Thứ tư, 21/07/2021 16:39 GMT+7

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Nâng sức mạnh quốc gia

Ngày 26-1-2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Theo đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ nâng cao được sức mạnh quốc gia, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam cần vượt qua những khó khăn liên quan đến quá trình thu thập, chia sẻ và bảo đảm chất lượng dữ liệu...

Việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới. Trong ảnh: Nghiên cứu giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Tập đoàn Công nghệ CMC. Ảnh: Nhật Nam

Thách thức về hạ tầng dữ liệu 

Trước đây, AI được xếp là một ngành khoa học hàn lâm, chưa có nhiều ứng dụng thì gần đây, với sự hội tụ của nhiều công nghệ như dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây,... gần với cuộc sống hơn, tạo ra nhiều thành tựu mới. Đặc biệt, trải qua hơn 1 năm dịch Covid-19 bùng phát, công nghệ trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch. Đơn cử, thông qua các ứng dụng thiết thực như truy vết người tiếp xúc đã phát huy hiệu quả khi có ổ dịch hoặc ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, giúp đội ngũ cán bộ y tế điều tra lịch trình, lấy thông tin dịch tễ... Nếu được quan tâm phát triển, AI có thể chứng minh hiệu quả lớn hơn nữa.

Hiện, hạ tầng dữ liệu và tính toán có vai trò rất quan trọng trong phát triển AI. Theo Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup (VinBigdata), ai nắm được dữ liệu sẽ có nhiều ứng dụng trong tương lai và dữ liệu tốt phải có các tính chất: Đủ lớn, được gắn nhãn, có tính đại diện, tiếp cận được, đáng tin cậy và sạch.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tích hợp thông minh, có thể phân hạ tầng dữ liệu làm ba loại. Thứ nhất, là hạ tầng thu thập và lưu trữ dữ liệu, cơ sở đầu vào cho các tính toán. Thứ hai, là hạ tầng chế tác dữ liệu, chuẩn hóa, dán nhãn dữ liệu để phục vụ cho các mô hình học máy. Thứ ba, là hạ tầng phục vụ dữ liệu, giúp tạo ra các cơ chế chia sẻ dữ liệu, khai thác và dùng trong các tác vụ tính toán.

Trong khi đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Thí nghiệm mục tiêu AI, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 KC4.0/19-25, hiểu rõ về tầm quan trọng của việc thu thập, bảo đảm chất lượng dữ liệu, cũng như cơ chế chia sẻ dữ liệu, hạ tầng tính toán sẽ giúp các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ tận dụng, phát huy được năng lực của mỗi bên.

Trên thực tế, bất kỳ ứng dụng công nghệ mới nào cũng phải phát triển dựa vào dữ liệu. Tuy nhiên, hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam mới chỉ ở mức sơ khai và đang nằm rải rác khắp nơi. Bên cạnh đó, hiện nước ta cũng đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn khác của hạ tầng dữ liệu là vấn đề chất lượng.

Tiến sĩ Võ Sỹ Nam, Trưởng phòng Tin y sinh ứng dụng, VinBigdata cho biết, chất lượng dữ liệu là then chốt trong AI, bởi ước tính 80% công việc hiện nay trong các ứng dụng AI là xử lý dữ liệu. Ngoài ra còn phải kể đến những thách thức khác, như hiệu năng hệ thống do khối lượng tính toán lớn, tốn tài nguyên, cần cập nhật dữ liệu và vấn đề đồng nhất dữ liệu. Vì vậy, Việt Nam cần một kế hoạch dài hạn để xây dựng, duy trì và phát triển hạ tầng dữ liệu.
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cùng các khách mời tham dự tọa đàm trực tuyến “Phát triển hạ tầng dữ liệu và tính toán cho trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam”.

Để Việt Nam trở thành điểm sáng về AI

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 được Chính phủ ban hành với hy vọng tạo ra cú huých cho sự phát triển AI của Việt Nam, nâng tầm sức mạnh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.

Theo các chuyên gia, để thực hiện thành công chiến lược trên, ngoài những vấn đề liên quan đến chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng..., cần giải quyết được những thách thức về hạ tầng dữ liệu; tổ chức được các chương trình nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu, xây dựng đồng bộ hạ tầng máy tính có khả năng tính toán lớn, cũng như đội ngũ kỹ thuật viên có thể xử lý những dữ liệu lớn trên các hệ thống tính toán này.

Ở góc độ doanh nghiệp nghiên cứu, Tiến sĩ Võ Sỹ Nam, Trưởng phòng Tin y sinh ứng dụng, VinBigdata cho biết, để bảo đảm được chất lượng dữ liệu, cần kiểm thử và đánh giá chất lượng dữ liệu liên tục qua các bước. Các nhà khoa học trong lĩnh vực y sinh rất chú ý đến vấn đề này, họ cực kỳ cẩn thận khi thu thập dữ liệu, ghi chú kỹ lưỡng từng bước một trong quá trình dán nhãn.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới AI; hình thành hạ tầng cơ sở dữ liệu chất lượng thông qua triển khai mạnh mẽ hình thức hợp tác công - tư, đồng tài trợ cho các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển và trung tâm ứng dụng AI; hình thành một số nhóm nghiên cứu trọng điểm về AI và khoa học dữ liệu trong một số trường đại học, viện nghiên cứu công lập; đồng thời, thúc đẩy xây dựng một số trung tâm đổi mới sáng tạo về AI, hình thành một số thương hiệu của Việt Nam về AI trên thế giới.

Liên kết nguồn tin:

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1006250/day-manh-nghien-cuu-phat-trien-va-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-nang-suc-manh-quoc-gia

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 1289

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)