Aleman, Trưởng cơ quan Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, Trợ lý - Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO đánh giá, việc Chính phủ Việt Nam sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo của quốc gia là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của đất nước. Các quốc gia khác đang học hỏi từ Việt Nam về cách sử dụng GII một cách có hệ thống để đánh giá những thay đổi về kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo ở cấp độ cao nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, suốt hai năm qua, Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác bị ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19, nhưng đầu tư cho đổi mới sáng tạo vẫn được duy trì. Quá trình đầu tư cho đổi mới sáng tạo của Việt Nam được thể hiện qua các kết quả nghiên cứu phát triển trong nhiều năm và kịp thời đưa vào ứng phó với đại dịch Covid-19, như: Bộ kit xét nghiệm, phát triển robot tự hành, máy tạo ô xy dòng cao, nghiên cứu vắc xin Nanocovax... Các yếu tố liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như chống đứt gãy trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế trong thời gian tới đã phần nào thể hiện trong chỉ số sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2021.

Liên kết nguồn tin:

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1013947/viet-nam---hinh-mau-ve-doi-moi-sang-tao

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 1147

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)