Chủ nhật, 07/11/2021 10:20 GMT+7

Dùng công nghệ nhận diện chất quý trong chè Shan

Các nhà khoa học Việt đã sử dụng công nghệ nhận diện chè Shan thuần chủng và thành phần hoạt chất theo vùng trồng để mở rộng sản phẩm từ cây chè.

"Nghiên cứu khai thác sử dụng nguồn tài nguyên chè Shan ở Việt Nam" là đề tài do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Miền núi phía Bắc chủ trì. Thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân loại các giống chè Shan ở Việt Nam và xây dựng các quy trình phân tích, thu nhận catechin thành phần và anthocyanin trong chè.

TS Đặng Văn Thư, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, cây chè Shan núi cao được đồng bào dân tộc trồng theo kiểu cây rừng trong vườn nhà. Cùng là giống chè Shan nhưng được trồng ở nhiều nơi như Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu... Liệu các giống chè này có mối quan hệ họ hàng với nhau không? Cùng giống chè Shan, nhưng trồng trong các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau thì chất lượng thế nào? Các hoạt chất quý có trong chè Shan được lấy ra bằng cách nào? Nhóm các nhà khoa học đã đi tìm câu trả lời.
 

TS Trần Xuân Hoàng, thành viên nhóm nghiên cứu trong chuyến công tác tìm hiểu về chè Shan tại Yên Bái. Ảnh: NVCC
 

Qua nghiên cứu, khảo sát, các nhà khoa học phát hiện, chỉ có 30% chè Shan là thuần chủng, còn lại 70% diện tích là cá thể lai. Nếu để phát triển tự phát, nguồn gene quý của chè Shan sẽ dần mai một. Bài toán đầu tiên là phải chọn ra được các cá thể cây đầu dòng làm giống. Sử dụng các biện pháp mô tả hình thái kết hợp với công nghệ sinh học, nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 23 cây chè có tuổi từ 300 – 600 năm để làm nguồn nhân giống.

Các mẫu chè Shan đầu dòng sau đó cũng được thu thập ở Hà Giang, Điện Biên và Yên Bái... để phân loại và phân tích các thành phần. Thông tin được tìm kiếm ở trong các mẫu chè là hàm lượng catechin (tác dụng hàn chế các bệnh tim mạch, tiểu đường...), tannin (có tác dụng ngăn ngừa oxy hóa và kháng khuẩn), anthocyanin (chống oxy hóa, hạn chế tế bào ung thư phát triển)... Nhóm nghiên cứu cũng tìm cách tách chiết các hợp chất quý này để ứng dụng vào các sản phẩm khác.

Khi phân tích hàm lượng tannin trong búp chè Shan núi cao ở các điểm điều tra cho kết quả, trồng ở độ cao hàm lượng tannin cao hơn. Trong đó, mẫu chè ở Cao Bồ - Hà Giang có hàm lượng tannin cao nhất (30,45%), mẫu ở Suối Giàng - Yên Bái thấp nhất (29,27%).

Hàm lượng catechin tổng số trong búp chè Shan một tôm hai lá ở các điểm điều tra cũng tuân theo quy luật cao nhất là Cao Bồ - Hà Giang (153,25 mg/gck), tiếp đến Tủa Chùa - Điện Biên (141,02 mg/gck) và thấp nhất là Suối Giàng - Yên Bái (138,53 mg/gck). Số liệu cho thấy hàm lượng catechin trong búp chè luôn thay đổi, phụ thuộc vào giống và điều kiện vùng sinh thái.

Nhóm nghiên cứu đã tách chiết các hợp chất quý này trong chè, làm nguyên liệu cho dược phẩm, chế biến thực phẩm chức năng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị cho cây chè Shan núi cao Việt Nam. Hiện nhóm nghiên cứu đã ứng dụng các sản phầm chè hòa tan, các loại bánh kẹo, kem, sữa rửa mặt... Hai sản phẩm chủ đạo của đề tài nghiên cứu là chè Shan túi lọc cốm gạo lứt và chè xanh bột hòa tan cốm gạo lứt.

TS Thư cho biết, các sản phẩm này được bổ sung hàm lượng catechin và có giá bán trung bình từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, cao hơn các sản phẩm thông thường khác từ 50 - 100.000 đồng/kg. Sản phẩm này có thể cạnh tranh với các sản phẩm chè hiện có trên thị trường.
 

Cây chè Shan cổ ở Suối Giàng - Yên Bái. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.
 

TS Lê Tất Khương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đây là công trình khoa học đầu tiên ứng dụng công nghệ sinh học phân loại chè Shan đặc sản của vùng núi cao Việt Nam. Nghiên cứu này là cơ sở cho công tác chọn giống, khai thác chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao từ chè Shan và chè nói chung. Việc xây dựng quy trỉnh phân tích catechin thành phần và anthocyanin cho chè Shan phục vụ cho việc nghiên cứu chế biến các sản phẩm chè cao cấp, đặc biệt là chế biến, sản xuất các sản phẩm chức năng như đồ uống, mỹ phẩm.... từ chè.

TS Đặng Văn Thư cho biết, dựa trên các kết quả này, nhóm sẽ tiếp tục phát triển thực hiện lai chéo giống chè Shan giữa các vùng, xa hơn là lai chéo chè Shan với giống chè khác để chọn ra những tính trạng tốt nhất phục vụ sản xuất.

Thông tin về các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, xin liên hệ: - Văn phòng các Chương trình khoa học và Công nghệ quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 113 - Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: (84.24) 3.5551.726 – Fax: (84.24) 3.5551.725. Email: vpctqg@most.gov.vn. Webiste:http://vpctqg.gov.vn

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/dung-cong-nghe-nhan-dien-chat-quy-trong-che-shan-4381121.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 2034

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)