Thứ năm, 15/07/2021 16:45 GMT+7

Hà Nội nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển khoa học - công nghệ

Sáng 14-7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội”.

Đồng chủ trì tọa đàm có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. Tham gia tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương; Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoach và Đầu tư); Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, cùng các chuyên gia, nhà khoa học thuộc thành phố.

Báo cáo đề dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho biết, để phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có nội dung: Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố, Hà Nội “tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách” nhằm phát triển Thủ đô trong các lĩnh vực. Từ năm 2021, Hà Nội triển khai nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, trong đó, có vấn đề về “Phát triển khoa học và công nghệ”.

Buổi tọa đàm tập trung thảo luận 2 vấn đề: Trao đổi, phân tích làm rõ thực trạng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn vừa qua; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo Thủ đô trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản nhận xét, từ số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, tác động của khoa học - công nghệ Thủ đô đối với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Những hạn chế, bất cập đó được thể hiện ở một số phương diện: Thứ nhất, những chỉ số phát triển tổng hợp cho thấy kinh tế Thủ đô Hà Nội vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng; năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Hà Nội tuy ngày càng được cải thiện và tăng lên, song còn thấp. Thứ hai, chỉ số ICOR (thể hiện hiệu suất đầu tư) vẫn còn cao so với thủ đô các nước trong khu vực... Thứ ba, trình độ công nghệ của nền sản xuất xã hội được nâng lên, song nhìn chung còn thấp, chậm được đổi mới. Thứ tư, số lượng doanh nghiệp khoa học – công nghệ còn khiêm tốn. Thứ năm, thị trường khoa học - công nghệ Thủ đô hiện nay dù đã có bước phát triển nhất định, song nguồn cung thị trường khoa học - công nghệ vẫn chậm phát triển.

Đề xuất nội dung và chính sách cho Luật Thủ đô sửa đổi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nêu quan điểm xây dựng luật cần tư duy dài hạn, cần cơ chế, chính sách đủ mạnh để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cũng nêu 3 chính sách cụ thể. Một là chú trọng phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ gắn với trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Hai là đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ công lập và ngoài công lập. Ba là, trọng dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm để giải quyết các vấn đề lớn, các vấn đề cấp bách của Thủ đô.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét, chiến lược của thành phố hiện nay là quá rộng, Hà Nội cần xác định những lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng tâm nhất, đồng thời, phải là những lĩnh vực mũi nhọn nhất như: Công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… để nắm bắt cơ hội vươn lên.

Phát biểu tiếp thu và kết luận tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trân trọng cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến và khẳng định, tất cả các ý kiến sẽ được Viện tiếp thu, tổng hợp và báo cáo thành phố để dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sẽ được xây dựng với chất lượng cao.

Liên kết nguồn tin:

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1005661/ha-noi-nghien-cuu-de-xuat-co-che-chinh-sach-dac-thu-de-phat-trien-khoa-hoc---cong-nghe

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 950

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)