Quang cảnh hội nghị Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ chính phủ điện tử”, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Những sản phẩm đạt trình độ tiên tiến
Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ chính phủ điện tử” (Chương trình KC.01/16-20) được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện, với các mục tiêu chính: Phát triển các giải pháp công nghệ về phần cứng, phần mềm, tạo nền tảng cho phát triển các ứng dụng phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; nghiên cứu, làm chủ công nghệ, chế tạo một số sản phẩm phần cứng, phần mềm đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin nhằm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, trong đó một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm định sản phẩm; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin hình thành hệ sinh thái cho phát triển Chính phủ điện tử.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình KC.01/16-20 cho biết, sau hơn 4 năm triển khai, chương trình đã thực hiện 26 nhiệm vụ, nghiên cứu và làm chủ 18 loại sản phẩm thiết bị máy móc (281 thiết bị), 44 sản phẩm phần mềm, cơ sở dữ liệu, đáp ứng yêu cầu phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nhằm triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử, trong đó, một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Đã có 30 bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín, 28 bài báo trên báo chí trong nước, 34 bài báo trong hội thảo quốc tế, 8 bài báo hội thảo trong nước, đào tạo 78 thạc sĩ, tham gia đào tạo 35 tiến sĩ, 19 sản phẩm được đăng ký bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ.
Chương trình KC.01/16-20 đã giúp tăng cường khả năng làm chủ, ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ điện toán đám mây phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử; bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao, năng lực nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; sự tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp đã nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ mới phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản phẩm của các đề tài đã được đưa vào ứng dụng thực tế phục vụ cho phát triển Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.
100% đề tài đã nghiệm thu đều có kết quả được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ các hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, có tiềm năng thương mại hóa. Nhiều sản phẩm đã được triển khai ứng dụng thực tế phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử, như: Dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách ứng dụng tại thành phố Đà Nẵng; hệ thống thu thập dữ liệu và phân tích một số chỉ số hiệu năng thực hiện (KPI) của đô thị thông minh; nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tổ chức quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý đất đai ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) được Bộ Tài nguyên và Môi trường tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; phần mềm cung cấp dịch vụ hành chính công cấp tỉnh trên cơ sở nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được triển khai tại tỉnh Quảng Nam; nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI), phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị ứng dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế… Trên 50% nhiệm vụ có kết quả có thể tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ ở giai đoạn tiếp theo.
Luôn đồng hành, hỗ trợ
Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, và Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện “Chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong giai đoạn tới, chương trình định hướng triển khai một số nội dung, như: Nghiên cứu xây dựng mô hình, nền tảng và các giải pháp kỹ thuật cho phát triển Chính phủ điện tử, giải pháp kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia, bảo đảm an toàn an ninh, lưu trữ thông tin; nghiên cứu làm chủ công nghệ và chế tạo thiết bị phần cứng chuyên dụng phục vụ hoạt động chính phủ điện tử, trong đó bảo đảm các hướng công nghệ mới, như: AI, Big Data (dữ liệu lớn), Blockchain (chuỗi khối), IoT (internet vạn vật)…; nghiên cứu xây dựng một số chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nhà nước...
Để chương trình đạt kết quả tốt cần có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là sự tham gia từ các bộ, ngành có nhiều dịch vụ công, như: Tài chính, kế hoạch - đầu tư, giao thông - vận tải, y tế… “Bộ Khoa học và Công nghệ luôn đồng hành, hỗ trợ tốt nhất để các cá nhân, tổ chức thực hiện có hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ của chương trình phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết.
Liên kết nguồn tin:
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1017031/phat-trien-nhieu-san-pham-phuc-vu-chinh-phu-dien-tu